Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ ba, 19/02/2013, 17:58 PM

Chùa Phổ Đà ấm áp xuân quê hương ở trời Âu

Chùa có thầy trụ trì, bà con Phật tử được dẫn dắt tu tập tinh tấn trong tinh thần hướng về nguồn cội, đó là tâm nguyện của những người con xa xứ, cũng đồng thời là niềm mong mỏi của tất cả những người con Phật.

Mái chùa che chở hồn dân tộc

Nếp sống muôn đời của tổ tông.

Chỉ hai câu thơ ấy đọc lên đã thấy tràn ngập trong tâm ta, cái hồn, cái cốt ngàn đời của dân tộc đang hiển bày, quấn quýt, nương tựa dưới mái chùa thâm nghiêm trầm mặc. Và bởi vậy, vạn pháp nhân gian, vạn kiếp đời, dù mênh mông, rộng khắp vẫn tụ về tỏa chiếu dưới mái chùa thiêng trong tâm thức người Việt. Thấm thía cái chân như diệu dụng, sâu xa ấy, ta sẽ càng thấm thía hơn tấm lòng của những người con xa xứ khi hướng về quê hương.

Câu chuyện về mỗi mái chùa Việt được xây dựng trên những mảnh đất xa xôi khắp trời Âu, trời Á... đó là những hành trình riêng với những trải nghiệm vi diệu riêng. Nhưng trên hết, tất cả những mái chùa ấy đều được khởi dựng bởi tâm tha thiết tìm về chân như, giải thoát, tìm về cội nguồn nếp sống văn minh muôn đời của người Việt. Và tại Cộng hòa Liên bang Đức, năm 2005 chùa Phổ Đà nằm trong  khuôn viên Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương đã được khánh thành trong niềm hoan hỉ vô hạn của cộng đồng bà con người Việt cũng trên tinh thần hướng về Đạo pháp – Dân tộc xương minh ấy.

Trước khi chùa Phổ Đà khánh tiết, vùng Tây Đức chỉ có lác đác vài ngôi chùa Việt. Tuy nhiên, cả Đông Đức chưa có một ngôi chùa Việt nào. Trong khi đó, cộng đồng người Việt tại Đức ngày một đông hơn. Người Việt xa xứ, đời sống văn minh vật chất có thể tốt hơn. Nhưng nhu cầu tâm linh cũng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Nỗi lòng người con xa nhà, tình cảm huyết thống, màu da và ngôn ngữ, văn hóa khác biệt... tất cả giống như một sự đứt gãy trong dòng chảy kết nối, hướng về quê hương. Bên cạnh đó những rủi ro trong đời sống lao động, thậm chí những rủi ro về sinh mệnh, mỗi người đều có thể gặp bất cứ khi nào. Trong môi trường sống như vậy, có được một mái chùa để bà con cùng gặp gỡ, tương thân, tương ái, giúp đỡ lẫn nhau là mong muốn rất thiết thực của tất thảy mọi người. Mà điều lớn lao hơn phải nói đến chính là sự lợi lạc trong đời sống tâm linh. Dưới mái chùa, được nghe Phật pháp, tâm mọi người biết buông xả hơn, nhận ra giá trị của yêu thương để đoàn kết, cùng tu tập tinh tấn, nương về nguồn cội, nương theo phật pháp cùng sống an lạc.

Trung tâm thương mại Thái Bình Dương rộng hơn 51.000m, là khu đất đầu tiên thuộc sở hữu hoàn toàn của người Việt khi đã hoàn tất thủ tục mua bán với chính quyền sở tại. Đây cũng là trung tâm thương mại có hàng trăm công nhân người Việt sống và làm việc. Chị Trịnh Thị Mùi, Tổng Giám đốc đã trăn trở rất nhiều trước khi cắt 1.400m đất và văn phòng để dành riêng cho chùa Phổ Đà tọa lạc. Có chùa rồi thỉnh tượng, để bà con mỗi ngày được nghe tiếng chuông vọng đều, được bái lạy đức Phật, hoàn tất chặng đường đầu tiên ấy là hoàn tất những công việc cơ bản vô cùng quan trọng. Tuy nhiên việc thỉnh được thầy về trụ trì cho bà con có minh sư dẫn đường tu tập, đó cũng là một công việc khó khăn và tốn thời gian hơn nhiều. Những thủ tục về giấy tờ vốn không đơn giản. Rồi thỉnh được thầy có nhân duyên và uy đức làm trụ cột tâm linh của ngôi chùa để bà con mình nương tựa trong hoạt động tu tập và trong mọi hoạt động Phật sự cũng chẳng phải là việc có thể lo trong một sớm một chiều.

                          Các cháu thiếu nhi biểu diễn văn nghệ

Song thật diệu dụng thay, khi nén tâm hương được thắp lên, khi tiếng chuông ngân vọng trong không gian, chẳng cần phải kêu gọi nhiều, tâm mọi người đã đồng tâm hướng về chư Phật. Hồn dân tộc, tình đồng bào, nghĩa quê hương cũng nương theo mái chùa mà thắp sáng ngọn đuốc tâm soi đường cho bà con mình tỉnh giác. Để rồi cũng từ những việc dụng tâm ban đầu dưới mái chùa này, rất nhiều các hoạt động văn hóa, hoạt động Phật sự tiếp tục được xiển dương.

Vào những dịp lễ lớn như Tết Nguyên đán mừng Xuân Di Lặc, Lễ mừng Phật Đản sinh, Đại lễ Vu lan... tại chùa Phổ Đà và Trung tâm văn hóa Việt, các nghi lễ thấm nhuần Đạo pháp luôn được tổ chức hòa quyện với các hoạt động văn hóa hướng tới cộng đồng như: cùng gói bánh chưng đón năm mới, ngày mùng một đi chùa xin lộc cầu may, cùng lì xì chúc nhau điều an lành... Mọi bài học được học bởi tâm an vui, thường đem đến những hiệu quả  sâu sắc nhất - để thấm thía được chân lý giản đơn ấy, những người lặng lẽ gieo trồng vườn tâm cho đồng bào mình phải có đủ trải nghiệm và tâm lực đủ rộng lớn để phát nguyện.

  Đoàn hoằng pháp của GHPGVN sang thuyết pháp và chụp ảnh lưu niệm

Hiểu được tâm lý, nguyện vọng của cộng đồng người Việt mình sinh sống và làm việc tại Đức, có những thế hệ sau sinh ra và lớn lên không được học và biết chữ quốc ngữ, ngay tại trung tâm thương mại, Trung tâm văn hóa dạy chữ quốc  ngữ, dạy tiếng Việt cho người Việt cũng được hình thành. Con em của cộng đồng người Việt ai có nguyện vọng đều được đăng ký học miễn phí. Ở trung tâm văn hóa, các em nhỏ được học chữ, được nghe kể về phong tục tập quán của người Việt xưa, được làm quen với những câu thành ngữ, tục ngữ, được nghe các làn điệu dân ca... Những câu chuyện kể dần dần khơi gợi trong tâm hồn trẻ thơ của các em hình dung về quê hương, về nơi chôn rau cắt rốn của tổ tiên ông bà, cha mẹ mình. Cứ như thế mỗi ngày, văn hóa Việt dần dần ngấm vào tâm hồn các em. Để rồi sau này, chính các em sẽ tiếp tục là những người lưu giữ, truyền lại cho con cháu mình những giá trị đã được vun trồng từ thuở ấu thơ.

Giữ được ngôn ngữ là giữ được văn hóa. Văn hóa còn là dân tộc còn. Dân tộc còn thì người Việt còn. Ý nghĩa sâu xa ấy nếu với người Việt tại quê hương hiển nhiên và dễ hiểu bao nhiêu thì việc giáo dục đối với thế hệ trẻ xa xứ, nhất là khi có sự cách biệt về địa lý, về tâm thức lại càng khó biết bao nhiêu. Có một sự thật dễ thấy là tình cảm hướng về nguồn cội đau đáu trong tâm hồn người Việt xa xứ phần nhiều chỉ còn trong tiềm thức những người đã từng sinh ra và lớn lên từ đất Việt rồi từ đó ra đi. Còn với thế hệ sau, sinh ra, lớn lên không phải trên mảnh đất quê hương mình, sợi dây mong manh gắn kết với quê cha đất tổ chỉ là qua những lời kể hiếm hoi của người thân. Nên phần lớn hai từ quê hương trong tâm hồn họ hoàn toàn lạ lẫm.

Bởi vậy có được Chùa Phổ Đà và Trung tâm văn hóa Việt  tại Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương – đó là những nỗ lực vô cùng lớn lao của những người khởi dựng trong việc giữ gìn bản sắc dân tộc Việt, giữ gìn hồn Việt không bị hòa tan trong sự phát triển chung của nhân loại. Hơn thế, có thể nói, hai “nóc nhà thiêng” này không chỉ là nơi tụ linh của ánh từ quang Phật pháp soi rọi, tỏa chiếu hồn dân tộc mà đây chính là nơi gieo trồng, nuôi dưỡng những hạt giống văn hóa dân tộc trên những mảnh đất mới trong dòng chảy văn hóa nhân loại.

                       Tăng, Ni cùng Phật tử chuẩn bị đón Tết

Cũng nhờ duyên lành, nhờ Phật pháp soi tỏ tâm thành của kiều bào Phật tử, chùa Phổ Đà đã lần lượt thỉnh được các quý thầy về trụ trì. Đặc biệt là kể tử năm 2008 đến nay, tại chùa Phổ Đà và Trung tâm văn hóa Việt, đồng bào Phật tử xa Tổ quốc nơi đây thường xuyên có vinh dự được đón các đoàn Hoằng pháp của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong những chuyến công du hoằng pháp tại nhiều nước trên thế giới.

Gần đây nhất là Đại lễ Phật đản tổ chức trong mùa Phật đản năm 2012 vừa qua. Hơn 300 bà con Phật tử tại Berlin và các vùng lân cận đã nô nức, hoan hỉ về tham dự. Sự quang lâm của Đại đức Thích Đồng Văn, chùa Phổ Bảo (Munchen) và Đại đức Thích Thiện Kiên cùng đoàn hành hương tới dự đại lễ đã mang đến một không khí đồng ấm, tình cảm dành tặng cho bà con Phật tử chùa Phổ Đà. Đồng thời cho thấy được sự rộng khắp lan tỏa của ánh sáng Phật Pháp trong khắp thế giới chúng sanh.

Đặc biệt, sự quang lâm của các vị Hòa thượng, Thượng tọa, Chư tôn đức của Trung ương GHPGVN đã làm cho buổi Đại lễ thêm tôn nghiêm, niềm tin của đồng bào Phật tử thêm vững bền, tinh tấn. Trong ngày đại lễ, Hòa thượng Thích Huệ Minh, Phó trưởng Ban Nghi lễ Trung ương GHPGVN Trụ trì chùa Giác Uyển, Tp.Hồ Chí Minh); Thượng tọa Thích Tịnh Quang (Trụ trì chùa Khuông Việt, Paris), Thượng tọa Thích Đồng Văn (trụ trì chùa Phổ Bảo Munchen) cùng Đại đức Thích Thiện Kiên, Thượng Tọa Thích Từ Nhơn, Đại đức Thích Pháp Nhẫn tại chùa Phổ Đà đã chủ trì buổi lễ và thuyết pháp về cuộc đời đức Phật, về giáo lý của Người qua đó giảng cho bà con về đạo làm người, lối ứng nhân xử thế.

Tuy thời khắc và cơ duyên gặp gỡ chưa nhiều như tâm mong cầu tha thiết, nhưng sự quang lâm của các bậc Cao tăng Chư tôn đức đã đem đến cho Tứ chúng tinh thần phấn khởi, hoan hỉ, niềm xúc động sâu sắc.

       Thầy trụ trì cùng bà con Phật tử làm lễ bên ban thờ Tam Bảo

Nương theo Phật pháp, giữ vững cội rễ văn hóa dân tộc, từ Trung tâm Thương mại Thái Bình Dương, chùa Phổ Đà, Trung tâm Văn hóa Việt đã tạo được một dòng chảy làm thành chiếc cầu nối hướng trở về Tổ Quốc. Hằng năm, các hoạt động từ thiện dành cho đồng bào gặp thiên tai lũ lụt, dành cho các tổ chức thiện nguyện và cá nhân khó khăn luôn được kiều bào Phật tử nhiệt tâm ủng hộ. Các hoạt động hướng về Đạo Pháp dân tộc cũng luôn là ngọn đuốc soi đường trong mọi hoạt động Phật sự của kiều bào xa xứ.

Dịp Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ  VII nhiệm kỳ (2012-2017) tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào 23-24/11/2012 vừa qua, đoàn đại biểu tại Đức với sự tham gia của kiều bào Phật tử được Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam gửi thư mời chính thức cũng chính là một minh chứng khẳng định tinh thần “li hương bất li tâm” của Phật giáo Việt Nam với kiều bào và của kiều bào với Phật pháp trên tinh thần phụng sự.

         

Hiện nay kiều bào Phật tử tại chùa Phổ Đà đang hoan hỉ đợi sư thầy trụ trì mới do Trung ương GHPGVN bổ nhiệm và tiến cử. Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam là tổ chức Phật giáo thống nhất sẽ tạo được niềm tin vững vàng trong tình cảm hướng về tổ quốc của đồng bào Phật tử. Chùa có thầy trụ trì, bà con Phật tử được dẫn dắt tu tập tinh tấn trong tinh thần hướng về nguồn cội, đó là tâm nguyện của những người con xa xứ, cũng đồng thời là niềm mong mỏi của tất cả những người con Phật.

Một mùa xuân mới vừa mở cửa! Tâm hồn những người Việt từ những mảnh đất xa xôi khắp mọi phương trời giống như những ngọn gió lành đều muốn hướng về đất mẹ. Phật pháp nhiệm màu. Hồn dân tộc dưới mỗi mái chùa dù ở đâu đều tỏa bóng dưới ngôi nhà chung Phật pháp. Nên, từ ngôi chùa Phổ Đà trên nước Đức xa xôi, bà con kiều bào Phật tử vẫn luôn vững tin sống trong lòng Đạo pháp và Dân tộc.

Lâm Bảo Ngọc

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Nếu bạn stress nặng, hãy tìm Thiền buông thư

Đời sống 11:34 07/12/2018

Chúng ta đã tích tụ những căng thẳng lâu ngày trong thân thể qua cách sống hằng ngày của mình trong việc ăn, uống, sinh hoạt. Vì thế sức khỏe của chúng dần dần bị hao mòn. Thiền buông thư là cơ hội để cho thân tâm được nghỉ ngơi, được chữa trị và hồi phục. Chúng ta để cho toàn thân được buông lỏng, đưa sự chú tâm và gởi tình thương lần lượt đến từng tế bào, từng bộ phận của cơ thể. Hãy cùng sư cô Chân Không tập Thiền buông thư.

Thông minh và đạo đức… 1

Đời sống 11:30 20/11/2018

Thông minh thiếu đạo đức là mối họa cho bản thân lẫn xã hội. Nhân loại ngày nay trọng dụng trí thông minh mà bỏ quên đạo đức sẽ đưa đến hỗn loạn và họa diệt vong. Thông minh và đạo đức là tố chất tối cần cho cuộc sống.

Thăm Thầy Thích Nhất Hạnh chúc mừng Tết thầy trò ngày cuối tuần

Đời sống 18:16 17/11/2018

Ngày 20 tháng 11 là ngày hội lớn của các thầy cô giáo. Ngày này chúng ta đã luôn đón một cách hào hứng và đầy hạnh phúc với tên gọi là Tết thầy trò theo ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch công ty sách Thái Hà.

Nói và làm

Đời sống 09:45 17/11/2018

“Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Nói là thế đấy, lời nói đáng giá nghìn vàng. Và nó sẽ càng đáng trân trọng hơn khi được đem ra thực hành. Bởi thế “Nói và làm trong cuộc sống” đang là một trong những vấn đề được mọi người quan tâm, đặt ra trong lòng mọi người những dấu chấm hỏi.

Xem thêm