Cảm ngộ về vô thường
Nhiều năm trước, với những thất vọng trong cuộc sống, nhiều câu hỏi về nhân sinh, về thế giới cùng những trải nghiệm của bản thân đã khiến con dần ngộ ra sự vô thường và đau khổ ở cõi đời.
Cánh cửa Phật Pháp cũng từ đó dần mở ra cho con. Khi thấy song thân tuổi đã xế chiều nhưng phiền não vẫn vây quanh, con nguyện xin Tam Bảo gia hộ cho cha mẹ được khai tâm mở trí, biết sám hối quy Phật tu hành.
Rồi điều con lo sợ cũng đến, con thấm thía hơn về vô thường qua sự ra đi của mẹ mình. Đối mặt với bệnh tình của mẹ, dù tìm đủ mọi phương cứu chữa nhưng cũng đành bất lực khi mẹ mình đã hết duyên trần thế. Những ngày cận kề lúc cuối đời của mẹ cho con ngộ ra được nhiều điều, qua những cơn vật vã khi tỉnh khi mê sảng của mẹ đã cho con hiểu đó là túc nghiệp đến thời phải trả, oan gia trái chủ tìm đến… Như một thước phim tua lại, con thấy cả quãng đời đầy cơ khổ nhọc nhằn của mẹ cùng sự hy sinh to lớn trải dài đến tận phút sau cùng. Tiếc rằng, cũng như bao người mẹ ở thế gian, vì không biết Phật Pháp nên tình thương lắm lúc là sự vô minh tạo nghiệp chất chồng theo năm tháng của đời Người. Vì lo cho cuộc sống gia đình, lo cho con cái, cha mẹ chẳng từ nan việc gì, dù là nghề chăn nuôi giết hại hay sát sanh hại vật để chăm bổ con cái người thân, rồi cuối cùng mẹ lãnh nghiệp quả nặng nề mà điển hình là căn bệnh nan y phải chịu mổ xẻ đau đớn vô cùng…!
Ngẫm, đời người như giấc mộng! Dù sinh ra trong một thân phận nào, khốn khó bần hàn hay tột đỉnh vinh hoa, cuối cùng cũng chung một nấm mồ hoang lạnh. Dù là cha mẹ con cái hay quyến thuộc bạn bè, ai cũng sẽ chết và khi chết rồi đều theo nghiệp quả chiêu cảm mà luân hồi trong Lục đạo, tội phước phân minh, nghiệp ai nấy trả, hoàn toàn xa lạ. Không ai trong phàm phu chúng con biết rõ thân quyến của mình nhiều đời nhiều kiếp đi đâu về đâu trong 6 đường, và cũng không ai trong phàm phu chúng con thật biết bản thân sẽ đi đâu về đâu trong các cõi lành dữ khi hết duyên mãn phần. Sống trong thời mạt tâm hỗn mang đầy thiên tai, dịch bệnh…, vô thường gọi tên không hẹn trước!
Lúc chưa tu hành, con chỉ hiểu nông cạn về sinh – lão – bệnh – tử như một quy luật tất yếu của tự nhiên, như một lẽ thường ai rồi cũng trải qua mà không lo nghĩ nhiều. Nhưng khi đối diện thực tế với cái chết của mẹ mình, trải nghiệm nỗi đau lớn nhất trong đời, con mới đặt mình vào câu hỏi: đâu mới là tình thương, là trách nhiệm, là sự hiếu để thật sự của một người con? Dù con có lo cho cha mẹ khi còn sống được đủ đầy, ân cần chăm sóc cả vật chất lẫn tinh thần, đến khi cha mẹ qua đời thì cũng không thể lo cho cha mẹ đường lành để đi, bởi tình thương vô bờ mà cha mẹ dành cho mình đổi lại là nghiệp dữ đã làm phải thọ lãnh, phận làm con thật chẳng thể thờ ơ! Phàm phu chúng con cũng chỉ có thể biết được nhân mình đang gieo tạo thế nào thì thọ lãnh quả tương ưng thế ấy về sau nhưng lại không thể biết được túc nghiệp từ nhiều đời nhiều kiếp trong quá khứ, phước đức mình tạo có ở hiện đời liệu có đủ để bù đắp cho những ác nghiệp đã gây ra không, nên ngay cả bản thân mình còn không rõ thì huống gì nghiệp của người khác lại càng mù tịt, sao có thể biết đây. Nhân quả công bằng, nghiệp ai nấy chịu, chính mình còn không thoát khỏi khổ não luân hồi thì sao có thể giúp mẹ cha hay bao người thoát đặng?
Nghiệm lại trước đây, khi chưa biết Chánh Pháp, chưa tin sâu vào nhân quả, cũng như bao người, khi ai đó qua đời, con lại cầu cho họ được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, hy vọng bám víu vào điều mơ hồ phi nhân quả đó. Đến khi đối trước sự ra đi đau đớn của mẹ mình, nhiều lần nhìn lại, con thật sự không biết mẹ mình hiện thế nào, vẫn đau đáu không biết mẹ đã về đâu dù đã nhiều năm qua. Con lại càng chạnh lòng lo lắng hơn khi nhìn qua người cha đã suýt soát cửu tuần, sắp gần đất xa trời. Ngẫm lại, không chỉ cha mẹ hiện đời mà nhiều muôn kiếp trước đều đã hy sinh tất cả vì con, thì cho đến nay, con thật sự đã làm được gì cho cha mẹ, nhất là khi Người đã khuất bóng?! Con ngộ rằng: Duy chỉ có sám hối quy Phật tu hành chơn chánh (Giới – Định – Huệ) mới có thể thoát khỏi đêm trường vô minh tăm tối, mới là con đường giải thoát mọi khổ não cho mình, cho người và tất cả chúng sanh, mới có thể trả tận hiếu không chỉ cho cha mẹ hiện đời mà nhiều đời nhiều kiếp. Và hơn hết là con phải giải quyết được sanh tử của chính mình thì mới có khả năng cứu độ muôn vạn chúng sanh đang mong đợi trong trùng trùng khổ não!
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sự oán hận của vong hồn thai nhi
Phật giáo và người trẻ 20:00 19/11/2024Theo đạo Phật thì ngay từ khi bắt đầu thụ thai, ý thức, thần thức đã xâm nhập vào bào thai. Bào thai đã là một mầm sống, là một sinh linh cần được nâng niu, bảo vệ.
Đi chùa sám hối?
Phật giáo và người trẻ 08:45 15/11/2024Mưa, Long ngồi trên chiếc võng trước cửa nhà, mắt nhìn ra cổng. Chiều nay, Long có hẹn với bạn gái, hai người sẽ đi chùa sám hối. Đó là thói quen mà mỗi tháng hai lần Long cùng với bạn gái đến chùa Vạn Đức.
Quỹ Vicaris gieo hạt hiểu thương đến 2 học sinh ở Gò Quao
Phật giáo và người trẻ 12:05 10/11/2024Quỹ Bảo trợ giáo dục Vicaris vừa bảo trợ 2 học sinh ở huyện Gò Quao, Kiên Giang - Đại đức Thích Tuệ Đạt, Ủy viên Ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, chủ nhiệm Quỹ thông tin với Phatgiao.org.vn.
“Đây là lời thật lòng của tôi, người từng ở trong bùn lầy và đã ra khỏi bùn lầy”
Phật giáo và người trẻ 13:45 08/11/2024Người ta có thể phạm rất nhiều lỗi trong đời, nhưng ngàn vạn lần không nên phạm tội tà dâm! Cổ nhân nói: “Vạn ác, dâm đứng đầu!” Nhưng mãi đến hôm nay tôi mới nhận ra uy lực của câu nói này.
Xem thêm