Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 11/08/2024, 08:05 AM

7 pháp khiến cho quốc gia hưng thịnh trong Kinh Du Hành

Bảy pháp hưng thịnh quốc gia được đề cập trong Kinh Du hành - là một tác phẩm kinh điển có giá trị rất to lớn. Bảy pháp hưng thịnh không chỉ giúp xây dựng một quốc gia hưng thịnh mà còn hướng đến một xã hội công bằng, hòa bình và bền vững.

Việc nghiên cứu và áp dụng các pháp này vào thực tiễn là một hành động thiết thực để phát triển xã hội theo tinh thần từ bi và trí tuệ của Phật giáo.

I. Giới thiệu

Như chúng ta đều biết, đức Phật đến với cuộc đời chỉ vì một mục đích duy nhất, cùng với một hạnh nguyện bao la là đem nguồn an lạc, nguồn hạnh phúc đến cho nhân loại. Mục đích ấy, hạnh nguyện ấy được Ngài cưu mang và thể hiện suốt trong 49 năm hành đạo của Ngài. Sự nghiệp văn hóa và giáo dục mà Ngài để lại cho nhân loại hôm nay được xem là một đóng góp vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhân loại.

Với từ bi nguyện và sự ưu tư của một bậc Thầy, Ngài đã ân cần dạy bảo những phật tử nhiều điều cặn kẽ hữu ích trong cuộc tu tập và hoằng dương chính pháp. Trong đó đức Phật có dạy bảy pháp làm cho quốc gia được hưng thịnh. Bảy pháp này được xem là kim chỉ nam để áp dụng trong đời sống người dân trong mọi thời đại.

Bảy pháp hưng thịnh quốc gia được đề cập trong kinh Du Hành thuộc kinh Trường A-hàm. Đức Phật đã từ bi chỉ dạy cho chúng sinh cách thức xây dựng và duy trì sự thịnh vượng của một quốc gia. Bài kinh có ý nghĩa tôn giáo to lớn, chứa đựng những giá trị thực tiễn. Trong bài luận này, người viết sẽ phân thích kết cấu, nội dung và giá trị của Bảy pháp hưng thịnh quốc gia.

01

II. Tóm tắt nội dung 7 pháp hưng thịnh quốc gia

Bảy pháp hưng thịnh quốc gia được trình bày dưới hình thức đối thoại sống động giữa đức Phật và Ngài A-nan. Bối cảnh của bài kinh diễn ra khi vua A-xà-thế của nước Ma-kiệt-đà muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ, và đã sai đại thần Vũ-xá đến thỉnh ý đức Phật.

Để trình bày kết cấu, người viết sẽ phân tích theo tám giai đoạn truyền thống của một bộ kinh trong Phật giáo, giúp ta hiểu rõ hơn về cấu trúc và nội dung. Bao gồm: nhân duyên, thời gian, địa điểm, đối tượng, nhân vật, vấn đề, phương pháp và kết quả.

1. Nhân Duyên 

Nhân duyên của kinh này bắt đầu từ ý định của vua A-xà-thế nước Ma-kiệt-đà muốn chinh phạt nước Bạt-kỳ. Để tìm hiểu sức mạnh và sự đoàn kết của nước Bạt-kỳ, vua A-xà-thế đã cử đại thần Vũ-xá đến tham khảo ý kiến của đức Phật. 

2. Thời Gian 

Kinh được ghi lại là vào thời đức Phật còn tại thế, khi Ngài đang truyền bá giáo pháp và nhận được sự tôn kính của các vị vua và các tầng lớp nhân dân. Đây là thời kỳ mà giáo pháp của đức Phật đã lan tỏa rộng rãi và được nhiều người biết đến. 

3. Địa Điểm 

Kinh diễn ra tại núi Kỳ-xà-quật, thành La-duyệt. Đây là nơi đức Phật thường ngự để thuyết pháp cho các đệ tử và chúng sinh. Núi Kỳ-xà-quật là một địa danh linh thiêng và quan trọng trong lịch sử Phật giáo. 

4. Đối Tượng 

Đối tượng chính của kinh là vua A-xà-thế, đại thần Vũ-xá. Tuy nhiên, thông qua cuộc đối thoại giữa đức Phật và đệ tử A-nan, dân chúng nước Bạt-kỳ cũng được đề cập đến. Đức Phật dùng bài học này để dạy dỗ tất cả các đệ tử và chúng sinh về bảy pháp giúp quốc gia cường thịnh. 

5. Nhân Vật

 Đức Phật: Người giảng giải và hướng dẫn về bảy pháp hưng thịnh. A-nan: Đệ tử thân cận của đức Phật, người đối thoại trực tiếp với Ngài. Đại thần Vũ-xá: Sứ giả của vua A-xà-thế, người đến tham khảo ý kiến của đức Phật. 

6. Vấn Đề 

Vấn đề được đặt ra trong kinh là làm thế nào để một quốc gia có thể trở nên cường thịnh và không bị xâm hại. Đức Phật trả lời bằng cách chỉ ra bảy pháp mà dân nước Bạt-kỳ thực hành, nhờ đó nước họ trở nên thịnh vượng và an lạc. 

7. Phương Pháp 

Phương pháp mà đức Phật đưa ra là thực hành bảy pháp hưng thịnh quốc gia: - Thường nhóm họp bàn những sự việc chân chính. - Vua tôi hòa thuận, trên dưới kính nhường nhau. - Thường tôn trọng pháp luật, hiểu điều cấm kỵ, chẳng trái lễ độ. - Hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng. - Thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỷ thần. - Giữ gìn khuê môn trinh chính, thanh khiết, không bậy bạ, cho đến sự vui đùa, nói năng cũng không tà vạy. - Tôn thờ Sa-môn, kính người trì giới và thân cận ủng hộ chẳng biếng nhác.

8. Kết Quả 

Kết quả của việc thực hành bảy pháp này là quốc gia sẽ trở nên thịnh vượng, hòa thuận và không thể bị xâm hại. Điều này không chỉ giúp nước Bạt-kỳ bảo vệ được mình trước mối đe dọa từ vua A-xà-thế, mà còn nhấn mạnh tầm quan trọng của những giá trị đạo đức và pháp luật trong việc xây dựng và duy trì một xã hội an lạc, bền vững.

00

III. Ý nghĩa 7 pháp hưng thịnh quốc gia

Trong kinh, đức Phật đã dạy rằng một quốc gia muốn cường thịnh cần hội đủ bảy điều kiện, cụ thể là:

1. Thường nhóm họp bàn những sự việc chân chính:

Việc thường xuyên tổ chức các cuộc họp bàn về những vấn đề quan trọng và chính đáng giúp tạo sự đồng thuận và thống nhất trong xã hội. Đây là một biểu hiện của tinh thần dân chủ và sự tham gia của người dân vào việc quản lý đất nước. Trong bối cảnh hiện đại, điều này tương đương với việc thúc đẩy sự tham gia của công dân vào quá trình ra quyết định chính trị và xã hội, thông qua các cuộc họp cộng đồng, hội đồng nhân dân, và các tổ chức phi chính phủ.

2. Vua tôi hòa thuận, trên dưới kính nhường nhau:

Sự hòa thuận và tôn trọng lẫn nhau giữa các tầng lớp lãnh đạo và dân chúng là yếu tố quan trọng để duy trì sự ổn định và phát triển. Trong xã hội hiện đại, điều này có thể được áp dụng thông qua việc xây dựng mối quan hệ tốt đẹp giữa chính phủ và công dân, nơi các lãnh đạo thể hiện sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến của người dân, đồng thời người dân cũng tôn trọng và tuân thủ các quyết định của chính quyền.

3. Thường tôn trọng pháp luật, hiểu điều cấm kỵ, chẳng trái lễ độ:

Việc tuân thủ pháp luật và hiểu rõ các điều cấm kỵ giúp duy trì trật tự xã hội và ngăn ngừa sự xung đột. Đây là nền tảng của một xã hội pháp trị, nơi mọi người đều sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật. Ứng dụng cụ thể trong xã hội hiện đại là việc thúc đẩy giáo dục pháp luật, tăng cường nhận thức về quyền và nghĩa vụ của công dân, và đảm bảo sự công bằng trong việc thực thi pháp luật.

4. Hiếu dưỡng cha mẹ, kính thuận sư trưởng:

Tôn trọng và chăm sóc cha mẹ, thầy cô là nền tảng của đạo đức xã hội, góp phần tạo nên một xã hội hài hòa và nhân văn. Giá trị này vẫn giữ nguyên tầm quan trọng trong xã hội hiện đại, thể hiện qua việc duy trì các giá trị gia đình, tôn trọng người lớn tuổi, và thúc đẩy giáo dục đạo đức trong nhà trường và cộng đồng.

5. Thường tôn trọng tông miếu, kính nể quỷ thần:

Việc tôn trọng các đền thờ tổ tiên và miếu thần linh giúp duy trì văn hóa và truyền thống, tạo sự liên kết và đoàn kết trong cộng đồng. Trong bối cảnh hiện đại, điều này có thể được hiểu là việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, truyền thống dân tộc, và tôn trọng đa dạng tín ngưỡng. Các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa, tổ chức lễ hội truyền thống, và giáo dục về lịch sử và văn hóa dân tộc đều là những cách cụ thể để thực hiện điều này.

6. Giữ gìn khuê môn trinh chính, thanh khiết, không bậy bạ, cho đến sự vui đùa, nói năng cũng không tà vạy:

Sự trong sạch và chuẩn mực trong hành vi và lời nói giúp tạo nên một xã hội văn minh và đạo đức. Ứng dụng cụ thể trong xã hội hiện đại bao gồm việc thúc đẩy giáo dục về đạo đức, xây dựng môi trường sống lành mạnh, và khuyến khích lối sống văn minh, tôn trọng người khác. Việc giáo dục giới trẻ về những giá trị này qua nhà trường và các phương tiện truyền thông cũng là một phần quan trọng.

7. Cung kính người tu hành, kính người trì giới và thân cận ủng hộ chẳng biếng nhác:

Tôn kính và hỗ trợ các tu sĩ và những người giữ giới luật, góp phần duy trì tinh thần đạo đức và phát triển tâm linh trong xã hội. Trong bối cảnh hiện đại, điều này có thể được hiểu là việc tôn trọng và hỗ trợ các nhà tu hành chân chính và những người làm công việc thiện nguyện, cũng như thúc đẩy các hoạt động tôn giáo và tâm linh lành mạnh trong cộng đồng.

istockphoto-645567092-612x612

IV. Giá trị của 7 pháp hưng thịnh quốc gia

Bảy pháp hưng thịnh quốc gia mang lại nhiều giá trị quan trọng, cả về mặt tôn giáo và xã hội:

1. Giá trị tôn giáo 

Giúp người phật tử hiểu rõ hơn về triết lý Phật giáo, đặc biệt là các nguyên tắc quản lý và phát triển xã hội theo tinh thần từ bi và trí tuệ. Những pháp mà đức Phật giảng dạy không chỉ hướng đến sự giác ngộ và giải thoát cá nhân mà còn nhằm xây dựng một xã hội tốt đẹp, một đoàn thể vững mạnh, hòa hợp và an lạc.

2. Giá trị xã hội 

Những pháp được đề cập có thể áp dụng vào thực tiễn để xây dựng một xã hội công bằng, hạnh phúc và phát triển bền vững. Các nguyên tắc như tôn trọng pháp luật, hiếu dưỡng cha mẹ, tôn kính thần linh và giữ gìn thân tâm trong sạch đều góp phần tạo nên một xã hội ổn định và thịnh vượng.

3. Giá trị giáo dục 

Đây là một tài liệu quý giá để giảng dạy và đào tạo về đạo đức, quản lý và phát triển xã hội theo tinh thần Phật giáo. Những nguyên tắc và giá trị mà Đức Phật giảng dạy có thể được truyền đạt cho các thế hệ sau, giúp họ hiểu rõ hơn về trách nhiệm của mình đối với xã hội và quốc gia. Việc lồng ghép các giá trị này vào chương trình giáo dục và các hoạt động cộng đồng sẽ giúp xây dựng một xã hội có nền tảng đạo đức vững chắc.

V. Kết luận

Bảy pháp hưng thịnh quốc gia được đề cập trong Kinh Du hành - là một tác phẩm kinh điển có giá trị rất to lớn. Bảy pháp hưng thịnh không chỉ giúp xây dựng một quốc gia hưng thịnh mà còn hướng đến một xã hội công bằng, hòa bình và bền vững. Việc nghiên cứu và áp dụng các pháp này vào thực tiễn là một hành động thiết thực để phát triển xã hội theo tinh thần từ bi và trí tuệ của Phật giáo.

Đức Phật đã chỉ ra các giá trị như: dân chủ, đạo đức, thượng tôn pháp luật, tự do tín ngưỡng, bình đẳng, công bằng và văn minh là nền tảng để kiến tạo một quốc gia độc lập, tự chủ và hùng mạnh. Thiết nghĩ đức Phật dạy bảy pháp trên không ngoài mục đích nhắc mỗi chúng ta ý thức rằng: Mỗi người là một thành viên của cộng đồng xã hội, sự an lạc hay đau khổ của mỗi người đều có sự liên quan ảnh hưởng đến xã hội.

Cho nên để xây dựng một xã hội tốt đẹp hay đoàn thể vững mạnh, trước tiên mỗi người phải tự soi roị lại chính mình, xem đã sống đúng với sự thật, với những lời đức Phật dạy hay chưa, để tự hoàn thiện lấy mình, loại trừ dần các vọng tưởng, các tham muốn thấp hèn làm khổ đau, chia rẽ giữa mình và người. Xây dựng và sửa đổi tự thân của mỗi người là yếu tố quan trọng trong các yếu tố để xây dựng một xã hội tốt đẹp.

Dân có giàu thì nước mới mạnh, dân có đoàn kết thì nước mới hùng cường. Thế nên bảy pháp này giúp quốc gia cường thịnh đã cho thấy tuệ giác vô thượng của Đức Phật, những lời dạy minh triết của Ngài đến nay vẫn còn nguyên giá trị, là nền tảng để xây dựng thế giới hòa bình, quốc gia thịnh vượng.

Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu Phật học. 

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử: Dấu ấn của Phật giáo thời Trần

Nghiên cứu 09:40 15/11/2024

Thời đại nhà Trần, không những độc lập dân tộc, tự chủ về đời sống kinh tế, chính trị, xã hội…, mà còn độc lập, tự chủ về hệ tư tưởng làm chỗ dựa cho đời sống tinh thần của nhân dân Đại Việt thế kỷ XIII – XIV.

Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường

Nghiên cứu 09:45 03/11/2024

Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...

Những đóng góp của Hòa thượng Thích Minh Châu trong công tác ngoại giao Phật giáo

Nghiên cứu 09:45 19/10/2024

Di sản mà Hòa thượng để lại không chỉ là nền móng vững chắc về giáo dục và ngoại giao, mà còn là kim chỉ nam cho chúng ta tiếp tục phát triển, đưa tinh thần từ bi và trí tuệ của đạo Phật lan tỏa rộng khắp, góp phần gìn giữ hòa bình.

Lợi ích của Thiền tứ vô lượng tâm trong đời sống xã hội

Nghiên cứu 09:30 06/10/2024

Có thể nói rằng Từ, Bi, Hỷ, Xả là những đức hạnh tốt lành và cao đẹp để xây dựng nên một con người hoàn thiện, một gia đình hạnh phúc, một xã hội tốt đẹp.

Xem thêm