Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 09/02/2013, 23:51 PM

Cách tính và giải sao hạn năm 2013

Tuy nhiên, theo truyền thống, ngoài việc cúng riêng từng sao cho từng ngày, còn có một lễ cúng rất quan trọng là cúng sao Hội vào ngày mùng Tám tháng Giêng Âm lịch hàng năm

1. Cách Tính Sao Hạn

a. Cách tính sao

Để biết một người nào đó năm đó thuộc sao gì, trước hết ta phải biết thứ tự của chín vì sao nam nữ như sau:

Thứ tự chín vì sao nam: La Hầu, Thổ Tú, Thủy Diệu, Thái Bạch, Thái Dương, Vân Hớn, Kế Đô, Thái Âm, Mộc Đức.

Thứ tự chín vì sao nữ: Kế Đô, Vân Hớn, Mộc Đức, Thái Âm, Thổ Tú, La Hầu, Thái Dương, Thái Bạch, Thủy Diệu.

Sau khi biết thứ tự các vì sao nam nữ rồi, ta cần biết người đó bao nhiêu tuổi rồi sẽ tính. Có nhiều cách tính sao, nhưng cách tính dễ và nhanh nhất là thuộc lòng mấy câu sau đây:

Nhất La- Đô (La Hầu- Kế Đô)
Nhì Thổ - Hớn (Thổ Tú- Vân Hớn)
Tam Thủy - Mộc (Thủy Diệu- Mộc Đức)
Tứ Bạch - Âm (Thái Bạch- Thái Âm)
Ngũ Dương - Thổ (Thái Dương- Thổ Tú)
Lục Vân-  La (Vân Hớn- La Hầu)
Thất Đô - Dương (Kế Đố- Thái Dương)
Bát Âm - Bạch (Thái Âm- Thái Bạch)
Cửa Mộc - Thủy (Mộc Đức- Thủy Diệu)

Thuộc mấy câu này rồi, ta lấy số tuổi người đó cọng lại. Nếu cọng lại nhỏ hơn hoặc bằng 9 thì để nguyên rồi đọc mấy câu trên sẽ biết sao gì. Nếu cọng lại lớn hơn 9, ta tiếp tục làm phép cọng một lần nữa. Như cọng lại bằng 1 ta căn cứ vào câu nhất La - Đô thì nam là sao La Hầu, nữ là sao Kế Đô, cọng lại bằng 2 ta căn cứ vào câu nhì Thổ - Hớn thì nam là sao Thổ Tú, nữ là sao Vân Hớn.  Giả sử cọng lại bằng 13, ta lấy 1 + 3  = 4 (tứ), ta lại căn cứ vào câu tứ Bạch – Âm thì biết nam là sao Thái Bạch, nữ là sao Thái Âm. Cứ thế ta tính cho các sao còn lại. Thí dụ người 25 tuổi, nam sao gì, nữ sao gì. Ta có 25 tuổi = 2 + 5 = 7 (thất). Ta liền căn cứ vào câu thất Đô - Dương thì biết 25 tuổi nam là sao Kế Đô, nữ là sao Thái Dương. Thêm một thí dụ khác: Người 69 tuổi, nam sao gì, nữ sao gì. Ta lấy 6 + 9 = 15 -> 15 = 1 + 5 = 6 (lục). Ta căn cứ vào câu lục Vân - La thì biết người 69 tuổi, nam là sao Vân Hớn, nữ là sao La Hầu.
 

b. Cách tính Hạn

Để tính hạn, ta phải biết thứ tự của tám hạn, mỗi hạn thuộc về cung nào trên bàn tay và phải biết người đó bao nhiêu tuổi. Thứ tự tám hạn: Huỳnh Tuyền, Tam Kheo, Ngũ Mộ, Thiên Tinh, Toán Tận, Thiên La, Địa Võng, Diêm Vương. Trong đó, Huỳnh Tuyền thuộc cung Khảm, Tam Kheo thuộc cung Cấn, Ngũ Mộ thuộc cung Chấn, Thiên Tinh thuộc cung Tốn, Toán Tận thuộc cung Ly, Thiên La thuộc cung Khôn, Địa Võng thuộc cung Đoài, Diêm Vương thuộc cung Càn. Nam nữ dùng chung một bàn tay, nhưng cách tính lại khác. Nam khởi Huỳnh Tuyền tại Khảm và đếm thuận hành theo chiều kim đồng hồ, nữ khởi Toán Tận tại Ly và đếm nghịch hành ngược chiều kim đồng hồ. Cách tính đại số và tiểu số đều liên tiết, hết số chục rồi đến số lẻ.

Thí dụ người hai mươi hai tuổi, nam hạn gì, nữ hạn gì. Đối với người nam ta khởi mười tại Khảm, hai mươi tại Cấn, hai mươi mốt tại Chấn, hai mươi hai tại Tốn, thấy tại cung Tốn là Thiên Tinh. Vậy nam hai mươi hai tuổi là hạn Thiên Tinh. Giờ tới nữ, ta khởi mười tại Ly, hai mươi tại Tốn, hai mươi mốt tại Chấn, hai mươi hai tại Cấn, ta thấy tại Cấn là hạn Tam Kheo. Vậy nữ hai mươi hai tuổi là hạn Tam Kheo.[1]

2. Sự Cát Hung của Sao Hạn

Trong chín vì sao, có sao rất xấu, có sao xấu vừa, có sao tốt. Trong tám hạn, hầu như hạn nào cũng xấu, nhưng có hạn rất xấu, có hạn xấu vừa. Trong chín vì sao, theo quan niệm dân gian và hiện nay ở các chùa khi Phật tử đến nhờ cúng sao hạn, thường nói đến ba sao xấu nhất là La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch. Các sao xấu vừa là Thủy Diệu, Thổ Tú, Thái Dương, Thái Âm, Vân Hớn. Chỉ có một sao tốt là sao Mộc Đức. Trong tám hạn thì ba hạn xấu nhất là Huỳnh Tuyền, Toán Tận và Diêm Vương. Những hạn còn lại xấu vừa là Tam Kheo, Ngũ Mộ, Thiên Tinh, Thiên La, Địa Võng.


Để biết một cách cụ thể, ta tìm hiểu mức độ xấu tốt của từng vì sao và từng hạn một.

Sao La Hầu: Sao này còn gọi là Khẩu Thiệt tinh. Sao này kỵ nhất vào hai tháng là tháng bảy và tháng chín (chánh thất kiến hung tai). Người mắc sao này thường gặp chuyện thưa kiện, thi phi, đau mắt. Đàn ông gặp sao này rất kỵ cũng như đàn bà gặp sao Kế Đô vậy. Có câu “nam La Hầu nữ kế đô” là thế.

Sao Kế Đô: Sao này kỵ đàn bà và kỵ nhất hai tháng là tháng ba và tháng chín (tam cửu khấp bi ai – tháng ba và tháng chín có chuyện buồn khóc). Người mắc sao này thường gặp chuyện thị phi, kể cả bậc đại nhân cũng chẳng tránh khỏi.

Sao Thái Bạch: Sao này còn gọi là Kim Đức tinh. Kim Đức tinh kỵ cả nam và nữ và kỵ nhất là tháng năm. Gặp sao này phải cẩn thận về hôn nhân cưới gả và đề phòng tiểu nhân hãm hại. Dân gian còn quan niệm, năm gặp sao này thường hao tài tốn của. Có câu “Thái Bạch sạch cửa nhà” là vậy.

Sao Thủy Diệu: Sao này còn có tên gọi là Thủy Đức Tinh hay Phúc Lộc Tinh. Sao này đối với đàn bà hơi bất lợi. Gặp sao này nên tránh đi sóng biển. Tuy nhiên, người quân thử gặp sao này thì rất vui mừng, đi xa làm ăn có tiền của. Theo quan niệm dân gian, sao này kỵ nhất vào hai tháng là tháng tư và tháng tám.

Sao Thổ Tú: Sao này còn có tên là Thổ Đức Tinh. Mắc sao này thường gặp tai nạn chẳng yên, chiêm bao thấy điềm xấu, trong nhà gặp chuyện thị phi, nuôi súc vật bất lợi. Theo quan niệm dân gian sao này cũng kỵ nhất vào hai tháng là tháng tư và tháng tám.

Sao Thái Dương: Gặp sao này đi làm ăn xa đặng tiền của. Bậc đại nhân gặp sao này thì được điều vui mừng, trong nhà thêm người, vạn sự hanh thông. Theo quan niệm dân gian, sao này vào hai tháng là tháng sáu và tháng mười là tốt hơn cả, có tiền của như ý. Tuy nhiên, sao này không hợp với đàn bà.

Sao Thái Âm: Đàn ông gặp sao này thì tốt, làm ăn phát đạt. Đàn bà gặp sao này thì xấu, hay bệnh hoạn, sinh sản không an toàn. Theo quan niệm dân gian, sao này vào tháng ba thì tốt, tháng mười một rất xấu.

Sao Vân Hớn: Sao Vân Hớn còn gọi là Hỏa Đức Tinh. Đàn ông gặp sao này thì bị ghẻ lở mụn nhọt, kiện thưa bất lợi, người trong nhà không yên. Đàn bà gặp lúc sinh đẻ xảy ra điều không hay. Mắc sao này, vào tháng hai và tháng năm gặp chuyện thị phi.

Đồng thời với sao, ta lại có tám hạn niên sau đây mà hằng năm, mỗi người phải gặp một hạn. Mức độ hung tai của các hạn niên như sau:

Hạn Huỳnh Tuyền: Đại hạn, hao tài, bệnh nặng. Gặp hạn này không nên mưu lợi bằng đường thủy, không nên bảo chứng cho người khác, vì có thể sanh những chuyện bất lợi.

Hạn Tam Kheo: Tiểu hạn hay đau mắt, người nhức mỏi, hay lo buồn. Không nên tụ tập nơi đông người vì dễ gặp rủi ro. Tránh chuyện khiêu khích, nếu gặp chuyện gây gổ nên cố gắng nhẫn nhịn.

Hạn Ngũ Mộ: Ngũ Mộ thuộc tiểu hạn. Gặp hạn này phải hao tiền tốn của, bất an.

Hạn Thiên Tinh: Mắc hạn này hay xảy ra chuyện kiện thưa. Phụ nữ có thai gặp hạn này phải đề phòng chuyện té ngã.

Hạn Toán Tận: Đại hạn, hao tài, đi đường mang theo tiền của dễ bị giật. Gặp hạn này, tính mạng cũng dễ lâm nguy, nhất là đàn ông.

Hạn Thiên La: Thiên La là hạn xấu. Gặp hạn này bị tà ma ám ảnh, tâm không an, vợ chồng có thể lâm vào cảnh xa cách.

Hạn Địa Võng: Mắc hạn này thường mang tiếng thị phi, hay bị tai vạ. Người buôn bán lậu hoặc hàng quốc cấm gặp hạn này nên ngừng lại là hơn.

Hạn Diêm Vương: Diêm Vương là hạn xấu. Đau lâu mà gặp hạn Diêm Vương thì khó thoát khỏi. Sản phụ mắc bệnh Diêm Vương thì rất nguy hiểm về tánh mạng. Tuy nhiên, về mưu sinh thì sao này lại tốt.[2]

Qua tám niên hạn, ta thấy nên hạn nào cũng xấu, nhưng mức độ có khác và mỗi hạn xấu về một số phương diện nhất định.

Nói chung mỗi năm mỗi người đều gặp một vì sao chiếu mạng khác nhau. Các vì sao chiếu mạng đa số là hung tinh, ảnh hưởng xấu đến vận mạng con người. Gắn liền với các vì sao là các hạn niên mà hầu như hạn niên nào cũng xấu. Vì vậy, để cuộc sống được an bình, thịnh đạt, mỗi năm người ta phải cúng giải sao hạn. Để cúng giải sao hạn ta cần biết qua cách thức cúng như thế nào.

3. Lễ Vật và Nghi Thức Cúng Sao Hạn

Trước hết, xin nói ngay là, ở đây chỉ cập đến khía cạnh tín ngưỡng trong Phật giáo, cụ thể là tập tục cúng sao, giải hạn theo nghi thức Phật giáo mà thôi, không đề cập đến vấn đề giáo lý.

Về lễ vật và nghi thức cúng sao hạn, tuy thường ghép chung với nhau, nhưng trên thực tế phần cúng sao có lễ vật và nghi thức riêng, phần cúng hạn có lễ vật và nghi thức cúng riêng, dù trong lúc cúng sao cũng kèm theo cả giải hạn. Phần cúng hạn thường gọi là giải hạn hay vớt hạn. Hơn nữa, tám hạn niên đều là xấu nên thường, phần giải hạn được những người mắc hạn, nhất là hạn xấu đặc biệt quan tâm. Do đó, hai phần này, hiện nay ở các chùa có cúng sao giải hạn, thường thực hiện tách biệt nhau. Theo đó, chúng ta có hai lễ cúng khác nhau cho sao và hạn.

a. Cúng sao

Để cúng sao, cần biết cách viết bài vị, ngày cúng, số lượng đèn, hướng cúng cho mỗi sao.

Sao La Hầu: Khi cúng sao này phải dùng giấy vàng viết bài vị như vầy “Cung thỉnh Thiên cung Thần Thủ La Hầu Tinh quân.”Mỗi tháng cúng vào ngày mùng tám, chín ngọn đèn, hướng Bắc làm lễ.

Sao Kế Đố: Sao Kế Đô cũng dùng bài vị giấy vàng viết như vầy:“Cung thỉnh Thiên Vỹ Cung Phân Kế Đô Tinh quân”. Mỗi tháng cúng vào ngày mười tám, hai mươi ngọn đèn, hướng Tây làm lễ.

Sao Thái Bạch: Dùng giấy trắng viết bài vị như vầy: “Cung thỉnh Tây phương Canh Tân Kim Đức Tinh quân”.  Mỗi tháng cúng vào ngày rằm, tám ngọn đèn, hướng Tây làm lễ

Sao Thủy Diệu: Khi cúng dùng giấy đen viết bài vị như vầy:“Cung thỉnh Bắc Phương Nhâm Qúy Thổ Thủy Đức Tinh quân”.Mỗi tháng cúng ngày hai mươi mốt, bảy ngọn đèn, hướng Bắc làm lễ.

Sao Thổ Tú: Khi cúng dùng giấy vàng viết bài vị như vầy: “Cung thỉnh Trung Ương Mậu Kỷ Thổ Đức Tinh quân”. Mỗi tháng cúng ngày mười chín, năm ngọn đèn, hướng Tây làm lễ.

Sao Thái Dương: Khi cúng dùng giấy vàng viết bài vị như vầy: “ Cung thỉnh Nhật Cung Thái Dương Thiên Tử Tinh quân”. Mỗi tháng cúng ngày hai mươi bảy, mười hai ngọn đèn, hướng Tây làm lễ.

Sao Thái Âm: Khi cúng dùng giấy vàng viết bài vị như vầy:“Cung thỉnh Nguyệt Cung Thái Âm Hoàng Hậu Tinh quân”. Mỗi tháng cúng ngày hai mươi sáu, bảy ngọn đèn,  hướng Tây làm lễ.

Sao Vân Hớn: Khi cúng dùng giấy hồng viết bài vị như vầy:“Cung thỉnh Nam Phương Bính Đinh Hỏa Đức Tinh quân”. Mỗi háng cúng ngày hai mươi chín, mười lăm ngọn đèn, hướng Nam làm lễ.

Sao Mộc Đức: Khi cúng dùng giấy xanh viết bài vị như vầy: “ Cung thỉnh Đông Phương Giáp Ất Mộc Đức Tinh quân”. Mỗi tháng cúng ngày hai mươi lăm, hai mươi ngọn đèn, hướng Đông làm lễ.

Ngoài ra lễ cúng còn có thêm hoa quả, nhang, 3 chung nước, chè xôi, bánh ngọt, và tùy theo quan điểm của mỗi người và tập tục mỗi vùng miền mà có thêm giấy tiền vàng bạc, đồ thế, sớ giấy, bùa chú . . .

Chín vì sao trên, mỗi vì sao giáng trần vào một ngày. Khi cúng phải cúng đúng vào ngày vì sao ấy giáng trần.

 

Tuy nhiên, theo truyền thống, ngoài việc cúng riêng từng sao cho từng ngày, còn có một lễ cúng rất quan trọng là cúng sao Hội vào ngày mùng tám tháng Giêng Âm lịch hàng năm. Lễ này ở các chùa thường gọi là Lễ Dược Sư nhương tinh giải hạn. Đến ngày cúng sao Hội các chùa lập đàn tràng theo nghi lễ Phật giáo gồm đàn Dược Sư, một bàn ngoài có chín bài vị các vì sao, đèn thường thắp bốn mươi chín ngọn theo tinh thần kinh Dược Sư chung cho các sao. Ngoài đèn bài vị thì lễ vật cúng gồm hoa quả, bánh, chè xôi. Phật tử bá tánh đến cúng, mỗi người điều được đội một tờ sớ cúng sao. Phần nghi thức cúng thì tùy theo mỗi miền mà có sai khác đôi chút. Ở đây, chỉ nói đến nghi thức cúng sao giải hạn theo nghi lễ thường sử dụng ở chùa Kim Liên, gồm có các phần:

*  Bàn Phật

.      Nguyện hương
 
Nguyện khói hương thơm này
Cung thỉnh được Thế Tôn
Có mặt với chúng con
Nơi đạo tràng ở đây
Trong giây phút hiện tại.

Nguyện khói hương thơm này
Tỏa ngát cả mười phương
Thanh tịnh chốn đạo tràng
Giúp chúng con duy trì
Chánh kiến chánh tư duy.

Nguyện khói hương thơm này
Bảo hộ cho chúng con
Vững chãi và thảnh thơi
Hiểu nhau và thương nhau
Bây giờ và mãi mãi.

Hương Giới, Định và Tuệ
Là tâm hương nhiệm mầu
Chúng con kính dâng lên
Chư Bụt và Bồ Tát
Trong thế giới mười phương
Nguyện mọi loài chúng sanh
Thấy được ánh đạo vàng
Ly khai nẻo sanh tử
Hướng về nẻo bồ đề
Giải thoát mọi khổ đau
Thường trú trong an lạc.

Nam mô đức Bồ Tát Cúng Dường Hương. (C)
 
·      Tán Phật

Xinh tốt như hoa sen
Rạng ngời như Bắc Đẩu
Xin quay về nương náu
Bậc thầy của nhân, thiên.

Sen quý nở đài giác ngộ
Hào quang chiếu rạng mười phương
Trí tuệ vượt tầm pháp giới
Từ bi thấm nhuận non sông
Vừa thấy dung nhan Điều ngự
Trăm ngàn phiền não sạch không
Hướng về tán dương công đức
Tinh chuyên đạo nghiệp vun trồng.

Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni. (C)

·      Lạy Phật và Chư Vị Bồ Tát

Nhất tâm kính lễ Bụt, Pháp và Tăng thường trụ trong mười phương (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Trí Văn Thù Sư Lợi (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Hạnh Phổ Hiền (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Bi Quan Thế Âm (C)
Nhất tâm kính lễ đức Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng Vương (C)
Nhất tâm kính lễ liệt vị Tổ Sư qua các thời đại từ Thiên Trúc đến Việt Nam. (CC)

·      Trì Tụng
 
Tán Hương

Kim lư vừa bén chiên đàn
Khói xông ngào ngạt muôn ngàn cõi xa
Lòng con kính ngưỡng thiết tha
Ngưỡng mong chư Phật thương mà chứng minh
Nam mô Hương Vân Cái Bồ tát (3 lần) (C )
 
Kệ Khai Kinh
 
Nam mô đức Bổn Sư Bụt Thích Ca Mâu Ni (3 lần) (C)

Pháp Bụt cao siêu mầu nhiệm
Cơ duyên may được thọ trì
Xin nguyện đi vào biển tuệ
Tinh thông giáo nghĩa huyền vi. (C)
 
Kinh Tinh Yếu Bát Nhã Ba La Mật Đa  (C)

Bồ Tát Quán Tự Tại
Khi quán chiếu thâm sâu
Bát Nhã Ba La Mật
Tức diệu pháp Trí Độ
Bỗng soi thấy năm uẩn
Đều không có tự tánh.
Thực chứng điều ấy xong
Ngài vượt thoát tất cả
Mọi khổ đau ách nạn. (C)

"Nghe đây, Xá Lợi Tử :
Sắc chẳng khác gì không
Không chẳng khác gì sắc
Sắc chính thực là không
Không chính thực là sắc
Còn lại bốn uẩn kia
Cũng đều như vậy cả. (C)

Xá Lợi Tử, nghe đây:
Thể mọi pháp đều không
Không sanh cũng không diệt
Không nhơ cũng không sạch
Không thêm cũng không bớt.
Cho nên trong tánh không
Không có sắc, thọ, tưởng
Cũng không có hành thức
Không có nhãn, nhĩ, tỷ
Thiệt, thân, ý - sáu căn
Không có sắc, thanh, hương
Vị, xúc, pháp - sáu trần
Không có mười tám giới
Từ nhãn đến ý thức
Không hề có vô minh
Không có hết vô minh
Cho đến không lão tử
Cũng không hết lão tử
Không khổ, tập, diệt, đạo
Không trí cũng không đắc. (C)

Vì không có sở đắc
Nên khi vị Bồ Tát
Nương diệu pháp Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Thì tâm không chướng ngại
Vì tâm không chướng ngại
Nên không có sợ hãi
Xa lìa mọi mộng tưởng
Xa lìa mọi điên đảo
Đạt Niết Bàn tuyệt đối. (C)

Chư Bụt trong ba đời
Y diệu pháp Trí Độ
Bát Nhã Ba La Mật
Nên đắc vô thượng giác.
Vậy nên phải biết rằng
Bát Nhã Ba La Mật
Là linh chú đại thần
Là linh chú đại minh
Là linh chú vô thượng
Là linh chú tuyệt đỉnh
Là chân lý bất vọng
Có năng lực tiêu trừ
Tất cả mọi khổ nạn
Cho nên tôi muốn thuyết
Câu thần chú trí độ
Bát Nhã Ba La Mật".
Nói xong đức Bồ Tát
Liền đọc thần chú rằng:
Gate
Gate
Paragate
Parasamgate
Bodhi
Svaha. (3 lần) (C C)
 
 
*  Bàn ngoài  
·   Thắp 3 nén nhang bái 3 bái

Tiếp đọc: Nay có tại nước Việt Nam, tỉnh (TP) . . . . ., quận (huyện) . . . . ., phường (xã) . . . . , tín chủ (họ tên) . . . . ., gặp sao . . . . ., hạn . . . . .
Cung thỉnh chư vị Tinh quân (tên vị sao) . . . . . giáng lâm bàn tiền chứng minh
Cung thỉnh chư vị thần linh khuôn viên đất đai xứ sở chứng minh
Bảo hộ tín chủ (tên họ) đắc dĩ bình an, tiêu tai tiêu nạn, oan trái tiêu trừ, thường hoạch cát tường viễn ly khổ ách.
Cắm nhang vào lư và lễ 3 lạy.

·   Tán Đế Thích Thiên Tào

Đế thích Thiên Tào vọng giám tri
Phàn hương khởi thỉnh hướng kim thời
Bất vi bổn thệ lâm đàn nội
Đồng triển oai quang hạ tứ duy
Nam mô Phạm Thiên Vương Bồ tát
 
·   Phụng thỉnh chư vị thần linh

Nhất tâm phụng thỉnh phục vì Tinh quân ( vị sao mình mắc phải) ghi trên bài vị, quang giáng bàn tiền chứng minh, hương hoa thỉnh
Nhất tâm phụng thỉnh phục vì chư vị thần linh Thổ địa, Thổ kỳ, chư vị Thành hoàng Bổn xứ, Định phước Táo quân quang giáng bàn tiền chứng minh, hương hoa thỉnh.

·   Tụng Dược Sư Quán Đảnh Chơn Ngôn (trong Kinh Dược Sư)
·   Đọc sớ
·   Tụng Bài Giải Kiết (trong Kinh Dược Sư)
·   Hồi hướng

Cầu an pháp thâm diệu
Tạo công đức vô biên
Đệ tử xin hồi hướng
Cho chúng sinh mọi miền. (C)

Pháp môn xin nguyện học
Ân nghĩa xin nguyện đền
Phiền não xin nguyện đoạn
Quả Bụt xin chứng nên. (C C C)

·   Lễ tạ 3 lạy

Sau đó quay trở vào bàn Phật tụng Tam Tự Quy và Hồi hướng. (Chi tiết các bài tụng, tán trên có thể tìm thấy ở sách Pháp Sự Khoa Nghi của Hòa thượng Huyền Quang, Nghi Lễ của Hòa thượng Hoàn Thông, Kinh Nhật Tụng của Hòa thượng Huệ Đăng, Kinh Dược Dược và một số sách nghi thức khác).
Nếu cúng ở nhà, phần nghi lễ như trên là đã đầy đủ. Nếu đến chùa nhờ quý Thầy cúng giúp, nghi lễ có thể chi tiết hơn.

Nếu cúng sao Hội tại nhà thì đến chùa thỉnh sớ và bài vị về để cúng. Lễ vật thường là hoa qủa. Cách khấn thì làm theo phần nghi thức chỉ dẫn trên.

b. Giải hạn

Phần giải hạn cũng tùy theo mỗi miền mà có sai khác. Ở đây, chỉ riêng nói về cách thức cúng giải hạn ở chùa Kim Liên.

Theo thông lệ, người muốn giải hạn phải sắm sửa các lễ vật gồm: hoa qủa, trầu cau, một cái lược, một cái gương, một cái kéo, một cái thau, một cái khăn, ba điếu thuốc, ba viên kẹo, mười đầu móng tay, mười đầu móng chân, mấy sợi tóc, một bộ đồ thế và mỗi người nhờ qúy thầy làm một lá sớ và bùa để giải hạn.

Đến ngày cúng giải hạn, mỗi người mang những vật đã mua sẵn đến chùa và đặt lễ vật trước chỗ mình ngồi cúng đã được sắp xếp sẵn. Sau đó, mỗi người lấy thau đã sắm đi lấy mỗi người một thau nước và cũng đặt trước chỗ mình ngồi.

Sau khi ổn định xong, qúy thầy đăng lâm Chính điện làm lễ giải hạn. Nghi thức giải hạn tương tự nghi thức cúng sao ở trên. Nhưng đến khi giả hạn (vớt hạn) đọc thêm bài bài Chí tâm quy mạng lễ . . .
Sau đó, qúy thầy đến trước từng người để giải hạn.

Cách giải là qúy thầy đưa cho mỗi người bảy đồng bạc bằng đồng (hay bằng bạc), rồi lấy cái gương thả vào chậu nước. Qúy thầy vừa sấp kéo vừa đọc thần chú và người cúng giải hạn thả từng đồng tiền đồng qua cái kéo đang sấp và để rơi xuống thau nước. Cách làm này gọi la vớt hạn. Vớt hạn xong sẽ đêm tất cả lễ vật bỏ ngoài ngã ba, trừ cái thau.
Sau khi giải xong hết cho từng người, sẽ phục nguyện và hồi hướng kết thúc buổi lễ cúng giải hạn.
 
Để việc giải hạn có kết quả như tâm nguyện, quý vị nên đến chùa nhờ Quý thầy giải giúp là tốt nhất.
 
Thích Tâm Bình - Kim Liên


[1] Cách tính hạn  trên dựa theo Thích Hoàn Thông, Nghi Lễ, Tài liệu viết tay, tr. 435 – 438.
[2] Lời giải sự cát hung của các vì sao trên đây là dựa theo Thích Hoàn Thông, Sđd, tr. 443 – 450 và Toan Ánh, Sđd, tr. 214 – 217. Đồng thời căn cứ trên quan niệm của dân gian cũng như lời giải của một số qúy thầy ở một số chùa cho các Phật tử, khách thập phương đến cúng sao hạn hằng năm, trong đó có chùa chúng tôi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

A lại da thức và Mạc na thức

Nghiên cứu 09:00 16/03/2024

Trong kinh Duy Thức thuộc tạng kinh phát triển, để chỉ cho sự huân tập thành khối nghiệp lực (A Lại Da Thức và Mạc Na Thức,) được xem là người giữ kho (librarian) và cái kho (library) tích trữ tạo thành nghiệp lực.

Kinh Pháp Hoa: Ánh sáng nhân bản và hòa bình

Nghiên cứu 12:00 18/02/2024

Kinh Pháp hoa (Saddharma puṇḍarīka Sūtra) là một trong những bộ kinh thuộc truyền thống Đại thừa (Mahāyāna), hay còn gọi là Phật giáo Phát triển.

Vài nét về khái niệm tự lực và tha lực trong Phật giáo

Nghiên cứu 10:00 14/02/2024

Tự lực và tha lực tuy là hai khái niệm khác nhau nhưng không đối nghịch nhau, và hai yếu tố này không thể thiếu trong tiến trình tu tập của một người con Phật.

Dĩ hòa vi quý (Phần 1)

Nghiên cứu 11:00 04/02/2024

Dĩ hòa vi quý là lấy điều hòa làm quý, cần được tôn trọng. Đó là câu tục ngữ dạy đạo xử thế, làm cho cuộc sống chung với mọi người được êm ấm, vui vẻ. Đó là chìa khóa mở cửa lâu đài hạnh phúc cho chính mình và cho người khác trong cuộc sống tập thể từ gia đình đến xã hội.

Xem thêm