Về chứng minh và tham dự có HT.Thích Thiện Đức - Phó ban Giáo dục Tăng, Ni Trung ương; TT.Thích Phước Nguyên - Phó ban Hoằng pháp Trung ương; TT.Thích Giác Trí - Phó BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; TT.Thích Minh Hạnh - Phó BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ĐĐ.Thích Nhuận Nghĩa - Chánh Thư ký BTS GHPGVN tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, ĐĐ.Thích Nguyên Trang - Phó Giám đốc Trung tâm phiên dịch Hán nôm Huệ Quang, cùng Chư tôn đức tăng, ni từ các nơi về tham dự.
Về các cấp chính quyền có Ths.Cao Thị Lệ - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức hành chính nhà nước và công vụ Văn phòng Chính phủ; ông Nguyễn Văn Thảo - Trưởng phòng PA88 - CA tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; ông Trần Đình Huy - Trưởng ban Dân vận huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; ông Lê Đình Thảo - Phó Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Đồng Nai; bà Võ Thị Mộng Thu - Trưởng phòng Phật giáo và các tôn giáo khác – Ban Tôn giáo tỉnh Đồng Nai, cùng các cấp chính quyền, các Đ
ài truyền hình, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Tiếng nói Tp.HCM... và khoảng 20 vạn nam nữ phật tử trong, ngoài nước về tham dự.
Ngay từ rất sớm hàng ngàn phật tử đã vân tập, không ai bảo ai nhưng họ đã ngồi vào vị trí quy định. Đúng 7h30 sáng khởi tụng bài Sám Vu lan. 8h00 chương trình chính thức giao lưu với 3 người mẹ có những dòng đời lam lũ lo cho con nên người. Mỗi cuộc đời của họ là một bài ca đầy nước mắt về tình mẫu tử thiêng liêng.
Người mẹ đầu tiên là phật tử Nguyễn Thị Dạ Hương, pháp danh Diệu Phục. Cô đã kể lại một chút về cuộc đời mình và 2 đứa con đã mang lại cho mình những nỗi lo lắng khôn cùng.
Người mẹ thứ hai là phật tử Thái Thị Cẩm Vân, pháp danh Quang Minh. Trong 60 năm trôi nổi của kiếp người truân chuyên, cha bỏ từ tấm bé, ngay khi còn rất nhỏ người phụ nữ này đã phải cắp rổ bánh ngược xuôi phụ mẹ kiếm sống. Lớn lên, chị lập gia đình và có được 5 đứa con, những tưởng cuộc sống gia đình ấm êm chờ đón sau những lo toan vất vả, nhưng oan nghiệt thay, cuộc sống của chị lại rơi vào sự đổ vỡ như người mẹ khốn khổ ngày xưa. Năm 38 tuổi, một tay chèo chống nuôi dạy năm con nhỏ, khi cắp rổ bánh, lúc mang thùng đá Yaourt, khi xách giỏ rau câu…mòn chân bán dạo trong khu vực chợ Hòa Bình, Q.5, người mẹ này đã chắt chiu đưa từng đứa con đến bến bờ bình an trong cuộc sống, cả năm người con đều tốt nghiệp cao đẳng, đại học và có công ăn việc làm ổn định.
Và người mẹ thứ ba là phật tử Lê Thị Trang, pháp danh Diệu Thủ. Khi 18 tuổi, cái tuổi đẹp nhất của thời thiếu nữ, cô đã vội theo chồng bỏ cuộc chơi. Hạnh phúc không mỉm cười với cô. Cuộc sống với người chồng vũ phu, say xỉn đã đem lại cho cô hai đứa con và một cảnh đời cơ cực, nhọc nhằn tiếng chửi bới, đòn roi đánh đập của chồng. Chịu không nổi cuộc sống địa ngục trần gian đó, người mẹ ôm hai con trở về quê nhà, làm thuê, làm mướn nuôi con ăn học. Hai đứa trẻ, một trai, một gái lớn lên trong tình yêu thương và sự vất vả của mẹ: đứa con trai vừa vào lớp sáu đã xin mẹ cho vừa đi học, vừa lãnh vé số bán thêm để mẹ đỡ quần quật trong cảnh đời làm thuê cho người. Tuổi thơ gian nan kiếm sống, có lần cậu bé bị người ta gạt lấy cả tập vé số trên tay. Tiền bạc mẹ vay mượn mất trắng theo những tờ vé số may mắn, cậu bé không dám về nhà. Mẹ nước mắt ngắn, nước mắt dài đi tìm con về, ôm chặt con vào lòng an ủi: “Con ơi, tiền mất, mẹ sẽ làm ngày, làm đêm kiếm lại. Con mà bỏ đi, mẹ biết sống sao đây?” Lần đầu tiên trong đời, cậu bé hiểu ra: trong những giọt nước mắt của mẹ, có một trời hạnh phúc cho con.
Sau cùng là mảnh đời của em Đinh Công Bằng, sinh viên lớp CD11H2 trường Đại học Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây là đứa con trai của người mẹ vắn số ở Cà Mau với lá thư tuyệt mạng đã để lại một nỗi đau khôn nguôi trong trái tim những đứa con thơ của mình.
Theo thông lệ hàng năm, viện Chuyên Tu trao những phần quà tặng các cháu học sinh mồ côi ở thị trấn Phú Mỹ, tiếp theo lễ "dâng trà tri ân" đại diện sáu người con dâng trà cho sáu bà mẹ và cung kính mời mẹ để chứng tri cho lòng biết ơn vô bờ của các con, những đứa con đã từng làm khổ mẹ.
Buổi lễ có sự tham gia của các ca sĩ, nghệ sĩ như NSƯT Thoại Mỹ, ca sĩ Nguyễn Phi Hùng, nghệ sĩ Nguyễn Kha, ca sĩ Quách Tuấn Du.
Sau cùng là bài thuyết giảng ngắn của ĐĐ.Thích Thiện Thuận - Trưởng ban tổ chức lễ hội Vu lan, với chủ đề: "Mẹ là Phật" và cuộc gặp gỡ giao lưu của TT.Thích Phước Nguyên - Phó ban Hoằng pháp Trung ương. Đại diện cho các cấp chính quyền Ths.Cao Thị Lệ đã phát biểu cảm nhận, nêu cao tinh thần hiếu đạo và truyền thống văn hoá của người Việt Nam, bà mong rằng, tinh thần hiếu đạo và nhân văn này cần phát triển nhiều hơn để mọi người con Việt nhận thức và thừa hưởng suối nguồn yêu thương của người mẹ.
Buổi lễ kết thúc trong không khí an lành và lòng hân hoan của những người con hiếu thảo trong lễ hội ngưỡng vọng về mẹ, như là một món quà "tri ân" tôn kính, trân trọng dâng lên mẹ đã "Một đời ru con".
Bài:
Thiện Hưng Ảnh: Thiện Khánh, Thanh Năng, Thiện Nguyện