>Những ngôi chùa Việt độc đáo
1. Tháp Bình Sơn (còn gọi là tháp Then, tháp chùa Vĩnh Khánh)
Tháp nằm trong khuôn viên chùa Vĩnh Khánh ở thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc, là ngọn bảo tháp cổ tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp thời Lý-Trần, đồng thời là ngọn tháp đất nung đời Trần cao nhất còn lại đến ngày nay. Tương truyền, ngọn tháp nguyên bản có 15 tầng, trên nóc tháp có một hình khối búp hoa sen. Do những thăng trầm của lịch sử, phần chóp tháp đã bị vỡ, tháp hiện chỉ còn 11 tầng tháp và 1 tầng bệ, có chiều cao đo được 16,5 mét. Mặt ngoài của tháp trang trí hoa văn rất phong phú. Có nhiều truyền thuyết liên quan đến tháp Bình Sơn, cho thấy vị trí đặc biệt của tháp trong văn hóa tâm linh và ý thức cộng đồng của người dân bản địa. Ngày nay, tháp Bình Sơn là một trong những di tích lịch sử và nghệ thuật - kiến trúc có giá trị quan trọng bậc nhất của Việt Nam. 2. Tháp Phước Duyên (chùa Thiên Mụ)
Gắn liền với chùa Thiên Mụ, tháp Phước Duyên là một biểu tượng nổi tiếng của xứ Huế. Theo sử sách, tháp được xây dựng ở phía trước chùa Thiên Mụ vào năm 1844, nhân ngày lễ bát tuần của Thái Hoàng Thái Hậu Nhân Tuyên Tử Khánh. Tháp cao 21 m, gồm 7 tầng, có 8 mặt. Bảy tầng tháp thờ 7 vị Phật khác nhau. Nét đáng chú ý trong kiến trúc của tháp Phước Duyên là các chi tiết trang trí bằng pháp lam - sản phẩm cao cấp phủ men màu đa sắc lên cốt kim loại - chỉ tồn tại ở Huế từ đời Minh Mạng đến đời Tự Đức. Cửa tháp thường xuyên khoá kín. Hằng năm, tháp chỉ mở chốc lát vào dịp Tết Nguyên đán và đại lễ Phật đản. Sau nhiều thăng trầm lịch sử, tháp Phước Duyên vẫn soi bóng xuống dòng sông Hương êm đềm, tạo nên một hình ảnh đi vào lòng người của xứ Huế thơ mộng. 3. Tháp Diệu Quang (chùa Liên Phái)
Nằm trong khuôn viên chùa Liên Phái (phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội), tháp Diệu Quang là tòa tháp cổ cao nhất của Hà Nội còn tồn tại đến ngày nay. Tháp được xây vào khoảng năm 1890, là nơi đặt xá lợi Tổ Diệu Quang cùng 5 nhà sư khác từng tu hành tại chùa. Tòa tháp có tất cả 10 tầng, chiều cao khoảng 20m, mang kiểu dáng một tòa Cửu Phẩm Liên Hoa. Mỗi tầng tháp Diệu Quang có 6 cạnh, độ rộng các cạnh và chiều cao giảm dần từ tầng thấp lên tầng cao. Bên trong tháp đặt các tượng thờ. Vào thời thuộc địa, tháp Diệu Quang của chùa Liên Phái từng được coi là một công trình kiến trúc đặc trưng của Hà Nội, xuất hiện trong nhiều bộ bưu ảnh thời kỳ này. Sau hơn 100 năm tồn tại, tòa tháp vẫn được gìn giữ nguyên vẹn. 4. Tháp Phổ Minh (chùa Phổ Minh)
Nằm ở địa phận phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, chùa Phổ Minh hay chùa Tháp là một trong những dấu tích quan trọng còn lại của nhà Trần. Kiến trúc thời Trần quan trọng nhất còn được bảo tồn khá nguyên vẹn của chùa là tháp Phổ Minh, nằm trước tiền đường. Tháp được dựng năm 1305, cao khoảng 19m, gồm 14 tầng. Nền tháp và tầng thứ nhất xây bằng đá, những tầng còn lại phía trên xây bằng gạch. Tầng nào cũng trổ 4 cửa vòm cuốn, giữa các tầng là gờ mái... Với những giá trị đặc biệt về kiến trúc và lịch sử, hình ảnh chùa Phổ Minh với ngọn tháp Phổ Minh cao vút đã được đưa vào tờ tiền mệnh giá 100 đồng phát hành năm 1991 của Việt Nam. 5. Tháp cổ hình rùa Cửu Phẩm Liên Hoa (chùa Cổ Lễ)
Chùa Cổ Lễ (thị trấn Cổ Lễ, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) là một trong những ngôi chùa có kiến trúc độc đáo nổi tiếng Việt Nam. Một điểm nhấn kiến trúc mang tính biểu tượng của ngôi chùa này chính là tòa tháp cao gọi là Tháp cổ hình rùa Cửu Phẩm Liên Hoa. Tháp được dựng năm 1927 ở một hồ nước trước lối vào chùa, có tiết diện hình bát giác với 11 tầng, thu nhỏ dần lên đỉnh, các mặt đắp hình kỳ lân và phượng. Xung quanh tháp, các tên hiệu Phật được đắp nổi. Nền tháp mang hình ảnh một con rùa lớn - biểu tượng cho sự vững chãi trường tồn. Truyền thuyết kể lại, nhà sư Phạm Quang Tuyên cho xây dựng tháp rất công phu. Lần đầu tháp xây bị đổ, lần thứ hai mới xây dựng thành công. Sau nhiều biến động lịch sử, tòa tháp Cửu Phẩm Liên Hoa vẫn đứng vững và trở thành một biểu tượng văn hóa đặc sắc của đất Trực Ninh.