Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 16/09/2018, 12:04 PM

Bát chính đạo (āryāṣṭāṅgika-mārga)

Bát chánh đạo là hành pháp thứ bảy trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Hành pháp Bát chánh đạo là pháp môn thật tiễn đại biểu đặc trưng tối quan trọng cho những lời dạy của đức Đạo sư trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo. Vì pháp môn này là một phương pháp chính xác để hành giả hướng đến Niết bàn giải thoát, là một con đường ngắn nhất đưa hành giả đến chỗ an vui tịch tĩnh, là con đường được Đạo sư nói ra lần đầu tiên sau khi Ngài thành Đạo tại vườn Nai cho năm anh em Kiều Trần Như - bạn tu của Ngài trước đó để tránh xa hai thái độ sống cực đoan giữa đau khổ (khổ hạnh) và khoái lạc (hạnh phúc) đưa hành giả đến con đường trung đạo không vướng mắc hai bên.

Bát chánh đạo tiếng Phạn gọi là āryāṣṭāṅgika-mārga, là con đường chánh tám ngành đưa đến Niết bàn giải thoát, còn gọi là Bát Thánh đạo, Bát chi chánh đạo, Bát Thánh đạo phần, Bát đạo hành, Bát trực hành, Bát chánh, Bát đạo, Bát chi, Bát pháp, hay Bát lộ.

Bát chánh đạo gồm có tám chi sau:

- Chánh kiến (skrt: samyag-dṛṣṭi, pāli:sammàditthi): thấy đúng.
- Chánh tư duy (skrt: Samyak-saṁkalpa, pāli: sammàsankappa): suy nghĩ đúng.
- Chánh ngữ (skrt: Samyag-vāc, pāli: sammàvàca): nói đúng.
- Chánh nghiệp (skrt: Samyak-karmānta, pāli: samm kammata): làm việc đúng.
- Chánh mạng (skrt: Smnyag-ājīva, pāli: sammààjiva): sống đúng.
- Chánh tinh tấn (skrt: Samyag-vyāyāma, pāli: sammààyàma): siêng năng đúng.
- Chánh niệm (skrt: Samyak-smṛti, pāli: sammà satti): nhớ đúng.
- Chánh định (Samyak-samadhi, pāli: sammà samàdhi): tập trung đúng.

1. Chánh kiến

Còn gọi là chánh đế, tức thấy khổ là khổ, tập là tập, diệt là diệt, đạo là đạo, có nghiệp thiện ác, có nghiệp báo thiện ác, có đời này đời kia, có cha mẹ, có người chơn đến nơi thiện, bỏ thiện hướng thiện, nơi đời này, đời kia, tự giác tự chứng thành tựu. “Khi nào vị Thánh đệ tử biết già chết, tập khởi của già chết, đoạn diệt của già chết và con đường đưa đến đoạn diệt già chết, này chư Hiền, khi ấy vị Thánh đệ tử có chánh kiến…” (Kinh Chánh tri kiến, Trung bộ I, p. 49, HT.Minh Châu dịch) hay “Khi một vị Thánh đệ tử biết được bất thiện và biết được căn bản của bất thiện, biết được thiện và căn bản của thiện, này chư Hiền, khi ấy vị Thánh đệ tử có chánh kiến, có tri kiến chánh trực, có lòng tin pháp tuyệt đối và thành tựu diệu pháp này”. (Kinh Chánh tri kiến, Trung bộ I, tr. 47). Đó chính là sự thành tựu của nhân quả thế gian và xuất thế gian qua như thật tri kiến một cách rõ ràng về sự hiện hữu và biến dịch của chúng theo duyên khởi mà hành giả có thể tư duy và nhận chân được tánh và tướng của tất cả mọi pháp trên thế gian này, đâu là pháp hữu lậu, đâu là pháp vô lậu. Đó gọi là chánh kiến.

Chánh kiến là chi đầu trong tám chi Bát chánh đạo thuộc vào phần tuệ học của ba vô lậu học nhằm trang bị cho một sự nhận thức đúng về lối nhìn duyên khởi đối với mọi sự vật, không rơi vào cái nhìn méo mó sai lệch giữa có và không, giữa thường và đọan của lối nhìn tà kiến, mà lúc nào cũng phải giữ một cái nhìn khách quan không thiên lệch bên này hay bên kia để vượt qua khỏi mọi vướng mắc hữu lậu đạt chánh kiến vô lậu giải thoát như trong Kinh Đại Tứ Thập, Trung bộ III. tr. 207 “Phàm cái gì thuộc tuệ căn, tuệ lực, trạch pháp giác chi, chánh kiến, đạo chi của một vị thành thục Thánh đạo A la hán, có vô lậu tâm, chánh kiến như vậy là chánh kiến vô lậu, siêu thế”.

Lối nhìn này được mệnh danh là kiến giải trung đạo, vượt qua khỏi tà kiến chấp có chấp không của thế gian. Nói chung hành giả xa lìa từ bỏ năm loại kiến giải không chánh kiến này: Một là tự chấp cho rằng thân này có ngã nó luôn tồn tại không mất, đó gọi là thân kiến hay ngã kiến. Hai là cực đoan chấp chặt kiến giải một bên, như sau khi chúng ta mất sẽ tồn tại không mất, đó gọi là thường kiến hay hữu kiến đối lập lại với quan niệm sau khi ta mất sẽ không còn nữa, đó gọi là đọan kiến hay vô kiến. Hai quan điểm có - không này mà chúng ta chấp vào một trong hai thì gọi là biên kiến. Ba là chấp nhận kiến giải cho rằng không có đạo lý nhân quả trên đời này, đó gọi là tà kiến. Bốn là chấp chặt vào những kiến giải sai lầm cho là đúng đắn chân thật, đó gọi là kiến thủ kiến. Năm là cho rằng những giới luật cấm chế sai lầm không đưa đến con đường giải thóat của ngoại đạo mà cho rằng thực hành chúng sẽ đưa đến Niết bàn giải thoát, đó gọi là giới cấm thủ kiến. 

Nếu hành giả xa lìa không sống theo năm thứ kiến giải sai lầm lệch lạ này, mà thấy biết được một cách chắc chắn rằng: “Biết được chánh kiến là chánh kiến, tà kiến là tà kiến. Biết được chánh ngữ và tà ngữ. Biết được chánh nghiệp và tà nghiệp. Biết được chánh mạng và tà mạng. Biết được chánh tinh tấn và tà tinh tấn. Biết được chánh niệm và tà niệm. Biết được chánh định và tà định” (Kinh Ðại Tứ Thập, Trung bộ III, tr. 206 - 208 bản dịch của HT. Minh Châu) thì đó gọi là thấy biết nhận thức một cách chân chánh của hành giả về lối nhìn đưa đến con đường trung đạo giải thoát trong thực hành của hành giả.

Chánh kiến, Theo Đại Tỳ bà sa luận 97 thì chánh kiến được phân ra là hai loại:

- Một hữu lậu chánh kiến hay còn gọi là thế tục chánh kiến, tức chỉ cho ý thức luôn luôn tương ưng với thiện huệ hữu lậu, vì chúng quan hệ với chấp thủ của hữu lậu nên phải chuyển hướng về đường thiện chiêu cảm quả dục đáng vui của đời vị lai.

- Hai là vô lậu chánh kiến, còn gọi là xuất thế gian chánh kiến, tức chỉ cho trí vô sinh hoàn toàn không còn nhiếp giữ ý thức tương ưng với thiện huệ hữu lậu nữa, mà nó vượt qua khỏi chấp thủ về thiện hữu lậu chánh kiến.

2. Chánh tư duy

Còn gọi là chánh chí, chánh phân biệt, chánh giác hay đế niệm, tức là không có dục giác, nhuế giác và hại giác, là chi thứ hai trong Bát chánh đạo, tức là hành giả phải tư duy suy nghĩ về đạo lý chân thật để xa lìa tham dục, sân nhuế, hại niệm thuộc những cách tư duy tà vạy thiếu chính xác đưa hành giả đến con đường nuôi lớn tham, sân, si tạo nghiệp ba đường dữ trói buộc trong sinh tử luân hồi. Ngược lại, hành giả phải luôn luôn tư duy suy nghĩ về con đường giải thoát vô tham, vô sân, vô hại bằng cách không tư duy suy nghĩ đến chúng.

Cũng như chánh kiến, chánh tư duy có hai cách là chánh tư duy hữu lậu và chánh tư duy vô lậu:

- Hành giả cần phải áp dụng cách tư duy suy nghĩ để một mặt huân tập báo nghiệp thiện cho ý về vô tham, vô sân, vô hại và mặt khác thực hành những điều hành giả đã tư duy về các pháp thiện lợi mình lợi người (tạo nhân tái sinh) của ba nghiệp thân, khẩu và ý qua thể hiện thiện nhân đưa đến quả sinh y thiện theo nhân quả hữu lậu. Đó gọi là tư duy hữu lậu.

- Hành giả tư duy với tâm vô lậu, tâm Thánh thì sự tư duy đó được gọi là chánh tư duy vô lậu, ngược lại với tâm hữu lậu tư duy qua pháp vô tham, vô sân, vô hại.

3. Chánh ngữ

Còn gọi là chánh ngôn, đế ngữ, là chi thứ ba trong Bát chánh đạo, nghĩa là xa lìa lời nói hư dối, hai lưỡi, ác khẩu, thêu dệt. Vì những lời nói này câu hữu với vô minh sẽ đưa hành giả vào ba đường ác. Ngược lại là những lời nói chân thật, lời nói hòa hợp lợi mình lợi người, lời nói nhẹ nhàng không thô ác nặng nề, lời nói không thêu dệt phù phiếm, câu hữu với phước báo an vui hạnh phúc. Nói chung, những lời nói nào mang lại lợi cho mình và có lợi cho mọi người, chúng tạo nhân hướng thiện làm phước báo sinh y cho hành giả trong tương lai thì đó gọi là chánh ngữ.

Trong kinh Đại Bát Niết bàn trước khi đức Phật nhập diệt, có đệ tử hỏi: “Bạch Thế tôn, sau khi Phật nhập Niết bàn rồi, người đời sau gặp nhiều sách vở ngoại đạo với kinh Phật không làm sao phân biệt. Vậy biết tin theo lời nào để tu? Phật bảo: “Không luận là lời nói của ai miễn là lời ấy đúng sự thật, hợp chân lý thì cứ tin theo đó mà tu”. Đó là chúng ta nói đến phước báo hữu lậu của chánh ngữ, ngoài ra nếu hành giả từ bỏ bốn cách nói trên vượt qua luật nhân quả và câu hữu với vô tâm trong lời nói, thì những lời nói này thuộc chánh ngữ vô lậu.

4. Chánh nghiệp

Còn gọi là chánh hành, đế hành, là chi thứ tư trong Bát chánh đạo, chỉ cho hành động, tạo tác chân chánh (tác nhân thiện nghiệp), tức chỉ thân, khẩu, ý ba nghiệp thanh tịnh; tức xa lìa sát sinh, không cho mà lấy, tà dâm, nói dối. Nói chung là hành giả sống từ ý nghĩ, tạo tác hành động, lời nói luôn xa lìa mọi thứ tà vọng thì gọi đó là chánh nghiệp.

Theo kinh Bát chánh đạo thì không thấy như thật, không tư duy như thật, không nói như thật, đời sống không như thật, tinh cần không như thật, hành động không như thật, ý nhớ không như thật, tập trung không như thật gọi là bát đạo tà hành. Ngược lại tám điều tà hành này thì gọi là chánh hành, hay chánh nghiệp. Hành giả tạo nhân nghiệp thiện hữu lậu cho phước báo sinh y trong tương lai thì đó gọi là chánh nghiệp hữu lậu.

Theo Du Già Sư Địa luận 64 thì có ba loại chánh nghiệp (hành) là: Chánh hành đối với Phật bảo, hành giả nên cúng dường thừa sự. Chánh hành đối với Pháp bảo, hành giả nên lấy Du già làm phương tiện tu tập. Chánh hành đối Tăng bảo, hành giả nên tu tập cùng thọ tài - pháp thí. Theo Đại thừa Trang nghiêm luận 12 thì dùng sáu Ba la mật: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ (Bát nhã) làm chánh hành. Theo Biện Trung Biên Luận quyển hạ thì lấy mười Ba la mật làm hành tướng mà phân biệt thành sáu loại chánh hành: Tối thắng, tác ý, tùy pháp, ly nhị biên, sai biệt, vô sai biệt làm chánh hành. Theo Pháp Hoa Huyền Tán 8 thì lấy việc thọ trì phẩm Pháp sư trong Kinh Pháp Hoa 4 như: Độc, tụng, giảng nói, viết kinh và cúng dường là chánh nghiệp của sáu loại pháp sư.

Theo Tịnh độ tông thì cũng lấy việc độc tụng, quán sát, lễ bái, xưng danh và tán thán cúng dường đức Phật Di Đà là năm chánh hành của hành giả tu theo Tịnh độ và theo Mật giáo thì đối với những hành nghiệp tu tập sau những gia hành đều gọi là chánh nghiệp. Nói chung tất cả mọi hành động của chúng ta từ lời nói đến việc làm và trong ý nghĩ chúng câu hữu với nhân quả thiện đưa đến giải thoát thì đều gọi là chánh nghiệp thuộc hữu lậu hay là vô lậu cả.
 
5. Chánh mạng

Còn gọi là đế thọ, chánh mạng đạo chi, là chi thứ năm trong Bát chánh đạo, là chỉ cho cách sống của hành giả, phương pháp sinh nhai hằng ngày mang lại cơm no áo ấm, thuốc thang và những nhu cầu cần cho cuộc sống trong gia đình. Là hành giả tu tập theo Chánh pháp của Phật thì trước hết phải thanh tịnh hóa ý nghiệp trong từng ý nghĩ bằng cách không nghĩ đến những điều ác hại mình hại người, mà phải có những ý nghĩ đem lại lợi ích vui vẻ cho chính mình và cho mọi người chung quanh. Gần nhất là những người thân trong gia đình và xa hơn nữa là xã hội; kế đến là thanh tịnh thân, khẩu nghiệp của mình bằng những việc làm và những lời nói trong công việc khi giao thiệp.

Hành giả phải tránh xa mọi việc làm đưa đến hại mình, hại người như học nghề chú thuật, bói toán... lường gạt kẻ khác. Ngược lại, hành giả phải sống đúng với Chánh pháp nghĩa là chúng ta phải lựa chọn những nghề nghiệp nào mang lại mọi lợi ích an vui cho mình cho người thì chúng ta chọn nghề đó để sống. Đó gọi là nghề nghiệp sinh sống chính đáng của một hành giả thực hành Chánh pháp của đức Phật.

6. Chánh tinh tấn

Còn gọi là chánh phương tiện, chánh trị, đế pháp, đế trị, là chi thứ sáu trong Bát chánh đạo, chỉ cho mọi sự nỗ lực siêng năng tinh cần trong bốn việc mà hành giả cần phải hạ quyết tâm phát nguyện trong lúc tu tập để thanh tịnh ba nghiệp thân khẩu, ý trong chỉ ác hành thiện: Pháp ác nào đã phát sinh hãy nhanh chóng trừ diệt chúng. Pháp ác nào chưa phát sinh, nỗ lực ngăn chặn chúng không cho khởi sinh; pháp thiện nào chưa phát sinh hãy nhanh chóng làm cho chúng phát sinh; pháp thiện nào đã sinh tiếp tục là cho chúng tăng trưởng hơn lên. 

Nghĩa là lúc nào cũng tìm cầu phương pháp siêng năng nỗ lực tinh cần trong việc đề phòng ngăn ngừa những điều phi pháp có thể xảy ra cùng, nỗ lực chặn đứng những việc ác đã lỡ phát sinh (phòng phi chỉ ác) qua hai việc hại mình hại người và luôn luôn siêng năng tinh tấn trong việc hành thiện qua hai việc thiện lợi mình lợi người như trên chúng tôi đã trình bày. Sự siêng năng đúng ở đây chúng cũng được quan niệm như là pháp Tứ chánh cần mà trước đây chúng tôi đã đề cập qua.

7. Chánh niệm

Còn gọi là đế ý, là chi thứ bảy trong Bát chánh đạo, dùng cộng tướng của bốn pháp thân, thọ, tâm và pháp mà quán. Đây là một hình thức khác của Tứ niệm xứ, điều mà chúng tôi cũng đã đề cập đến trước đây. Ở đây chúng tôi cũng xin đề cập vắn tắc một chút, là hành giả chúng ta luôn luôn nhớ nghĩ về tánh tướng của tất cả các pháp một cách như thật mà không để lãng quên mất. Chúng ta có thể phân chánh niệm ra hai loại:

- Nhớ nghĩ đúng về pháp hữu lậu thế gian, tức là hành giả chúng ta luôn nhớ nghĩ về những thiện niệm, tác ý tương ưng với pháp hữu lậu.

- Nhớ nghĩ đúng về pháp vô lậu xuất thế gian, tức là hành giả chúng ta nương vào chánh kiến vô lậu mà thường tư duy suy nghĩ như thật về mọi đối tượng, với sự tác ý tương ưng với pháp vô lậu, với những ý niệm ghi nhớ rõ ràng không bao giờ quên.

Đó là hai cách nhớ nghĩ chân chánh, đúng Chánh pháp về thiện và thiện giải thoát dành cho hành giả khi tu tập chánh niệm.

8. Chánh định

Còn gọi là đế định, là chi thứ tám của Bát chánh đạo, mục đích của chi này là giúp hành giả xa lìa pháp dục ác bất thiện thành tựu bốn pháp thiền: sơ thiền, nhị thiền, tam thiền và tứ thiền.

Theo Kinh Ðại Tứ Thập, Trung bộ III, tr. 206 - 208 bản dịch của HT.Minh Châu, đức Phật dạy: “Thế nào là Thánh chánh định với các cận duyên và tư trợ? Chính là chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm. Này các Tỷ kheo, phàm có nhứt tâm nào được tư trợ với bảy chi phần này, như vậy, gọi là Thánh chánh định cùng với các cận duyên và tư trợ”. Sự thành tựu của chánh định của các bậc hữu học như đức Phật đã dạy là phải câu hữu với bảy chi trên làm trợ duyên, duyên khởi trong lúc tu tập mới mong đạt đến kết quả.

Trong khi đạo quả giải thoát của các vị A la hán, của bậc vô học gồm có mười chi như kinh Trung bộ III sđd tr. 221 thì: “Do có chánh kiến, chánh tư duy khởi lên; do có chánh tư duy, chánh ngữ khởi lên; do có chánh ngữ, chánh nghiệp khởi lên; do có chánh nghiệp, chánh mạng khởi lên; do có chánh mạng, chánh tinh tấn khởi lên; do có chánh tinh tấn, chánh niệm khởi lên; do có chánh niệm, chánh định khởi lên; do có chánh định, chánh trí khởi lên; do có chánh trí, chánh giải thoát khởi lên. Như vậy, này các Tỷ-kheo, đạo lộ của vị hữu học gồm có tám chi phần, và đạo lộ của vị A la hán gồm có mười chi phần”. 

Do đó, sự hiện hữu có được của chánh định chính là sự hiện hữu của chánh kiến, chánh tư duy, chánh ngữ, chánh nghiệp, chánh mạng, chánh tinh tấn, chánh niệm và ngược lại tất cả đều có trong nhau qua duyên khởi. Và ở đây đứng về mặt thời gian nhân quả phân đọan mà nói thì tám chi phần này theo thứ tự làm duyên cho nhau để đưa đến đạt bốn thiền định. Nhưng đứng về mặt sát na sinh diệt không thời gian thì chúng hiện hữu ở trong nhau. Về mặt nhân quả thời gian thì chánh kiến thuộc chi phần quan trọng chủ yếu trong Bát chánh đạo để đưa về chánh định.

Chánh định ở đây chúng tôi chỉ đề cập giới hạn theo chủ đề của Bát chánh đạo, nên định ở đây định nghĩa cũng theo ý nghĩa chủ đề nên định nghĩa này chưa mang tính phổ quát và rộng hơn.

Tóm lại, Bát chánh đạo là tám chi nhánh cần và đủ để hành giả từ đó có thể mượn chúng là con đường đưa đến giải thoát khổ đau. Hay Bát chánh đạo là con thuyền để nhờ vào đó mà hành giả vượt qua khỏi bờ bên này tức là bờ đau khổ, sang bờ bên kia tức bờ giác ngộ giải thoát.

Trong Bát chánh đạo, chúng ta nhận thấy có sự liên hệ mật thiết giữa hành pháp thứ tám này cùng với bảy hành pháp trợ đạo khác như chúng tôi đã trình bày trước đây trong Nguyệt san Pháp luân này. Sự có mặt trong nhau qua sự phối hợp sau đây để hành giả có cái nhìn tổng quát và hiểu rõ một cách cơ bản về sự liên hệ này:

- Chánh niệm trong Bát chánh đạo chính là ý nghĩa nội dung của Tứ niệm xứ (trụ); cũng chính là niệm căn, niệm lực của Ngũ căn - Ngũ lực; cũng là niệm giác chi của Bảy giác chi và là tâm thần túc của Tứ thần túc.

- Chánh tinh tấn chính là ý nghĩa nội dung của Tứ chánh cần; cũng chính là tinh tấn thần túc của Tứ thần túc.

- Chánh tư duy là trạch pháp giác chi; cũng chính là quán thần túc của Tứ thần túc.

- Chánh kiến là tuệ căn, tuệ lực;

- Chánh định là hỷ, khinh an, định, xả giác chi.

Chính vì sự quan hệ này nên được đức Đạo sư gọi là pháp trợ đạo cho Đạo đế, con đường trung đạo đưa hành giải thoát ra khỏi khổ để chứng đắc Niết bàn an lạc giải thoát. Phần này chúng tôi đã đề cập đầy đủ trong phần Đạo đế trong Tứ đế (Phật lý cơ bản).

Đại Lãn (Thích Đức Thắng)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Dĩ hòa vi quý (Phần 1)

Nghiên cứu 11:00 04/02/2024

Dĩ hòa vi quý là lấy điều hòa làm quý, cần được tôn trọng. Đó là câu tục ngữ dạy đạo xử thế, làm cho cuộc sống chung với mọi người được êm ấm, vui vẻ. Đó là chìa khóa mở cửa lâu đài hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong cuộc sống tập thể từ gia đình đến xã hội.

Xem thêm