Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ năm, 02/05/2024, 15:10 PM

Niềm tin và sự khủng hoảng của niềm tin trong lĩnh vực Phật giáo

Mục đích bài viết nhằm phân tích để thấy rõ niềm tin của con người và sự khủng hoảng về niềm tin Phật giáo hiện nay, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và những giải pháp tốt hơn trong tương lai.

Khi niềm tin về Phật giáo bị suy yếu, bị khủng hoảng, nó sẽ làm cho các đối tượng dễ bị tổn thương, mất dần những ý chí, nghị lực, niềm tin vào giá trị của Phật giáo và đi theo sau đó, là một sự so sánh, phân tích con người của giới Tăng lữ Phật giáo hiện nay chỉ là hình ảnh của một 'giác cây' chứ không phải là 'lõi cây' có giá trị như mong đợi.

11180640_881078705281292_2628080442246107179_n

Tóm tắt: 

Trong cuộc sống con người, niềm tin là mẹ đẻ của mọi hy vọng và thành tựu trong xã hội. Nếu con người không có niềm tin với chính mình, tổ chức, tôn giáo thì con người sẽ cảm thấy hụt hẫng trước những biến thiên hết sức phức tạp trong đời sống xã hội và cảm thấy mất hết những ý chí, nghị lực của bản thân trong cuộc sống hiện thực.

Do đó, niềm tin là nguồn năng lượng, là động lực để chúng ta thúc đẩy những mục tiêu hướng đến và hoàn thành mục tiêu đó một cách tốt nhất trong tương lai. Tuy nhiên trong xã hội hiện nay, con người cảm thấy mất niềm tin vào cuộc sống và sự khủng hoảng niềm tin đã trở nên một vấn nạn của thời đại, khi con người không còn tin tưởng lẫn nhau.

Điều đó, không còn là chuyện cá nhân của mỗi người, mà đó còn là những yếu tố manh nha từ các tổ chức, tôn giáo, trong đó có sự đánh mất niềm tin của Phật giáo bởi một số người trong lĩnh vực Phật giáo ngày nay. Bài viết tập trung trình bày về niềm tin là sức mạnh của con người; sự khủng hoảng của niềm tin trong lĩnh vực Phật giáo.

Mục đích bài viết nhằm phân tích để thấy rõ niềm tin của con người và sự khủng hoảng về niềm tin Phật giáo hiện nay, để từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm và những giải pháp tốt hơn trong tương lai.

Trong cuộc sống xã hội, niềm tin đóng một vai trò hết sức quan trọng của mỗi cá nhân, tổ chức, tôn giáo; nó phản ánh giá trị, ý chí, tình cảm và sức mạnh của con người trước sự khắc nghiệt của thiên nhiên và sự bất lực trước khủng hoảng xã hội loài người. Niềm tin đem đến cho con người những tia hy vọng vào tương lai tươi sáng, chiến thắng chính bản thân mình để vượt qua mọi khó khăn, trở lực của đời sống đầy cạm bẫy.

Có thể nói niềm tin là động lực để chúng ta thúc đẩy những mục tiêu hướng đến trong tương lai để hoàn thành nhiệm vụ một cách hoàn hảo. Nếu con người không có niềm tin với chính mình, không có niềm tin vào tổ chức, tôn giáo thì con người sẽ cảm thấy hụt hẫng trước những sự biến thiên hết sức phức tạp trong đời sống xã hội và cảm thấy mất hết những ý chí, nghị lực, giá trị, phẩm chất đạo đức của bản thân trong cuộc sống.

Tuy nhiên trong xã hội hiện nay, con người cảm thấy rằng niềm tin đang đứng trước những thách thức của con người trong đời sống xã hội, khủng hoảng về niềm tin không những đến từ đời sống xã hội, mà nó còn xuất hiện từ đời sống tinh thần của con người, ở góc độ nào đó nó đã trở nên một vấn nạn của thời đại, khi con người không còn tin tưởng lẫn nhau.

Điều đó, không còn là câu chuyện cá nhân của mỗi người, nhóm người, tổ chức xã hội, mà đó còn là những yếu tố manh nha từ tôn giáo, trong đó có một số người làm mất niềm tin của Phật giáo hiện nay.

1. Niềm tin là sức mạnh của con người

Niềm tin không chỉ có ở con người của xã hội phương Đông, mà nó còn hiện hữu trong đời sống tinh thần của người phương Tây. Niềm tin hay đức tin là mục tiêu và động lực mà con người, cá nhân, nhóm người, tổ chức, tôn giáo, hướng đến nhằm thúc đẩy con người đạt được những mục đích như kỳ vọng mong đợi. Nó là sức mạnh của chính con người, nếu con người muốn thực hiện cho được những mục tiêu, lý tưởng, thành tựu công việc, nhiệm vụ của mình trong xã hội.

Do đó, niềm tin đó là một sự thật, một sự tin tưởng trọn vẹn vào một đối tượng, mà con người cảm nhận được rằng sự giả dối không còn ngự trị ở đối tượng mà họ mong đợi vào chính đối tượng đó.

Theo Đại từ điển tiếng Việt của Nguyễn Như ý, niềm tin hay “tin” được định nghĩa rằng: “1. Có ý nghĩ cho là đúng sự thật, là có thật: có nhìn tận mắt mới tin, chuyện khó tin, nữa tin nữa ngờ; 2. Có ý nghĩ cho là thành thật: tin ở lời hứa; đặt hy vọng chắc chắn vào (ai hoặc cái gì đó): tin ở bạn bè, tin ở sức mình, lòng tin, tin ở tương lai” [1].

Niềm tin xuất phát từ tâm con người, là tác dụng của tinh thần con người; theo Từ điển Phật học Huệ Quang, định nghĩa rằng: “Tin, tức tác dụng tinh thần khiến cho tâm và tác dụng của tâm sinh ra niềm tin thanh tịnh đối với một đối tượng nào đó; một trong 75 pháp, một trong 100 pháp. Tông Câu Xá xếp Tín vào một trong 10 Đại thiện địa pháp, tông Duy thức xếp vào một trong các tâm sở thiện” [2].

Song, niềm tin theo Phật giáo, là chỉ cho tín tâm của mỗi con người, sự tin tưởng vào sự thật, niềm tin vững chắc, không hoài nghi vào bản thân, đối tượng một cách chắn chắc. Tín tâm là cửa ngõ đầu tiên để chúng ta bước vào lộ trình tu tập theo Phật giáo, tín là căn bản vào đạo, là cội gốc sinh ra các pháp lành. Cho nên tín tâm, tức là “tâm tin nhận, không mảy may nghi ngờ, tức là tâm thanh tịnh xa lìa sự hoài nghi” [3].

Tín căn là một trong năm căn “Tín, Tấn, Niệm, Định, Tuệ” được trình bày trong 37 phẩm trợ đạo phẩm của Phật giáo, là bước đầu vào đạo của người theo học Phật pháp. Vì vậy, có thể khẳng định niềm tin là sức mạnh của con người, là nền tảng cốt lõi để hoàn thành tốt mọi công việc, nhiệm vụ của chính bản thân con người, hoàn thành nhiệm vụ của các tổ chức, tôn giáo, mà ở đó, niềm tin được đặt lên hàng đầu trong tất cả mọi mối quan hệ xã hội, quan hệ người với người, giao dịch hàng hóa.

Đó cũng là nền tảng cơ bản, là điểm khởi đầu, là điểm nhấn quan trọng của các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng.

Trong cuộc sống xã hội, bằng sức mạnh của niềm tin, con người đã vượt qua cuộc sống đầy khó khăn, gian khổ để chiến thắng thiên nhiên, cải tạo xã hội, phục vụ cho lợi ích của chính con người. Nếu con người không tự tin vào sức mạnh của chính mình, không có niềm tin vào khả năng cải tạo thế giới, cải tạo xã hội, thì con người sẽ không chinh phục được thiên nhiên, xây dựng xã hội ngày càng tốt đẹp như ngày nay.

Mặc dù, con người phải trả giá bằng chính mạng sống của mình, hy sinh lợi ích cá nhân để xây dựng một xã hội tốt đẹp cho tương lai của con người. Do vậy, niềm tin đã mang lại cho con người sự lạc quan hơn trong cuộc sống và nhiều giá trị hơn cho cộng đồng, xã hội. Điều đó, được minh chứng bằng chính sức mạnh của niềm tin con người trong sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, công nghệ… đã tạo ra những sảm phẩm nuôi sống con người.

Steve Jobs – một doanh nhân và là nhà phát minh nổi tiếng người Mỹ, là một điển hình của sức mạnh niềm tin và sự sáng tạo. Sức mạnh của niềm tin đã khiến ông vượt qua và chiến thắng mọi thứ trong cuộc đời của ông, tạo ra những sản phẩm công nghệ tiên tiến như iphone, ipad, ipod…phục vụ cuộc sống.

Trong bài phát biểu đầy ấn tượng tại Đại học Stanford vào năm 2005, Jobs nói: “Đôi khi cuộc đời sẽ giáng một viên gạch vào đầu bạn. Đừng mất niềm tin. Tôi hiểu thứ duy nhất khiến tôi vững vàng chính là niềm đam mê. Bạn phải tìm ra bạn yêu cái gì. Nó đúng cho công việc và cho cả những người thân yêu của bạn. Công việc chiếm phần lớn cuộc đời và cách duy nhất để thực sự hài lòng là làm những gì bạn tin nó sẽ trở nên tuyệt vời”.

Chính niềm tin là sức mạnh phi thường giúp ông không gục ngã và đứng dậy trước những thách thức của cuộc sống. Niềm tin là sức mạnh kỳ diệu, là thứ tình cảm trong ý chí con người chúng ta, mà mỗi con người cần phải luôn luôn phát huy và cần đến nó trong mọi tình huống của cuộc đời. Bởi lẽ, nó là niềm hy vọng của cuộc đời mỗi người trong sứ mệnh hoàn thiện những thứ cần thiết của chính mình trong cuộc sống.

Hơn thế nữa, sức mạnh của niềm tin góp phần làm nên lịch sử của mỗi dân tộc trong đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Dân tộc ta đã trải qua hàng ngàn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, sự thành công đó không phải là một sự kiện ngẫu nhiên mà có, mà đó là sức mạnh tinh thần của niềm tin, sự tin tưởng vào sức mạnh đoàn kết của dân tộc để chiến thắng với kẻ thù xâm lược, giành lại mạng sống của mình và bảo vệ nền chủ quyền dân tộc.

Đặc biệt, là sự tin tưởng vững chắc vào học thuyết của chủ nghĩa Mác, Hồ Chí Minh đã lãnh đạo Đảng ta và toàn nhân dân kháng chiến, thắng lợi hoàn toàn, giải phóng dân tộc, Hồ Chí Minh viết:

“Non xa xa, nước xa xa,

Nào phải thênh thang mới gọi là.

Đây suối Lê – nin, kia núi Mác,

Hai tay xây dựng một sơn hà” [4].

Thậy vậy, sự tin tưởng vững chắc vào đối tượng mà mình kỳ vọng, thì sự thành công mới thật sự mang đến một kết quả tốt đẹp. Chúng ta sống phải có một niềm tin đủ mạnh vào bản thân, nhóm người, tổ chức, cộng đồng, để tạo nên những ước mơ và biến nó thành một sự thật trong cuộc sống. Nếu chúng ta đánh mất niềm tin, có nghĩa là chúng ta đang dần mất tất cả những điều kỳ vọng trong tương lai và những ước mơ, kỳ vọng đó sẽ trở nên vô nghĩa.

Con người sẽ mất dần những nghị lực và ý chí của mình để tiếp bước hành trình tìm lý tưởng sống; đồng thời con người sẽ không cảm nhận được mục đích của cuộc sống là gì và cuối cùng của sự mất niềm tin là cuộc sống buông thả, mất phương hướng, hậu quả là chúng ta gục ngã và không lối thoát.

Trong các tôn giáo nói chung, lĩnh vực Phật giáo nói riêng, niềm tin là giá trị của tinh thần, là linh hồn sống của con người khi bước chân vào đạo. Bất kỳ tôn giáo nào, nếu niềm tin hay đức tin con người không đóng vai trò chủ thể, không là yếu tố quyết định cho một hướng đi về mục tiêu mà họ đã chọn, thì kết quả của quá trình định hướng đó sẽ không mang lại một tương lai tươi sáng cho sự dấn thân tìm về chân lý như mong đợi.

Do vậy, có thể nói “mất niềm tin là mất tất cả” những cơ hội cho chúng ta trong quá trình tìm về lý tưởng sống. Trong sách Luận ngữ, đức Khổng Tử đã đề cao vai trò của chữ Tín trong mối quan hệ giữa con người với con người và trong các đường lối chính trị của ông.

Trong các đức Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín thì đức Tín được xem là quan trọng nhất trong học thuyết Nho giáo và Khổng Tử còn dạy học trò về bốn điều thiết yếu cho bản thân: Văn học, đức hạnh, trung thành, niềm tin (Tử dĩ tứ giáo: Văn, hạnh, trung, tín. Thuận Nhi, câu 24).

Mặt khác, niềm tin còn là yếu tố nền tảng của tín đồ Thiên Chúa giáo, niềm tin vào Chúa cứu thế là sức mạnh làm cho họ vượt qua tất cả khó khăn trong cuộc sống và đặt niềm tin vào Thiên Chúa bằng cách chấp nhận việc không hiểu tất cả mọi sự ngay tức khắc;

Thông qua lời kêu gọi của ĐTC Phanxicô vào tháng giêng năm 2014, rằng: “Niềm tin vào Thiên Chúa là chìa khóa thành công cho cuộc sống, bởi vì Ngài không bao giờ để chúng ta thất vọng, không bao giờ”; đồng thời các tín đồ đón nhận tất cả hồng ân của Chúa Kitô một cách mạnh mẽ và luôn luôn ngự trị trong tâm hồn của họ.

Đặc biệt hơn, niềm tin còn là sức mạnh, là nền tảng cốt lõi của các tín đồ Phật giáo, khi họ tin tưởng và đặt hết niềm tin vào đức giáo chủ Gotama, đặt hết niềm hy vọng vào đạo Phật, mà chính ở đó, Phật giáo đã đem lại cho họ ánh sáng trí tuệ, mở ra cánh cửa giác ngộ và giải thoát cho họ trong cuộc sống trầm luân, khổ ải.

Đối với tín đồ của Phật giáo Việt Nam, giá trị của đức tin rất to lớn, dù trải qua bao thế kỷ và sự biến đổi không ngừng của các trường phái, tư tưởng, tôn giáo mới, nhưng niềm tin vào đạo Phật vẫn luôn luôn vững chắc trong tâm hồn của người Việt theo đạo Phật. Phải chăng, họ đã nhìn thấy được ở trong Phật giáo có những giá trị tuyệt vời, một chân lý hết sức có giá trị sống cho cuộc đời này và sau khi sự sống không còn hiện hữu.

Chính vì vậy, họ đã đặt niềm tin tuyệt đối vào giá trị tối hậu của Phật giáo và niềm tin chính là nấc thang đầu tiên bước lên lộ trình tu tập giải thoát của Phật giáo. Hòa thượng Thích Trí Tịnh – Sơ tổ Tịnh độ tông Việt Nam thời hiện đại đã từng dạy các môn đồ, đệ tử rằng, muốn niệm Phật đạt kết quả tốt cần phải có ba yếu tố “Tín – Nguyện – Hạnh” là nền tảng ban đầu của một lộ trình tu tập pháp môn Tịnh độ.

Niềm tin là mẹ đẻ của mọi công đức, phải tin thật sâu, vững chắc vào y báo, chính báo của thế giới cực lạc, tin vào pháp môn niệm Phật, mà đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã chỉ dạy. Do đó, niềm tin đối với cá nhân, nhóm người hay tổ chức, tôn giáo là rất quan trọng, là thước đo, sức mạnh của con người vào đối tượng mà họ tin chắc rằng đối tượng là điểm tựa cho sự phấn đấu vươn lên một lý tưởng sống tốt đẹp đối với bản thân họ trong cuộc đời.

Tuy nhiên, trong cuộc sống ngày nay trước sự hối hả, nhộn nhịp, phát triển của xã hội, đòi hỏi con người phải chạy theo sự phát triển đó để duy trì đà sống cho bản thân con người. Nhưng chính điều đó, lại là một thực tế đáng buồn, khi con người đứng trước sự khủng hoảng của niềm tin. Trước những sóng gió và thử thách của cuộc đời, con người dễ bị tổn thương, gục ngã, dần dần đã đánh mất niềm tin và giá trị con người ngày càng bị mai một.

Nhất là, trong đời sống tinh thần của tôn giáo, trong đó có lĩnh vực của đời sống Phật giáo. Một số giới trẻ, những tín đồ chưa đủ trải nghiệm nên khi va chạm với xã hội đầy tàn khốc của những thông tin gây sốc, xuyên tạc về niềm tin giới Tăng lữ, niềm tin vào Phật giáo, làm họ lung lay ý chí và phân tán niềm tin vào Phật giáo, có thể họ sẽ gục ngã và đánh mất niềm tin.

Hiện nay, giao lộ thông tin ngày càng trở nên phức tạp và đó cũng là những nguyên nhân làm cho niềm tin vào Phật giáo bị bẻ cong, khủng hoảng, theo nhiều chiều kích khác nhau.

Niềm tin vào Tam bảo và lòng tự tín của người Phật tử

72848450_1002983060052507_8355248022644326400_n

2. Sự khủng hoảng của niềm tin trong lĩnh vực Phật giáo

Trong xã hội ngày nay, sự khủng hoảng của niềm tin con người ngày càng có chiều hướng gia tăng, khi con người không còn tin tưởng lẫn nhau. Nhiều vấn đề lớn trên thế giới hiện nay như xung đột Nga – Ukraine, Israel – Palestine, Israel -Iran, nhóm vũ trang Houthi làm bế tắc tuyến vận chuyển hàng hóa quốc tế ở biển đỏ…

Sự xung đột, mâu thuẫn, bắt nguồn từ những lợi ích kinh tế, chính trị và sự thống trị của các nước lớn có quyền lực, đã đẩy thế giới vào cuộc đối đầu không lối thoát, biến Trung Đông thành chảo lửa chiến tranh, đẩy người dân đến bờ vực chết chóc và nghèo đói. Con người dường như không còn tin tưởng vào tiếng nói chung của tổ chức Liên Hiệp Quốc (United Nations) – một tổ chức lớn nhất hành tinh, để giải quyết những vấn đề nóng bỏng của thế giới hiện nay.

Trong đó, sự xung đột, đối lập, mâu thuẫn giữa các tôn giáo trên thế giới như Hồi giáo, Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo…góp phần không nhỏ vào sự bất ổn của thế giới. Sự đối lập đó, không những tác động đến sự khủng hoảng niềm tin của các tôn giáo nói chung, mà còn khủng hoảng niềm tin của Phật giáo nói riêng, nó làm ảnh hưởng đến con đường phát triển của đạo Phật ngày nay.

Có những sự biến động, thay đổi từ hình thức đến cấu trúc, hệ thống, ngày càng tăng, với nhiều lý do, nguyên nhân của nó, nhằm phù hợp với thực tiễn của con người và xã hội mới hiện nay; điều đó cũng đồng nghĩa với sự thay đổi và chịu sự tác động, chi phối của xã hội, bên cạnh xuất hiện nhiều hiện tượng, trào lưu đi ngược lại với những giá trị của Phật giáo.

Sự tác động, làm cho niềm tin của Phật giáo, niềm tin của giới Tăng lữ Giáo hội trong giai đoạn hiện nay ở Việt Nam, bằng nhiều cách thông qua mạng truyền thông đại chúng, các bài viết, các youtuber, tiktok…không còn là những vấn đề mang tính đơn lẻ, mà nó chứa đựng những yếu tố mang tính tổ chức, có hệ thống, nhằm tác động và làm suy yếu Phật giáo trong tương lai.

Tuy nhiên, tại sao có sự khủng hoảng niềm tin về Phật giáo và hơn nữa tại sao sự mất niềm tin đến từ một số người trong Phật giáo đã từng bước trở thành ngọn lửa âm thầm đốt cháy niềm tin của những người dễ bị tổn thương khi đến với Phật giáo? Để trả lời cho câu hỏi này, cần phải giải thích những gì có liên quan đến nguyên nhân mà niềm tin bị khủng hoảng.

Thứ nhất, đó là những nguyên nhân nội tại, điều mà chúng ta cần phải chấp nhận, nhìn nhận nó nhưng một sự thật khách quan, đến từ chính nguyên nhân của chủ thể của con người Phật giáo ngày nay. Chúng ta có thể phản ứng một cách miễn cưỡng hoặc gay gắt, khi vấn đề không tốt được hiển bày rộng rãi trên truyền thông đại chúng về niềm tin, đức tin của chúng ta bị công kích, bởi một số người, nhằm bôi nhọ Phật giáo.

Nhưng chúng ta cũng cần khách quan, đánh giá rằng có những sự thật mà chúng ta cần nhìn nhận lại nó, để từ đó tìm ra những nguyên nhân, sự tác động không vốn thuộc về những điều không mong muốn đã xảy ra trong cuộc sống, làm đảo lộn những giá trị lâu đời của Phật giáo, Giáo hội và tăng, ni hiện nay như thế nào. Sự xói mòn của niềm tin ngày càng nhiều, sẽ dẫn đến sự khủng hoảng của niềm tin vào Phật giáo ngày càng lớn, hậu quả của nó sẽ theo cấp số nhân trong quá trình phát triển của Giáo hội Phật giáo.

Câu chuyện ở đây được đặt ra là làm sao giải quyết được những vấn đề mà truyền thông đại chúng, mạng xã hội đăng tải các video, tiktok, facebook…tràn ngập trên mạng xã hội? những nội dung đó, nó xuất phát từ một số ít chính thống và phi chính thống. Những đối tượng “vô danh” như mang “màu cờ sắc áo của Phật giáo” và những đối tượng được xem là “thời danh” của một xã hội đang tôn trọng và ngưỡng mộ đã để lại những dấu ấn “hủy hoại về niềm tin” của Phật giáo.

Do đó, chúng ta cần phải kiểm soát những vấn đề còn tồn đọng trong chính chúng ta và giải quyết những bài toán khó đó một cách khoa học, có hệ thống, có tổ chức; đồng thời tìm ra có hay không từ những mâu thuẫn, bất đồng quan điểm từ chính trong nội bộ của Phật giáo.

Thứ hai, đó là nguyên nhân ngoại tại. Trong cuộc chiến giành quyền kiểm soát tôn giáo và sự phát triển niềm tin trong các tôn giáo, đã hình dung tạo nên nhiều cách tiếp cận về giá trị của tôn giáo thông qua một số thủ thuật mang tính đấu tranh, bài xích lẫn nhau, làm cho các tôn giáo mất đoàn kết và mâu thuẫn. Mạng xã hội là con dao hai lưỡi, người ta đã sử dụng nó nhưng một công cụ hữu hiện trong công tác chống phá, bài xích, gây chia rẽ, nói xấu, bên cạnh những mục tiêu hướng đến những giá trị tốt đẹp của một tôn giáo.

Những câu chuyện cắt ghép từ video, các clip phát ngôn không kiểm soát của các thầy tu Phật giáo, những hình ảnh không đẹp về các sư thầy Phật giáo…hiện nay phát tán trên trang mạng truyền thông phi chính thống. Đó không phải là những mục tiêu hướng đến của các đối tượng nhằm câu like, câu view kiếm tiền, mà nó còn có mục đích sâu xa hơn, rộng lớn hơn với những ý đồ nhằm làm suy yếu tổ chức của Phật giáo một cách có tổ chức, có hệ thống.

Do đó, khi niềm tin về Phật giáo bị suy yếu, bị khủng hoảng, nó sẽ làm cho các đối tượng dễ bị tổn thương, mất dần những ý chí, nghị lực, niềm tin vào giá trị của Phật giáo và đi theo sau đó, là một sự so sánh, phân tích con người của giới Tăng lữ Phật giáo hiện nay chỉ là hình ảnh của một “giác cây” chứ không phải là “lõi cây” có giá trị như mong đợi.

Bên cạnh đó, sức mạnh tinh thần của Phật giáo Việt Nam đã được chứng minh qua các giai đoạn lịch sử của dân tộc; giá trị tinh thần dân tộc luôn luôn tồn tại trong lòng của con người Phật giáo qua các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc. Do đó, Phật giáo đã trở thành mục tiêu hướng đến của các thế lực khác muốn chiếm quyền kiểm soát và xoay trục Phật giáo của các thế lực ngoại lai.

Chính vì vậy, Phật giáo hiện nay đã, đang và sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tạo niềm tin cho giới trẻ hướng về Phật giáo; nếu như Giáo hội không có phương hướng, giải pháp, không có tiếng nói mạnh mẽ trong việc quản lý Giáo hội và quyền lực chính hiệu của mình để bảo vệ quyền lợi chính đáng của Tăng, Ni, chùa chiền Phật giáo trong thời đại mới, thì chắc có lẽ, không biết rằng câu chuyện về các vấn đề của Phật giáo tương lai như thế nào?

Tóm lại, niềm tin là sức mạnh tinh thần, là đà sống của con người trong đời sống xã hội. Sức mạnh của niềm tin đã làm cho con người vượt qua tất cả khó khăn của cuộc sống để xây dựng hạnh phúc của bản thân, gia đình và xã hội. Đặc biệt là trong các tôn giáo nói chung, Phật giáo nói riêng, sức mạnh của niềm tin, có tác động to lớn, ảnh hưởng sâu sắc đến tinh thần mộ đạo của các tín đồ tôn giáo.

Các tín đồ Thiên Chúa không thể không tin vào Đấng cứu thế có khả năng cứu rỗi, giải thoát linh hồn con người lên thiên đàng. Các tín đồ Phật giáo càng không thể mất niềm tin tuyệt đối vào đức Phật và giáo pháp của Ngài trên con đường hướng tới mục tiêu quả vị vô thượng bồ đề. Cho nên, con người sống không thể thiếu niềm tin ở chính mình, càng không thể mất niềm tin ở các tổ chức xã hội và hơn nữa là trong lĩnh vực của tôn giáo, đặc biệt là Phật giáo.

Tuy nhiên, trong thời đại hiện nay, sự tác động, chi phối của xã hội đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin của Phật giáo, ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ hướng về Phật giáo, làm mất niềm tin vào Phật giáo của nhóm người dễ bị tổn thương.

Mặc dù, sự tác động đó đến từ nguyên nhân nội tại hay ngoại tại, chúng ta cần phải xem xét, kiểm soát và có giải pháp tốt hơn trong quản lý của Giáo hội, để khắc phục những hạn chế và những tác động xấu bên ngoài nhằm bóp méo, xuyên tạc, đoàn thể Tăng già và nêu cao tinh thần giác ngộ của Phật giáo trong cuộc sống nhân sinh.

Hơn nữa, Giáo hội Phật giáo hiện nay cần có tiếng nói nhất định và bước đi có giá trị để bảo vệ lợi ích chung của tòng lâm, tự viện, tăng, ni, tín đồ Phật giáo đúng với tinh thần Phật giáo và pháp luật.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bích Hằng (sưu tầm và tập hợp), Thơ Hồ Chí Minh, NXB. Văn hóa thông tin, Hà Nội, năm 1997.

2. Nguyễn Như Ý (chủ biên), Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia Thành phố. Hồ Chí Minh, năm 2011.

3. PGS.TS, Đinh Ngọc Thạch & PGS.TS. Doãn Chính (đồng chủ biên), Lịch sử triết học phương Tây, tập 1, NXB. Chính trị Quốc gia sự thật, năm 2018.

4. PGS.TS. Doãn Chính (chủ biên), Lịch sử triết học phương Đông, NXB. Khoa học xã hội, Hà Nội, năm 2022.

5. Thích Minh Cảnh (chủ biên), Từ điển Phật học Huệ Quang, NXB. Tổng hợp Thành phố. Hồ Chí Minh, năm 2005.

CHÚ THÍCH

[1] Nguyễn Như Ý (chủ biên) (2011), Đại từ điển tiếng Việt, NXB. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 1566.

[2] Thích Minh Cảnh (chủ biên) (2005), Từ điển Phật học Huệ Quang, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 4460.

[3] Thích Minh Cảnh (chủ biên) (2005), Từ điển Phật học Huệ Quang, NXB. Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 4466.

[4] Bích Hằng (sưu tầm và tập hợp) (1997), Thơ Hồ Chí Minh, NXB. Văn hóa thông tin, Hà Nội, tr. 317.

*Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình Tp.HCM.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Xem thêm