Bài kệ niệm ân và báo hiếu mẹ hiền
Bài kệ này quý Phật tử có thể thường xuyên đọc tụng để nhắc nhở về sự hiếu đạo, tưởng nhớ công ơn tổ tiên và cha mẹ, nhắc nhở bổn phận làm con phải luôn nhớ đến ơn sinh dưỡng của cha mẹ để thể hiện tình cảm, lòng biết ơn.
Kính lạy mẹ: Nguồn ân cao cả
Dẫu muôn thân, vạn thuở khôn đền
Từ ấu thơ lầm lỗi gây nên
Nay khôn lớn, chưa tròn hiếu tử
Ơn nghĩa nặng, thịt xương huyết nhũ
Công sâu dày chín tháng cưu mang
Dưỡng bào nhi ăn uống kiêng khem
Lúc đi đứng, trái trời trở tiết
Nỗi thống khổ làm sao kể xiết
Tự chống chèo vượt cạn qua sông
Trào lệ vui, tiếng khóc bên lòng
Yêu con trẻ, nâng như trứng mỏng.
Kính lạy mẹ: Nguồn sâu vô tận
Suối cam lồ tắm mát đời con
Ráo con lăn, bên ướt mẹ nằm
Bao dơ uế, nhọc nhằn cam chịu
Nuốt mặn, đắng, chua cay, tủi hận
Ôi! Suốt đời hiền mẫu lo toan
Mới cảm đau gió máy se mình
Mẹ hớt hải đảo trời, khấn Phật
Tình thương mẹ, thấm dòng sữa mật
Nuôi đời con đến lúc thành người
Lúc khó khăn, khô nhạt cầm hơi
Miếng ngon ngọt dành phần con trẻ
Năm canh đêm thức chừng con ngủ
Sáu khắc ngày tần tảo ngược xuôi
Đủ áo cơm nở mặt với đời
Cho ăn học đua đòi sĩ diện.
Kính lạy mẹ: Ơn thiêng hiển hiện
Suối bi từ vô lượng nhân gian
Nhiều khi con ngỗ nghịch hoang đàng
Lắm lúc lại hỗn hào tai ngược
Mẹ quay mặt, dao bào cắt ruột
Đánh con đau, lòng mẹ thêm đau
Ôi! Huyết nhục thâm ân, giáo dưỡng sâu mầu
Đèn sách sáng, lòng con chưa đủ sáng
Nay nhờ Phật, tâm minh trí rạng
Đuốc thiên lương Phật đạo soi đường
Mẹ là liên trì tỏa ngát nguồn hương
Là thanh nhạc chim trời Đao Lợi
Là bảy báu, phúc đời cao vợi
Niềm trong lành thường lạc, thường vui
Mẹ: Tình thương muôn thuở về xuôi
Là biển rộng, sông dài, núi cả
Phụng dưỡng mẹ áo cơm đầy đủ
Phải cúc cung hết dạ sớm hôm
Khi ốm đau cơm cháo bên giường
Lo xuôi ngược thuốc thầy tận tuỵ
Giữ mát mẻ, cháu con hòa khí
Tạo niềm vui thuận thảo gia nương
Giúp mẹ đức tin, bố thí, cúng dường
Khuyên giữ giới, tham thiền, niệm Phật.
Kính lạy mẹ: Vị thầy trước nhất
Là tiên nhân từ ái ngự trong nhà
Con nghiêm cung phủ phục thiết tha
Sám hối mẹ, ăn năn sợ hãi
Nếu mẹ đã vội vàng khuất núi
Biết làm sao hiếu hạnh chu toàn?
Noi tích xưa, đức Mục Kiền Liên
Gương đại hiếu, vầng trăng bất diệt
Xót thấy mẹ khổ đồ rên xiết
Lòng chí thành, kính thỉnh thập phương Tăng
Lễ vật, hương hoa, cơm bánh cúng dường
Tâm thanh tịnh các ngài chú nguyện
Uy lực Tăng: Vô biên Thánh điển
Mẹ hoá sanh Dục giới chư thiên
Đến muôn sau, kinh sử còn truyền
Cách báo hiếu, báo đền cúc dục.
Lại tưởng nhớ mẹ ngài Xá Lợi Phất
Dẫu trọn đời chẳng thích sa-môn
Vì Gotama, bà phải lìa con
Nên thành kiến ăn sâu phế phủ
Quán thấy mẹ căn duyên sẵn đủ
Căn nhà xưa chọn chỗ Niết-bàn
Suốt ba canh sáng rực hào quang
Tiên sáu cõi tới lui hầu hạ
Đại Phạm thiên, vị thần cao cả
Cũng hiện bên giường cung kỉnh chắp tay
Oai con bà, sợ hãi lắm thay
Huống Đức Phật, Tôn Sư Vô Thượng
Nhờ ngưỡng phục, tâm bà thanh tịnh
Ngay sát-na chứng quả Dự Lưu
Cảm kích xiết bao thánh vị sâu mầu
Cách báo hiếu của hai ngài Như Lai trưởng tử
Đã trọn vẹn cù lao chín chữ
Lại trời, người thảy thảy thấm nhuần ân
Đệ tử hôm nay hội đủ duyên phần
Hiếu và Đạo nguyện thành viên mãn
Vầng tuệ nhật tam thiên xán lạn
Vẹt vô minh hôn ám bao đời
Cầu cho sanh loại muôn nơi
Thọ trì thắng hạnh rạng ngời nhân luân.
Trích kinh tụng HKST.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm