Sự khác nhau của hai câu trong Phật học dưới đây (Kinh Trung A Hàm. 53. KINH THỰC (II)) không chỉ là ở bản chất của định nghĩa:
"Không chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không thức ăn. Thức ăn của không chánh niệm chánh trí là gì? Không chánh tư duy là thức ăn".
"Chánh niệm chánh trí cũng có thức ăn chứ không phải không có thức ăn. Thức ăn của chánh niệm chánh trí là gì? Chánh tư duy là thức ăn".
Nhưng có lẽ không có chữ nào trong hai câu trên mà không cần phải hiểu một cách phân biệt rõ ràng, khi người ta muốn biết về những sự khác biệt giữa chúng.
Chánh niệm hai chữ này hình như người tu Phật, ai ai cũng biết, nhưng có bao giờ, người ta cảm thấy tự mình ngạc nhiên, khi nghe hỏi "Thức ăn của chánh niệm chánh trí là gì?" và câu trả lời sẳn có: Chánh tư duy là thức ăn. Tại sao Chánh tư duy là thức ăn?
Chánh tư duy là gì? qua lời của Đức Phật nói trong bài Bát Chánh đạo (Āryāṣṭāṅgamārgaḥ | आर्याष्टाङ्गमार्गः) được người ta ghi lại bằng tiếng Phạn:
सम्यक्संकल्पः कतमः? बुद्धत्वादिपरिणामितं दानम्, शीलं च चक्रवर्त्यादिपरिणामितम् | अयं भिक्षवः सम्यक्संकल्पः ||
samyaksaṃkalpaḥ katamaḥ? buddhatvādipariṇāmitaṃ dānam, śīlaṃ ca cakravartyādipariṇāmitam | ayaṃ bhikṣavaḥ samyaksaṃkalpaḥ ||
Từ vựng :
Samyaksaṃkalpaḥ (सम्यक्संकल्पः) là chữ ghép từ: samyak (सम्यक्) + saṃkalpaḥ (संकल्पः). Như đã biếtsamyak (सम्यक्) là thán từ và nó có những nghĩa như sau: cùng nhau, đồng dạng, khá, đúng, sạch, thích hợp, đúng, chính xác, chính thực, thực sự…
Saṃkalpaḥ (संकल्पः) là chủ cách số ít của thân saṃkalpa- (संकल्प-) trong bảng biến cách ở dạng giống đực. Saṃkalpa (संकल्प) được viết từ gốc chữ saṃkalp (संकल्प्) và nghĩa của nó là: sự cố ý, lý do, ý định, ý nguyện, lòng tin, giải quyết...
Samyaksaṃkalpaḥ (सम्यक्संकल्पः) là chủ cách số ít của thân saṅkalpa- (सङ्कल्प-) trong bảng biến cách ở dạng giống đực và nó có nghĩa là sự suy nghĩ chân chính và theo tinh thần Phật học Việt gọi là Chánh tư duy hay Chính tư duy.
Katama (कतम) là đại từ nghi vấn và nó có những nghĩa như sau: là cái gì, ai, như thế nào… và katamaḥ (कतमः) là chủ cách số ít theo bảng biến của nó ở dạng giống đực.
Chữ buddha viết theo mẫu devanāgarī là बुद्धvà buddhā: बुद्धा. Theo bảng IPA phiên âm cho chữ buddha trong Phạn ngữ: [ˈbud̪d̪ʱə].
Buddha (बुद्ध), là qúa khứ phân từ của động từ căn√budh (√ बुध् ) và có những nghĩa được biết như sau: Tự đánh thức, tự tỉnh thức, xem, tìm hiểu, khám phá, nhận thức, cảm nhận, hiểu biết, hiểu, quan sát, suy nghĩ, tập trung, khơi dậy, phục hồi, làm cho hiểu, nhớ, tiết lộ, thông báo, thông tin, tư vấn, khuyên bảo, suy nghĩ đứng đắn, cố gắng tìm hiểu.
Buddha (बुद्ध), là danh từ thân từ dạng nam tính và trung tính. Buddhā (बुद्धा), là tĩnh từ thân từ thuộc dạng nữ tính có nghĩa là: tỉnh thức, hay giác ngộ.
Trong Phật học Buddha không phải là tên, là họ, mà là Hồng Danh của người ta đặt để ca tụng công đức đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Tên thật của Ngài là Sĩ Ðạt Ta hay Tất Ðạt Ta. Phạn ngữ viết là Siddhārtha (सिद्धार्थ). Họ của Ngài là Gautama (गौतम (Cồ-đàm)).
Buddhatva (बुद्धत्व) là chữ ghép từ: Buddha (बुद्ध) + tva (त्व) và nghĩa của Buddhatva (बुद्धत्व) là Phật tánh hay trạng thái của sự hoàn thành tỉnh thức.
Tva (त्व) là tiếp vĩ ngữ được thêm vào phía sau danh từ để làm rộng nghĩa cho danh từ đó.
Ādi (आदि) là chủ cách, hô cách, đối cách của số đôi trong bảng biến cách của thân ādi- (आदि-) ở dạng giống đực. Ādi (आदि) có những nghĩa thông thường được biết như sau: quan niệm, khởi đầu của một nguyên tắc, trước tiên, đầu tiên, đứng đầu, ở hàng đầu, chủ yếu, tối cao…
Pari (परि) là giới từ, thán từ, tiếp đầu ngữ và nó có những nghĩa thông thường được biết như sau: xung quanh, khoảng chừng, phỏng chừng…
Pariṇāmitaṃ (परिणामितं) có gốc từ Pari(परि) + √nam (√ नम् ). Pariṇāmitaṃ (परिणामितं) trong Phật học thường được hiểu như là: hồi hướng, hướng về,chuyển biến, phát triển,làm cho chín chắn… (Nói chung là ý niệm về công đức).
Dānam (दानम्) là chủ cách và đối cách số ít của thân dāna- (दान) trong bảng biến cách ở dạng trung tính trong văn phạm tiếng Phạn. Dāna (दान) có những nghĩa thông thường được biết như sau: bố thí, lòng từ thiện, sự hiền hoà, sự tử tế, tiền cho kẻ khó, lòng kính Phật thương người…
Dāna (दान) cũng là một trong sáu hạnh để thực hành của Lục Ba La Mật (Ṣaṭpāramitā (षट्पारमिता)). Sáu Ba La Mật (Ṣaṭpāramitā (षट्पारमिता)) gồm có:
Dānapāramitā (दान पारमिता): Bố thí Ba La Mật.
Śīlapāramitā (शील पारमिता): Trì giới Ba La Mật.
Kṣāntipāramitā (क्षान्ति पारमिता): Nhẫn nhục Ba La Mật.
Vīryapāramitā (वीर्य पारमिता ): Tinh tấn Ba La Mật.
Dhyānapāramitā (ध्यान पारमिता): Thiền định Ba La Mật.
Prajñāpāramitā (प्रज्ञा पारमिता): Trí tuệ Ba La Mật.
"Nghèo khổ bố thí là khó"là câu đầu tiên trong một trong hai mươi điều khó của Đức Phật Thích Ca nói (Xem chi tiết thêm kinh Tứ Thập Nhị Chương có ghi chú rõ ràng).
Người nghèo khổ, thiếu thốn, khó khăn, mà dám thực hành bố thí là một điều rất khó. Đây có phải là cách để vượt lên trên những gì tầm thường của thế gian mà người ta không dám làm? hay đây chỉ là một ý nghĩa cao cả của lòng từ bi rộng lớn bằng tình người trong cuộc sống, mà Đức Phật đã rút ra trong kinh nghiệm sống của Ngài, nhằm để giúp cho con người thấy và hiểu được cái bản chất cao đẹp sẳn có bên trong thân mình?
Dù chỉ có một chút, những gì mình có để cho những người khác không có cái tối thiểu để sống, vẫn là bản chất cao đẹp của lòng yêu thương con người đối với con người trong cuộc sống vô thường và lòng người sâu thẳm.
"Nghèo khổ bố thí là khó". Khó ở đây, không phải là điều không có thể làm được nhưng nó chính là câu hỏi: Có khi nào, tự mình biết, mình có thể dừng nghĩ đến bản thân mình, mà mở lòng ra chia sẻ cho người khác, qua sự biểu lộ bằng lời nói, hành động một cách thiết thực, không cần bất cứ điều kiện nào.
"Nghèo khổ bố thí là khó"mà thực hiện hoàn thành là cách sống của một người có một tấm lòng biết chia sẻ phận người và nó chỉ có được trong con tim của người biết đau nhói trước nỗi đau khổ cực của người khác hơn sự đau khổ của chính mình.
Khi trái tim trở thành một người học Phật thì lòng Từ, Bi, Hỷ, Xả sẽ là lẽ sống để thực hành trong mọi hoàn cảnh chứ không phải là giáo thuyết. Bốn chữ này không phải là đề tài mới trong Phật học, nhưng nó không củ và rất cần thiết cho cuộc sống hiện tại.
Śīlaṃ (शीलं) được viết từ Śīla (शील) và Śīla (शील) có động từ gốc là √śīl (√शील् ). Động từ căn √śīl có nghĩa: phục vụ, thực hành, quy luật, kỷ cương …
Theo tinh thần Phật học, Śīla (शील) thường được hiểu là Giới. Giới trong Phật học không phải là những điều luật hay những quy tắc... bắt buộc con người phải tuân theo một cách chặt chẽ như trong nhà trường, cơ quan, ban ngành đoàn thể, các tổ chức xã hội, lớn, nhỏ khác nhau…
Giới ở đây là sự hướng dẫn của Ðức Phật khuyên dạy cho những người học Phật, sau khi ngài Diệt Độ, bằng những bổn phận phải làm và những điều nên tránh làm để khép mình vào nếp sống kỷ cương, qua sự phát triển của trí tuệ nhằm mang lợi ích đến cho mình và cho người.
Ðức Phật không ép buộc và không hứa hẹn với những người học Phật, sẽ ban thưởng người làm thiện và trừng phạt người gây tội lỗi. Điều nên cần hiểu rõ là : mỗi người phải chịu đau khổ vì những hành động sai lầm của chính mình và thọ hưởng những lợi ích do hành động chân chánh của mình.
Giới của Đức Phật là những nguyên tắc rèn luyện bản thân con người qua nhiều phương diện khác nhau như: Đạo đức và phong cách cư xử về đạo đức.
Phương diện đạo đức là sự tu tập thân, khẩu, ý, thanh tịnh để diệt trừ tham, sân, si, ở nội tâm, đưa đến sự an lạc giải thoát cho chính mình.
Phong cách cư xử về đạo đức là sống trong sự thực hành Từ, Bi, Hỷ, Xả, để cho con người biết qúy mến, thương yêu, thông cảm, đoàn kết và giúp đở nhau trong mọi tình huống của xã hội, nhằm mang lại lợi ích, an vui, hạnh phúc thật sự cho mình và cho người.
Giới là những điều kiện rèn luyện khác nhau có ích lợi cho cuộc đời đang đi tìm đạo, mà tăng, ni, người tu tại gia phải nương theo, để Giác ngộ. Do đó Giới có nhiều loại khác nhau và tùy theo căn cơ cao thấp của con người mà đức Phật thiết lập.
Ca (च) là giới từ hay liên từ không thay đổi và có nghĩa là: và, cả hai, với, vậy thì. Cakravartyādipariṇāmitam (चक्रवर्त्यादिपरिणामितम्) là chữ ghép từ: Cakra (चक्र) + vartya (वर्त्य) + ādipariṇāmitam (आदिपरिणामितम्).
Cakra (चक्र) là hô cách số ít của thân Cakra- (चक्र-) trong bảng biến cách ở dạng trung tính và Cakra (चक्र) có những nghĩa thông thường được biết như sau: vòng tròn, bánh xe, dĩa tròn, hình tròn, một trung tâm của năng lượng tâm linh hay sinh lý ẩn trong cơ thể con người...
Vartya (वर्त्य) là phân từ thụ động tương lai của động từ căn √vṛt (√ वृत्) ở thì chỉ nguyên nhân và nó có những nghĩa thông thường được biết như sau: làm cho; chuyển động; lăn; quay; cuốn tròn, hoàn thành, kết thúc, làm cho tồn tại, sống với…
Ādipariṇāmitam (आदिपरिणामितम्): khởi đầu hướng về chung quanh cái gì đó…
Gom tạm ý của câu:
सम्यक्संकल्पः कतमः? बुद्धत्वादिपरिणामितं दानम्, शीलं च चक्रवर्त्यादिपरिणामितम् | अयं भिक्षवः सम्यक्संकल्पः ||
samyaksaṃkalpaḥ katamaḥ? buddhatvādipariṇāmitaṃ dānam, śīlaṃ ca cakravartyādipariṇāmitam | ayaṃ bhikṣavaḥ samyaksaṃkalpaḥ ||
Chánh tư duy là gì? Trì Giới, Bố thí là cách khởi đầu hướng về Phật tánh và sống với chiều quay của nó. Các Thầy Chánh tư duy như thế.
Khi trái tim trở thành một người học Phật thì Chánh Kiến và Chánh Tư duy là lẽ sống thực hành thiết thực trong mọi hoàn cảnh để giúp cho người tu Phật thấy rõ cái giá trị tối cao của chúng đang sẳn có trong mình.
Nếu ngôn ngữ là cách trực tiếp phản ánh các tri giác của con người, thì Chánh Kiến là cái giúp cho con người tìm hiểu thấy biết mọi sự đúng như thật, và Chánh Tư duy sẽ là một phần nuôi dưỡng qua dòng suy nghĩ đích thực về sự thật, giúp cho Chánh Kiến ý thức được, sự khác nhau của sự vật, không chỉ là ở bản chất của định nghĩa, mà còn nằm trong cái tính hợp thể tồn tại không có cùng một thuộc tính của nó, để chuẩn bị đi vào từng bước thực hành, giống như, nhờ thấy Khổ và có Khổ mà Đức Phật tìm đường diệt Khổ.
Kính bút
TS Huệ Dân