Chủ nhật, 24/04/2022, 12:55 PM

Chuyển hoá khổ đau

Trong cuộc sống, khổ đau là điều mà con người không thể tránh được: khổ do tâm, khổ do thân và khổ do hoàn cảnh. Khổ do tâm là: mong cầu không được, yêu thương phải xa lìa, oán thù lại ở chung. Khổ về thân là: sinh - già - bệnh - chết.

 Khổ về hoàn cảnh như: nóng, lạnh, thiên tai, chiến tranh hay khổ vì vợ chồng, con cái, gia tài, công danh, sự nghiệp... Nói chung, cuộc đời có vô lượng thứ khổ. Khổ gây nên phiền não, mà phiền não thì dễ tạo nghiệp. Khi đã tạo nghiệp sẽ phải trả quả, như vậy khổ lại càng thêm khổ. Giống như một đốm lửa nhỏ, nếu không dập tắt lúc đầu để đến khi nó bùng lên thì hậu quả khôn lường. Những bực dọc, khổ đau trong lòng, ta nên biết cách chuyển hóa ngay từ khi nó còn là những ý niệm ban sơ. Bởi tạo nghiệp không những gây khổ cho mình mà còn gây khổ cho người. Từ nỗi khổ đó, chúng ta cứ trôi lăn trong vòng sinh tử.Trong bài pháp Tứ diệu đế, đức Phật có nói đến “khổ đế” và “tập đế”. “Khổ” là kết quả, “tập” là nguyên nhân. Để chuyển hóa khổ đau thành an vui, hạnh phúc chúng ta phải tìm hiểu nguyên nhân của khổ.

Phật dạy rất nhiều phương pháp, trong kinh thường nói có đến 84.000 pháp môn, nhưng trong phạm vi bài này, tôi sẽ trình bày một số phương pháp cụ thể sau:

1. Quán so sánh

Khi có sự việc làm ta đau khổ, nên đem sự việc ấy so sánh với những việc tương tự. Điều này giúp quý vị có cái nhìn thấu suốt hơn thể giải tỏa những khổ đau, vướng mắc và tìm thấy niềm an vui. Tôi xin kể hai trường hợp:Một lần, có Phật tử đến kể với chúng tôi, cô có người con gái thường đến chùa làm công quả và hay theo quý sư cô làm từ thiện xã hội. Cô than con gái đi nhiều quá, không lo việc nhà. Lúc đó, tôi mới kể cho cô ấy nghe về chuyện của một cô Phật tử đến nhờ tôi khuyên con gái cô ở chùa tu tập, làm công quả. Cô này than ở nhà nó không chịu học hành, thường bỏ học đi theo bạn bè chơi. Cô rất khổ tâm vì khuyên bảo nó không nghe, sợ nó sa vào cạm bẫy của tuổi trẻ. Sau khi nghe tôi kể, cô Phật tử thứ nhất mới cảm thấy vui và hoan hỷ với con gái mình, tiếp tục tạo thuận duyên cho con gái theo quý sư cô làm từ thiện.

Một lần khác, có cô Phật tử cũng đến than với tôi, rằng từ khi chồng cô biết đi chùa đến nay thì về nhà chẳng làm việc gì, chỉ biết tụng kinh niệm Phật. Tôi bảo cô có phúc lớn, có người chồng biết tu. Tôi lại kể chuyện một Phật tử khác đến nhờ chúng tôi giúp sao cho chồng cô bớt nhậu nhẹt. Cô nói mỗi lần đi nhậu về, ông ta chửi rủa vợ con, quấy rầy hàng xóm, khiến ai cũng phiền hà. Giờ cô chỉ mong ông ấy vào chùa, biết tu tập sửa đổi, cô sẵn sàng đi làm để có tiền gởi vào chùa nuôi ổng. Nghe tôi kể vậy, cô Phật tử kia mới tỏ vẻ cảm thông với chồng mình.

20210706103854_56184

2. Phương pháp quán nghiệp báo

Khi có những sự việc gây cho ta đau khổ, hãy quán đó là do nhân quả, nghiệp báo. Tất cả những buồn khổ đến với chúng ta đều có nguyên nhân của nó. Có những người lúc chưa đi chùa, chưa biết tu thì không sao; đến khi đi chùa, biết tu rồi lại toàn gặp chướng duyên nên từ đó họ nghi ngờ nhân quả. Họ nghĩ tại sao đi chùa, tu nhân tích đức, làm lành lánh dữ mà toàn gặp bệnh chướng? Họ có biết đâu đây lá cái quả phải trả vì trước đây, họ giết hại chúng sinh quá nhiều, nên kiếp này phải chịu bệnh tật đau khổ. Theo luật nhân quả, có thể phải trả quả đến năm kiếp, mười kiếp. Nhưng ngày nay do biết tu, nghiệp quả đó dồn lại để chúng ta chỉ trả trong một kiếp. Đó là trường hợp vì sao có những người đi chùa nhưng thường bị trả quả nhiều hơn. Hiểu được vậy, ta phải vui mừng, không nên đau khổ!Đôi khi, chúng ta gặp thất bại trong công việc làm ăn, hoặc đôi khi dành dụm được một số tiền, định cất nhà thì bị lửa cháy... Đối với những trường hợp như thế, nếu không biết quán nghiệp báo chúng ta sẽ rất đau khổ. Bình tĩnh quán về nghiệp báo, ta sẽ biết chẳng qua đó là quả báo của mình. Bởi có thể trong một kiếp quá khứ lâu xa, mình từng lừa gạt người khác khiến cho họ cũng đau khổ như mình bây giờ. Khi quán như vậy, chúng ta sẽ dần chuyển hóa được nỗi khổ niềm đau, sẽ tìm thấy an vui và thanh thản trả nghiệp.

3. Phương pháp quán nhân duyên

Vạn vật trên đời, cái gì đủ duyên thì hợp, hết duyên thì tan. Thân chúng ta do tứ đại hợp thành, khi tứ đại phân ly coi như chúng ta đã chết, đó là lẽ đương nhiên. “Duyên còn thì ở, duyên lỡ thì đi”.Trong đời sống gia đình cũng vậy, có hạnh phúc, thương yêu và cũng sẽ có những bất hòa, đổ vỡ. Nếu biết quán nhân duyên, ta thấy sở dĩ có sự đổ vỡ vì mình hết duyên với họ. Hơn nữa, người ta thường nói: “Gái có chồng như gông đeo cổ, trai có vợ như rợ cột chân”. Con chim bị nhốt trong lồng, dù cho ăn gạo trắng nước trong, cũng không được sung sướng. Nay được vợ (chồng) cởi trói để tự do thì phải mừng chứ sao lại khổ? Quán như vậy, tự nhiên mình cảm thấy vui!

Bản thân tôi cũng vậy, nếu không biết tu cũng khó lòng vượt qua phiền não. Chẳng hạn trước đây, có những chú đến chùa xin xuất gia lúc còn nhỏ tuổi. tôi cũng lo cho mấy chú đi học từ quần áo, học phí cho đến phương tiện... nói chung rất đầy đủ. Nhưng đến khi tốt nghiệp lớp 12, có chú bỏ đi chùa khác, có chú về nhà. Lúc đó, tôi cũng buồn khổ lắm, bởi nghĩ mình đã bỏ công lo cho mấy chú ăn học rồi rốt cuộc mấy chú cũng bỏ mình mà đi. Sau này, chúng tôi tự quán thấy việc đó chẳng qua là nhân duyên. Lại nghĩ, mình nuôi mấy chú học, sau này ra xã hội có thể giúp ích cho đời; nếu mấy chú có đi chùa khác tu thì cũng giúp cho đạo. Như vậy, việc làm của mình không mất.

Lại có một anh bị ung thư gan, không chữa được, chỉ còn chờ chết. Nằm trên giường, anh ta cứ thở than, đau khổ. Tôi đến thăm, khuyên anh thay vì cứ than thở, hãy nên để tâm niệm Phật, sẽ có lợi hơn. Nhờ bệnh tật, ta lại càng phải tỉnh giác thân thể là giả tạm, đời sống là vô thường nên phải gắng tu tập để về một thế giới không còn đau khổ. Thân anh bây giờ như áo cũ rách, đã hư hoại, phải bỏ đi để đổi một chiếc áo mới đẹp hơn. Nghe giải thích vậy, anh ta hiểu ra, từ đó để hết tâm trí vào niệm Phật. Sau đó không lâu, anh ra đi một cách nhẹ nhàng.

bụi trần

 4. Phương pháp quán từ bi

Khi một ai đó gây đau khổ cho mình, thay vì oán thù, ta nên thương xót họ. Đó là pháp quán từ bi. Bởi do vô minh nên họ gây cho ta đau khổ và việc làm đó, chắc chắn họ sẽ lãnh hậu quả trong tương lai. Do vậy, ta nên thương họ hơn là oán trách họ.Thời Phật còn tại thế, một hôm Phú-lâu-na đến xin đức Phật đi giáo hóa tại một xứ nọ. Phật nói:

- Ta nghe dân ở đó chưa được khai hóa. Họ rất hung dữ. Ông về đó liệu có kham nổi không?

Phú-lâu-na thưa:

- Bạch Thế Tôn, vì dân ở đó chưa được khai hóa nên con phải có trách nhiệm khai hóa họ; vì họ hung dữ nên con mới đem giáo pháp từ bi về để chuyển hóa họ.

Phật hỏi:

- Nhưng khi ông đang thuyết pháp, người ta chửi ông thì sao?

- Bạch Thế Tôn, nếu họ chửi con, con nghĩ họ vẫn còn tốt vì họ chưa đánh đập con.

- Giả sử họ đánh đập ông thì sao?

- Bạch Thế Tôn, con nghĩ họ vẫn còn tốt vì họ chưa giết con.

- Giả sử họ giết ông thì sao?

Phú-lâu-na thưa:

- Bạch Thế Tôn, nếu đó là sự thật thì con nghĩ rằng cái chết của con cũng có thể cảm hóa được họ, vì con đã hy sinh cho mục đích hoằng pháp. Nhưng, điều mà con thương họ nhất là nếu họ giết con, họ sẽ bị quả báo đau khổ. Do vậy, con phải thương họ nhiều hơn.

Phật khen:

- Lành thay! Ông có thể thành công trong việc giáo hóa dân bản xứ.

Như vậy, khi một sự việc không may đến với ta, thay vì ôm ấp nỗi khổ ta nên quán từ bi để biết thương những người đã gây cho ta đau khổ. Quán được vậy, ta sẽ không ôm lòng oán hận.

Net-tuong-sieu-pham-cua-Duc-Phat-duoc-bao-nguoi-kinh-nguong-la-gi

5. Phương pháp quán cơ hội để rèn ý chí

Khi gặp những chướng ngại khổ đau, hãy nghĩ đó là cơ hội tốt để mình rèn luyện ý chí. Đơn cử như khi ta bị mất ngủ. Mất ngủ thường gây cho ta cảm giác khó chịu, làm ta dễ bực bội, nóng nảy. Thế thì, thay vì nằm trằn trọc, phàn nàn, quý vị hãy nghĩ đó là cơ hội tốt để niệm Phật. Hàng ngày bận bịu, thời gian không có nhiều cho việc niệm Phật, mà mỗi lần niệm lại buồn ngủ. Hôm nay, được lúc tỉnh táo, tranh thủ niệm Phật, cứ như thế, bực bội, mệt mỏi hết lúc nào không hay, giấc ngủ đến lúc nào không biết. Vậy nên, chuyển hóa chướng ngại, khổ đau bằng phương pháp quán, giúp cho chúng ta có nhiều cơ hội tu tập hơn.Có những Phật tử đi đến chùa dự khóa tu phật thất 7 ngày nhưng đến ngày thứ 2 thì họ đã xin về với lý do bận việc. Nhưng tôi biết họ đi về không phải vì bận việc. Dù họ không nói, nhưng chúng tôi hiểu những cái khó mà họ không vượt qua được. Tu Phật thất phải ăn chay, nằm đất, phải xếp hàng ăn cơm; sống trong khuôn khổ nội quy họ cảm thấy bị ràng buộc, khó chịu. Trong khi đó, ở nhà, thời gian ăn, ngủ là do mình quyết định, thích làm lúc nào cũng được; rồi điều kiện sinh hoạt tiện nghi hơn, nên họ thấy khổ, không chịu được nên mới về. Tôi nghĩ, đã có duyên được tu Phật thất, tại sao chúng ta không biết chuyển hóa những khó khăn đó. Nếu biết quán cơ hội rèn luyện ý chí, ta sẽ nhận ra đó chính là cái phước, cái may. Thời gian tu ở chùa, là cơ hội cho mình được ăn chay, được nằm đất, tu tập một cách thực thụ. Giờ thay vì nói “bị” ta hãy nói là “được”, vì đâu phải dễ để có bảy ngày tu tập.

Đức Phật sống trong cung vàng, điện ngọc, vậy mà vẫn từ bỏ tất cả để đi tìm đạo. Ăn thì phải đi xin, ngủ thì ở dưới gốc cây, đầu đội trời, chân đạp đất, sống không nhà, không cửa, mà Ngài vẫn rất an lạc. Còn chúng ta sống trong môi trường gia đình, giờ vào chùa thấy hơi khác một chút thì đã khổ. Có nhiều người đi tu Phật thất 7 ngày còn xin ở lại nữa, vì họ tìm thấy được niềm vui trong tu tập. Như một số em đến đây để học hè, có những em đến đăng ký ở ba tháng, nhưng mới ở hai ba ngày đã xin về. Còn có những em vào đây, dù phải tuân theo kỷ luật nghiêm khắc của các thầy đưa ra, nhiều lúc còn bị phạt nhưng các em vẫn chấp nhận, vẫn tiếp tục ở lại tu học. Còn có em vì vi phạm kỷ luật nhiều lần bị cho về, vẫn năn nỉ xin được ở lại. Những năm về trước, có nhiều em về đây học hè, rồi xin ở lại tu luôn. Như vậy chúng ta thấy, cùng một hoàn cảnh nhưng những em có lòng ham tu, biết vượt qua trở ngại thì ở được, bằng không sẽ cảm thấy rất khổ sở, khó khăn mà bỏ nửa đường.

Có những người đến chùa xuất gia tu học, với suy nghĩ sẽ gặp được nhiều thuận lợi, nhiều điều tốt đẹp. Nhưng trong quá trình tập sự, gặp nhiều chướng duyên trở ngại, sinh ra phiền não, khổ đau. Tuy nhiên chúng ta thấy rằng, sống trong một tập thể, việc bất đồng ý kiến là không thể tránh khỏi. Cho nên, nếu không biết chuyển hóa những đụng chạm nhỏ nhặt đó mà cứ để âm ỉ trong lòng thì mỗi ngày đau khổ sẽ lớn dần, khiến chúng ta thối thất tâm Bồ-đề. Còn nếu biết quán phương pháp rèn luyện ý chí, chúng ta sẽ chuyển hóa được những khổ đau đó.

Người hoa tiêu tài ba là người phải chống chọi được với sóng to gió lớn; người tu giỏi là người phải vượt qua thử thách chông gai. Như quý vị thấy, những bậc vĩ nhân mà người đời hằng ngưỡng mộ, thường phải trải qua rất là nhiều gian nan, thử thách mới thành tựu được như thế. Cũng như để có những thỏi vàng ròng có giá trị thì phải qua quá trình tinh luyện từ vàng pha tạp. Từ một khúc gỗ sần sùi, thô sơ muốn trở thành một bức tượng đẹp, cũng phải qua sự đục đẽo, bào, gọt… Hạt gạo mà chúng ta thường ăn cũng phải gieo trồng, chăm bón, thu hoạch rồi xay xát mới thành hạt gạo trắng thơm được. Con người cũng vậy, phải chịu những thử thách, khó khăn để trui rèn ý chí của mình. Cho nên, trên cuộc đời này, tất cả những khó khăn, thử thách đều là cơ hội tốt để chúng ta rèn luyện ý chí, thăng hoa nhân cách và làm cho con người chúng ta càng thêm giá trị.

Tóm lại, ví như lỗ mọt trong một con đê, nếu không biết lấp lại, lâu ngày cái lỗ đó sẽ lớn và sẽ phá vỡ bờ đê lúc nào không hay. Cũng như vậy, khi những khổ đau chỉ mới nhen nhóm, hãy học cách chuyển hóa nó bằng việc thực hành năm phương pháp: so sánh khổ đau, quán nghiệp báo, quán nhân duyên, quán từ bi và cuối cùng là quán cơ hội rèn luyện ý chí. Chúng tôi hy vọng quý vị sẽ luôn an lạc, hạnh phúc và bình an trong cuộc sống khi thực hành năm pháp tu này.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày nào?

Kiến thức 09:11 11/12/2024

Ngày vía Phật A Di Đà là ngày tưởng nhớ Đức Phật A Di Đà, tác lễ tri ân công đức mà Ngài đã dày công tạo lập Thế giới cực lạc. Hằng năm ngày vía Phật A Di Đà được tổ chức vào ngày 17/11 âm lịch.

Vì sao ngày 17/11 âm lịch hằng năm là ngày vía Phật A Di Đà?

Kiến thức 08:00 11/12/2024

Những hành giả tông Tịnh Độ hiện nay gần như ai cũng biết và tham gia lễ kỷ niệm vía Phật A Di Đà đản sanh vào ngày 17 tháng 11 âm lịch hàng năm. Tuy nhiên, trong các kinh văn có đề cập đến lịch sử Phật A Di Đà thì tuyệt nhiên không thấy nói chính xác ngày Đản sanh của Ngài.

Xem thêm