Kinh Chuyển hóa nghiệp chướng
Thế Tôn dạy rằng: “Hãy tập kham nhẫn, vị tu sĩ trẻ. Con đang gặt hái quả báo hiện tiền của những nghiệp xấu mà đáng lẽ ra con phải gánh chịu trong nhiều trăm năm, hay nhiều ngàn năm”.
GIÁP MẶT KẺ SÁT NHÂN
Tôi nghe như vầy. Khi đức Thế Tôn sống tại Kỳ Viên, nước Kosala dưới sự trị vì của Ba-tư-nặcbị nạn cướp giết của tên sát nhân Vòng Hoa Tay Người, thợ săn vấy máu, sát hại, hung tàn, không chút tình thương đối với con người. Vì nạn giết hại của tên sát nhân, làng ấp tan hoang, thị trấn tan rã, xã hội bất ổn. Tên sát nhân này thường mang vòng hoa kết ngón tay người. Mỗi khi giết ai, vòng hoa ngón tay tăng thêm một ngón.
Một buổi sáng nọ, Thế Tôn đắp y, cầm bát vào thành Xá Vệ khất thực. Trên đường trở về, Thế Tôn đi vào con đường đến chỗ của tên sát nhân. Những người nông phu, những kẻ bộ hành, những người chăn thú thấy vậy thưa Phật: “Thưa Ngài Sa-môn, đừng vào đường này. Kẻ sát nhân tên Vòng Hoa Tay
Người luôn giết hại người. Nhiều đoàn bộ hành, mười người, hai mươi, thậm chí bốn mươi vẫn không thoát khỏi nạn cướp giết người”. Ba lần ngăn cản, Thế Tôn mặc nhiên đi trong im lặng, đến cứ địa của tên sát nhân lớn.
Thấy đức Thế Tôn từ xa đi tới, hắn mừng thầm nghĩ: “Có những đoàn người đến bốn chục người không thoát khỏi ta. Nay Sa-môn này, một mình một bóng, có sức mạnh gì, đến đây nạp mạng!”
ĐANG DỪNG VÀ ĐANG ĐI
Vòng Hoa Tay Người lấy kiếm và khiên, đeo cung tên vào, đi sau lưng Phật. Lúc ấy đức Phật vận dụng thần thông, làm tên sát nhân đi hết tốc lực cũng không đuổi kịp Ngài đi bình thường. Vòng Hoa Tay Người ngạc nhiên suy nghĩ: “Thật là kỳ lạ, thật là hiếm có! Trước đây ta từng đuổi theo voi, ngựa, nai và đoàn xe chạy với tốc độ, bắt kịp được chúng. Nay ta không thể đuổi kịp Sa-môn đang đi bình thường?!”
Vòng Hoa Tay Người đề nghị Thế Tôn: “Này ông Sa-môn, xin hãy dừng lại!”
Đức Phật trả lời: “Hỡi này anh bạn, ta đã dừng rồi, ngươi chưa đứng lại”.
Vòng Hoa Tay Người thầm suy nghĩ rằng Sa-môn là người tuyên nói sự thật, chấp nhận sự thật. Vô cùng ngạc nhiên, hắn hỏi đức Phật:
Trong lúc Ngài đang đi,
Sao bảo “đã đứng rồi?”
Còn ta đã dừng hẳn,
Sao Ngài bảo “ta đi?”
Tại sao người đứng lại,
Tại sao ta không đứng?
Thế Tôn ôn tồn, giải rõ triết lý:
Này Vòng Hoa Tay Người
Ta đã bỏ vũ khí
Với người và chúng sinh.
Còn ngươi không kiềm chế
Tay vấy máu hại người.
Vì thế, ta đã dừng,
Trong khi ngươi chưa dừng.
BUÔNG DAO SÁT HẠI
Vòng Hoa Tay Người thay đổi thái độ, bạch Phật lời rằng:
Từ lâu tôi tôn kính
Những bậc đại tiên nhân
Nay Ngài đến Đại lâm
Hỗ trợ tôi dứt ác.
Khi nghe pháp kệ của đức Phật nói, tên sát nhân ấy quăng bỏ dao kiếm xuống vực thẩm sâu. Hướng đầu đảnh lễ dưới chân đức Phật, bộc bạch chân thành, xin được xuất gia với bậc Từ bi, bậc đại tiên nhân, đạo sư trời người.
Đức Phật đã gọi Vòng Hoa Tay Người: “Lại đây Tỳ-kheo”. Được Phật xác chứng, Vòng Hoa Tay Người được Phật thế phát.
NGƯỜI CHUYỂN NGHIỆP ĐƯỢC ÂN XÁ
Sau đó Thế Tôn tuần tự du hành đến thành Xá Vệ. Đi sau Phật là Vòng Hoa Tay Người. Thầy trò trú tại tu viện Kỳ Viên. Vào thời điểm đó, tại cửa nội cung nước Kosala của Ba-tư-nặc, một số quần chúng, tụ hội lớn tiếng, vang vọng lời rằng: “Kính tâu Đại vương, trong lãnh thổ ta có tên sát nhân Vòng Hoa Tay Người, giết người tàn bạo, không chút lương tâm đối với người khác. Mỗi khi giết người, hắn xâu ngón tay của nạn nhân vào vòng hoa tay người, đeo ở trên cổ. Xin Ngài trục xuất tên sát nhân đó”. Khi được chỉ điểm, vua Ba-tư-nặc cùng đoàn tùy tùng khoảng năm trăm người, đi ngựa rời thành, hướng chùa Kỳ Viên. Đi đến một chỗ không đi xe được, nhà vua xuống xe, đi bộ viếng Phật, lạy, ngồi một bên. Đức Phật hỏi rằng:
– Kính thưa Đại vương, có phải do vua Tần-bà-sa-lanước Ma-kiệt-đà tức giận Đại vương, hay do những người Liccha-vi kia ở Vesala, hoặc Đại vương khác, làm Ngài không an?
– Bạch đức Thế Tôn, không phải như thế. Trong lãnh thổ con, có tên sát nhân Vòng Hoa Tay Người, vấy máu sát hại biết bao nhiêu người, không chút tình thương. Vậy mà đến nay, con vẫn chưa thể trục xuất hắn được.
– Kính thưa Đại vương, nếu Ngài nhìn thấy Vòng Hoa Tay Người cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà-sa, sống đời xuất gia, từ bỏ giết hại, từ bỏ cướp giựt, lừa đảo, nói láo, ngày ăn một bữa, sống đời thanh cao, giữ đủ giới đức, thực tập thiện pháp,
Ngài sẽ làm gì với người như thế?
– Bạch đức Thế Tôn, nếu quả như thế, con sẽ đảnh lễ, đứng dậy, mời ngồi, cúng dường nhu phẩm. Chúng con hộ trì, bảo vệ đúng pháp. Nhưng bạch Thế Tôn, do nhân duyên gì một người ác tâm, gây nhiều tội lỗi, trở nên đạo đức, chế ngự bản thân?
Bấy giờ tôn giả Vòng Hoa Tay Người ngồi gần đức Phật. Phật duỗi tay mặt chỉ vào tôn giả, nói với vua rằng:
– Kính thưa Đại vương, đây chính là thầy Vòng Hoa Tay Người.
Vua Ba-tư-nặc trở nên hoảng sợ, lông tóc dựng ngược. Phật khuyên vua rằng:
– Kính thưa Đại vương, xin đừng sợ hãi. Ở đây bình an. Không có điều gì để đáng sợ hãi.
Nghe đức Phật nói, vua không còn sợ, đến gần tôn giả Vòng Hoa Tay Người, vấn tấn thưa hỏi:
– Tôn giả có phải Vòng Hoa Tay Người?
– Thưa phải, Đại vương.
– Kính thưa Tôn giả, cha mẹ tôn giả thuộc dòng họ gì?
– Thân phụ của tôi thuộc họ Gagga. Còn mẹ của tôi họ Mantani.
– Xin Ngài Gagga Man-ta-ni Tử hãy sống hoan hỷ. Tôi sẽ cung phụng tứ sự cúng dường, y phục, ăn uống, sàng tọa, dược liệu cho Ngài sử dụng.
Vì tu theo hạnh ẩn tu rừng núi, khất thực mà ăn, chỉ dùng ba y, Vòng Hoa Tay Người thưa đức vua rằng:
– Cảm tạ Đại vương, tôi đủ ba y.
Đến bên cạnh Phật, ngồi xuống một bên, vua Ba-tư-nặc bạch với Ngài rằng:
– Thật là mầu nhiệm, thật là hiếm có. Bằng phương pháp nào, Thế Tôn nhiếp phục người khó nhiếp phục, giúp cho an tịnh người không an tịnh, làm cho thiện hóa người sống ác độc! Đối với những người, luật pháp nước trẫm không thể nhiếp phục bằng các hình phạt với gậy và kiếm, Thế Tôn có thể nhiếp phục dễ dàng, không cần đao trượng. Xin đa tạ Người. Chúng con phải đi, vì có nhiều việc đang chờ đợi con.
MẸ TRÒN CON VUÔNG
Vua và đức Phật giã từ lẫn nhau. Vào sáng hôm sau, Vòng Hoa Tay Người đắp y cầm bát, vào thành Xá Vệ khất thực đúng pháp. Tôn giả thấy một phụ nữ gần sanh, đau đớn, nguy kịch. Tôn giả suy nghĩ: “Thân phận con người chứa nhiều đau khổ”. Bất lực trở về, tôn giả thưa Phật đầu đuôi câu chuyện.
Đức Phật dạy rằng: Con hãy trở lại nói với người ấy: “Bà chị thân mến, từ khi sanh ra, tôi chưa cố ý giết hại mạng sống của các chúng sanh. Với sự thật này, tôi ước mong rằng mẹ tròn con vuông”.
– Bạch đức Thế Tôn, nếu làm như vậy, thời con nói láo. Con đã cố ý giết bao nhiêu người.
– Ý ta nói rằng: “Từ khi sanh ra trong đời sống thánh, tôi chưa cố ý giết hại mạng sống của chúng sanh nào. Với sự thật này, tôi ước mong rằng mẹ tròn con vuông”.
Vâng lời Phật dạy, Vòng Hoa Tay Người đến bên người ấy chúc phúc hỗ trợ. Nhờ đó, bà mẹ khai hoa nở nhụy bình an vô sự.
QUẢ BÁO PHẢI TRẢ
Sau đó tôn giả Vòng Hoa Tay Người sống hạnh viễn ly, tinh tấn tu tập, không bao lâu sau, chứng được thắng trí, an trú phạm hạnh vô thượng cứu cánh ngay trong hiện tại. Tôn giả trở thành vị A-la-hán: “Tái sanh đã hết, hạnh thánh đã thành, những việc nên làm đều đã làm xong, từ nay không còn trở lại sanh tử”. Buổi sáng hôm sau, tôn giả đắp y, cầm bát trang nghiêm vào thành khất thực.
Nhìn thấy tôn giả, có người ném đất, có người quăng gậy, có người chọi sỏi vào người tôn giả. Bình bát tôn giả bể thành mảnh vụn, y ngoài bị rách, đầu của tôn giả sưng trầy, chảy máu. Tôn giả trở về gặp đức Thế Tôn. Thế Tôn dạy rằng: “Hãy tập kham nhẫn, vị tu sĩ trẻ. Con đang gặt hái quả báo hiện tiền của những nghiệp xấu mà đáng lẽ ra con phải gánh chịu trong nhiều trăm năm, hay nhiều ngàn năm”.
NHƯ TRĂNG THOÁT MÂY
Lúc ấy tôn giả Vòng Hoa Tay Người một mình thiền định, cảm nhận sâu sắc hạnh phúc giải thoát, nói lời cảm hứng thi kệ như sau:
Ai trước sống buông lung
Nay làm mới hoàn toàn
Sẽ chói sáng đời này
Như trăng thoát mây che.
Ai làm các nghiệp lành
Ngăn chặn quả ác nghiệp
Sẽ chói sáng đời này
Như trăng thoát mây che.
Các Tỳ-kheo trẻ tuổi
Trung thành lý tưởng Phật
Sẽ chói sáng đời này
Như trăng thoát mây che.
Mong kẻ thù địch ta
Nghe được lời pháp thoại
Trung thành lý tưởng Phật
Tiếp nhận, sống chánh pháp
Thân tâm được an tịnh
Chia sẻ cho nhiều người.
Mong kẻ thù nghịch ta
Nghe pháp, hành trì pháp
Từ bậc thầy dạy nhẫn
Từ bậc tán thán nhẫn
Bậc không còn oán hận
Sẽ không còn hận thù
Không hại mình, hại người.
Người hành trì như thế
Chứng tịch tịnh số một
Hộ trì khắp quần sanh
Không phân biệt đối xử
Như người làm thủy lợi
Dẫn nước đến nơi cần
Như người làm cung tên
Uốn luyện cong cung tên
Như người thợ mộc giỏi
Uốn nắn các cây gỗ
Bậc trí tự điều phục
Không cần gậy, kiếm, móc.
Trước ta từng sát hại,
Nay ta tên Vô Hại
Chánh danh nay đã được
Vì không hại cuộc đời.
Trước ta bị thác cuốn
Nay ta quy y Phật
Trước tay ta vấy máu
Nay vẫy chào sanh tử.
Những kẻ tạo nghiệp ác
Sẽ tái sanh cõi ác.
Khi gặt hái nghiệp báo
Không nợ ta phải hưởng.
Kẻ ngu si, vô trí
Đam mê theo phóng dật.
Người có trí thông minh
Không chạy theo phóng dật
Như giữ tài sản quý.
Chớ đam mê phóng dật,
Chớ đam mê dục lạc.
Thiền định, không phóng dật,
Được đại lạc vô lượng.
Ta đi không lạc hướng
Không ai xúi tưởng ác.
Giữa các chân lý giảng
Ta theo chân lý Phật
Chân lý tối thượng nhất.
Ta chứng ba tuệ giác
Phật đạo được viên thành.
Nam-mô Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni Phật (3 lần)
Trích từ “Kinh Phật cho người tại gia”
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
Dành cho bạn
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ ngôi nhà cháy (P.2)
Kinh Phật 10:20 15/12/2024Kinh Diệu pháp Liên hoa sử dụng hình ảnh các loại xe đại diện cho các phương pháp tu, mỗi người có một pháp môn ưa thích riêng, người hành theo bố thí Bồ tát đạo, người quán 12 nhân duyên, người ẩn cư, người tu pháp Bắc truyền…
Kinh A Di Đà bằng tranh
Kinh Phật 08:22 15/12/2024Trong Phật giáo thì Kinh A Di Đà chính là một bản kinh rất phổ biến được truyền tụng hàng ngày trong đời sống đạo của các Phật tử ở các nước Châu Á, đặc biệt là ở Việt Nam.
Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược (P.1)
Kinh Phật 17:19 14/12/2024Kinh Diệu pháp Liên Hoa thuộc kiểu kép giữa pháp và ví dụ. “Diệu” là diệu kỳ, diệu pháp muốn nói tới sự màu nhiệm của pháp, ở đây là so sánh với hoa sen (Liên hoa). Hoa sen được ví dụ cho "pháp", tuy mọc ở nơi bùn bẩn nhưng lại không nhiễm bẩn.
Kinh Phật thuyết A Di Đà tóm lược (phần 3)
Kinh Phật 13:57 12/12/2024Bộ kinh A Di Đà nói về tâm Vô thượng, danh hiệu Phật A Di Đà chứa muôn ngàn công đức. Vì vậy người trì niệm sẽ được chư Phật hộ trì. Thế nhưng, người nào còn tạp niệm dơ bẩn thì tuy có niệm danh hiệu Phật A Di Đà vẫn chẳng hiểu gì về tu.
Xem thêm