Câu chuyện Tôn giả A Nan bạch Phật cho người nữ xuất gia
“Thời Đức Phật tại thế, các tôn giáo, đạo giáo ở Ấn Độ đều không cho người nữ đi tu. Nhưng khi Đức Phật ra đời, 5 năm sau khi thành đạo, Ngài là người đầu tiên cho thành lập Ni đoàn. Người nữ đã được xuất gia vào trong giáo đoàn”.
Trong quan niệm thời bấy giờ, nữ giới có địa vị thấp kém và không được tham gia việc tu tập. Việc thành lập Ni đoàn khi ấy là rất phi thường vì nó chấp nhận cho người nữ được tiếp thu một bản chất cao quý, một khả năng thấm nhuần trí tuệ thâm sâu ngang hàng với nam giới.
Tuy nhiên, không phải ngay từ đầu Đức Phật đã chấp thuận việc nữ giới xuất gia trở thành Tỳ-kheo. Bởi với trí tuệ Thế Gian Giải, Đức Phật nhận thấy người nữ xuất gia có những khó khăn. Nhưng phước lành thay, Tôn giả A Nan đã từ bi thỉnh cầu Đức Thế Tôn cho người nữ xuất gia và được Ngài chấp thuận.
Tích truyện Ngài A Nan xin Phật độ người nữ xuất gia
Tôn giả A Nan thuộc dòng dõi hoàng tộc, là em họ của Đức Phật. Từ nhỏ, Ngài đã có nhiều tướng tốt và một trí nhớ siêu phàm. Đến 25 tuổi, Ngài xin theo Phật xuất gia và được chọn làm thị giả, rất gần gũi với Đức Thế Tôn.
Lệnh bà Kiều Đàm Di (Gotamī) là em gái của hoàng hậu Ma Da (Mahà Mayà) và là di mẫu của Đức Phật. Sau khi các vương tử của dòng họ Thích Ca đã quy y theo Phật và xuất gia, vua Tịnh Phạn (Suddhodana) băng hà; bà Kiều Đàm Di lúc này túc phúc thiện căn đầy đủ, bèn đến xin Đức Phật cho phép được ở trong Tăng đoàn xuất gia như Pháp. Bà đến cầu thỉnh Đức Phật đôi ba phen nhưng Ngài không chấp thuận. Tuy nhiên, lệnh bà chưa bỏ cuộc, tìm gặp Tôn giả A Nan và Tôn giả Ca Lưu Đà Di để hỏi về oai nghi, cách thức mặc y, mang bát, trì bình khất thực; cách đi đứng, nói năng, ngủ nghỉ của một vị Tỳ-kheo. Tiếp đó, bà tập hợp năm trăm người nữ dòng họ Thích có cùng ý nguyện, cạo tóc, đi chân đất rời thành Ca Tỳ La Vệ đuổi theo đến thành Tỳ Xá Ly (Vesāli). Các vị phu nhân, tiểu thư này chỉ quen ở trong cung, lên ngựa xuống xe. Giờ đây phải đi hàng trăm cây số, đến những xóm làng để xin ăn, trưa ngủ dưới gốc cây, đêm ngủ trong rừng vắng, những đôi chân nõn nà đều sưng phù chảy máu, quần áo bụi bặm lấm lem.
Khi nhìn thấy tình cảnh ấy, Tôn giả A Nan vô cùng cảm động, Ngài vào đảnh lễ Phật xin cho di mẫu và các nữ nhân được xuất gia. Tuy vậy Ngài A Nan vẫn với tâm tha thiết thỉnh bạch Thế Tôn:
- Nữ giới xuất gia, sống không gia đình trong pháp và luật của đức Thế Tôn, có khả năng chứng đắc quả vị cao thượng, thù thắng không, bạch đức Thế Tôn?
- Này A-nan, có thể được!
Đại đức A Nan liền đỉnh lễ lần thứ ba:
- Bởi nữ giới có khả năng chứng đạt đạo quả cao nhất, và vì lệnh bà là người đã có rất nhiều công lao nuôi dưỡng Đức Thế Tôn từ tấm bé, yêu thương đức Thế Tôn còn hơn con đẻ của mình; vậy nên đức Thế Tôn hãy cho phép lệnh bà và quý mệnh phụ phu nhân, các công nương Sakya được xuất gia sống theo pháp và luật này!
Đức Phật biết là đã đúng thời, mời thỉnh hai vị đại đệ tử và các vị đại trưởng lão đến hội ý. Họ thảo luận bàn bạc khá lâu...Đức Phật trầm ngâm một lúc rồi nói:
- Như Lai không những không kỳ thị nữ giới mà còn khuyến khích, nâng đỡ họ nữa. Tuy nhiên, chư vị có biết không, Giáo Pháp của Như Lai từ thuở bình minh của nó cho đến khi hoàng hôn, đêm tối xuống, sẽ có mặt trên thế gian này trải dài mười ngàn năm. Nhưng nếu cho nữ giới xuất gia thì nó chỉ còn tồn tại năm ngàn năm mà thôi! Đấy là sự thực mà Như Lai không tiện nói với lệnh bà. Tuy nhiên, đã nhiều ngày suy nghĩ để quán căn duyên, đã nhiều lần hướng tâm đến thời gian tồn tại của chánh Pháp từ chư tôn Chánh Đẳng Giác quá khứ, Như Lai khởi tâm quyết định phát triển giáo hội Tỳ-kheo Ni sau khi đã suy nghĩ đúng đắn…
Sau khi hội ý với các vị trưởng lão, Đức Phật đồng ý cho nữ giới xuất gia với điều kiện họ phải thực hiện Tám điều cung kính về Pháp, gọi là Bát kính Pháp. Bên cạnh đó, Đức Phật cũng đưa ra những giới luật cho người Tỳ-kheo Ni. Đây là cánh cửa mở đầu cho những người nữ được bước vào giáo đoàn của Đức Thế Tôn và chính Tôn giả A Nan là người tích cực hỗ trợ.
Sự ủng hộ của Tôn giả A Nan đã mang lại niềm hạnh phúc cho nữ giới ngày nay
Để giáo hội Tỳ-kheo Ni ra đời và đạt được những thành tựu như ngày nay, ân đức của Tôn giả A Nan quả thật không thể nghĩ bàn. Đức Phật cũng đã tạo nên một cuộc cách mạng trong tư tưởng của đại chúng bằng cách công khai tuyên bố rằng, người nữ có thể đạt đến mức tiến bộ tuyệt đỉnh, thành tựu trí tuệ thâm sâu dẫn tới Niết bàn. Đại đức Thích Trúc Thái Minh cũng chia sẻ: “Đức Phật đã khẳng định người nữ cũng có thể thành tựu đạo quả như người nam. Nếu thực tập đầy đủ chính Pháp thì nữ giới cũng thành tựu được các tầng Thánh quả như người nam, không kém”.
Đó quả thực là những khẳng định mang lại niềm hạnh phúc to lớn cho nữ giới. Bởi dù là ai cũng cần nương tựa giáo Pháp của Đức Thế Tôn để vơi bớt khổ đau, đạt đến Niết Bàn an vui.
Đại đức cũng chia sẻ về công đức của việc xuất gia: “Người xuất gia phải từ bỏ tất cả những thú vui, ngũ dục của trần thế để bước theo con đường Thánh đạo - con đường đầy gian truân, vất vả nhưng cũng rất huy hoàng. Kiếp người rất mong manh, ngắn ngủi và nhiều đau khổ. Ta mau mau tìm đường giải thoát, đó là con đường xuất gia tu hành hết sức lợi lạc. Phật đã mở cho chúng ta con đường giải thoát ấy rồi, con đường rất thênh thang, rộng mở. Chúng ta chỉ cần cất bước đặt chân lên, bước đi thôi, nhất khoát sẽ tới, chắc chắn như vậy". Như vậy, dù là nam hay nữ, khi đã đi trên con đường cầu đạo giải thoát với lý tưởng xuất gia chân thật thì đều có cơ hội đạt được Thánh quả giải thoát, lợi ích cho mình, cho người và lợi ích cho vô số chúng sinh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Sát na là gì? Sát na được tính như thế nào?
Kiến thức 17:08 24/11/2024Trong “Kinh Hoa Nghiêm” nói với chúng ta, thời gian tồn tại của tất cả hiện tượng này là “khoảng sát na”. Trên “Kinh Nhân Vương” nói với chúng ta, một khảy móng tay có 60 sát na, một sát na có 900 lần sanh diệt.
Giải thích các cõi trong lục đạo
Kiến thức 16:00 24/11/2024Ðức Phật đã bảo thế-giới của chúng ta đang ở có ngũ thú là: Ðịa-ngục, Ngạ-quỷ, Bàng-sanh, Nhơn và Thiên. Các loài hữu-tình do tạo nghiệp lành nên được sanh về thiện thú, và bởi gây nhân dữ nên bị đọa vào ác đạo. Nhân duyên ấy như thế nào?
Sự cúng dường ý nghĩa nhất là gì?
Kiến thức 15:37 24/11/2024Trong xã hội ngày nay, với nhiều biến loạn và nhiễu nhương, những người phát tâm học Phật chân chính cần phải có một nhận thức sáng suốt. Trong nhà Phật thường nói: “Muôn việc bỏ lại đời, chỉ có nghiệp theo thân”.
Tứ ân là gì?
Kiến thức 14:50 24/11/2024Tứ ân hay Tứ trọng ân là một trong những giáo lý quan trọng của Phật giáo. Người Phật tử, vâng lời Phật dạy, luôn nêu cao tinh thần tri ân và báo ân trong đời sống tu tập hàng ngày.
Xem thêm