Bảo vệ môi trường từ góc nhìn Phật giáo
BBT: Những đợt nóng kỷ lục cuối tháng 4 - đầu tháng 5/2023 ở Việt Nam và Châu Á đã gióng lên hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ cho nhân loại về thực tại khốc liệt của biến đổi khí hậu.
Nhân loại đang đối mặt với vấn nạn môi trường và nguy cơ biến đổi khí hậu ngày càng tăng. Không ai khác, con người là một trong những tác nhân tạo ra hệ lụy, vì vậy, con người phải tự nhận thức lại mối quan hệ của mình với tự nhiên để thay đổi hành vi. Từ góc nhìn Phật giáo, luận bàn về mối quan hệ tương hỗ - cùng phát triển và những thông điệp bảo vệ môi trường.
Phật giáo quan niệm con người và môi trường có mối quan hệ tương hỗ mật thiết. Ba sự kiện quan trọng trong cuộc đời đức Phật (đản sinh, thành đạo, nhập niết bàn) đều gắn với ba loài cây. Trong ảnh: Cây vô ưu gắn với truyền thuyết đản sinh của đức Phật Giáo lý Phật giáo (từ duyên khởi, duy thức, tam độc, nhân quả, bát chính đạo đến ngũ giới, thập thiện, tứ vô lượng,…) luôn hướng con người đến lối sống gắn bó, hài hòa, thân thiện với thiên nhiên; biết tôn trọng, trân quý thiên nhiên bởi con người và thiên nhiên có mối quan hệ khăng khít, bình đẳng, tác động tương hỗ nhau.
Thuyết Duyên khởi cho rằng, không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mà mỗi một thực thể tồn tại nhờ sự tương quan mà nó có với những thực thể khác trong môi trường. Tất cả các dạng sống trên vũ trụ là các thực thể bình đẳng trong tự nhiên và sự sống của tất cả con người, động vật, thực vật trên thế giới đều có quan hệ với nhau, phụ thuộc lẫn nhau và phát triển tương quan với nhau (1). Do đó, con người không thể sống tách mình ra khỏi vạn vật và thiên nhiên. Chẳng may một bên bị tiêu vong thì bên kia cũng không thể tồn tại. Điều đó đã trở thành quy luật chung.
Xuất phát từ quan niệm này của Phật giáo, mỗi người cần có ý thức bảo vệ thiên nhiên như bảo vệ sự sống của chính mình. Con người cần loại bỏ đi “tam độc” (tham, sân, si) khai thác vô độ, tàn phá thiên nhiên, bắt thiên nhiên phải phục tùng mình bởi một khi thiên nhiên bị suy thoái, bị hủy hoại thì con người cũng không thể tồn tại dài lâu.
Học thuyết Duy Thức trong Phật giáo cũng chỉ ra rằng, tâm thức của con người có mối quan hệ chặt chẽ với thế giới vật lý như sông ngòi, núi rừng và đất đai. Chính vì vậy, sự ô nhiễm và suy thoái của môi trường sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến sự tồn tại của mọi dạng sống trên trái đất và dẫn tới sự khổ đau của con người (2). Nếu như con người vẫn cứ tiếp tục duy trì những tác động tiêu cực vào thiên nhiên như chặt phá rừng bừa bãi, săn bắt động vật làm mất cân bằng sinh thái, thải rác thải sinh hoạt và sản xuất lan tràn làm ô nhiễm nguồn nước và môi trường đất thì con người sẽ sớm phải trả giá đắt cho việc làm của mình.
Giáo lý Phật giáo dạy con người phải biết sống theo Tứ vô lượng (từ, bi, hỷ, xả), biết giữ “ngũ giới” và biết làm “thập thiện”. Lối sống nhân văn, nhân đạo trong Phật giáo có ý nghĩa răn dạy con người phải ứng xử hài hòa với thiên nhiên, biết tôn trọng sinh mệnh của vạn vật, từ những loài nhỏ nhất như cây cỏ, côn trùng nhằm giữ gìn sự đa dạng sinh học. Về điều này, Hòa thượng Thích Minh Châu đã từng giải thích: “Hại người/vật vô tội cũng giống như ném bụi ngược gió với kết quả là ta phải chịu hậu quả của hành động mình" (3). Ngoài ra, theo luật “nhân quả” của nhà Phật, con người nếu biết tu dưỡng nghiệp thiện, gây nhân tốt thì sẽ gặt hái được quả ngọt. Con người đối với môi trường thiên nhiên cũng vậy.
Lối sống “thiểu dục, tri túc” (ham muốn ít, hiểu thế nào là đủ) mà Phật giáo đề cao cũng có ý nghĩa răn dạy con người phải biết trân trọng những gì mình có, tiết kiệm tài nguyên và năng lượng, không ham hưởng thụ, tiêu dùng quá mức, tham gia bảo vệ hệ sinh thái tự nhiên, không được vì lòng tham mà làm tổn hại đến vạn vật và môi trường. Theo ý nghĩa này, nhà Phật quan niệm sống giản dị không có nghĩa là sống không có chất lượng. Chất lượng của đạo Phật là sự “an vui”, thay vì tham lam, “bận rộn”; là cố gắng bảo vệ muôn loài, thay vì thờ ơ giết hại sinh mạng và hủy diệt điều kiện sinh tồn của chúng sinh; là hợp tác vì lợi ích chung thay vì cạnh tranh giành giật cho quyền lợi riêng; là vượt qua chính mình để thể nhập cuộc sống thực tại, thay vì tách rời và đối nghịch lại thiên nhiên (4).
Quan niệm sống của nhà Phật rõ ràng đã giúp con người nhận thức sâu sắc và thấu đáo hơn về trách nhiệm của mình đối với môi trường sống. Một lối sống giản dị, tiết kiệm, giảm sức ép đối với môi trường sống, hài hòa giữa danh lợi với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và các loài động, thực vật sẽ góp phần làm giảm ô nhiễm; tránh được tình trạng rừng bị tàn phá, tài nguyên bị suy kiệt, động vật bị săn bắn dẫn tới tuyệt chủng; nhờ đó tránh được sự “trả thù” của thiên nhiên, khí hậu như bão lũ, hạn hán, sa mạc hóa, động đất, nước biển dâng,… đang đe dọa cuộc sống của chúng ta.
Có thể thấy, trong giáo lý, kinh sách của Phật giáo luôn tiềm ẩn những tư tưởng, những bài học sâu sắc về ý thức bảo vệ môi trường sống. Để cụ thể hóa những tư tưởng ấy thành hành động cụ thể của mỗi người, hàng năm, trong các ngôi chùa Phật giáo thường có ba tháng “an cư kiết hạ” để tu tập giáo lý. An cư kiết hạ là ba tháng trùng vào mùa mưa của Ấn Độ xưa kia nên việc hạn chế đi lại trong ba tháng đó sẽ tránh được sự sát hại vô tình đối với côn trùng, sâu bọ, cây cỏ. Điều này vốn xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của Phật giáo là từ bi, hỷ xả, không sát sinh muôn loài. Nó đã góp phần nêu cao tinh thần, trách nhiệm tự giác của con người đối với sứ mệnh bảo vệ, gìn giữ thiên nhiên tươi đẹp và môi trường sinh thái.
Hơn thế, Phật giáo đã thông qua tổ chức của mình là Giáo hội Phật giáo Việt Nam để đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục tín đồ Phật tử về mối quan hệ gắn bó giữa con người với tự nhiên (qua thuyết “duyên khởi”, “duy thức”); răn dạy tín đồ ứng xử hài hòa, thân thiện với môi trường (qua thuyết “nhân quả”, “bát chính đạo”, “ngũ giới”, “thập thiện”, lối sống “thiểu dục tri túc”).
Năm 2011, nhân ngày Phật đản, Hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đệ tam Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã gửi thông điệp về vấn nạn môi trường và lời kêu gọi bảo vệ môi trường tới tất cả Phật tử, rằng: “Thế giới nói chung và đất nước ta nói riêng đang đứng trước nhiều khó khăn, tác hại do ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu, môi trường, nguồn tài nguyên ngày một cạn kiệt, nhiệt độ trái đất gia tăng, hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh, sóng thần, động đất, nước biển dâng,… đang là những thảm họa đe dọa đến sự an nguy của sự sống con người… Tôi kêu gọi mỗi Tăng ni, Phật tử chúng ta cần phải hiểu rõ bản chất của giáo lý Phật Đà về luật vô thường, về tôn trọng sự sống và mối quan hệ hữu cơ giữa con người và thiên nhiên, để chung tay với cộng đồng xã hội bảo vệ môi trường xã hội và sự an nguy của trái đất" (5). Đến năm 2015, tại Hội nghị toàn quốc “Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng gửi thông điệp: “Chúng tôi kêu gọi mỗi người bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn và đẹp hơn" (6).
Không chỉ tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức của Phật tử một cách thuần túy, để thiết thực bảo vệ môi trường, các thiền viện Phật giáo đã gây dựng mô hình cảnh quan “rừng thiền” với cây cối xanh tươi, hồ nước trong sạch, không khí mát mẻ nhằm kết hợp du lịch xanh với du lịch tâm linh, tạo môi trường thanh tịnh, an bình cho khách thập phương thưởng ngoạn. Trong các thiền viện, nhân ngày lễ hội Phật giáo, các Tăng ni, Phật tử được vận động tham gia phong trào “trồng cây phúc đức”, “trồng cây trí đức” thay cho tục “hái lộc, bẻ lộc”. Hòa thượng Thích Tâm Pháp từng kêu gọi: “Thực hiện lời Phật dạy, người Phật tử chúng ta nên bắt tay vào việc trồng cây xanh tạo thêm bóng mát để kích thích xã hội làm sạch môi trường. Mỗi người một tay, mỗi người một câu, mỗi chùa một khuôn viên xanh nhỏ thì lo gì không có những vườn cây tươi mát cho thế hệ ngày mai" (7). Hiện nay, nhiều thiền viện còn được xây dựng ngay cạnh rừng để đảm trách thêm nhiệm vụ bảo vệ rừng và bảo tồn các loài động vật hoang dã.
Ngoài phong trào trồng và bảo vệ cây xanh, tục “ăn chay” trong Phật giáo cũng góp phần cân bằng và cải thiện môi trường sống. Việc hạn chế hoặc không sử dụng các sản phẩm từ động vật không những có lợi cho sức khỏe của con người mà còn giúp cho nhiều loài động vật tránh khỏi nguy cơ tuyệt chủng. Nhờ đó, hệ sinh thái được cân bằng, giúp giải quyết các vấn đề về biến đổi khí hậu, nước biển dâng và môi trường sinh thái.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Dẫn theo: Nguyễn Đình Hòe, Bảo vệ môi trường và đạo Phật ở Việt Nam: Môi trường trong kinh sách và trong thuyết giảng của các vị tăng ni và cư sĩ, http://vacne.org.vn.
2. Thích nữ Tịnh Quang, Đạo Phật và môi trường, http://www.chinhtin.vn.
3. Trần Phương Lan dịch, Phật giáo, sinh thái học và đạo đức toàn cầu, http://www.thuvienhoasen.org.
4. Lê Văn Tâm, Đạo Phật với vấn đề phát triển lâu bền và bảo vệ môi trường, http://www.daitangkinhvietnam.org.
5. Thích Phổ Tuệ, Thông điệp Phật đản 2011, http://www.thichchanquang.com.
6. Dẫn theo: Thu Hà, Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, http://www.dangcongsan.vn.
7. Dẫn theo: Trần Linh Chi, Nguyễn Song Tùng, Truyền thông môi trường trong tôn giáo ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 1, năm 2014.
(*) Tác giả bào báo: TS. Phạm Thanh Hằng, Viện Tôn giáo và tín ngưỡng, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh. Nguồn: Báo Tài nguyên Môi trường.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Hoa hậu Nguyễn Thanh Hà ấp ủ viết sách về môi trường
Môi trường 07:24 31/12/20243 năm tham gia các hoạt động thúc đẩy bảo vệ môi trường, hoa hậu Nguyễn Thanh Hà nhận thấy cần phải viết sách để lan toả hơn nữa thông điệp sống vì môi trường xanh đẹp.
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Môi trường 09:31 26/12/2024Sáng sớm ngày 24/12, hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.
Tại sao bão số 10 lại hình thành ngay trong đợt không khí lạnh?
Môi trường 10:25 24/12/2024Thông thường không khí lạnh sẽ khiến bão bị yếu đi hoặc không thể hình thành, nhưng bão số 10 lại xuất hiện. Vì sao?
Những bức ảnh ấn tượng báo động về môi trường năm 2024
Môi trường 14:04 23/12/2024Chim cánh cụt thay đổi nơi làm tổ, Fiji ngập trong rác nhựa dạt từ nước khác, núi lửa phun trào sau 800 ngủ yên, người dân đi bộ qua một phần sông Amazon đang hạn hán...là những hình ảnh các báo quốc tế bình chọn cho năm 2024.
Xem thêm