Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ tư, 18/03/2015, 10:48 AM

Cần Thơ: TT.Thích Chân Quang thuyết giảng chủ đề "Vô minh"

Sáng ngày 23/01/Ất Mùi (13/03/2015), TT.Thích Chân Quang nhận lời mời của NS TN Tâm Niệm – Chánh Thư ký Phân ban Đặc trách Ni giới, thuộc Ban Tăng sự PG Tp.Cần Thơ - trụ trì chùa Bửu Trì (số 67, Mậu Thân, P.Xuân Khánh, Q.Ninh Kiều), đã chủ trì buổi Lễ an vị tượng đức Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni và sái tịnh cam lồ tại bàn thờ tôn trí tượng Phật. Đồng thời thuyết giảng đề tài về VÔ MINH cho đông đảo phật tử tham dự.

 
 
Bài pháp thoại đã đưa ra những khái niệm, các mức độ và nhân quả của vô minh. Đồng thời, chỉ ra phương pháp giúp các phật tử có những đánh giá, nhận định đúng đắn, để giải thoát bản thân khỏi sự mê lầm và đạt được giác ngộ viên mãn, không còn tạo nghiệp, thì luân hồi sanh tử khổ mới đặng dứt. 


Theo Thượng tọa, chúng ta hay bị nhầm lẫn giữa cái tốt và cái xấu nên ít có sự đánh giá chính xác. Đây chính là nguyên nhân khiến Thượng tọa chọn “Vô minh” làm chủ đề thuyết giảng lần này. Để các phật tử có thể hiểu được “Vô minh là gì?” Thượng tọa đưa ra khái niệm ngắn gọn rằng: “Vô minh là một loại hiểu nhầm, là cái mê mờ, ngu si”, hoặc hiểu đơn giản hơn “Vô minh” là nghĩ không ra, thấy không được. Tuy nhiên, chữ vô minh nó sâu lắm. Trong chúng ta ai cũng biết vô minh là lũ giặc đã đem đến đau khổ và phiền não cho chúng sanh. Để hiểu hơn lời Phật dạy, Thương tọa đã dùng "phương tiện", phân biệt 3 mức độ khác nhau của vô minh, đó là: cạn, sâu và cực kỳ sâu. Qua đó, Thượng tọa vừa phân tích, vừa chứng minh để giúp mọi người tránh được nhiều cái hiểu nhầm tai hại ngay trong cuộc sống này cũng như trong sự dụng công tu hành. 

Nói về vô minh ở mức độ cạn như hiểu lầm về sự tốt - xấu của bản thân hay của người khác. Ví dụ ta nhìn một người rất xinh đẹp, ta nghĩ họ đẹp là do tác động của nhân tạo (tức phẫu thuật thẩm mỹ), đôi khi không phải vậy. Nét đẹp thật sự, nó đẹp thẳm sâu và làm người khác ưu ái, nên khi nhìn một người xinh đẹp, chúng ta hay quý mến. Thường người ta hay nói: Người có ngoại hình tốt dễ xin được việc làm, dễ thành công trong cuộc sống. Kỳ thực, đó không phải vì ngoại hình tốt mà vì một cái phước bên trong trổ ra nhiều loại quả cùng một lúc, tức một quả là đẹp, một quả khác là được người ta thương, một quả khác nữa là dễ thành công trong cuộc sống. Nhưng vì vô minh nên hiểu nhầm, ta hiểu quả này sinh ra quả kia, không phải cái quả xinh đẹp sinh ra quả giàu sang.  
 
 
Không có chuyện trái cành hướng tây sinh ra trái cành hướng đông, mà tất cả trái ở cành đó đều chung một cái gốc từ dưới đi lên, đều chung từ một cái nhân ban đầu ta trồng, ta gieo hạt. Theo nhân quả, người có sắc đẹp và dễ thành công là người này từ trước đã sống rất tử tế, biết đi chùa tụng kinh, lễ Phật, biết giúp đỡ mọi người, biết cúng dường Tam bảo, không có chê trách chửi mắng ai, lời nói luôn kỹ lưỡng, v.v… thì bao nhiêu cái phước như vậy, bây giờ mới có quả báo tốt, tức một là đẹp; hai là thành công đi đâu cũng được yêu mến. Vậy khi ta hiểu lầm những điều trong cuộc sống như vậy cũng là một loại vô minh, vô minh ở mức độ cạn.

Lại nữa, vô minh ở một mức độ sâu hơn. Khi một người tu tập, chứng được cảnh giới tâm linh cao siêu, có khi chứng luôn quả Thánh phần nào, nhưng vẫn bị hiểu lầm một số điều thì cũng gọi là vô minh. Trong đó, cái vô minh sợ nhất là khi một người tu chứng được cảnh giới nào đó trong thiền định, lúc đó tâm thanh tịnh; đi đứng oai nghi chững chạc; có trực giác thần thông, rồi nghĩ mình đã được vào cõi Thánh, từ đây cho đến lúc đắc đạo hoàn toàn, không còn bị thoái chuyển lại cảnh giới phàm phu…thì cái nghĩ đó là vô minh, vì thực sự vẫn còn phải trở lại. Cái hiểu nhầm là khi mình an trú trong cảnh giới đó, mình cứ tưởng là không bao giờ lui lại cái vô minh, không bao giờ mình mê mờ, nhưng thực sự khi đầu thai lại là mê mờ liền, cái đó mới thực sự là cay đắng, biết bao nhiêu vị Bồ tát đi qua quãng đời như vậy, cực khổ vô cùng.
 
 
 
Những vị Bồ tát, nhiều khi đại nguyện họ lớn, nên phải tái sinh suốt trong cuộc đời này để tiếp tục công việc giáo hóa chúng sinh, họ vất vả lắm, vì khi trở lại sẽ mất hết cảnh giới thù thắng mình đã chứng được, giống như phải làm lại từ đầu, chỉ có điều họ có tư cách, có tư chất, có lý tưởng hoài bão, có đạo đức, nhanh chóng định hướng lại đường đi của mình để chứng đạo trở lại. Chứ còn lúc chưa chứng đạo trở lại họ cũng giống như phàm phu, chỉ có cái là họ có những phẩm chất, lý tưởng cao thượng và trí tuệ khác người thôi. Như vậy, trong giai đoạn mình đang còn chứng mà nghĩ mình không còn quay trở lại thế gian, không mê mờ nữa, cũng là một loại hiểu lầm, đây cũng là một loại vô minh.

Còn vô mình tột cùng nhất là phải đợi chứng tới A La Hán mới thấy, mà cái vô minh sâu thẳm nhất thì ta không định nghĩa, không dùng lời nói diễn tả được, không dùng trí óc mình để hiểu ra được vì nó sâu quá, chỉ có bậc A La Hán, ở cái giây phút chứng được A La Hán, giải thoát khỏi sinh tử luân hồi rồi mới hiểu “À, thì ra cái vô minh nào giờ là ở chỗ này”. Đó là lý do có nhiều vị khi chứng đạo xong, buột miệng nói một câu: “Hỡi kẻ làm nhà, ta đã thấy được ngươi, từ đây ngươi không còn cất nhà trong Tam giới được nữa”, câu đó thật là bí hiểm. Nói “Người làm nhà”, tức tạo ra cái kiếp kế tiếp cho mình, mà cái kiếp kế tiếp nằm trong Tam giới (vì có khi lên cõi trời, có khi xuống cõi người).  

Còn cái động cơ bí mật làm cho kiếp sau xuất hiện tiếp tục, ta gọi đó là kẻ làm nhà. Tại sao nói: “Nay ta đã thấy ngươi, cho nên ngươi không còn cất nhà được nữa”; vì thấy được cái gốc vô minh, cái gốc mà từ đó tạo ra kiếp luân hồi tiếp theo sau đó, bây giờ hết rồi thì hết làm nhà được, nghĩa là cái nguồn gốc, động cơ, động lực, cái mà dấy lên nghiệp để tái sinh tắt từ đó luôn, nên không còn động cơ luân hồi, kiếp sau chấm dứt không còn tái sinh nữa, chỉ trừ trường hợp nguyện trở lại thôi, chứ không có cái nghiệp trở lại. 

Tuy nhiên, hầu như rất ít vị A La Hán mang nguyện trở lại, vì một vị Thánh xuất hiện giữa cuộc đời thì chúng sinh rẽ ra làm hai cõi liền, một là xuống địa ngục, hai là lên cõi trời. Và Thượng tọa đã giải thích thật cặn kẽ về ý này, nhờ vậy mọi người hiểu được thêm một điểm cực kỳ đáng yêu trong đạo Phật mà hướng lòng tôn kính tuyệt đối lên đức Phật, và các vị Bồ tát, A La Hán, hoặc bất cứ người nào nếu đạt được trạng thái vô ngã tuyệt đối để không mắc tội.  

Thượng tọa cho rằng: Mỗi loại vô minh có một đặc điểm, nhân quả khác nhau. Trong bài Pháp thoại này, Thượng tọa chỉ phân tích loại vô minh ở mức độ cạn vì các phật tử chưa đạt tới mức A La Hán để hiểu về vô minh tột cùng và cũng chưa đạt được cảnh giới tâm linh cao siêu để hiểu được vô minh sâu. Hiểu được vô minh ở mức độ cạn cũng là một bước đệm để các phật tử có thể hiểu được vô minh ở các mức độ sâu hơn.

Trong loại vô minh cạn, Thượng tọa đi vào 2 vấn đề nhỏ hơn là hiểu nhầm cái đúng – sai; tốt - xấu nơi chính bản thân mình và bản thân người khác. Để dễ hiểu hơn, Thượng tọa đã phân tích từng góc cạnh một.

Thứ nhất là hiểu nhầm về cái đúng - sai, tốt - xấu trong con người mình. Hầu hết tất cả chúng ta đều bị tâm lý rằng: Ta tốt rồi, ta làm vậy tốt rồi, ta sống vậy được rồi, ta đối xử với ai đó… vậy được rồi, v.v… nhưng xin thưa, ý nghĩ đó nhầm, tưởng vậy chưa được, vì nó vẫn còn có cái đúng hơn, tốt hơn nữa. Chính cái ý nghĩ “được rồi đó” là sự hiểu nhầm lớn cho bản thân mình, và cái hiểu nhầm này nó đóng con đường thiện lành lại, làm cho ta không tiến tới được nữa. Nhân đây, Thượng tọa đã chứng minh cho thấy trong cuộc đời có biết bao nhiêu chuyện xảy ra mà ta cứ dành lẽ phải cho mình, luôn cho mình đúng, hay làm vậy là được rồi, nhưng thật sự là ta sai. Việc hiểu nhầm này xuất phát từ tâm lý đề cao bản thân, kiêu mạn, hay biện minh cho lỗi lầm của mình và đổ lỗi cho người khác. Cái vô minh này rất khó nhìn thấy, vì chúng ta hay tự lừa dối chính mình, luôn cho mình đúng. Nên ta lúc nào cũng cần một người phản biện ngược lại mình, làm ta cảnh tỉnh. Nhân quả ở nơi chính mình, nếu ta mắc phải loại vô minh này, cái tội phước bắt đầu hình thành khiến ta rất khó tiến tu.

Cái hiểu nhầm về bản thân mình, không chỉ bị nhầm lẫn giữa tốt - xấu; đúng – sai mà còn bị nhầm về pháp môn, tưởng mình tu như vậy là ngon rồi, hoặc cho rằng pháp môn mình tu là đúng. Nếu là người đệ tử Phật, chúng ta phải hiểu rằng đạo Phật không chỉ ngồi một chỗ tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền mà phải dấn thân sâu rộng hơn vào đời sống để cống hiến và phụng sự chúng sinh. Đạo Phật không phải tu bằng miệng mà tu bằng tâm. Chúng ta phải tu theo tâm của Phật, tâm đó không hình không tướng, tâm đó thanh tịnh, tâm đó tràn đầy từ bi trí tuệ, ta đi tìm tâm đó thì ta mới theo Phật được. Vậy nên, việc tu không phải chỉ bằng một câu nói niệm Phật mà là cả một quá trình vất vả, lâu dài.

Thứ hai, hiểu nhầm cái đúng - sai, tốt - xấu nơi người khác, đó cũng là vô minh. Thượng tọa nhấn mạnh “Mình hiểu nhầm cái tốt - xấu nơi chính mình cũng thành cái tội phước. Còn ở nơi người khác thì nó thành nghiệp thật sự. Ví dụ gặp người tốt mà ta nghĩ rằng người đó không tốt là tổn phước liền; hoặc mình gặp người xấu mà ta cứ tưởng người tốt thì đầu tiên mình bị lừa, kế đến ta cũng tổn đức của mình. Loại vô minh này bắt đầu làm xuất hiện cái nghiệp khiến ta bị tổn đức, tổn phước. Thường chúng ta không muốn đánh giá một ai đó, nhưng khi tiếp xúc với người khác, tự nhiên tâm mình đưa ra một sự đánh giá. Và khi tâm ý khởi lên thì nghiệp nằm ngay chỗ đánh giá đó. Mà việc đánh giá người khác rất khó chính xác, nên chúng sinh hay bị tạo nghiệp ở khía cạnh này. Chỉ khi ta đánh giá chính xác thì ta mới không bị tổn phước, mà nếu may mắn đó là người tốt mà ta đánh giá đúng thì phước ta tăng lên liền. Ngược lại, đánh giá sai khiến cái phước của ta bị suy giảm nghiêm trọng.

Tỷ lệ đánh giá đúng người khác rất ít, nên hầu hết chúng ta hay bị tổn phước. Việc đánh giá nhầm nhiều người thì ta thuộc dạng phàm phu. Thánh là người hiểu đúng sự vật, sự việc, hiện tượng, con người trên đời rất nhiều và hiểu nhầm rất ít. Đây là 2 cách định nghĩa khác về bậc Thánh và phàm phu. Có thể nói đó là một cách hiểu rất mới, rất trí thức và hàn lâm. Nói cho gọn, dễ hiểu: Phàm là hay hiểu nhầm, còn Thánh thì ít hiểu nhầm.

Thượng tọa khẳng định hiểu nhầm rất đáng sợ, vì nó tạo thành cái nghiệp, dắt ta đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, khiến ta cứ trầm luân sinh tử trong khổ đau. Các vị Thánh có thể giải thoát được vì các vị ấy hiểu đúng hết, dẫn đến việc cư xử, hành động cũng đúng, nghiệp chướng cũng vì thế mà được cởi bỏ dần dần. Chúng ta chưa giải thoát được, vì chúng ta còn bị hiểu nhầm nhiều quá, còn bị rằng buộc bởi những cái nghiệp do sự hiểu nhầm tạo ra. 

Để các phật tử tránh được sự hiểu nhầm, sớm được giải thoát giác ngộ, Thượng tọa điểm qua một số nguồn gốc xuất hiện vô minh. Thứ nhất là con người ai cũng tò mò nhưng sự hiểu biết lại hạn hẹp nên thường đưa ra những suy đoán chủ quan, thiếu chính xác. Thứ hai là do ta ít nói sự thật dẫn đến nhân quả lá ít hiểu sự thật. Thứ ba là ta bị tình cảm cá nhân chi phối. 

Vậy nên, để có sự thật thì chúng ta hãy đưa ra những đánh giá khách quan, đừng để bị tình cảm cá nhân chi phối. Nếu cố gắng tu tập thì ta hiểu rõ về cuộc đời, con người hơn do ta tránh được những tình cảm thương ghét đó. Chỉ có những bậc Tư Đà Hàm trở lên thì bắt đầu mới bớt hiểu nhầm. Còn Tu Đà Hoàn vẫn còn hiểu nhầm, do chưa có thần thông để hiểu hết mọi việc, để biết hết tâm tính con người, cho nên còn bị tạo nghiệp và bị trả nghiệp rất là cực. Riêng A Na Hàm, A La Hán thì tam minh lục thông tuy chưa là Phật nhưng biết thế nào là đúng; thế nào là sai. Song đến đức Phật, cái hiểu đó mới đạt đến tuyệt đối, tột cùng. Nên việc chúng ta hiểu thế nào là sai, thế nào là đúng trên cuộc đời rất là khó.

Chúng ta thử kiểm chứng qua cuộc sống của chính mình, những phiền nào khổ đau mà ta đã gặp phải, phải chăng nó đều xuất phát từ vô minh tà kiến. Hướng về các phật tử, Thượng tọa nhắc nhở rằng: Chúng ta phải hết sức cẩn thận khi đánh giá phải - trái; đúng – sai đối với bản thân mình và với người khác, vì tâm ta mới chỉ khởi lên ý nghĩ là cái tội đã được hình thành rồi. Chúng ta thấy cái sai nhưng phía sau nó biết đâu lại có cái đúng. Cũng như vậy, người tốt vẫn còn cái xấu và người xấu thì vẫn có cái tốt, không nên đánh giá một cách vội vàng. Chúng ta đừng tin vào cái đánh giá trong tâm ta mà phải suy xét, kiểm tra kĩ lưỡng. Đồng thời, phải nghiêm khắc với bản thân, luôn biết tự khiêm hạ và thấy mình nhỏ bé.

Ngoài ra, ta cố gắng tu tập thiền định, tu cho tâm thanh tịnh để dễ biết được sự thật, dễ có trực giác, không bị tình cảm cá nhân lấn át lí trí. Bên cạnh đó, ta phải sống chân thật thì mới có cái phúc để hiểu sự thật, hiểu về bản thân mình cũng như hiểu về người khác. 

Tóm lại, bằng kiến thức, kinh nghiệm thực tế, và Thượng tọa vận dụng thuật kể chuyện để minh họa cho những điều tuyên giảng, đồng thời khi nào thích hợp, Thượng tọa tóm tắt bài giảng trong một hình thức gói gọn, nhờ vậy các phật tử hiểu rõ, thấu đáo, sâu sắc về khái niệm cũng như các góc cạnh của vấn đề liên quan đến vô minh. Từ việc hiểu chính xác đó, các phật tử sẽ có những hành động, lời nói, suy nghĩ đúng đắn, không bị hiểu lầm.

Đặc biệt, bài Pháp thoại này cho thấy vai trò quan trọng của việc đánh giá bản thân mình và bản thân người khác. Việc đánh giá đúng đắn về bản thân sẽ giúp cho mình hoàn thiện dần lên theo hướng tốt đẹp, việc tu tập cũng nhờ vậy mà tinh tấn hơn. Còn đánh giá đúng người khác giúp mình biết cách ứng xử cho phù hợp, cải thiện mối quan hệ giữa con người với con người. Chúng ta biết rằng xã hội được xây dựng trên nhiều mối quan hệ phức tạp, mà sâu xa là mối quan hệ giữa con người với con người. Việc xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người cũng là góp phần xây dựng xã hội ngày càng vững chắc, phát triển. Vậy nên, nói cho cùng tu theo lời Phật dạy, thực hành những gì đã học, chính là góp phần xây dựng mối quan hệ giữa con người với con người, xây dựng xã hội ngày một tốt đẹp hơn.
                                                                                   
Tuệ Đăng
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm