Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ bảy, 27/10/2018, 16:36 PM

Đại thí chủ Trần Thị Ngọc Am (1580 - 1647)

Bà tên thật là Trần Thị Cư, sinh ngày 5 tháng 5 năm Canh Thìn (1580) tại làng Mụa, tổng Thiên Thi, phủ Khoái Châu xưa, nay thuộc thôn Cộng Vũ, xã Vũ Xá, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.

Truyền thuyết kể rằng, vào một ngày kia, chúa Trịnh Tráng1 xa giá đi qua vùng này, rộn ràng nào ngai, nào kiệu, cờ xí rợp trời, kèn trống vang lừng, dân làng náo nức đi xem. Một cô gái cắt cỏ cạnh đường cái quan vẫn cứ mặc như không hay biết gì. Khi kiệu đi qua, cô không hề nhìn lên, đôi tay thoăn thoắt giật liềm vơ cỏ, miệng hát véo von, trong trẻo:

Tay cầm bán nguyệt xênh xang
Một trăm thức cỏ lai hàng tay ta.

Quân lính ngạc nhiên, tiếng hát càng véo von và kiệu chúa từ từ dừng lại. Chúa kéo rèm lên nhác thấy cô gái có sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, đối đáp thông minh, biết đây là kỳ nữ. Chúa truyền rước cô về kinh thành Thăng Long rồi ban quốc tính, đổi tên là Trịnh Thị Ngọc Am. Bà giúp Chúa trông nom việc học tập trong phủ của các cung tần, mỹ nữ, củng cố mối đoàn kết giữa phủ Chúa với triều đình nhà Hậu Lê, qua các đời vua Lê Thần Tông2, vua Lê Chân Tông3. Bà là vị Đại thí chủ cùng với Dũng Lễ công Trịnh Khải đã cưu mang Chuyết Chuyết thiền sư và các đệ tử khi đang phải đi khất thực tại kinh thành Đông Đô (tức thành Thăng Long) cuối năm 1633, bố trí cho đoàn về ở tại chùa Khán Sơn, khai đàn thuyết pháp. Sau đó lại cùng chúng đệ tử và tứ chúng rước ngài Chuyết Chuyết về chùa Phật Tích (Vạn Phúc tự) ở huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Bà cũng là người cùng Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên hỗ trợ tịnh tài cho việc đại trùng tu chùa Phật Tích (những năm 1633-1634 khi bà Trần Thị Ngọc Am dời khỏi phủ chúa)4 và xây dựng lại chùa Ninh Phúc vào năm 1643-1647, tạo điều kiện cho Chuyết Chuyết cùng các đệ tử xiển dương tông Lâm Tế ở Đàng Ngoài Đại Việt. Nhờ vậy, đại thiền viện Vạn-Ninh (Vạn Phúc tự - Ninh Phúc tự) trở thành trung tâm Phật giáo Lâm Tế Đàng Ngoài, đã đào tạo nhiều tăng tài cho đất nước, đã thỉnh và khắc ván ấn loát phát hành nhiều kinh sách. Sau này, chùa Phật Tích dựng tượng một lão bà đội khăn tại Hậu đường. Nhiều người cho rằng đó là tượng bà Trần Thị Ngọc Am, người có công đại trùng tu chùa Phật Tích vào thập niên 1630 thời Hậu Lê.
 
Về đời tư, bà Trần Thị Ngọc Am sinh được một người con gái tên là Trịnh Thị Minh, được chúa ban cho bốn đĩa vàng và một đĩa bạc. Chẳng bao lâu công chúa Thuỵ Minh qua đời, quá đau buồn, Bà xin về đi tu ở chùa làng. Chúa Trịnh Tráng rất quý mến người vợ tài sắc của mình, cho khai con sông nhánh từ sông Cửu An chạy qua làng Mụa để vận chuyển các loại đồ quý về xây tháp. Hàng ngày, bà lên tháp tưởng vọng về phủ chúa ở Thăng Long.

Bà đã giúp dân chúng khai khẩn ruộng đất, khai sông dẫn thuỷ nhập điền. Bà giàu lòng nhân đức hay làm việc thiện giúp đỡ mọi người và cầu Phật ban phúc lành cho dân chúng. Tự Bà xin lập và tu sửa các chùa chiền quanh vùng và phổ biến lễ cúng Phật.

Bà chẳng những có công lớn đại trùng tu chùa mà còn bỏ tiền cùng dân 13 thôn dựng đình. Bà Trịnh Thị Ngọc Am mất năm 1647, thọ 68 tuổi, nhân dân tôn Bà làm Thần và lập đền thờ ngay tại quê hương.

Đền Mụa được xây dựng vào thế kỷ XVII, trùng tu vào thời Nguyễn, kiến trúc kiểu chữ “Nhị” 二. Cổng Tam quan khá đồ sộ, có hai hàng câu đối:

Tài sắc song toàn nơi phủ chúa
Nghĩa tình trọn vẹn với quê hương

Cạnh đó có toà thư điện nhỏ đặt pho tượng phỗng tạc đá xanh, dáng dấp bụng phệ được thờ bằng bát hương cũng bằng đá xanh chạm chân quỳ, có 3 tai mặt hổ phù. Trước cửa đền đặt tấm bia dựng năm 1634 có ghi: Bà chúa Mụa là Trịnh Thị Ngọc Am đệ nhất cung tần vương phủ chúa Trịnh Tráng. Tấm bia thứ hai dựng năm 1650 ghi nhận công lao của Bà với dân làng trong việc dựng chùa, đình, đền miếu...

Tại gian trung tâm toà đại bái có nhang án bằng đá, chạm khắc nổi thành ba bức phù điêu: bức giữa chạm nổi hình tròn, hai bên chạm “long cuốn thuỷ”, xung quanh chạm hoa văn sóng nước cách điệu, mang phong cách Hậu Lê. Trên hai cột cái toà Đại bái có hai hàng câu đối ca ngợi tài đức của Bà:

Tài cao nghĩa trọng, uy thế trấn sơn hà Tích đức tu nhân, chúa cung sùng đạo Phật. Gian hậu cung đặt tượng bà chúa Mụa. Năm 1634, chúa Trịnh Tráng cho tạc tượng Bà bằng đá khi đang sống. Tượng to bằng người thật ngồi trên toà sen, đầu đội vương miện, chạm nổi hình Phật tổ Như Lai, tai đeo bông hoa to, chân xếp bằng tròn theo kiểu người ngồi thiền.

Phía trước tượng bà chúa là tượng Quận công bằng đá, ngồi xếp bằng tròn, mặc áo bào. Hai toà hai bên thờ tượng Thị Vệ và Kim Đồng chầu bà Chúa Mụa, thân chạm nổi áo gấp. Sau hậu cung là toà Cửu phẩm liên hoa, đặt nậm đá đế hoa sen, dưới chạm tượng bà Chúa lúc về già.

Bà Trần Thị Ngọc Am thực sự là một Đại Cấp Cô Độc của Phật giáo Việt Nam, nhờ có giúp đỡ cưu mang của bà mà Chuyết Chuyết Hòa thượng cùng các đệ tử mới truyền bá thành công tông Lâm Tế vào Đàng Ngoài Đại Việt.

Nguyễn Đại Đồng
Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 9/2018

-
CHÚ GIẢI:
(1) Thanh Tổ Nghị vương Trịnh Tráng (1572 - 1657), con trai thứ 2 của Bình An vương Trịnh Tùng (1570-1623) Trịnh Tráng ở ngôi
Chúa từ từ 1623 - 1657).
(2) Lê Thân Tông (1619-1662) làm vua hai lần lần 1 từ 1619 đến 1643; lần 2 từ 1649 đến 1662;
(3) Lê Chân Tông là con trưởng của vua Lê Thần Tông, ông sinh năm 1630 làm vua từ 1643 đến 1649. Lê Chân Tông chết trẻ, chưa có con nối ngôi nên Lê Thần Tông phải làm vua lần thứ hai.
(4) Trong Kỷ yếu "Hội thảo khoa học Phật Tích trong tiến trình lịch sử " do Viện Nghiên cứu Tôn giáo Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam và Viện Nghiên cứu Phật học GHPGVN &Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam tổ chức tại chùa Phật Tích,huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh ngày 10 tháng 5 năm 2011, tôi(Nguyễn Đại Đồng) và một số người khác đã viết bà đại trùng tu chùa Phật Tích vào năm 1686. Thực ra đó là năm dựng bia ghi lại việc này. Bà Trần Thị Ngọc Am mất năm 1647, bà trùng tu chùa Phật Tích vào năm 1633-1634. Xin cáo lỗi quí vị độc giả về sự nhầm lẫn này.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Di tích lịch sử - văn hóa Hưng Yên, Bảo tàng Hưng Yên xuất bản năm 2008.
2. Kỷ yếu Hội thảo khoa học: Phật Tích trong tiến trình lịch sử, Phật Tích ngày 10 tháng 5 năm 2011.
3. Nguyễn Đại Đồng, Phật giáo Hưng Yên xưa và nay, Nxb Văn học, 2012.
4. Tạp chí Suối nguồn, số 3 ra tháng 2 năm 2013.
5. Nguyễn Đại Đồng, Những người con gái tiêu biểu của Đức Phật, Nxb Tôn giáo, tái bản năm 2012.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Phương thức niệm Phật đời Trần

Tư liệu 08:23 18/04/2024

Không phải ngẫu nhiên đến đời Trần, phương thức niệm Phật được Thiền phái Trúc Lâm chú trọng trong việc vận dụng vào đời sống thực nghiệm tâm linh trong các Thiền đường nước Đại Việt.

Cha mẹ là ruộng phúc trong 3 cõi

Tư liệu 08:10 16/04/2024

Phật bảo Ngài A Nan rằng: - Cha mẹ, chúng Tăng, là hai thứ ruộng phúc của tất cả chúng sinh, là diệu quả của cõi Nhân cõi Thiên, Niết Bàn giải thoát, cũng do đó mà được thành tựu vậy!

Thiện duyên của người mẹ cúng dàng 500 vị Bích Chi Phật

Tư liệu 06:58 16/04/2024

Theo kinh Ðại phương tiện Phật báo ân, vào thời quá khứ xa xưa có một người nữ, do một bất thiện nghiệp ở tiền kiếp đã sinh ra làm con của một con nai cái. Nhưng cũng nhờ những nghiệp nhân tốt đẹp khác, cô gái do nai sinh ra có một tướng mạo đoan chính, tính tình bao dung, hiền thiện.

Chú chó theo chủ tu hành

Tư liệu 18:40 15/04/2024

"Tôi niệm một tiếng miệng của nó cũng mấp máy theo và ngồi ngay ngắn. Lúc tôi không có ở đó thì mở máy niệm Phật để trước tượng Tam Thánh, nó cũng chạy đến ngồi yên lắng nghe danh hiệu Phật. Mỗi khi tôi tắt máy thì nó không vui, nhìn tôi mà sủa “gâu, gâu”."

Xem thêm