Để giúp cho các loài Kim Sí Điểu, quỷ thần, La Sát, quỷ Tử Mẫu khi đã từ bỏ tà pháp khỏi bị đói khát thúc bách trở lại đường ác, giữ được chính mạng, đức Phật chế Luật cho tăng, ni trước khi ngọ trai, phải nâng bát lên cúng dường chư Phật.
Tuổi niên thiếu của tôi ở Huế thật êm đềm, trong sáng. Vui thích nhất là những mùa hè được mẹ đồng ý cho lên chùa Vạn Phước ở học ôn bài thi đồng thời tập tu thử với các điệu, các chú cho biết cực để khỏi... ao ước.
Ở chùa lâu ngày, tôi nhập tâm một số kinh kệ, ấn tượng sâu đậm nhất là nghi thức “quá đường”(1). Một bữa, tôi theo chú Phước Hoàn đi ra ngoài đài “xuất sinh”(2), nghe chú cao giọng ngâm nga bài kệ:
大鵬金翅鳥
曠野鬼神眾
羅剎鬼子母
甘露悉充滿
唵 穆帝 莎訶
“Đại bàng Kim Sí Điểu
Khoáng dã quỷ thần chúng
La sát, Quỷ Tử Mẫu
Cam lồ tất sung mãn
Án mục đế tóa ha”(7 lần)
(Nghĩa: Chim đại bàng cánh vàng
Chúng quỷ thần hoang dã
La Sát, quỷ Tử Mẫu
Cam lồ đều no đủ).
Tôi năn nỉ chú giải thích, chú sợ mất linh hay sao mà trả lời gọn lỏn: “Đem cho đại bàng, La Sát, ma quỷ ăn cơm trong mùa an cư, chớ có chi lạ mô mà theo hỏi hoài”. Chỉ bảy hạt cơm bỏ vào chung nước lạnh rồi gọi các loài hung dữ, to lớn cho ăn. Chuyện khó tin...
Khôn lớn không bén được mùi tương chao, nâu sồng, nghiệp lực dẫn dắt tôi vô Sài Gòn tìm đường danh lợi lao xao tưởng sướng. Nhưng lúc hồi niệm thuở ấu thơ, nhắm mắt lại là hình ảnh các chú Phước Tịnh, Phước Trí, Phước Hoàn... lại hiện ra cùng “Kim Sí Điểu” nơi đài “xuất sinh” dưới gốc mai già trong sân chùa Vạn Phước. Tìm tòi trong kinh điển thấy ghi:
- Đại bàng Kim Sí Điểu (S: Garuda, phiên âm Ca-lâu-la) còn gọi là Diệu Sí Điểu, một loại chim thần to lớn, hung dữ có lông màu vàng. Do nghiệp báo nên Kim Sí Điểu thường tìm bắt rồng để ăn thịt. Một hôm Kim Sí Điểu đuổi bắt rồng, rồng sợ chạy vào ẩn trốn dưới tòa sen của đức Phật xin Ngài cứu mạng. Đức Phật dùng oai thần che chở rồng và giảng pháp cho Kim Sí Điểu nghe để giải trừ oan gia nghiệp chướng giữa hai loài. Sau đó, Kim Sí Điểu phát tâm Quy y Tam bảo, trở thành một trong tám bộ chúng ủng hộ Phật pháp. Tương truyền lúc đức Phật giảng Kinh “Diệu Pháp Liên Hoa” tại núi Linh Thứu, có vô số Kim Sí Điểu đến nghe Pháp.
- Khoáng dã quỷ thần chúng (S: tavika, phiên âm A-thác-bạc-câu), Hán dịch là “lâm nhân”, một loài quỷ thần thường ở chốn đồng không mông quạnh, rừng rú hoang vắng, ưa thích ăn thịt, uống máu chúng sinh. Về sau được đức Phật cảm hóa nên từ bỏ nghiệp ác, sống nhờ vào thực phẩm cúng thí của đệ tử Phật.
- La sát (S: Raksha), Hán dịch là “khả úy”, “tốc tật quỷ”, “hộ giả”. Theo thần thoại Ấn Độ, La sát là loài ác quỷ. Nam La Sát có thân đen, tóc đỏ, mắt xanh. Nữ La Sát hình tướng xinh đẹp, quyến rũ. Loài này thích ăn thịt, uống máu, có thần thông bay trong hư không, đi nhanh trên mặt đất. La Sát còn chỉ cho loài quỷ mang đầu trâu, ngựa coi việc trừng phạt ở địa ngục.
Quỷ Tử Mẫu (S: Hriti, Há Lợi Đế) Hán dịch là “Ái tử mẫu”, quỷ mẹ của 500 quỷ con, là vợ của ác thần. Do sân hận phát lời thề độc ăn thịt trẻ sơ sinh trong thành Vương Xá, nên bị đọa thành Dược xoa (3), chuyên tìm giết hại trẻ con. Đức Phật muốn cảm hóa ác quỷ, dùng thần thông giấu mất đứa con mà Há Lợi Đế yêu quý nhất. Quỷ mẹ thương nhớ con than khóc thảm thiết, đến cầu Phật cứu giúp. Đức Phật dạy: “Bà có đến 500 con nay chỉ mất một đứa mà sao đau buồn, khổ não đến thế? Vậy những người mẹ ở thành Vương Xá mất con họ phải chịu đựng đau đớn, thương tiếc đến chừng nào?”. Quỷ Tử Mẫu nghe xong tỉnh ngộ, sám hối quyết dứt bỏ việc ác và xin phát nguyện bảo hộ phụ nữ sinh sản, hài nhi an lành.
- Cam lồ tất sung mãn: Cam lồ (S: Amrta, A-mật-lý-đa) nghĩa là sương ngọt, chỉ cho thức ăn quý báu của chư Thiên. Ăn vào được sống lâu nên gọi là thức ăn bất tử (bất tử dịch). Phật pháp được ví dụ như cam lồ, có thể nuôi dưỡng tuệ mạng của chúng sinh, giúp chúng sinh vượt qua khổ não, đạt được an lạc, giải thoát.
Kinh điển giải thích rõ ràng như trên nhưng thú thực phải đợi đến nay tu theo pháp “quán cổ ngoạn”(4) tôi có cơ hội xem xét, suy nghĩ mới hiểu rõ hơn về ý nghĩa xuất sinh.
- Theo truyền thống Ấn Độ giáo (Bà la môn), Garuda là một loại ác thần được tạc thành hình tượng rất hung dữ: tay cầm đầu rồng bỏ vào miệng, chân đạp trên thân rồng, hoặc cưỡi trên mãng xà vương bảy đầu.
- Từ khi Phật giáo xuất hiện, một số ác thần, ác ma, ác quỷ trong đó có Kim Sí Điểu (Garuda) được gia nhập vào “Gia đình Phật tử”, cải tà quy chính, trở thành tám bộ trời rồng hộ trì Tam bảo. Ở Việt Nam thời Lý, Trần đề tài rồng, Kim Sí Điểu, nhạc thần, Dược Xoa... thường được chạm khắc dưới tòa ngồi của Phật hoặc trang trí trên nóc mái, bên trong chùa tháp rất đẹp. Hiện vẫn còn một số cổ vật bằng đá, đất nung, gỗ làm minh chứng.
Qua bài kệ xuất sinh, chúng ta thấy rõ được tinh thần cơ bản của đạo Phật: Chỉ có lòng từ bi(5) mới giải tỏa được oán thù để chuyển hóa người ác thành thiện. Đức Phật không vì thương rồng, bảo vệ rồng mà tiêu diệt Kim Sí Điểu. Không vì yêu quý trẻ thơ mà tàn hại quỷ Tử Mẫu. Bởi vì với tuệ giác, Ngài thấy rõ trùng trùng nhân quả do ác nghiệp tạo nên. Muốn diệt trừ tận gốc rễ oán thù không thể đứng về một phía, chỉ có lòng từ bi vô lượng, vô biên mới làm cho “oan gia, trái chủ” thức tỉnh, sám hối lỗi lầm của mình quay về chính đạo.
Để giúp cho các loài Kim Sí Điểu, quỷ thần, La Sát, quỷ Tử Mẫu khi đã từ bỏ tà pháp khỏi bị đói khát thúc bách trở lại đường ác, giữ được chính mạng, đức Phật chế Luật cho tăng ni trước khi ngọ trai, phải nâng bát lên cúng dường chư Phật. Sau đó trích lấy bảy hạt cơm, bỏ vào trong chén nước nhỏ, đem tâm từ bi kiết ấn cam lồ thành tâm chú nguyện bố thí cho chúng sinh:
法力不思議
慈悲無障礙
七粒遍十方
普施周沙界
鬼子母曠野
神金翅鳥王
悉靈皆飽滿
唵度利益莎訶
Pháp lực bất tư nghì
Từ bi vô chướng ngại
Thất lạp biến thập phương
Phổ thí chu sa giới
Quỷ Tử Mẫu khoáng dã
Thần Kim Sí Điểu vương
Tất linh giai bảo mãn
“Án độ lợi ích tóa ha”.
(Nghĩa: Pháp lực không nghĩ bàn,
Từ bi chẳng chướng ngại
Bảy hạt biến mười phương
Cho khắp vô lượng cõi
Quỷ Tử Mẫu, ma quái
Thần điểu Kim sí vương
Hết thảy đều no đủ.)
Nay thì tôi hết thắc mắc chuyện bảy hạt cơm. Bởi vì Phật pháp nhiệm mầu nhờ khai triển lòng từ bi. Đạt được tâm từ bi bình đẳng thì chẳng còn gì chướng ngại vậy.
Cư sĩ Trần Đình Sơn
-
Chú thích:
(1). Quá đường: Còn gọi là thượng đường, phó đường. Nơi chư Tăng, ni tập trung ngọ trai vào mùa an cư. Trong lúc thọ thực phải quán tưởng những điều để bỏ bớt lòng tham muốn, phát triển tâm vị tha nên gọi là quá đường.
(2). Xuất sinh: Tức “xuất chúng sinh thực” trước khi ăn ngọ chư Tăng trích bớt cơm trong bát chú nguyện rồi đem bố thí cho các loại quỷ thần, Kim Sí Điểu, quỷ Tử Mẫu...
(3). Dược xoa (S: yaksa, Dược xoa, Dạ xoa).
Hán dịch: Từ tế quỷ, Tiệp tật quỷ là loài quỷ ở trên mặt đất, trong hư không dùng oai thế não hại người. Sau khi quy ngưỡng Phật trở thành một trong tám bộ chúng hộ trì Chính pháp.
(4). Quán cổ ngoạn: Tôi sưu tầm cổ vật nên thường gần gũi, xem xét chúng rất kỹ. Nhiều lúc mình với vật như nói chuyện đời xưa với nhau nên nghiệm ra nhiều điều lý thú.
(5). Từ bi: Từ là thương yêu chúng sinh, mang lại cho họ niềm an vui chân chính. Bi là cảm thông nỗi thống khổ của chúng sinh mà phát lòng cứu độ cho họ.