Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ hai, 20/06/2016, 06:48 AM

Bài dự thi sáng tác các tác phẩm về Đạo Hiếu: Tìm mẹ trước mộ

Hôm nay là Ba mươi Tết. Nước sông đang lớn dần. Tiếng bìm bịp kêu ra rã như những bản nhạc đồng quê vui nhộn như muốn chia sẻ niềm vui của một người xa xứ tìm về nguồn cội, lần đầu tiên được đón Tết quê nhà.

Trong khoảng lặng rất lạ thường, những nén nhang trầm cháy rừng rực hòa lẫn những làn khói lơ lửng bay lên cao rồi tan nhanh trong bầu trời xanh thăm thẳm.

Trước nấm mộ khá tươm tất, sạch sẽ bởi những lát gạch màu huyết dụ, một người phụ nữ tuổi đã bốn mươi ba, mà nói cho đúng hơn mấy ngày nữa chị mới đủ ngày đủ tháng theo tục lệ ông bà người miền Nam. Stacy Thúy đó. Cái tên mà người cha từng là lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam đặt cho chị sau khi “qua đường” với một thôn nữ miệt Hậu Giang hành nghề bán “ba” ở Sài Gòn. Nói công bằng chị cũng có cái tên Việt Nam đàng hoàng mà mẹ chị đặt cho khi mới ra đời: Nguyễn Thị Ngọc Thúy. Vậy mà 40 năm qua từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, cuộc sống bên kia đại dương đã quên hẳn cái tên cúng cơm của chị.


- Mẹ ơi! Xin mẹ hãy tha lỗi cho con. Đứa con bất hiếu đã xa mẹ, để rồi không kịp về bên mẹ trong giờ phút sinh ly tử biệt. Mẹ ơi! Lần đầu tiên con mới tìm về quê hương, được đón Tết với họ hàng. Con hạnh phúc lắm mẹ ơi!

Tiếng gào thét lơ lớ pha trộn chất giọng nửa Việt, nửa Mỹ kèm theo những hàng nước mắt rơi lã chã trên khuôn mặt khắc khổ trông rất thảm hại. Nhiều người họ hàng đứng bên cạnh cũng không cầm được nước mắt trước sự hội ngộ may mắn như những chuyện cổ tích có thật giữa đời thường. Đứng phía sau cô là là một người Mỹ cao to đang cố dỗ dành cô đừng khóc bằng chiếc khăn tay ướt đẫm. Có lẽ người chồng xứ lạ ấy cũng cảm nhận được sự xúc động quá lớn, quá bất ngờ đến với vợ mình sau 40 năm xa quê mẹ.

- Bây đừng khóc nữa. Khóc vậy khiến vong hồn mẹ bây ở dưới nó tủi thân lắm. Bây tìm được tao, tìm được mẹ bây và bà con chòm xóm là may mắn lắm rồi. Có lẽ mẹ bây đưa đường chỉ lối nên mới có được ngày nay. Tiếng ông Hai Vân nói khẽ khàng.

- Hồi mẹ con sắp mất. Mẹ có nhắc gì tới con hôn cậu?

- Bây nói lạ. Mẹ nào mà hổng thương con. Nó khóc ngày khóc đêm rồi cứ mê mê sảng sảng hết ngày nầy qua ngày khác. Mà ngộ lắm nghe bây. Nó cứ ôm cái áo lạnh bằng len hồi nhỏ bây ưa bận rồi mới chịu uống thuốc. Nó…nó…nhớ bây dữ lắm…

Nói đến đó ông bật khóc. Những giọt nước mắt đàn ông của một người trên bảy mươi tuổi làm mọi người xung quanh cũng không kiềm tỏa được nước mắt.

- Vậy sao hồi đó mẹ con bỏ con vô cô nhi viện hả cậu hai?

- Tao cũng hổng rành cái vụ này nữa. Chắc lúc đó nó vừa mắc cỡ với bà con chòm xóm về cái vụ có chồng Mỹ, có chửa hoang nên nó hổng dám đem bây về quê sinh nở, cùng đường quá trớn nên nó làm liều cho bây vô “trỏng” để tình hình êm xuôi, nó đem bây dìa đây. Bây nghĩ coi ai đời mẹ nào mà hổng thương con chớ. Đùng một cái. Việt Cộng tiến vô giải phóng Sài Gòn, bây bị đưa qua bên Mỹ, bên Tây làm con nuôi, con lai gì đó rồi mất biệt, biết đâu mà kiếm.

- Sao đó thì sao hả cậu?

- Sau Giải phóng mẹ bây “dìa” làm ruộng với tao. Ngày nào nó cũng khóc lên khóc xuống vì nhớ bây, vì cái tội đem bây bỏ vô cô nhi viên Thủ Đức. Nó tự vẫn mấy lần đó nghe nhưng lần nào cũng bị tao cản. Tao nói ráng ở hiền gặp lành, thế nào rồi cũng gặp lại con. Nói riết nó cũng xiêu lòng. Vậy mà nó chờ bây trên 35 năm trong nỗi cô đơn, ân hận dày vò. Nó chết tháng 05 này, đúng 5 năm chớ mấy. Thiệt tội quá.
Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Thúy tần ngần tiến đến di ảnh của mẹ mình đang nở nụ cười rất tươi. Có lẽ trong cõi hư vô, huyền hoặc linh thiêng nào đó, bà đang rất mãn nguyện khi nhìn thấy đứa con gái thân yêu đã tìm về với quê cha đất tổ, đang thắp cho bà những nén nhang đau đớn nhưng ấm cúng tình mẫu tử. Một sự chờ đợi nghiệt ngã mà bà đã mong đợi suốt bao năm qua để đến khi nhắm mắt xuôi tay vẫn không có được cái vuốt mặt tiễn đưa của đứa con gái duy nhất của mình. Biết sao bây giờ. Cuộc đời luôn đem đến những câu chuyện rất bất ngờ mà không ai có thể lường trước được. Chiến tranh cũng vậy, nó cũng rất tàn khốc, bất ngờ có thể làm đảo lộn những gì đang hiện hữu trên cõi đời nầy.

Thúy thấy đôi mắt bà đang ánh lên những tia sáng lạ thường như đang muốn van xin cô thứ tha việc bà nhẫn tâm bỏ rơi cô trên 40 năm qua. Cũng trong đôi mắt ấy, Thúy cũng cảm nhận đang ánh lên những tia sáng mừng vui ngày đoàn tụ dẫu có nghiệt ngã, dẫu có muộn màng.

Đứng lặng lẽ sau đám đông đang vây quanh ngôi mộ, ông Hai Tâm thong thả rít liên tục những điếu thuốc lá trong sự nhẹ nhõm thư thái. Ông vừa làm tròn nhiệm vụ của một con người, vừa kết thúc câu chuyện có hậu của một con người từ bên nửa vòng trái xa xôi đi tìm cội nguồn, đi tìm nơi chôn nhao, cắt rúng của mình. Cách nay hai năm, ông đã nhận được một lá thư đầy nước mắt của một người phụ nữ sinh sống ở Mỹ tên Stacy Thúy, sinh năm 1972 nhờ ông tìm hộ người thân, trong đó có mẹ chị là bà Nguyễn Thị Diệp, quê ở Phước An. Thông tin chỉ vỏn vẹn có vậy. Mờ mịt như bóng chim tăm cá. Cả nước nầy có biết bao nhiều người trùng tên họ Nguyễn Thị Diệp; cả nước nầy có bao nhiêu địa danh Phước An còn tồn tại, mới hình thành sau ngày giải phóng. Mọi chuyện trở nên rối rắm.

- Tôi thấy anh không nên bỏ công sức đi tìm một địa chỉ mơ hồ như vậy? Biết tìm ở đâu? Đó là chưa kể đến việc tiền nong, công cán ai chịu? Tiếng Hai Trung bực dọc.

- Khó mấy cùng phải tìm. Mình làm từ thiện mà tính toán cái nỗi gì? Còn nước còn tát. Chú nghĩ coi, nếu hổng có cái tâm thì trước giờ làm sao mình tìm được hàng trăm trường hợp rồi chớ có ít ỏi gì đâu. Tiếng ông Tâm nhỏ nhẹ kèm cái cười rất tươi.

Lạ. Cả tổ tìm kiếm thân nhân miễn phí nầy hổng ai hổng rành cái nết của ông Tâm. Cực quá cũng cười, vui vẻ cũng cười, anh em trong tổ cằn nhằn, cửi nhửi càng hung thì ổng lại càng cười. Giận thì la làng la xóm cho đỡ “quạo” chớ thấy “ổng” cười cười thì ai mà giận lâu cho được. Vậy là cuộc đi tìm hai từ “Phước An” được bắt đầu. Hết Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa rồi vô miệt Trà Vinh, Sóc Trăng, hễ nghe đâu có được thông tin liên quan đến hai chữ “Phước An” là cả tổ tìm tới bất kể nắng mưa, gian khổ. Gần 6 tháng đi qua trong vô vọng nhưng cả tổ tìm kiếm vẫn lặng lẽ đi tìm với sự hy vọng thật mong manh.

Ông Tâm reo mừng la thật to khi có được một “cuốc” điện thoại gọi đến từ huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết: có thể người mà cả đoàn đang tìm là em ruột của ông tên Nguyễn Thị Diệp hiện đã mất vì bệnh ung thư. Người này còn cho biết thêm người vắn số ấy xưa kia có một người con gái tên Nguyễn Thi Ngọc Thúy bị dưa sang Mỹ làm con nuôi năm 1975 trước ngày 30 tháng 04 hai tháng. Mừng như bắt được vàng, cả tổ hăm hở đến ngày nơi cần tìm đến trong màn đêm buông phủ.

Trong căn nhà nhỏ đơn sơ giữa đồng ruông mênh mông, ông Tâm hỏi dồn dập:

- Giả dụ tui đưa anh coi mấy tấm hình của đứa cháu gái bị thất lạc hồi “nẵm” anh nhìn nó ra hôn?.

- Hổng ra mới là lạ. Nếu trời xui đất khiến, vong hồn nhỏ em tui dìa phò hộ thì tui biết liền. Khoan để tui đốt cho nó nó mấy cây nhang, biểu nó dìa đây chứng giám, nếu thiệt là con của nó thì nó chỉ tui, Nam mô A Di Đà Phật. 

Nói xong ông Hai Vân tiến tới cái bàn thờ dòm chăm chăm vào tấm ảnh một người phụ nữ khá xinh đẹp rồi khấn vái:

- Diệp ơi! Em có sống khôn, thác thiêng dìa đây báo tin cho anh tìm lại con em. Em chờ nó mấy chục năm rồi đó. Còn nếu hổng phải cũng báo tin để anh hổng làm phiền anh em nữa. Họ cực khổ quá trời, quá đất.

Những tấm ảnh mấy đứa trẻ khác nhau được bày ra trên chiếc bàn rộng giữa nhà. Ông Hai Vân nhận ra ngay ảnh đúa nhỏ thắt hai bím tóc giống em mình như đúc.

- Nó đây. Con nhỏ nầy chớ hổng đâu. Chạy trời không khỏi nắng. Nó giống “y sì” con mẹ nó hổng “xê” một chút nào hết. 

Tim ông Hai Tâm đập thình thịch rồi chậm rãi lật tấm ảnh úp xuống mặt bàn. Phía sau tấm ảnh có dòng chữ viết khá đẹp: Nguyễn Thị Ngọc Thúy, sinh năm 1972, con bà Nguyễn Thị Diệp, quê Phước An. Ông Hai Vân bật khóc rồi áp tấm ảnh vào mặt mình trong hai hàng nước mắt. Ông lẩm bẩm một mình như người vô hồn: Diệp ơi! Thúy ơi !Mẹ còn bây gặp nhau rồi nè. Lạy trời lạy Phật cho gia đình con có được ngày nầy, để con Diệp không còn tủi thân vì không gặp mặt con.
 
Câu chuyện lại được tiếp tục trong đêm vắng. Cả xóm nghe tin kéo tới chật nhà ông Hai Vân. Ai cũng muốn biết cái chuyện bà Diệp nói tới chuyện chồng con gì đâu, mà lạ nhất “bả” có chồng là lính Mỹ nữa chớ.

Hồi chiều mấy đứa nhỏ dẫn đường cho đoàn khách lạ tìm nhà ông Hai Vân nghe loáng thoáng tiếng đặng, tiếng mất chạy dìa báo tin, cả xóm nầy nhao nhao bàn tán tứ tung binh tàng. Mà đâu ai dám nhào vô nhà ông Hai Vân. Đúng thiệt là “ổng” kiếm được đứa cháu kêu bằng cậu thì hổng sao, còn nếu lỡ trớt qướt bờ lề ổng rượt chạy có cờ. Bởi vậy dòm thấy “ổng” khóc ngất khi ôm tấm hình lên mặt thì hổng ai biểu ai, mọi người ùa vô nhà chật cứng để chúc mừng ông.

Thúy như muốn té quỵ khi nhận được được điện thoại của ông Hai Tâm từ Việt Nam gọi sang. Bao nhiêu tủi hờn khi sống trên xứ lạ quê người, kể cả sự bạc đãi của chính người cha ruột và người anh cùng cha khác mẹ của chị như tan biến. Thúy cùng chồng tức tốc bay về Việt Nam theo ông Hai Tâm về đây tìm mẹ trong sự mừng vui khôn xiết. Bao mặc cảm trách hờn vì bị bỏ rơi cũng không còn để thay vào đó là cảm giác hạnh phúc vì mình đã về với mẹ, về với cội nguồn dẫu có muộn màng.

Trong khoảng không gian xanh cao thăm thẳm, trong tiếng sóng lăn tăn vỗ vào những con đê ven sông rộng miệt Phụng Hiệp hôm nay, Thúy thấy mẹ mình với đôi mắt thật tươi đang cười mãn nguyện.

Tết đã về tràn ngập niềm vui trong lòng người phụ nữ bao năm lưu lạc xứ người.

Trần Trấn Giang
(Tặng Thúy nhân ngày về Việt Nam tìm mẹ sau 40 năm lưu lạc)
-
Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Tp.Cần Thơ
170 Lý Tự Trọng, quận Ninh Kiều, Tp.Cần Thơ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm