Đạo đế: Con đường chấm dứt khổ đau
Con đường hướng đến giác ngộ Niết bàn đã được Đức Phật vạch rõ chi tiết trong Đạo đế, sự thật về con đường chấm dứt khổ đau, đưa đến hạnh phúc chân thật.
>>Phật tử có thể đọc loạt bài về Đức Phật
Đạo tức là con đường (marga là con đường), con đường chuyển hóa, con đường đưa tới giải thoát và an lạc. Muốn tìm con đường giải thoát, con đường chuyển hóa, ta phải tìm ở đâu? Nhiều người đã trả lời và có những câu trả lời rất mạnh mẽ. Một vị Thiền sư Việt Nam, trong khi thuyết pháp đã nói: ‘‘Mục đích quan trọng nhất của người xuất gia là vượt thoát sinh tử. Một vị đệ tử mới hỏi: ‘‘Bạch thầy, tìm sự vượt thoát sinh tử ở đâu? Vị Thiền sư trả lời: ‘‘Tìm ngay ở trong sinh tử. Thiền sư đó tên là Thiện Hội, và thiền sinh ấy tên là Vân Phong, sống ở thế kỷ thứ mười.
Tìm cái không sinh tử ngay ở trong sinh tử. Đạo không tách rời khỏi cuộc sống hiện thực của chúng ta, trong đó có những khổ đau mà chúng ta đã và đang trải qua. Đạo không phải tự trên trời rơi xuống đất. Đạo tức là con đường tìm ra ngay trong hoàn cảnh đau khổ. Nếu không có hoàn cảnh đau khổ của chúng ta thì không có đạo. Cho nên đạo đế được làm bằng khổ đế. Điều này cho thấy, một lần nữa, nguyên tắc duyên khởi và bất nhị của đạo Phật. Nếu không nhìn vào cuộc đời thực tại với những đau khổ, với những vấn đề của nó, thì ta không thể tìm ra đạo. Tìm đạo ngay trong khổ và trong tập.
Cho nên khi nói về bát chánh đạo chúng ta phải nhớ rằng đạo là phương pháp hành trì liên hệ mật thiết đến những khổ đau có thực của chúng ta. Trong giới Tiếp Hiện có một giới nói về chuyện cần thiết tiếp xúc với đau khổ, không được trốn tránh đau khổ, phải trực diện với đau khổ. Cũng như hoa sen không có thể mọc trên đá mà phải mọc trong bùn, đạo giải thoát phát sinh từ vũng lầy của đau khổ. Không những đạo đế liên hệ với khổ đế mà còn liên hệ mật thiết với tập đế và diệt đế.
Khi đã được Đức Phật chỉ bày về bản chất khổ đau của cuộc sống cũng như những nguyên nhân dẫn đến khổ đau, bạn cần suy ngẫm, quán xét để hiểu rõ giáo Pháp. Chỉ khi có được hiểu biết đúng đắn, bạn mới có thể bước tiếp và đi đúng hướng trên con đường tu tập. Nếu bạn vẫn chưa thể nhận thấy một cách sâu sắc rằng cuộc đời này, vạn pháp trên thế gian này cũng như chính thân tâm bạn đều chịu sự chi phối của quy luật vô thường, khổ, không và vô ngã thì mọi sự tu tập đều không được lợi ích và bạn sẽ rất khó đạt được tiến bộ trong những thực hành của mình. Bởi vậy, trí tuệ hiểu biết đúng đắn này cũng được đề cập tới như là “chính kiến”, yếu tố đầu tiên của Bát chính đạo.
Bát chính đạo là những chỉ dẫn của đức Phật về cách thực hành tu tập nhằm đưa hành giả thoát khỏi mọi bám chấp và vọng tưởng mê lầm, nó như một phương dược giúp đối trị khổ đau và hiển lộ trí tuệ hiểu biết về bản chất chân thực của vạn pháp. Bát chính đạo nói về tám khía cạnh thực hành khác nhau nhưng đó không phải là những khía cạnh hay các bước thực hành độc lập, từng bước từng bước một mà tất cả những khía cạnh này có mối quan hệ tương hỗ mật thiết và cần được thực hành đồng thời.
Chính kiến là sự hiểu biết, quan kiến đúng đắn. Chính kiến có được khi bạn giác ngộ về Khổ đế, nhìn mọi sự vật hiện tượng như bản chất chân thật của chúng thay vì nhìn qua lăng kính vọng tưởng thông thường của thế gian. Để có được quan kiến chân chính này, bạn cần thấu hiểu rằng lý vô thường, khổ, không, vô ngã và quy luật về Nghiệp chi phối mọi sự vật, hiện tượng thế gian. Chính kiến không được xây dựng nên từ những hiểu biết, phân biệt nhị nguyên mà cần được bắt đầu bằng trực giác quán chiếu sâu sắc sự thật về khổ, bản chất của khổ đau. Khi nhận ra cuộc sống này là vô thường, bạn sẽ bình thản đón nhận mọi thăng trầm của cuộc đời với tâm an nhiên không vướng bận. Hiểu được cội nguồn của đau khổ, bạn sẽ không bị chi phối quá nhiều bởi sự tham đắm, tâm sân hận hay những xúc tình tiêu cực khác. Sự hiểu biết về bản chất vô ngã giúp bạn xả bỏ bám chấp, nuôi dưỡng tâm từ bi, xa lìa những tham ái vị kỷ bởi nhận ra rằng đem lại an vui cho người khác cũng chính là vun trồng hạnh phúc cho chính mình. Chính kiến là yếu tố tiên quyết bởi chỉ có chính kiến mới đem lại suy nghĩ và hành động đúng đắn.
Chính tư duy là suy nghĩ đúng đắn, là thanh lọc tâm để loại trừ những tư tưởng bất thiện và chăm bón những hạt giống thiện lành trong khu vườn tâm. Nếu như Chính kiến nói về khía cạnh nhận thức của trí tuệ thì Chính tư duy nói về khía cạnh của sức mạnh tinh thần (ý chí) điều khiển mọi hành động của bản thân. Chính tư duy giúp bạn thoát khỏi tham dục, sân hận và những niệm phiền não tương ứng bằng cách xả bỏ bám chấp, trưởng dưỡng suy nghĩ và hành động tốt đẹp cũng như từ bỏ những suy nghĩ và hành động xấu ác, tổn hại đến tha nhân, qua đó trưởng dưỡng tâm từ bi.
Chính ngữ vô cùng cần thiết bởi nó hỗ trợ cho sự tịnh hóa về mặt tinh thần. Không có lời nói đúng đắn, bạn không thể thanh lọc tâm ý, trưởng dưỡng tâm linh. Trong đời sống thế gian, lời nói có thể gây chiến tranh hay đem lại hòa bình, có thể tạo nên kẻ thù hay bằng hữu, có thể cứu sống hay đoạt mạng. Vì vậy, Đức Phật dạy rằng chính ngữ chỉ có thể đạt được khi bạn không nói dối, đặc biệt là sự dối lừa có chủ đích, không nói lời xấu ác, không nói lời thêu dệt vu khống, không nói lời vô nghĩa thị phi. Tóm lại, lời nói chính ngữ là lời nói chân thật, hòa nhã, mềm mỏng và có ý nghĩa thực sự.
Chính nghiệp là hành thiện, xa lìa ác hạnh. Chính nghiệp chỉ những tạo tác liên quan đến hoạt động của thân. Để có Chính nghiệp, bạn không được làm tổn hại hay đoạt mạng sống của chúng sinh, dù là bất kỳ hữu tình hàm thức nào, không được chiếm đoạt, trộm cắp bất cứ thứ gì không phải của mình, không được tà dâm tức là hành vi dâm dục bất chính, làm tổn hại tới người khác.
Có thể thấy rằng, hai yếu tố đầu tiên (Chính kiến, Chính tư duy) là sự tu tập, rèn luyện đối với ý. Chính ngữ thuộc về khẩu và Chính nghiệp thuộc về thân. Ba yếu tố này bổ trợ lẫn nhau giúp hành giả đạt được sự thanh tịnh của thân, khẩu, ý.
Chính mạng là phương tiện sinh sống đúng đắn. Chính mạng dạy chúng ta phải kiếm sống bằng những nghề nghiệp lương thiện. Một cách cụ thể, người tu tập Chính mạng phải xa lìa công việc liên quan tới vũ khí, tới chất độc, chất gây nghiện (rượu, bia, ma túy, thuốc lá...) hay làm tổn hại mạng sống của chúng sinh (giết mổ…). Ngoài ra, những công việc mâu thuẫn với Chính ngữ, Chính nghiệp cũng cần phải từ bỏ vì không đem lại Chính mạng.
Chính tinh tiến có thể coi là yếu tố vô cùng quan trọng để thực hành và thành tựu bảy chi còn lại của Bát chính đạo. Nếu không tinh tấn, miên mật một cách đúng đắn, bạn sẽ không thể thành tựu bất cứ chi nào và sẽ bị thoái thất hay sai lệch trong sự thực hành của mình. Chính tinh tiến có được dựa trên sức mạnh nội tâm, chính là những năng lực của tham ái, đố kỵ, sân hận… được chuyển hóa. Một cách cụ thể, bạn cần từ bỏ những điều xấu ác đã lỡ phát sinh, ngăn chặn những niệm xấu ác chưa phát sinh, phát khởi những niệm thiện lành và duy trì, trưởng dưỡng những việc thiện lành đã phát sinh. Vì vậy, Chính tinh tiến phải luôn được dẫn dắt bởi Chính kiến.
Chính niệm là tỉnh giác, chú tâm và nhận biết rõ ràng những gì đang diễn ra trong giây phút hiện tại. Chính niệm có được bằng cách xa rời mọi vọng tưởng, mọi sự phóng chiếu nhị nguyên, mọi so sánh đối đãi. Thông thường, chúng ta làm mọi việc trong sự thiếu tỉnh thức, bị chi phối bởi đủ mọi xúc tình, vọng tưởng. Chính niệm giống như mỏ neo giúp ta nhận thức mọi thứ một cách sáng rõ, quán chiếu sâu sa bên trong của sự vật hiện tượng thay vì bị cuốn theo. Bằng chính niệm, tỉnh thức, chúng ta giữ vai trò quan sát và chủ động để có thể nhận thức rõ ràng toàn bộ tiến trình của tâm ý. Chẳng hạn, khi tức giận, bạn thường để bị cuốn theo cơn sân hận và hành động thiếu suy nghĩ, gây đổ vỡ và oán hờn, để rồi sau đó cảm thấy hối tiếc. Tuy nhiên, nếu lúc đó chúng ta tỉnh thức, quán chiếu cơn giận, chỉ cần quan sát mà không cần dồn nén cưỡng ép cảm xúc, cơn nóng giận của chúng ta cũng dần dần nguội bớt. Đức Phật dạy ta bốn phương pháp để nuôi dưỡng chính niệm bao gồm quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường và quán pháp vô ngã.
Bước cuối cùng trên con đường Bát chính đạo là Chính định - phương pháp thiền định chân chính. Thiền định được hiểu là sự chú tâm, an định tâm vào một đề mục hay đối tượng nhất định. Khi tâm an định, vững vàng, phiền não tạm thời lắng xuống, tâm trở nên sáng rõ, trí tuệ dần được hiển bày. Chính định chỉ có được nhờ tinh tấn công phu thiền định. Khi đạt được cấp độ nhuần nhuyễn nhất định, bạn có thể định tâm một cách nhậm vận trong mọi hoàn cảnh của cuộc sống.
Như vậy, có thể thấy rằng Bát chính đạo không phải một lý thuyết xa vời mà đó là bản đồ tu tập, kim chỉ nam cho sự thực hành trong cuộc sống của bất cứ cá nhân nào muốn hoàn thiện bản thân, thoát khỏi sự chi phối của khổ đau hướng tới giải thoát, giác ngộ. Bát chính đạo bao hàm cả ba khía cạnh tu tập là Giới, Định, Tuệ. Chính ngữ, Chính nghiệp và Chính mạng thuộc về Giới. Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định thuộc về Định và Chính kiến, Chính tư duy thuộc về Tuệ. Giới được ví như rễ cây, Định là thân cây, Trí tuệ và quả vị Niết bàn chính là hoa trái của công phu tu tập. Đây là con đường đưa đến hạnh phúc lâu bền mà Đức Phật đã chỉ dạy cho chúng ta.
Nguồn: http://daibaothapmandalataythien.org
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm