Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Bài Kinh: Người đẹp không bằng người có đạo đức

Thuở xưa, đức Phật dẫn các đệ tử đến tinh xá Mỹ Âm nước Câu-đàm-di thuyết pháp cho hàng trời người long thần. Lúc ấy, vua nước này tên là Ưu Điền có một vị đại phu nhân tính tình nhân từ, được ngợi khen là trong sạch.

Vua rất yêu quý, kính trọng tiết hạnh của bà. Vua nghe Phật đến thuyết pháp nên cùng phu nhân xa giá đến chỗ Phật làm lễ rồi qua một bên. Đức Phật vì vua, phu nhân và thể nữ thuyết pháp vô thường, khổ, không, người ta do đâu tái sinh, hội họp rồi phải chia ly, oán ghét gặp gỡ nhau khổ, do phước sinh lên cõi trời, vì ác phải đọa địa ngục.

Vua và phu nhân hoan hỉ tin hiểu, đều thọ Ngũ giới làm Phật tử tịnh tín rồi từ giã trở về cung. Lúc ấy, có một vị Bà-la-môn là Kiết Tinh sinh được một người con gái xinh đẹp vô song. Đến năm mười sáu, sắc đẹp của cô thật toàn vẹn không kém khuyết điểm nào. Ông Bà-la-môn treo giải nghìn lạng vàng cho ai phê bình được một điểm xấu của con gái mình. Thế mà, suốt ba tháng vẫn không có người làm được.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Ông Bà-la-môn nghĩ con gái mình đã đến tuổi lấy chồng, nếu ai khôi ngô tuấn tú xứng đôi sẽ gả cho.

Ông nghe nói Sa-môn Cù-đàm dòng họ Thích-ca, tướng mạo kim sắc hiếm có trên đời, nên dẫn con gái đến để gả cho đức Phật. Ông đưa con gái đến, chào hỏi xong, rồi thưa với Phật:

– Con gái tôi xinh đẹp hiếm có trên đời, nay dẫn đến để gả cho Ngài.

Đức Phật nói với Kiết Tinh:

– Nét xinh đẹp của con gái ông là cái yêu quí của gia đình ông, còn cái yêu quí của tôi là chỗ chư Phật yêu quí. Quan niệm về cái yêu quí của chúng ta khác nhau. Ông tự khen con gái mình xinh đẹp, song tôi xét ra chỉ giống như một cái bình đựng đồ bất tịnh hôi dơ, có gì đáng quý đâu? Sắc vóc xinh đẹp là chỗ dính mắc của tên giặc lớn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân. Tự dưng đoan chính là tai họa lớn của thân. Tan nhà nát cửa, giết mình hại thân tộc đều do nữ sắc mà ra. Ta làm Sa-môn sống một mình vì sợ những tai họa này, lẽ nào lại còn nhận lấy nó nữa. Ông hãy đem đi, ta không nhận đâu.

Ông Bà-la-môn nghe vậy nổi giận bỏ đi. Ông đưa con gái đến ra mắt vua Ưu Điền, khen ngợi vẻ đẹp con mình, rồi thưa:

– Con gái tôi đáng bậc vương phi, xin cho được làm đệ nhị phu nhân ở bên tả.Vua nghe lời, ban cho đai ấn, vàng bạc châu báu rồi phong Kiết Tinh làm quan kề cận giúp vua.

Cô con gái sau khi đắc sủng, ôm lòng ganh ghét đại phu nhân thường mê hoặc vua, nhiều lần cô tìm cách gièm pha, song vua đều gạt qua bảo:

– Khanh chỉ đặt điều không thật. Đại phu nhân là người tiết hạnh đáng quý mà lại gièm pha.

Cô này vẫn không bỏ ý định làm hại đại phu nhân, luôn tìm dịp tâu ra tâu vào khiến vua từ từ cũng xiêu lòng tin theo.

Một hôm, cô tìm ra một cơ hội, nhân ngày trai giới lại khuyên vua:

– Cuộc vui hôm nay xin mời hữu phu nhân ra dự.

Vua nghe lời ra lệnh tất cả mọi người đều tham dự. Song đại phu nhân vì trì trai giới nên không vâng lệnh. Vua ba lần cho người gọi mà bà nhất định không ra. Vua nổi giận sai người lôi ra, bắt trói trước điện rồi lấy cung định bắn chết. Đại phu nhân vẫn không sợ hãi, nhất tâm quy y Phật. Vua nhắm phu nhân bắn, không ngờ mũi tên bay lại phía sau vua. Bắn mấy phát liền đều như vậy cả.

Lúc ấy, vua cảm thấy sợ hãi vội buông cung xuống, đích thân cởi trói cho đại phu nhân, rồi hỏi:

– Khanh có pháp thuật lạ gì mà khiến như thế?

Phu nhân trả lời:

– Thiếp chỉ phụng thờ Như Lai, quy y Tam Bảo. Sáng nay, thiếp thọ Phật trai giới không ăn quá ngọ. Lại giữ tám giới của Phật không được trang sức. Đây chắc là đức Thế Tôn từ bi gia hộ khiến được như thế.

Vua nói:

– Lành thay! Sao không nói sớm cho trẫm?

Vua liền đuổi con gái của Kiết Tinh về nhà rồi giao cho đại phu nhân coi quản hết mọi việc trong cung.

Sau đó, vua, phu nhân và thái tử dẫn theo quần thần cùng xa giá đến chỗ Phật. Sau khi làm lễ xong, mọi người ngồi qua một bên chắp tay nghe pháp. Vua liền đem những việc đã xảy ra thuật lại đầy đủ cho Phật nghe.

Đức Phật nghe xong bảo:

– Này đại vương người nữ yêu tà, độc ác có tám mươi bốn việc. Trong đó, có tám việc lớn bị người trí tuệ ghét. Đó là: Tật đố; Giận càn; Mắng chửi; Trù rủa; Trấn áp; Xan tham; Ham trang sức; Ôm lòng thâm độc.Bấy giờ, đức Thế Tôn liền nói kệ:

Dầu trời mưa thất bảo

Dục tâm thỏa được nào

Vui ít khổ biết bao

Ai giác ngộ: Hiền trí.

Dầu dục lạc cõi trời

Sáng suốt xả không tham

Vui viễn ly ân ái

Là đệ tử Phật-đà.

Đức Phật nói với vua:

– Người ta làm phước tạo tội, mỗi thứ đều có tính chất riêng. Cho nên thọ quả báo vui khổ cũng khác nhau xa. Nếu thực hành pháp lục trai giới sẽ được phước rất nhiều, chư Phật đều khen ngợi và khi chết sẽ sinh thiên hưởng phước an vui.

Đức Phật nói xong, vua, phu nhân, thể nữ và các quan đại thần tâm ý đều khai ngộ, thấy được đạo.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

Kinh A Nậu La Độ

Kinh Phật 15:00 09/04/2024

Đây là những điều mà tôi đã được nghe hồi Bụt còn ở tại tu viện Trùng Các, trong rừng Đại Lâm, không xa thành phố Tỳ Xá Ly. Lúc bấy giờ đại đức A Nậu La Độ đang cư trú tại một cái am trong rừng, không xa nơi Bụt ở.

Kinh bồi đắp niềm tin

Kinh Phật 11:45 03/04/2024

Tuệ giác và niềm tin là những báu vật sáng chói nhất. Đó là những châu báu, tài sản cao cấp, trong khi đó thì tất cả các tài lợi, gia sản của thế gian đều vô thường.

Kinh phân biệt chánh tà

Kinh Phật 12:00 18/03/2024

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà vườn Cấp Cô Độc. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: Nếu có người ở trong nhóm tà kiến thì có tướng trạng gì, có nhân duyên gì?

Xem thêm