Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Con cảm ơn “Khóa tu mùa hè”

Những năm qua, với tâm nguyện hoằng pháp lợi sinh đặc biệt là hướng tới giới trẻ, các quý thầy tại Thái Bình đã mở ra nhiều khóa tu mùa hè (khóa học đạo đức Phật pháp trong các nhà chùa), với thời gian từ 1 đến 3 ngày, có chùa đến 7 ngày. 

Dù ngắn ngày hay dài ngày nhưng đều mong muốn giúp các bạn trẻ có một kỳ nghỉ hè bổ ích, trang bị cho lứa tuổi học sinh, sinh viên những kỹ năng khi phải đối diện với sự cạnh tranh, áp lực trong cuộc sống, biết vươn lên khi vấp ngã. Phương pháp thực tập tĩnh lặng giúp chuyển hóa những phiền não, khổ đau, bất an là điều mà nhà trường hay xã hội có thể không dạy các bạn.

Mùa hè 2017, rất nhiều chùa tại Thái Bình đã tổ chức các khóa tu mùa hè trong thời gian từ 3 đến 7 ngày như: chùa Từ Xuyên (P.Hoàng Diệu, TP.Thái Bình), chùa Bụt Mọc (xã Thái Hòa, Thái Thụy), chùa Hoằng Văn (xã Đông Cường, Đông Hưng), chùa Khánh Sơn – Đồng Ngậu (xã Quỳnh Giao, Quỳnh Phụ), chùa Tây Khánh (xã Quang Hưng, Kiến Xương), chùa Keo (xã Duy Nhất, Vũ Thư) cùng một số chùa tổ chức khóa tu một ngày cho thanh thiếu niên như chùa Khánh Sơn – Bộ La (xã Vũ Vinh, Vũ Thư), chùa Trùng Quang (xã Đình Phùng, Kiến Xương), chùa Từ Vân (xã Bách Thuận, Vũ Thư), chùa Phúc Hậu – Triều Quyến (xã Hòa Tiến, Hưng Hà)…
 
Mấy ngày tu học ăn ngủ tại chùa, các bạn tạm xa những người thân yêu, tạm xa các phương tiện của đời sống hiện đại để đến nơi cửa Phật học theo đạo đức nhà Phật, tụng kinh, ngồi thiền, ăn chay, nằm đất..., ngồi nghe giảng mà không có điều hòa. Không có đủ tiện nghi như ở nhà, phải chịu khó, chịu khổ nhưng các bạn đều rất vui. Từ những người xa lạ, các bạn trở thành những người bạn đồng tu. Quên đi nỗi nhớ nhà và sự bỡ ngỡ ban đầu, các bạn dần làm quen với không khí tu học, với các thầy, các cô và các bạn. 

Bốn ngày tu, các bạn đã vượt qua những khó khăn về vật chất, thời tiết… học cách đi đứng, oai nghi, học hát… và quan trọng hơn là cách làm người. Đó là những kỷ niệm đẹp của kỳ nghỉ hè sôi động dưới mái chùa, cùng sinh hoạt trong chúng, cùng học, cùng tu, cùng chơi, cùng tâm hướng thiện. 

Mỗi thời khóa tu học đem đến cho các bạn trẻ những cung bậc cảm xúc khác nhau: sôi động trong những trò chơi, hào hứng tham gia thi “Tìm kiếm tài năng trẻ”, tĩnh lặng thảnh thơi khi ngồi thiền, lắng nghe lời Phật dạy, xúc động khi nhớ đến công ơn cha mẹ trong kinh Vu Lan,… và cả những giọt nước mắt hối hận trong đêm thắp nến tri ân. Nhiều bạn trẻ kể lại rằng: Ở chùa ăn tập thể, ngủ tập thể, thức dậy tập thể và cả tắm tập thể nhưng đều rất vui. Trước mỗi giờ ăn cơm, các bạn đều được quý thầy hướng dẫn đọc “Đệ tử quy”, nhắc nhở phép tắc – đạo đức làm người hay đọc “Lời cảm ơn trước khi ăn” nói về lòng biết ơn và đền ơn đến Phật – Pháp – Tăng, ơn cha mẹ - thầy cô – bè bạn, ơn các phật tử công quả và các anh chị tình nguyện viên. Đây là điều riêng có của nhà chùa.  

Các bài giảng của quý thầy trong khóa tu mùa hè tại chùa Từ Xuyên như: “Dừng”, “Trái tim nhân ái”, “Trang sách cuộc đời”, “Tâm bình đẳng”… là những bài học bổ ích của các bạn trẻ, giúp các bạn nhận ra giá trị của hạnh phúc và hiện tại, biết dừng lại để nhìn nhận, quán chiếu cuộc sống, giúp tháo gỡ những vướng mắc, phiền não một cách có tuệ giác, tưới tẩm hạt giống từ bi – yêu thương trong tâm hồn, định hướng nhân cách và lý tưởng sống để mỗi người tự xây dựng trang sách cuộc đời của mình cho thật ý nghĩa. 

Vừa trải qua kỳ thi Quốc gia, đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời, bạn Thùy Linh (quê Quỳnh Phụ) tâm sự: “…Con đã run sợ thế nào đã lo lắng thế nào khi thi cử, chọn trường. Ngồi đọc sách trong thư viện cho đã đọc được câu: “Đã biết vô thường sao còn phiền não” dường như đã thức tỉnh con. Cái gì đến rồi cũng phải đến, sống lên kế hoạch cho tương lai chứ không phải lo lắng về tương lai. Con đã biết sống an lạc hơn, bình tĩnh hơn bằng trái tim yêu thương và hơn hết là biết hiếu thảo với cha mẹ. Nhiều, nhiều lắm những thứ mà con đã được học tại chùa. Con chỉ biết nói lời cảm ơn nhà chùa, cảm ơn quý thầy, cảm ơn Khóa tu mùa hè…”. 

Viết trong nhật ký khóa tu mùa hè, bạn Linh Đan (16 tuổi, quê Kiến Xương) bày tỏ: “Trước hôm đi khoá tu con đã cãi lại mẹ, đã làm bố buồn. Chiều nay là con được về nhà rồi, con sẽ ôm mẹ, ôm bố mà nói: “Con xin lỗi mẹ, con xin lỗi bố. Con yêu bố mẹ nhiều lắm. Mẹ ơi. Con của mẹ đã lớn rồi, đã biết nghĩ rồi mẹ ạ. Con sẽ thay đổi, trở thành con người mới. Con thật may mắn vì có người bố, người mẹ tuyệt vời như thế. Phật ơi! Con yêu Phật, con cảm ơn Phật vì Phật pháp đã giúp con giác ngộ”. 

Đêm thắp nến tri ân thực sự là cầu nối truyền thông giữa cha mẹ và con cái. Cha mẹ - hai tiếng yêu thương và là niềm hạnh phúc nhất trong cuộc đời mỗi con người. Vì miếng cơm manh áo, vì tương lai của con, cha mẹ đã hy sinh, đổ mồ hôi, nước mắt chỉ mong cho con nên người, ngẩng cao đầu tiến về phía trước. Lúc nào và bao giờ, dù con ra sao, cha mẹ luôn vỗ về, an ủi, động viên, bao dung cho con tất cả. Thế nhưng, những nông nổi, vụng dại, bồng bột của tuổi trẻ, con giận hờn, trách móc cha mẹ, quên lãng công ơn sinh thành mà chạy theo những ham muốn, dục vọng tầm thường. 

Những giọt nước mắt đã rơi, nhưng cái cúi đầu ăn năn, những lời sám hối vì những cử chỉ, hành động của con cái làm cha mẹ phiền lòng. Bao nỗi niềm chất chứa như vỡ òa hoà cùng nước mắt trước sự chứng minh của quý tôn đức. Trong lời đạo từ, Thượng tọa trụ trì đã nhắc lại về bốn ân và sự đền ơn. Những lời nhắc nhở của thầy làm cho các bạn thiện sinh thấm thía hơn ý nghĩa của đêm tri ân. 

Cuối buổi lễ, các bạn trẻ đã rửa chân và dâng trà trà tới một số quý phụ huynh về chùa dự lễ thay cho lời nói: “Con xin lỗi và cảm ơn cha mẹ rất rất nhiều”. Đối trước quý thầy, các bạn đã đồng thanh cầu nguyện “Con cầu nguyện chư Phật gia hộ cho cha con được mạnh khỏe, cho mẹ con bình an”. Hành động tuy nhỏ nhưng là nghĩa cử tri ân sâu sắc nhất, nhiều bạn đã bày tỏ nỗi niềm thầm kín từ trong tâm khi đã mất cha, nguyện cầu cho cha mẹ được siêu sinh và nguyện sống tốt để là chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Những cái ôm, những giọt nước mắt lăn dài trên má thực sự để lại niềm xúc cảm vô biên trong lòng toàn thể đại chúng.

Giây phút chia tay xúc động nghẹn ngào. Những cái nắm tay, những lời hứa hẹn, dặn dò, những cái ôm, những giọt nước mắt nuối tiếc, nhớ thương sẽ mãi đọng lại đối với mỗi thiện sinh tham gia khóa tu. Có thể những năm sau, các bạn không có điều kiện tham gia khóa tu nhưng chắc chắn rằng những gì các bạn thiện sinh học được sẽ là hành trang vào đời cho các bạn. 

Kết thúc khóa tu, chắc hẳn các bạn sẽ làm quen với rất nhiều người bạn mới, có thêm cho mình những kiến thức, kỹ năng sống, biết ăn năn hối lỗi với cha mẹ… Những giọt nước mắt, những cái nắm tay lưu luyến, những bức hình lưu niệm với quý thầy, đại chúng và những người bạn là những gì đẹp nhất của giờ phút chia tay. Hẹn gặp lại các em trong khóa tu mùa hè năm 2018. 

Nhuận Nguyện
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Hãy trân quý cơ hội được nghe pháp!

Phật giáo thường thức 14:46 20/04/2024

Pháp là cách thức, là con đường hay phương pháp, đạo lý để khai mở sự mê mờ của tâm thức và có khả năng chuyển hóa khổ đau đến an lạc, giải thoát Niết-bàn. Pháp vị là vị giải thoát nên pháp nào không có công năng đưa đến an lạc giải thoát thì đó không phải là giáo pháp của Đức Phật.

Hàng ngày người Phật tử tu tập sao cho đúng

Phật giáo thường thức 13:20 20/04/2024

Hiện nay có nhiều cư sĩ Phật tử đi chùa tu tập, niệm Phật ngồi thiền nghe pháp, cảm thấy vơi bớt khổ não, tâm được an lạc thì muốn vào chùa tu luôn, không muốn về nhà, bỏ bê công việc, lơ là trách nhiệm với gia đình, cha mẹ vợ chồng con cái...tạo ra dư luận không đẹp cho Phật giáo.

“Phước đức” và “công đức” khác nhau như thế nào?

Phật giáo thường thức 12:30 20/04/2024

Điều nghi đầu tiên là khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Hoa, đến yết kiến vua Lương Võ Đế, Vua liền hỏi: Trẫm một đời cất chùa độ Tăng, bố thí thiết trai có những công đức gì?

Tuỳ duyên mà đi hay ở

Phật giáo thường thức 08:30 20/04/2024

Một thời, Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo: Chư Tỷ kheo, Ta sẽ giảng pháp môn về khu rừng. Hãy nghe và suy nghiệm kỹ. 

Xem thêm