Chàng trai tốt bụng bán xe để sửa 0 đồng cho người nghèo
Trên QL1A, đoạn thuộc thôn 1, xã Đức Nhuận, H.Mộ Đức (Quảng Ngãi), có một tiệm sửa xe 0 đồng để giúp người nghèo. Chủ tiệm sửa xe là anh Huỳnh Văn Phước. Trước đó, anh rao bán xe máy lấy tiền giúp bà con nghèo.
Phước bán xe máy để làm phước
Chiều mưa, chúng tôi ghé tiệm sửa xe máy của chàng trai tên Phước. Năm nay Phước đã 33 tuổi. Hỏi chuyện vợ con, Phước cười xòa: “Em làm từ thiện miết vầy, có cô nào dám ưng. Anh nghĩ xem, nhà nghèo, làm được đồng nào đi cho đồng đó, rồi bán cả xe máy để có vốn sửa xe 0 đồng. Cô nào ưng về, thì có cạp đất mà sống”.
Hỏi cái xe máy hôm trước đăng Facebook rao bán để sửa xe 0 đồng, Phước nói đã có người mua 10 triệu đồng, đó là một anh ở Sơn Mỹ, TP.Quảng Ngãi. Đây là chiếc xe Phước và anh em dùng để “chinh chiến” trong đêm, ai ở đâu xe bị hỏng máy, nổ săm lốp là dùng xe này đến hỗ trợ miễn phí ngay. Giờ bán thì tiếc, mà không bán thì thiếu tiền cho việc sửa xe 0 đồng. Ngày thường, bà con nghèo khổ hay những ai đi ngang qua tiệm xe bị hỏng, Phước sửa không lấy tiền.
Tấm lòng "Hoa sen" của người đàn ông cả đời làm từ thiện
Khi người dân từ TP.HCM và các tỉnh phía nam trở về quê bằng xe máy để tránh dịch Covid-19, nhiều người chạy xe ngang qua tiệm thì bị hư hỏng. Thấy anh đặt bảng hiệu sửa xe 0 đồng, rất nhiều người ghé lại. Có ngày lên hơn cả trăm xe. Xe thì hư bi, trục, phanh, thay nhớt nhưng có xe phải làm máy lại, thay săm lốp, thay cả bộ nhông sên… nên rất ngốn tiền.
Thấy bà con dắt díu, đùm túm nhau hồi hương trên những chiếc xe máy cũ kỹ, Phước quặn lòng không chịu được. Vậy là anh đành rao bán chiếc xe máy để có kinh phí cho tiệm sửa xe 0 đồng hoạt động. “Mình sửa là phải cho đàng hoàng, đảm bảo cho bà con về đến nhà an toàn. Nhìn họ nheo nhóc, mệt mỏi, thì dù phải thức đêm, chưa kịp ăn uống, em cũng cố sửa xe cho xong”, Phước chia sẻ.
Rồi Phước nói anh còn một chiếc Air Blade, mua trả góp từ năm 2010, là chiếc xe kỷ niệm, nhưng bây giờ cũng tính bán luôn để phục vụ cho tiệm sửa xe 0 đồng.
Cho đi, thấy lòng thư thái
Phước cho biết có ngày sửa xe, thay phụ tùng cả chục triệu đồng nên nguồn tiền chuẩn bị không đủ. Thực ra khi hết tiền, cũng có người hỗ trợ tiền để anh làm phúc, nhưng không thể đủ và anh bán xe máy. Phước tâm sự cũng có người dị nghị, hỏi: Nhà nghèo thì lấy tiền đâu mà làm từ thiện? Anh nói việc thiện, việc phước, không phải chỉ giàu mới làm được, chỉ cần làm mà thấy lòng thư thái rồi làm nữa. Sửa xong xe cho ai đó, thấy ánh mắt họ vui lên là anh cảm thấy hạnh phúc.
Phước kể anh học nghề sửa xe máy ở TP.HCM. Hồi đó mới học hết lớp 10, nhà nghèo nên Phước vào nam kiếm sống với đủ thứ nghề: phụ hồ, giúp việc nhà, ai kêu gì làm đó… Những cố gắng ấy là để học cho được nghề sửa xe máy. Suốt 4 - 5 năm ở TP.HCM, Phước vạ vật gặp đâu ngủ đó. Nhiều lần anh được những người tốt bụng giúp đỡ. Cảm kích những tấm lòng tử tế ấy mà khi về quê, Phước tâm nguyện sẽ giúp những người nghèo khó trong khả năng của mình.
Khi về Quảng Ngãi vào năm 2003, Phước thuê nhà mở tiệm sửa xe ở xã Đức Nhuận, H.Mộ Đức. Thấy Phước sửa xe không lấy tiền, hoặc người ta nợ không trả cũng không đi đòi, chủ nhà cho thuê bảo: khi chưa dư tiền thì cháu bớt làm từ thiện lại.
Sư cô Liên Tâm - tấm gương sáng trong hoạt động từ thiện nhân đạo
Phước cũng biết vậy mà sao lòng không chịu nổi mỗi khi thấy ai đó nghèo hơn mình. Có bận đang chạy xe máy, thấy người nghèo lang thang bên đường, anh móc hết tiền trong ví ra cho. Nhớ năm đi hỏi tiền nợ ở một xã ven biển, thấy gia đình họ nghèo quá, Phước xóa luôn tiền nợ rồi móc túi cho thêm tiền.
Những việc làm của Phước có nhiều người ủng hộ. Đợt sửa xe 0 đồng cho dòng người từ các tỉnh phía nam đi xe máy về ngang Quảng Ngãi, có thêm 2 anh Tạ Văn Pháp và Tạ Văn Tin (đều 22 tuổi và cùng ở địa phương) luôn túc trực đồng hành. Xe máy chạy từ phía nam ra bị hỏng nhiều. Bà con xung quanh tiệm thấy Phước tất bật cũng xắn tay vào giúp. Thậm chí, việc làm của Phước còn lan tỏa đến mấy thanh niên “xăm trổ”, nhiều người đã đến giúp Phước sửa xe 0 đồng. “Làm việc thiện là để cho đi. Những người mà tụi em đã giúp, giờ gặp lại cũng không nhớ gương mặt của họ”, Phước nói. Anh còn khoe: “Em đã đi học lấy được bằng tốt nghiệp THPT rồi đó, có cả bằng kế toán nữa”.
Phạm Anh
Nguồn: Báo Thanh Niên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tiền Giang: Chùa Đồng Linh tổ chức khám bệnh, tặng quà cho người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn
Gieo mầm thiện 15:30 24/11/2024Sáng ngày 23/11/2024 (23/10 năm Giáp Thìn) chùa Đồng Linh (xã An Thạnh Thủy) kết hợp công ty cổ phần dược phẩm Phúc Thiện (TP.Hồ Chí Minh) và trung tâm Y tế huyện Chợ Gạo, Hội chữ Thập đỏ huyện tổ chức khám bệnh, phát thuốc và quà cho cho người cao tuổi, bà con nghèo, các hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Người Thầy dị nhân: Thành tựu kép từ năng lượng yêu thương và kỷ cương
Gieo mầm thiện 21:52 18/11/2024Phật giáo có câu: "Cứu một mạng người hơn xây bảy tòa tháp", "Cứu một mạng người, phúc đẳng hà sa". Câu chuyện về Tiến sĩ Phan Quốc Việt – người thầy được mệnh danh là "dị nhân" – chính là minh chứng sống động cho triết lý này.
Bếp ăn miễn phí dành cho học sinh nghèo
Gieo mầm thiện 14:11 14/11/2024Suốt 6 năm qua, bất kỳ học sinh nào đến bếp ăn 0 đồng tại ấp Sơn Phú 2A, xã Tân Thành, TP.Ngã Bảy (Hậu Giang), đều được tiếp đón tận tình.
Người đàn ông 60 tuổi chạy bộ 10km mỗi ngày, ăn chay trường, hiến máu 348 lần
Gieo mầm thiện 10:18 08/11/2024Người đàn ông 60 tuổi đã duy trì thói quen chạy bộ 10km vào mỗi sáng hơn 20 năm. Ông được nhiều người ngưỡng mộ vì sự chăm chỉ và nỗ lực hiến máu cứu người.
Xem thêm