Cảm niệm Sư Bà Thích Nữ Trí Hải: Hạt bụi theo về
Nhân 15 năm kể từ ngày xã báo thân của Sư bà Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải (7.12.2003, nhằm ngày 14.11 năm Quý Mùi), PGVN xin đăng tải bài viết của tác giả Huyền Không (tức Hòa Thượng Thích Mãn Giác) thay cho niềm cảm niệm đồng tưởng nhớ lên vị danh ni quý kính.
"Chọn lựa của trái tim từ bi là nhiều lúc tình nguyện hứng chịu khổ nạn thay cho chúng sanh, bị đau đớn riêng mình cho tâm được an vui mà đi tiếp trên con đường cứu độ. […] Chừng ấy cũng đủ cho Ni Sư, trong cuộc giã từ nầy, cất lên một tiếng cười lớn giữa biển khổ kiếp người".
Là khách vãng lai của thế giới sinh tử thì gặp gỡ hay ly biệt là lẽ thường tình. Thế nhưng cái lúc nhận được tin một người thân đột ngột lìa bỏ mình, là một giây phút cực kỳ khó khăn. Chấp nhận được vô thường với cõi lòng an nhiên thật là không dễ dàng gì bởi mất mát nào cũng là thương tích. Đôi mắt như sẵn đau niềm đau của kiếp người cũng ướt đẫm những giòng thương cảm, tâm hồn chới với thẩn thờ.
Hôm nay, lại có thêm một người gần đã vẫy tay đi xa, thêm một tấm lòng thân cận cảm thông giã từ lên đường và theo hạt bụi, những hạt bụi tình cờ cho cuộc khứ lai: Ni Sư Thích Nữ Trí Hải, con người thân thuộc của khung trời văn hóa Phật giáo Việt Nam trong nửa cuối thế kỷ hai mươi, gương mặt tu nữ thạc học mà tâm hồn gắn liền với những trang chữ long lanh diệu pháp; đã bất ngờ bỏ đời, để lại biết bao bùi ngùi xúc cảm trong lòng kẻ ở.
Tôi gặp Phùng Khánh khi cô vừa mới rời gia đình quý phái và thâm nghiêm bên bờ sông Hương để lên đường du học. Với dáng dấp đoan trang thanh nhã cọng với một tâm hồn mẫn cảm đã dẫn dắt người thiếu nữ hoàng phái đi vào thế giới sung túc của chữ nghĩa và không khí trí thức trầm mặc của hàng hàng kệ sách thư viện. Sống ở Hoa Kỳ những năm đầu 60 với cõi lòng ẩn mật rất Huế, khi về Việt Nam, cô đã ra mắt với người đọc quê hương hai bản dịch nổi tiếng là “Câu chuyện dòng sông” của Herman Hesse và “Bắt trẻ đồng xanh” của Salinger, mà không lâu sau đó người đọc đã nhận ra gương mặt tuyệt vời của dịch giả vừa uyên bác cẩn trọng, vừa trong sáng nghiêm túc. Mãi cho tới mấy chục năm sau, cô vẫn giữ vị trí của người chuyển ngữ tài hoa nhất.
Sau ngày hồi hương không lâu, Phùng Khánh quyết định cắt ái từ thân xuất gia với Pháp hiệu Trí Hải. Cô về làm việc cho Đại học Vạn Hạnh với phần vụ Thư Viện Trưởng - một Thư Viện Trưởng độc nhất suốt thời gian hưng thịnh của Vạn Hạnh. Thầy Minh Châu và tôi vô cùng cưng quý Thư viện và cũng rất nể trọng Thủ Thư nên đã nhìn thấy và hoàn toàn cảm thông sự khó tính trong điều hành của Cô Thư Viện Trưởng. Biết chúng tôi vốn chịu chìu “mệ” trí thức nên các nhân viên Thư viện cũng dựa vào cô mà thách thức các nguyên tắc điều hành chung nhưng nhờ biết khéo léo quản trị, chúng tôi duy trì được mọi tôn ti trật tự.
Trí Hải là một người rất thương quý sách, biết giá trị của sách. Cô đã vận động nhiều cách để đem về cho Thư viện những mặt sách quý hiếm, làm thuận tiện cho sự nghiên cứu xử dụng không chỉ riêng cho sinh viên Vạn Hạnh mà còn chung cho cả giới trí thức thành phố, không chỉ phong phú cho tầng lớp đạo gia mà còn quá giàu có cho những nhà tìm hiểu thế tục. Nếu tất cả các sách mà Thư viện Vạn Hạnh hiện có đã tạm là hình ảnh của một đại dương tri thức thì cái Pháp hiệu định phận của Cô Thủ Thư Trí Hải (biển tuệ) đã hòa nhập là Một khiến cho không khí Thư viện lúc nào cũng thoảng mùi trầm hương: trầm hương tỏa ra từ lòng sách và hồn người.
Và từ xứ trầm hương đó, Cô Trí Hải đã gởi tặng cho đời những trang chữ thơm tho mầu nhiệm. Nếu nghĩa của Văn là Đẹp thì cả đời Ni Sư đã phụng sự cho cái Đẹp đó hết sức tận tụy và những ai đã có một lần để cho lòng trầm tư theo hồn sách (trong hơn 10 tác phẩm đã được phổ biến) thì sẽ biết cám ơn sự thanh cao còn lưu lại trong hồn mình từ sự hiến tặng lân mẫn của người vừa mới ra đi.
Cuộc đời cô Trí Hải không chỉ là người bạn thân thiết của sách vở, cô còn là nguời chị cả đáng yêu trong gia đình An Sinh Xã Hội Vạn Hạnh. Từ vị trí người chị hiền lành độ lượng nầy, Cô đã là chiếc cầu nối cho bao lớp trẻ đi vào đời để phụng sự. Người chị mà đôi mắt biết thương xót đã cúi xuống thiết tha trên những nỗi đời bất hạnh, mà đôi tay biết chở che đã đưa ra nâng đỡ những mảnh sống khốn cùng, mà đôi chân vương giả đã không từng biết chối từ đi vào những xóm quê lầy lội, những đường làng tả tơi, những miền đất bão lụt hoang tàn.
Mấy mươi năm dài, mặc cho thời thế đổi thay mà tấm lòng vì đời không lay chuyển. Khắp những chốn đau nhức bất an nhất của đất nước, người dân khổ hạnh mãi còn giữ lại trong đôi mắt mến thương của họ hình ảnh tà áo màu lam dịu hiền biểu tượng của cho vui và cứu khổ đã một dạo nào thấp thoáng giữa mưa nắng đời thường. Tà áo ấy đã gắn liền với các công tác từ thiện, thủy chung cho đến ngày cuối cùng phủi tay giải nghiệp. Chọn lựa của trái tim từ bi là nhiều lúc tình nguyện hứng chịu khổ nạn thay cho chúng sanh, bị đau đớn riêng mình cho tâm được an vui mà đi tiếp trên con đường cứu độ.
Ni Sư Trí Hải đã vào đời trong ước nguyện, đã phụng sự con người như thế và hôm nay, giã đời giữa lúc đang thật hành hạnh lớn của trái tim từ bi “chúng con khổ nguyện xin cứu khổ”. Chưa có ai của Ni giới Việt Nam, trong mấy mươi năm máu lệ của quê hương đã nuôi tâm bố thí theo sáu pháp qua bờ nhiệt thành như Ni Sư Trí Hải. Chừng ấy cũng đủ cho Ni Sư, trong cuộc giã từ nầy, cất lên một tiếng cười lớn giữa biển khổ kiếp người.
Một lần mới đây thôi, Ni Sư kể cho tôi biết rằng Ni Sư đã viết và đem treo những câu thơ của Huyền Không trong vườn chùa. Cho thơ nói chuyện với hoa cỏ lá cành, cho thơ cùng thở với gió mưa, cho thơ đi vào mắt rồi ở lại trong lòng người, cho thơ sống với chút đất trời quê hương. Tôi ở xa mà cũng được ấm lòng vì những dòng thơ viết ra từ ngày nào đã tìm thấy một tâm hồn bè bạn.
Mà thôi. Hết rồi! Ngày 7 tháng 12 đã là một ngày tang tóc. Thị giả của Ni Sư, khi thuật lại cho tôi chi tiết về sự ra đi đột ngột và nặng nhọc nầy, tôi đã không dừng được nước mắt xót thương. Tôi khóc theo niềm cảm xúc từ muôn trùng. Ngày trước, khi nghe tin Huệ Minh và Tiểu Phượng mất tích tại Rạch Giá, tôi có đau buồn nhưng niềm đau thấm chậm.
Bây giờ, với cái chết trong tai nạn thảm khốc nơi vùng đất đỏ Long Khánh của Ni Sư thì niềm đau trong tôi mãnh liệt bội phần. Tôi chấp tay lạy Phật, nguyện cầu cho những người thân yêu đó có được những tái sanh thuận lợi, để nối tiếp con đường cứu độ dở dang của các vị Bồ Tát nhập thế làm lợi lạc cho đời.
Hạt bụi sẽ luân hồi trở lại bằng nguyện lực vô biên.
Huyền Không (HT. Thích Mãn Giác, nguyên là Phó Viện Trưởng Điều hành Viện ĐH Vạn Hạnh)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chuyện về ngài Sivali, vị Thánh tăng có tài lộc đệ nhất
Chân dung từ bi 09:00 24/11/2024Đại Phật sử liệt kê bốn mươi vị Thánh đệ tử ở bên cánh tả của Đức Phật Thích-ca do ngài Mục-kiền-liên đứng đầu và bốn mươi vị Thánh đệ tử bên cánh hữu do ngài Xá-lợi-phất đứng đầu, trong đó có ngài Sivali.
'Ôn Trúc Lâm' Thích Mật Hiển
Chân dung từ bi 11:53 09/11/2024Lúc mới lui tới cửa Phật (cuối những năm 50 thế kỷ trước), tôi đã nghe nói trong lịch sử Phật Giáo ở Thuận Hóa Phú Xuân có câu: “Quảng Trị Trung Kiên - Thừa Thiên Dã Lê”.
Ni trưởng Diệu Không và một đời bát kỉnh thị y
Chân dung từ bi 16:39 23/10/2024Ni trưởng Thích nữ Diệu Không là một trong những bậc danh Ni thời hiện đại của Phật giáo Việt Nam. Tuy xuất thân từ gia đình danh gia vọng tộc, nhưng Sư trưởng đã một lòng xả tục cầu chơn, xuất gia đầu Phật, hành Bồ-tát đạo.
Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn và sự nghiệp “trồng người”
Chân dung từ bi 09:20 23/10/2024Vốn là một bậc thầy mô phạm của nhiều thế hệ Ni lưu suốt những năm tháng dài tại thế, Ni trưởng thượng Giác hạ Nhẫn (1919-2003) được biết đến như một ngôi sao sáng của Ni bộ Bắc Tông giữa thế kỷ XX.
Xem thêm