Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 16/04/2017, 11:05 AM

Cúng sao giải hạn có phải là mê tín?

Đã làm người ai cũng có thể ước mơ hay mong cầu một điều gì đó, rồi tình trạng lo lắng sợ hãi, trong bầu vũ trụ bao la này với thiên nhiên huyền bí, chính vì chưa thấu rõ hết nguyên lý nhân duyên quả nên con người dễ dàng rơi vào mê tín dị đoan. Dù là người học cao hiểu rộng nhưng trong tâm vẫn còn có niệm mong cầu và sợ hãi hoặc quá tham lam, họ sẽ bị mê tín dị đoan chi phối.

Chuyên mục: Lời Phật dạy hỏi hay đáp đúng 

Phật tử An Nghiêm hỏi: Con được biết đạo Phật là chánh tín nhân quả, tại sao đại đa số các chùa đều cúng sao giải hạn, như vậy cúng sao giải hạn có phải là mê tín không? Nếu là mê tín tại sao các chùa vẫn tuyên truyền tín ngưỡng mê tín này?

Thầy trả lời: Trong đạo Phật nguyên chất không có cúng sao giải hạn, không chấp nhận có đấng tối cao ban phước giáng họa, mà các tôn giáo khác chủ trương. Đạo Phật lấy nhân quả làm gốc, để phản ánh mọi lẽ thật hư trong cuộc đời bằng ánh sáng trí tuệ, nhằm thấu suốt nguyên lý duyên sinh của thế gian. Mọi lẽ thật giả đều hiện bày sau khi có sự chiêm nghiệm và suy xét bởi ánh sáng giác ngộ, nhận thấy lẽ thật rồi mới khởi lòng tin đó là "chánh tín nhân quả". Mê tín là lòng tin mù quáng không thấy đúng lẽ thật, không thấy đúng chân lý vì mê muội.

Sao gọi là mê tín?

Mê tín là lối tin mù quáng khiến con người mất hết khả năng suy đoán và phán xét của mình. Một số người chủ trương mê tín làm mê hoặc thế gian, để hưởng lợi cho riêng mình. Một cuộc sống ấm no và bền vững bởi con người văn minh, một dân tộc có hiểu biểu chân chính vì đã thông suốt mọi lý lẽ, không cho phép sự mê tín len lỏi trong dân tộc mình.

Tập tục cúng sao giải hạn là mê tín

Tập tục cúng sao giải hạn có nguồn gốc từ Lão giáo Trung Hoa, không phải của đạo Phật. Có những tập tục đem lại lợi ích thiết thực, giúp ích cho con người và cũng có những tập tục làm cho con người mất hết năng lực làm chủ bản thân. Tập tục cúng sao giải hạn vào những ngày đầu năm tuy có nguồn gốc từ Lão giáo, nhưng ngày hôm nay hầu hết các chùa chiền Việt Nam đều lấy đó làm nghi lễ quan trọng trong những ngày đầu năm.

Ngày hôm nay trên đà tiến bộ của khoa học hiện đại giúp cho con người nhận ra lẽ chân thực của cuộc đời, cho nên những tập tục cúng sao giải hạn trong các chùa chiền cần phải nên chấm dứt. Chúng ta quá lạc hậu và lỗi thời, sao là những hành tinh cách xa chúng ta bao nhiêu ngàn cây số.

Mong muốn có một năm mới tốt đẹp, bình an hạnh phúc là những điều ước nguyện thông thường của một con người đối với gia đình người thân và xã hội. Tập tục cúng sao giải hạn, đầu năm cũng như là một phương tiện dẫn dụ con người đến với đạo Phật nhanh nhất, nhưng khi họ đến với chính pháp rồi thì những người hướng dẫn phải chỉ dạy về chánh tín nhân quả.
                                             Ảnh minh họa
Có nhiều người đi cúng sao giải hạn đầu năm đã in trên tay hàng xấp giấy ghi rõ tên tuổi, để đến mỗi chùa sẽ tìm cách dán trên chiếc chuông, chiếc trống. Nhà chùa không cho dán bên ngoài, thì dán bên trong chuông vậy. Vì làm sao mà chiếc chuông có thể giải được cái hạn mà nó đã chín mùi, quả xấu nó đã trổ.

Ngày mùng 8 tháng giêng âm lịch, hàng vạn người đội sớ trên đầu để xin mong được bình an, mong những điều xấu không đến với bản thân và gia đình. Có chùa chỉ để ngồi đọc các tên và tuổi những người có sao xấu mà cũng không hết, các thầy phải thay nhau đọc, đọc đến khản cả cổ mà danh sách hãy còn hàng xấp.

Những người phật tử chân chính đến để mong được tụng một thời kinh cầu an đầu năm, chờ mãi không được, đành ngao ngán quay trở về. Có người thì lập luận rằng cúng sao giải hạn nó chẳng có gì xấu, cần phải cúng sao giải hạn mới thu hút được mọi người đến chùa, nếu không thì không có người tới.

Ý kiến này chỉ đúng khi mà ngôi chùa đó chẳng bao giờ thuyết pháp, sống dựa vào những tập tục tín ngưỡng dân gian, nên trong chùa thờ phượng đa sắc thái, không truyền tải được tinh thần đạo Phật chân chính đến với tất cả mọi người.

Như chúng ta đã biết, tất cả mọi người học Phật ai cũng hiểu giáo lý nhà Phật đều dựa trên nền tảng của nhân quả, nói cho đủ là nhân duyên quả.

Nhân là nguyên nhân, là hạt giống, quả là kết quả do gieo nhân mà được và nhờ duyên thời tiết, chăm sóc, kỹ thuật..., cho nên một đời sống của một cá nhân hay cộng đồng đều do nhân quả mà ra. Chính vì vậy, khi một người gieo nhân dù tốt hay xấu thì nhất định người đó phải nhận lấy kết quả tốt hoặc xấu mà mình đã gieo, chỉ sớm hay muộn mà thôi. Nếu muốn hóa giải nghiệp xấu ác, thì chúng ta phải nỗ lực tu tập, trì chay, giữ giới, làm nhiều việc thiện ích.

Ví dụ: Như chúng ta lỡ gieo tạo nhân sát sinh hại vật, thì ta sẽ biết chắc hậu quả của nó trong nay mai là bệnh tật truyền miên hoặc chết yểu, hay thường gặp những tai nạn bất ngờ. Khi biết được thế, chúng ta quyết tâm nỗ lực sám hối, bố thí cúng dường, phóng sinh…thì quả có thể sẽ trổ theo hướng khác nhẹ hơn, hoặc bị triệt tiêu. Nên trong đời sống hằng ngày, chúng ta thọ nhận những việc tốt xấu là đều do chúng ta tạo nhân cả, nên khi quả tốt đến thì chúng ta vui vẻ hạnh phúc và ngược lại, quả xấu đến chúng ta đành phải chấp nhận để tìm cách hóa giải nó. 

Tập tục cúng sao giải hạn là đi ngược lại lời Phật dạy trong các kinh điển, nhưng tại sao tập tục này vẫn còn tồn tại ở các chùa chiền. Một giả định khác, nhiều người cứ đinh ninh rằng nếu đem tiền vào chùa cúng sao, giải hạn thì tật bệnh sẽ được tiêu trừ và tai qua nạn khỏi. Chính đức Phật cũng từng khẳng định: “Ta không có khả năng ban phước hay giáng họa cho bất kỳ ai, ta chỉ là người thầy dẫn đường, còn làm được việc tốt hay xấu là do tất cả mọi người”.

Nếu ai cũng tin sâu nhân quả hết thì mọi việc nên hư tốt xấu, thành công thất bại đều do con người tạo ra. Chúng ta cứ tạo nhân tốt thật đầy đủ thì quả tốt nhất định sẽ đến. Không phải chúng ta cầu xin mà nó đến, không phải chúng ta xua đuổi mà nó đi, một khi nhân đã thành thì quả phải chịu.

Song nhân quả không phải đơn thuần mà đa dạng và phức tạp, chẳng phải chỉ do trực tiếp ở đời hiện tại mà lại gián tiếp của nhiều đời. Chỉ khi nào chúng ta tạo nhiều nhân lành, khi quả xấu đến sẽ nhẹ đi hay giảm bớt đôi phần. Mê tín có hai loại:

1. Mê tín do tâm mong cầu quá đáng:

Con người khi mong cầu một điều gì mà quá khả năng mình thì dễ sinh mê tín. Ví như có một người muốn vay một số vốn lớn làm ăn, không biết việc làm ăn này sẽ đạt được kết quả tốt hay xấu. Tự nhiên lòng họ thấy băn khoăn lo lắng không biết hỏi ai, tin ai. Nghe nói có một ông thầy nào đó biết được quá khứ vị lai đoán trúng được vận mệnh của mọi người, họ liền tìm đến để cầu cho được. Chỉ tốn tiền quẻ có năm bảy trăm hoặc vài ba triệu, biết việc làm cuả mình thành công hay thất bại thì ai mà không ham. Chính vì lòng tham và sự mong cầu quá đáng mà dẫn con người ta đến mê tín dị đoan.

2. Mê tín do tâm lo lắng sợ hãi:

Con người ta hay lo lắng sợ hãi, suy nghĩ vu vơ là gốc sinh ra mọi điều mê tín. Có những người bị tai nạn dồn dập, vừa té xe bị thương lại bị người giựt nợ, con trai thi rớt, con gái bị bệnh... mất bình tĩnh, nghe đồn ông thầy đó coi tay xem tướng rất giỏi và có thể trừ được tà ma yêu tinh quỷ mị. Hoặc có người sợ vận xui hạn xấu, nên đầu năm đến chùa cúng sao giải hạn, cầu cho tròn năm cuộc sống được hanh thông, gia đình được an vui may mắn. Hoặc có người vì thương cha mẹ đã quá cố, sợ cha mẹ chết rơi vào địa ngục chịu đói khổ nhọc nhằn, họ bèn nhờ thầy cúng dán lầu kho, xe cộ, giấy tiền vàng bạc, lễ cúng đốt xuống cho cha mẹ được an hưởng nơi âm ty... Mọi sợ hãi đều bắt đầu từ sự mê tín.

Đã làm người ai cũng có thể ước mơ hay mong cầu một điều gì đó, rồi tình trạng lo lắng sợ hãi, trong bầu vũ trụ bao la này với thiên nhiên huyền bí, chính vì chưa thấu rõ hết nguyên lý nhân duyên quả nên con người dễ dàng rơi vào mê tín dị đoan. Dù là người học cao hiểu rộng nhưng trong tâm vẫn còn có niệm mong cầu và sợ hãi hoặc quá tham lam, họ sẽ bị mê tín dị đoan chi phối.

Tóm lại, người tu sĩ chân chính sẽ không cúng sao giải hạn mà chỉ cúng cầu quốc thái dân an, cầu nguyện, cầu an, cầu siêu cầu cho mọi người sống bình yên hạnh phúc.

Thích Đạt Ma Phổ Giác

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Đã được truyền thọ Tam Quy và Ngũ giới, vậy có phải ăn chay không?

Hỏi - Đáp 12:55 20/11/2024

Hỏi: Tôi đã được truyền thọ Tam Quy và Năm giới, vậy tôi có phải ăn chay hay không?

Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật?

Hỏi - Đáp 10:18 19/11/2024

Tôi là người theo đạo Phật và muốn hiểu rõ hơn về giáo pháp. Tôi có câu hỏi xin quý Báo trả lời giúp: Cúng vong linh, cúng cô hồn có phải là pháp của đạo Phật? Nếu có, xin vui lòng chỉ giúp Đức Phật dạy các điều ấy trong những kinh nào?

Tượng Phật có từ bao giờ?

Hỏi - Đáp 10:31 18/11/2024

Hỏi: Tôi là một Phật tử chuyên hỷ cúng tượng Phật cho các chùa, nhưng chưa hiểu rõ lắm về nguyên nhân do đâu mà có tượng Phật. Vậy tượng Phật có từ bao giờ? Ai là người đầu tiên tạo tượng Phật? Xin cho biết sơ lược về việc tạo tượng Phật vào lúc đó.

Tu tập trong hoàn cảnh không có Phật

Hỏi - Đáp 10:00 17/11/2024

Tôi thích lạy Phật nhưng vì không có bàn thờ nên tôi tự hình dung Đức Phật trước mặt rồi lễ bái. Tôi tu tập như thế và cảm thấy an yên, được Tam bảo che chở rất nhiều. Có lúc tôi tự hỏi mình tu tập trong hoàn cảnh như thế có đúng Chánh pháp không?

Xem thêm