Ba má tích đức nhiều, để con tu tinh tấn
Con lớn lên từ nồi xôi trắng, xôi đậu xanh, từ ngọn rau hạt lúa quê mình, từ rất nhiều cao lương mỹ vị của vùng đất bồi châu thổ nhưng món ngon nhất đã nuôi con nên vóc nên hình từ bàn tay thương yêu của má, từ bờ vai vững chãi của ba cùng sự vỗ về của các anh chị.
Tình thương yêu của ba má trang trải đều cho anh chị em chúng con. Chúng con lớn lên trong sự đủ đầy về vật chất và dư dả về tình thương nên đứa nào cũng cùi cụi, lớn như phổng. Món nào ngon nhất ba má, anh chị cũng dành cho con.
Ba má, anh chị rất cưng nhưng không chiều con, những khi con nghịch ngợm bướng bỉnh. Tình thương vô bờ bến nhưng có sự chừng mực, tùy duyên như vậy đã uốn nắn con thành người có thể tự lo, tự chăm sóc mình từ rất sớm. Như xôi nếp một đượm bùi, thơm tho. Ăn vào là thấy no mãi và không muốn cầu tìm một tình thương vị kỷ nào khác nữa. Như đường mía lau rất nuôi dưỡng, ngọt ngào. Ăn vào là như thấy cả dòng cam lồ lưu nhuận bất tận.
Má kể, khi mang thai con, má rất mong con là con trai để tỷ số trai gái trong nhà cho đều, ai dè con lại là con gái. Nhưng có lẽ nhờ vậy mà con có thể dễ dàng trốn đi tu vì nếu là con trai thì con sẽ nặng tình gia đình lắm, vì con là người chăm sóc phần hương hỏa nhà mình. Là con gái nhưng con lại nuôi chí tang bồng từ thuở nhỏ, rồi nhân duyên đưa đẩy con đi xuất gia. Vì con muốn mình sống một đời sống giản đơn, rộng rãi, nhẹ nhàng, không bon chen, không tìm cầu những phù phiếm trong cõi đời phù tạm này. Con chỉ muốn tìm ra chính con. Âu đó cũng là ước nguyện vừa vặn ngay khi con thấm lẽ vô thường, biến thiên của cuộc đời này.
Mười tám tuổi cũng như khi gần ba mươi - những câu chuyện mà con nói với má như không bao giờ dứt và cứ như mới tinh qua mỗi lần. Dù lớn nhưng con cảm giác mình vẫn còn bé bỏng mỗi khi nói chuyện với má qua đường dây điện thoại.
Con kể chuyện vắt xôi trắng sáng nay làm con nhớ nhà, con kể chuyện tu học mỗi ngày của con. Biết má sẽ rất khó hình dung ra chỗ con ở, thức ăn con ăn mỗi ngày như thế nào, giờ giấc sinh hoạt ra sao nên con cố gắng dùng tiếng quê mình để kể. Con hỏi ba đâu rồi, má nói ba đi bắc lại chiếc cầu ở bến sông trước nhà. Con nói, “lần nào gọi về cũng ít được gặp ba quá hà! Ba nhà mình hiền quá má heng, nhờ ba mà con được hưởng ké cái đức hiền từ của ba“. Má chậc lưỡi “ừ, ba con mừ, ổng hiền quá, cả ngày có khi nói chỉ một câu là đủ“. Con nói “ba hiền mà má cũng hiền nữa. Nhìn vậy chứ con thấy nhà mình có nhiều phước đức, nhiều hạnh phúc lắm đó. Ba má nhớ tích đức nhiều thêm để cho con tu tập tinh tấn“.
Con nhớ trong kinh Phật diễn tả là có rất nhiều những vị Bồ-tát với những hạnh nguyện, đức độ tròn đầy như Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi với trí tuệ rộng lớn; Bồ-tát Phổ Hiền với mười nguyện độ chúng sanh; Bồ-tát Quán Thế Âm với nguyện từ bi lắng nghe cứu khổ, Bồ-tát Địa Tạng với nguyện vào địa ngục chịu khổ thay cho chúng sanh...
Trong lòng con, má cũng là hiện thân của một vị Bồ-tát. Má biết khi nào con cần ngọt, khi nào con cần cay để có những cách uốn nắn khéo léo cho nhân cách con chỉnh chu. Má cho con tự bước đi nhưng luôn dang tay chực hờ nâng con dậy khi con vấp ngã. Má chia sẻ, lắng nghe cùng con những tâm tình thơ trẻ về thầy cô, bè bạn, học đường... về mọi thứ. Má ủ ấm chỗ con nằm, cho con yên giấc nồng trong những ngày tháng Chạp đông giá.
Má cho con tình thương không đòi hỏi, không ngằn mé, má chấp nhận hết những điều dễ thương cũng như những vụng dại, ương bướng từ con. Dù con có giỏi, có dở, có ngoan hay lỳ thì tình thương của má vẫn vậy, không bao giờ đổi thay. Người ta thường nói “cha mẹ sinh con, trời sinh tính“ nhưng má không chỉ sinh con mà má còn trao truyền cho con vô vàn những đức tính quý báu, cho dù có trải qua biết bao trường đời con cũng khó lòng mà học được. Sự dạy dỗ, nuôi nấng của má là lớp sơ cấp đầu tiên cho con nền tảng vững chắc để bước tiếp những ngày trưởng thành sau này.
Dù có hai mươi, ba mươi tuổi, khi trở về với má thì con vẫn nhỏ bé như xưa. Hạt giống hồn nhiên, bé thơ cho con thỏa thuê tắm mát trong suối nguồn yêu thương bất tận của má.
Cái tiếng quê nhà thân thương gợi lại trong con nỗi nhớ miên viễn. Là người đang tu tập nên trong con còn những cảm giác thường tình như thế.
Mùa hiếu hạnh lại về, con có chút duyên sự nên không thể tụng kinh Vu lan nhưng con luôn ý thức sống tinh cần tỉnh thức, siêng năng với những thiện pháp mỗi ngày và thầm nguyện hồi hướng công phu tu học còn khiêm nhượng, còn ít ỏi này về ba má. Có lẽ đây là cách hay nhất để ngay bây giờ đây con có thể “cung phụng mẹ cha, yêu thương gia đình mình“ (kinh Phước Đức).
Con biết niệm Vu lan luôn có trong con vì má luôn có mặt trong con, trong nét cười, trong hơi thở, trong bước chân vào ra ý thức. Một đóa hồng thắm tươi lòng con, con xin cài lên ngực áo của ba, con xin cài lên ngực áo của má từ trời Âu này, nghen!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Người đàn ông 10 tháng đau đớn vì ung thư, mỉm cười ra đi sau hơn 1 giờ hộ niệm
Phật giáo và người trẻ 16:45 25/11/2024Khi vừa hộ niệm được chừng mấy chục phút, chú Thu bỗng nhiên giơ hai ngón tay lên và nói với mọi người rằng mình sẽ ra đi vào lúc 2h chiều. Tiếp tục hộ niệm tới khoảng 2h kém 15p thì chú ấy tắt thở ra đi một cách rất nhẹ nhàng.
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.
Đi chùa sám hối?
Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.
Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao
Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.
Xem thêm