Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 29/03/2021, 09:16 AM

Chân dung các vị Bồ tát

Suốt một tháng, tôi tiếp tục tư duy và quán tưởng hình dung các vị Bồ-tát trong Kinh Pháp Hoa và Bát Nhã. Chân dung các vị ấy đẹp lắm, hèn gì các vị ấy không “trang nghiêm” được cho đất Phật.

Mà cần gì là đất Phật. Cứ nói đến trái đất của chúng ta đây, sự có mặt của các vị Bồ-tát như thế cũng đủ làm cho đất chúng ta trở thành đất Phật? Cây nêu mà dân Việt dựng lên để ăn tết cũng phản chiếu ước muốn của dân ta rằng đất này là đất Phật, có phải không Nguyên Hưng.

Có khi tôi thấy các vị Bồ-tát trong hình dáng nghèo nàn và lem luốc nhưng khỏe mạnh của họ. Như Trì Địa như Thường Bất Khinh. Một người thì chuyên môn đi nối lại những cây cầu gãy và đắp lại những con đường hư làm gián đoạn giao thông và liên lạc. (Thế giới chúng ta hôm nay có biết bao niều cây cầu đã gãy đổ và bao nhiêu nẻo giao thông bị cắt đứt, hả Nguyên Hưng? Và thế giới chúng ta hôm nay đã có được bao nhiêu Trì Địa, đem tâm lực và thân lực mình để nối lại những nhịp cầu thông cảm và hiểu biết giữa con người với con người, giữa quốc gia này với quốc gia khác, giữa nền văn hóa này với nền văn hóa khác?)

Người thứ hai thì đi đâu cũng nói vào tai mọi người rằng: ông có đủ khả năng tiến tới, vậy hãy tin ở sức mình, đừng nên có mặc cảm bất lực, đừng nên thụ động. “Tôi không dám khinh ngài, ngài sẽ thành Phật”. Bức thông điệp của bình đẳng, của tinh thần tự tín tự lực ấy nếu không do những con người kiên nhẫn như Thường Bất Khinh mang đi thì biết do ai? Nguyên Hưng cứ nghĩ đến những người dân quê ở xứ ta và những người dân quê ở các nước chậm tiến khác. Ai nói cho họ biết rằng họ tin nơi sức lực của chính họ để tạo một tương lai cho chính họ, một tương lai mà họ có quyền nắm lấy như bất cứ ai? Thế giới của chúng ta đang cần có thêm nhiều vị Bồ-tát như thế, luôn luôn trên các nẻo đường về, gieo rắc niềm tin, sự tự lực tự cường cho nhân loại. Còn Bồ-tát Quan Thế Âm nữa, mà sau này được gọi là Quán Tự Tại. Chân dung của người là chân dung của sự cảm thông và của sự tìm tới với khổ đau không ngần ngại không e sợ bất cứ một trở ngại nào. Nghe tiếng kêu đau thương của cuộc đời và tìm tới bằng mọi cách. Tìm tới trong bất cứ một hình dáng nào thích hợp. Nguyên Hưng, một vị tăng sĩ, một nhà chính trị, một nhà tư bản, một nhà cư sĩ, một người đàn bà, một em bé, một thiên thần, một con ác quỷ… hình dáng nào thích hợp thì dùng hình dáng ấy. “Ưng dĩ trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phu nữ thân đắc độ giả, tức hiện trưởng giả, cư sĩ, tể quan, bà la môn, phụ nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ đồng nam đồng nữ thân đắc độ giả, tức hiện đồng nam đồng nữ thân nhi vị thuyết pháp. Ưng dĩ thiên, long, dọa xoa, càn thát bà, atula, khẩn na la, ma hầu la già, nhân phi nhân đẳng thân đắc độ giả tức giai hiện chi nhi vị thuyết pháp”. Nguyên Hưng có nghe không? Thế giới chúng ta ngày nay phải được cứu nguy bằng mọi mặt bằng mọi hình thức mọi hình thức mọi phương tiện theo tinh thần đại bi tự tại của Quan Thế Âm, phải được xây dựng bằng thái độ dấn thân của tinh thần Thường Bất Khinh, Trì Địa. Lại còn hình dung của Địa Tạng nữa; hình dung của một con người muốn có mặt nơi chốn nhiều đau khổ nhất của cuộc đời. Chừng nào địa ngục còn chưa trống không thì chừng ấy tôi còn phải ở lại địa ngục. Dấn thân mà với tinh thần như thế thì mới thực là dấn thân, có phải không Nguyên Hưng. Tôi tưởng ở đâu có những con người như thế là ở đấy đất phải nở hoa, dù cho ở địa ngục. Dù cho ở bất cứ địa ngục nào.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Nguyên Hưng, tiếp tục đi tìm hình dung các vị Bồ-tát, lắm lúc tôi thấy họ trong những chiếc áo thật đẹp, ngọc minh châu sáng ngời trên đầu, trên tay và trên cổ. Nguyên Hưng hãy nghĩ đến Vô Tận Ý xem. Các vị tăng sĩ thì không bao giờ được miêu tả bằng những hình dáng như vậy. Chắc chắn là hình dáng đó tượng trưng cho sự trang nghiêm tịnh độ. Sự có mặt của họ làm dẹp cho cuộc đời. Áo của các vị Bồ-tát đẹp như những chiếc áo trẻ em ngày Tết. Tôi nghĩ đến một ngày hội đầu xuân. Không ai nhìn thấy khổ đau của con người rõ bằng các vị. Nhưng cũng không ai giữ được nụ cười tươi không bao giờ héo như các vị. Tôi nghe họ nói: chúng tôi không có mặt để khóc than; chúng tôi có mặt để làm đẹp cho cuộc đời. Cám ơn, cám ơn các vị. Cám ơn các bạn. chúng tôi sẽ mặc những chiếc áo đẹp nhất mà chúng tôi có thể cùng với các bạn tô điểm cho cuộc đời. Các vị sẽ sung sướng lần đầu được những người sùng bái các vị gọi các vị là bạn. Các bạn sẽ không còn bị xa cách và bị hiểu lầm do những người quá sùng kính các bạn nữa. Chúng tôi thấy sự có mặt của các bạn rồi. Chúng tôi đến đây, và chúng tôi không có một mảy may tự hào, một mảy may kiêu ngạo, phạm thượng. Chúng tôi chỉ đến với tình thương, với sự hiểu biết. Chúng tôi đã thoát khỏi chiếc vỏ cứng đã từng giam hãm chúng tôi. Này con chim hoàng oanh, cổ họng ngươi tuy bé nhỏ nhưng ngươi hãy hát lên sáng nay, để ca ngợi tính cách mầu nhiệm của thực hữu. Chuỗi ngọc mà Vô Tận Ý vừa trao tặng cho Quan Thế Âm thì long lanh, sáng ngời, trong suốt; tràng nhạc của người cũng sẽ long lanh, sáng ngời trong suốt như thế. Để cho nắng mai tuôn chảy trên các sườn đồi như những dòng thủy tinh và để cho tất cả các bông hoa lớn nhỏ trên cánh đồng cỏ xanh đều cùng nở một lượt đón chào sự tỉnh thức mầu nhiệm.

Nguyên Hưng, tôi đã nói đến cái đêm mầu nhiệm trong đó óc tim tôi nở như những đóa hoa, và tôi tìm thấy các vị Bồ-tát không như những thần linh xa cách con người mà là những người bạn quý mà ta có thể gặp ngay trong cuộc sống này. Tình cờ mà những điều tôi thấy phù hợp với những điều trong bài “nguyện sinh” mà chúng ta thường đọc hàng ngày: Hoa khai kiến Phật ngộ vô sinh, bất thối Bồ-tát vi bạn lữ. Tim ta và óc ta một khi đã nở thành những đóa hoa thì những đóa hoa này sẽ không bao giờ héo cũng như những đóa sen nở ở Tịnh Độ. Sen nở thì thấy được ánh sáng và tìm được bạn đường.

Trích trong cuốn sách “Nẻo về của ý” của Sư Ông Làng Mai

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?

Kiến thức 10:00 22/11/2024

Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?

Bố thí sinh phiền não

Kiến thức 09:32 22/11/2024

Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.

Tâm là gì?

Kiến thức 09:16 22/11/2024

Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.

Học Phật giản đơn

Kiến thức 08:00 22/11/2024

Luôn giữ tâm thanh tịnh, chánh niệm tỉnh giác xa lìa các pháp cấu uế, bất thiện dần hướng đến an lạc, Niết bàn miên viễn.

Xem thêm