Dấu ấn Mật tông ở bộ tượng Di Đà Tam Tôn cổ nhất Việt Nam
Giáo sư Hà Văn Tấn khẳng định: “Bộ tượng Di Đà Tam tôn ở chùa Thầy có niên đại 1607 hiện là bộ tượng Di Đà Tam tôn sớm nhất ở nước ta”. Không chỉ mang trong mình nét điêu khắc độc đáo, bộ tượng còn liên quan mật thiết với tín ngưỡng Phật giáo mà danh tăng Từ Đạo Hạnh tu hành.
Chuẩn mực về tạo hình
Chùa Thầy đến nay đã có niên đại hơn 1000 năm. Tương truyền, chùa được Thiền sư Từ Đạo Hạnh xây dựng từ thời nhà Lý. Mặc dù đã trải qua nhiều lần trùng tu, kiến trúc xưa đã có nhiều thay đổi song những pho tượng cổ và những cổ vật ở đây vẫn còn khá nguyên vẹn. Chùa Thầy hiện còn lưu giữ được 36 pho tượng gỗ cổ, ngoài ra còn rất nhiều hiện vật quý khác như: chân đèn, lư hương, sập thờ, nhang án, khám, tế khí, hạc, sắc phong….
Vào năm 2015, trong đợt công nhận lần thứ 3, bộ tượng Di Đà Tam Tôn Chùa Thầy đã chính thức trở thành Bảo vật Quốc gia. Trong quần thể kiến trúc chùa Thầy, bộ tượng Di Đà Tam Tôn được đặt tại khu vực chùa Thượng hay còn gọi là chùa trên tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, biển đề Đại hùng Bảo điện, đồng thời là nhà thánh, để tượng Di Đà Tam Tôn, Thích Ca, tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh, ban thờ Lý Thần Tông. Ngoài ra còn có 1 đôi Phượng Hoàng gỗ, 2 tượng Phỗng thế kỷ 18 đời vua Lê Ý Tông.
Trong sách “Chùa Việt Nam”, Giáo sư Hà Văn Tấn khẳng định: “Bộ tượng Di Đà Tam tôn ở chùa Thầy có niên đại 1607 hiện là bộ tượng Di Đà Tam tôn sớm nhất ở nước ta”. Các bộ tượng Di Đà Tam Tôn trong các ngôi chùa khác ở Việt Nam còn lại đến nay đều có niên đại sau bộ tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Thầy. Còn theo Giáo sư Trần Lâm Biền trong sách “Hình tượng con người trong nghệ thuật tạo hình truyền thống Việt” cho rằng đây là “Bộ Di Đà Tam tôn có niên đại sớm nhất bằng gỗ được biết ở nước ta. Sở dĩ pho tượng Bồ tát Đại Thế Chí ở chùa Thầy có niên đại thế kỷ XVII vì có hình thức gần với tượng Quán Âm thời Mạc”.
Do đó, có thể thấy bộ tượng Di Đà Tam Tôn, đặc biệt là tượng Quan Thế Âm và Đại Thế Chí ở chùa Thầy là sự chuyển tiếp, tạo tiền đề cho một phong cách tượng mới, ổn định dần vào giữa thế kỷ XVII. Kiến trúc đặc sắc của các pho tượng được các nhà nghiên cứu trình bày chi tiết trong bản “Thuyết minh về hiện vật đề nghị công nhận Bảo vật Quốc gia năm 2014” của UBND huyện Quốc Oai. Trong đó, đã nêu rất rõ những nét kiến trúc độc đáo của bộ tượng Di Đà Tam Tôn tại chùa Thầy.
Tượng Phật Quan Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn bằng gỗ mít sơn son thếp vàng cao nhất Việt Nam
Bộ tượng Di Đà Tam Tôn được tạc bằng gỗ mít, sơn son thếp vàng và đặt trên vị trí cao nhất của Tam Bảo. Trong đó, pho tượng A Di Đà (ở giữa) có dáng ngồi kiết già trên bệ sen, đặt trên đế hình chữ nhật cuốn góc, hai chân xếp bằng với bàn chân trái lộ trên lòng.
Tượng được tạc theo một khối tam giác, hai khuỷu tay hơi khuỳnh ra rồi thu vào trong lòng kết ấn Tam muội, tạo cho toàn thân đăng đối. Các khối cơ thể, dáng ngồi, thế chân, tay tượng cũng cân đối, hài hòa. Đầu tượng cao 60cm chiếm hơn một phần ba chiều cao của tượng, thể hiện các quý tướng như tóc bụt ốc, đầu nở to, biểu hiện cho trí tuệ, không có nhục kháo (là búi tóc trên đỉnh đầu của Phật, theo thông lệ là một quý tướng của Phật, biểu tượng của người đã giác ngộ) mà chỉ có bạch ngọc hào. Đây là một cách tạo hình tượng Phật đặc trưng của thế kỷ XVII thay cho hình thức nhục kháo của các tượng Phật thế kỷ XVI.
Tượng A Di Đà có khuôn mặt bầu bĩnh với má dưới nở hơn so với các tượng thời Mạc, mũi thanh, mắt khép hờ, miệng mỉm cười. Tai tượng chảy dài, thành tai rõ ràng, thuỳ tai chảy dài hóa đài sen rồi kết hạt tròn rủ xuống, là chi tiết trang trí mà tượng thời trước và thời sau không có, tạo nên đặc thù phong cách tượng thế kỷ XVII. Tượng mặc áo cà sa nhiều nếp chảy qua hai tay và chân, buông xuống bệ, phía trước để lộ dây lưng và thanh y.
Chính giữa ngực đeo dây Anh Lạc hình hoa cúc mãn khai kết hợp những hạt nổi tròn ở dưới và hai bên. Bệ tượng cao, gồm hai phần: bệ sen và đế. Ở đây các cánh không chìa ra, khối ở dạng điêu khắc tượng tròn khắc trên một khối hình chữ nhật dài, tròn hai đầu theo lối phù điêu. Viền sát với tượng là một hàng hạt tròn, to, chạm nổi chạy liên tiếp. Phía trên bệ sen chia hai lớp, lớp trong chỉ nhô mũi cánh, lớp ngoài trang trí bằng một lớp cánh nhỏ nhắc lại phía bên trong, đường viền đậm màu làm cánh sen trở nên vững chãi hơn.
Giữa mỗi cánh sen bên trong có chạm chi tiết như bông hoa với ba cánh, hai cánh dưới nở xòe lên, trên có cuống buông thõng xuống, cánh trên cùng khớp với hai cánh trên trở thành một chi tiết trang trí khá đặc biệt và khó nhận ra đặc điểm của loài hoa cụ thể nào.
Phong cách cánh sen này tuy thuộc dạng phù điêu nhưng có cánh phồng, mũi cánh nhọn và hướng ra phía ngoài, đầu mũi cánh sen nhọn và có gờ cạnh nổi rõ là phong cách đài sen của phong cách tạo hình tượng Phật giáo thời Mạc. Đế tượng là khối chữ nhật có cuốn góc, trang trí bốn mặt, mặt trước và mặt sau trang trí ở chính giữa. Trong vòng lửa có ba hình lá đề đục kép, ở giữa chứa quả cầu tròn, mỗi quả có ba vòng khắc lõm, họa tiết cành cây khúc khuỷu với 13 nhánh tỏa từ trong ra, làm nền cho đồ án.
Bên phải của tượng A Di Đà là pho tượng Đại Thế Chí, tượng ngồi dáng kiết già trên tòa sen, đầu đội mũ Thiên Quan gồm ba vành, hoa văn trang trí là hạt tròn, vòng lửa, các dạng hoa và vân mây chạm chìm. Các dải tóc ôm lấy vai chảy xuông xuống dường như ít thấy ở các pho tượng cùng thời. Tai đeo hoa tai kiểu bông sen rủ xuống, ngực đeo dây Anh Lạc hình ba bông hoa, kết bằng những hạt nổi tròn. Mình mặc áo cà sa phủ kín đùi, vạt áo chảy xuống đài sen, đầu vạt áo cong đều, hai tay kết ấn mật phùng.
Khuôn mặt tượng Đại Thế Chí thống nhất phong cách với tượng Quan Thế Âm, nhưng không thanh thoát và gần gũi bằng. Các khối và nét có xu hướng nở to (hai cánh mũi, hai bên hàm trong tư thế hơi cúi xuống như muốn nhấn mạnh đến chất trí tuệ, sự chiếu rọi vào bên trong nội tâm). Đó là tính chất động không ngừng của ánh sáng trí tuệ nhằm cứu độ chúng sinh của Đại Thế Chí đã được khắc họa thành công qua nghệ thuật điêu khắc.
Tỷ lệ thân tượng với đầu tượng vượt quá tỷ lệ ba đầu nhưng chưa đến bốn đầu. Thân đầy đặn, bụng dưới căng, không còn hai hõm ở cánh tay sát sườn, như đặc điểm tượng thời Mạc. Nhìn nghiêng, và phía sau thân của tượng cũng khá đầy và đều có trang trí, chứng tỏ người tạo tượng đã chủ động đón hướng nhìn từ các phía. Trên thân tượng quấn những chuỗi hạt tròn và bầu dục (to nhỏ khác nhau) cùng với những bông cúc mãn khai (ba dải dọc, ba dải ngang) mang tính kỳ bí, chưa từng thấy ở tượng chùa nào.
Bệ sen chia ba lớp, cánh trang trí vân xoắn mũi hài, dạng nửa bông hoa như hoa mai với ba chuỗi hạt tròn, lớp dưới ôm tỏa lấy mặt bệ, hướng ngược chiều với ba lớp cánh sen trên. Pho tượng thứ 3 là Quan Thế Âm (bên trái tượng A Di Đà), tượng ngồi trên bệ vuông, thế ngồi khá thoải mái, không theo quy tắc xếp bằng trên đài sen và cũng ít gặp trong cách tạo hình tượng dạng này. Chân trái chống thẳng, chân phải co, đặt dưới đùi trái một cách tự nhiên. Tay trái để ngửa, hai ngón tay giữa cong lại như đang đỡ vật gì, tay phải cầm phất trần.
Nhờ đó, tượng có một dáng vẻ tự tại, vừa tĩnh lại vừa sống động. Đây là tượng Quan Thế Âm bồ tát trong mô típ cầm bình cam lồ, vẩy cành dương liễu để cứu độ chúng sinh. Đầu tượng đội mũ Thiên Quan Bảo thường gặp ở các dạng tượng Quan Thế Âm, vành mũ lượn cao được trang trí khá chi tiết họa tiết hoa sen và hoa tròn nhiều cánh, tóc búi cao, phía trước có dải, tỏa sang hai bên.
Triết lý Phật giáo sâu sắc
Ăn nhập với cách tạo hình kỹ lưỡng, nổi khối của tóc, mũ là một khuôn mặt trái xoan thanh thoát, đầy đặn và một đôi tai dài đeo một đài sen nhỏ. Ngực đeo trang sức ba chùm kết hoa, ngọc báu, phía cuối của chùm trang sức nổi hình giọt lệ.
Tượng có 2 lớp áo, lớp trong thắt yếm kéo sát ngực, áo choàng phủ ngoài, trang trí hạt tròn nối nhau thành các hàng lối. Các nếp vải ở y phục tượng theo lối sát thực, trùm xuống ôm tỏa lấy bệ tượng tạo thành vạt trước xòe khá rộng với nhiều lớp chồng lên nhau. Cách tạo hình chân dung này, mang phong cách tạo hình thế kỷ XVII, chỉ còn ít dáng vẻ thiếu nữ như tượng thế kỷ XVI, thay vào đó là vẻ đẹp tinh tế hơi chút kiêu sa trên khuôn mặt tượng Quan Thế Âm cũng như các tượng khác trong bộ Di Đà Tam Tôn.
Đế tượng hình hộp chữ nhật giật bốn cấp, trang trí nổi trên bốn mặt với các đồ án như: hoa dây, cây mệnh, thủy ba, cúc mãn khai, lá đề với ba hạt tròn bốc lửa mang ý nghĩa sinh thực khí trong tín ngưỡng nguyên sơ. So với các bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở giai đoạn sau, bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở chùa Thầy đạt đến những chuẩn mực (quy chuẩn) về tạo hình, bố cục của tượng Phật thế kỷ XVII, là hình mẫu, gợi mẫu để các thế kỷ XVIII và XIX mô phỏng theo.
Tuy nhiên, ở những giai đoạn sau, không một bộ tượng Di Đà Tam Tôn nào có được vẻ đẹp về hình khối, ngôn ngữ biểu hiện, nghệ thuật tạo tác và khả năng diễn tả được thần thái của tượng như bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở chùa Thầy. Mặt khác, ở các giai đoạn sau, các họa tiết trang trí thường thô và mang tính ước lệ, không mang nhiều ý nghĩa Phật đạo như trên bộ tượng Di Đà Tam Tôn ở chùa Thầy.
Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu thì bộ tượng Di Đà Tam Tôn chùa Thầy có nhiều đặc điểm độc đáo không chỉ ở ngôn ngữ biểu hiện của hình khối, bố cục mà nhất là phong cách tạo hình mới. Bộ tượng này chú trọng yếu tố trang trí bằng kiểu hạt tròn kết thành tràng chạy trên y phục, bao gồm các dạng hệ hạt tròn kết chuỗi (nằm theo bố cục hàng lối và xen kẽ chia thân tượng thành từng ô), hạt tròn kết hình bông hoa (nằm xen kẽ trong chuỗi hạt bảo châu), các biểu tượng “bát cát tường” của Phật giáo Mật tông và hoa nhiều cánh.
Với cách bài trí các hạt trên tượng Đại Thế Chí ta thấy chúng còn sắp xếp theo cặp hạt (mỗi cặp có hạt âm, hạt dương), tổng số có 427 cặp hạt được cho là trùng với số lượng 427 câu chú Phật đỉnh Thủ lăng nghiêm tuyên đọc như nói lên dấu tích của Phật giáo Mật tông còn lại ở chùa Thầy (Thiên Phúc tự). Kiểu trang trí đặc biệt độc đáo này không tìm thấy trong trang trí tượng Phật giáo trong chùa Việt các thế kỷ trước và sau này.
Đồng thời ở pho tượng Đại Thế Chí mái tóc tượng xõa xuống vai, được tết theo hình dải thắt nút không đầu không cuối, mềm mại, có nhịp điệu của bàn trường cũng là một trong tám biểu tượng cát tường của Mật tông. Dân gian thường gọi là dải đồng tâm, coi đó là biểu tượng của hạnh phúc. Nhóm tượng Di Đà Tam Tôn bao gồm Bồ Tát Đại Thế Chí – A di đà – Bồ Tát Quan Âm.
Ba tượng này có thế ngồi tọa thiền kiết già, khiến tâm không thể lay động. Điểm đặc biệt ở ba pho tượng này là phong cách tạo hình mới chú trọng yếu tố trang trí bằng hệ thống hạt nổi, bao gồm những hạt tròn to nhỏ khác nhau, kết hợp với hoa cúc mãn khai kết năm hàng dọc, ba hàng ngang bao quanh thân tượng. Chưa có tượng nào trước và sau này lại có nhiều hạt như vậy.
“Đó là hàng hạt kỳ ảo, được chạm theo một qui luật bắt nguồn từ ý nghĩa của Mật Tông (gọi là bí mật giáo, một Phật phái tin vào linh phù, châu ngôn, pháp ấn) tạo ra cái linh thiêng”, GS. Trần Lâm Biền viết trong cuốn sách “Đồ thờ trong di tích của người Việt”.
Tất cả những yếu tố nói trên đã đưa bộ tượng Di Đà Tam Tôn chùa Thầy đạt đến những chuẩn mực về tạo hình Phật giáo đầu thế kỷ XVII cũng như giá trị chuyển tải tư tưởng Phật giáo trong văn hóa Việt Nam. Và trong lịch sử Phật giáo Việt Nam thì tư tưởng Phật giáo Mật tông lưu truyền vào Việt Nam từ khá sớm. “Theo Thiền Uyển Tập Anh”, vào thế kỷ thứ VI, ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, người Ấn Độ, đã đến Việt Nam và dịch kinh Đại thừa phương quảng tổng trì tại chùa Pháp Vân. Đây là một bộ kinh của Mật giáo, và liên hệ rất nhiều đến Thiền. Vào thời Đinh và Tiền Lê, Mật tông đã khá thịnh hành tại Việt Nam.
Những trụ đá được phát hiện tại Hoa Lư, Ninh Bình vào các năm 1963, 1964, 1978 - dựng vào năm 973, thời Đinh; có trụ dựng năm 995, thời Lê Đại Hành - đều khắc bản kinh Phật đỉnh Tôn thắng Đà La Ni (Usnisavijaya dharani), một bản kinh rất phổ biến của Mật giáo, đã chứng minh cho điều đó. Dĩ nhiên Mật tông thịnh hành tại nước ta không chỉ do mỗi ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi, mà còn từ Phật giáo Chiêm Thành, những Tăng sĩ ngoại quốc và những vị sư Việt Nam thọ học từ Ấn Độ. Trong đó, ngài Mahamaya, gốc Chiêm Thành, thuộc đời thứ 10 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi, từng theo học với ngài Pháp Thuận - Pháp hành sám và trì tụng chú Đại bi, người rất nổi tiếng về pháp thuật.
Mật Tông là từ gốc Hán dùng để gọi pháp môn bắt nguồn từ sự kết hợp giữa Ấn Độ giáo và Phật giáo Đại thừa, được hình thành vào khoảng thế kỷ 5,6 tại Ấn Độ. Mật Tông lại chia thành hai phái: Chân ngôn thừa (Mantrayàna) và Kim cương thừa (Vajrayàna). Sự phát triển của Mật Tông gắn với các luận sư nổi tiếng như Subha Karasimha (Thiên Vô Úy, 637-735), Vajra Bodhi (Kim Cương Trí, 671741), Amoghavajra (Bất Không Kim Cương, 705-774), Padmasambhava (Liên Hoa Sinh, cuối thế kỷ thứ VIII), Dipankarasrijanàna (Atisa, cuối thế kỷ thứ XI). Padmasambhava và Dipankarasrijanàna là những người có công đưa Mật Tông vào Tây Tạng và trở thành tôn giáo chính ở đây.
Trong “Thiền Uyển Tập Anh” cho rằng ông đắc pháp Tổng trì Tam muội, thi triển nhiều pháp thuật khiến cho vua Lê Đại Hành và dân chúng đều nể phục. Một thiền sư Việt, ngài Sùng Phạm (mất năm 1087), đời thứ 11 của thiền phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi (Ti-ni-đa-lưu-chi), đã đến Ấn Độ chín năm, sau mở trường dạy tại chùa Pháp Vân. Đệ tử của ngài có Thiền sư Từ Đạo Hạnh nổi tiếng về phù chú và sư Trì Bát cũng thấm nhuần Mật giáo.
Thiền sư Từ Đạo Hạnh chính là thế hệ thứ 12 thuộc dòng Thiền Ti-ni-đa lưu-chi này. Là một Thiền sư, Đạo Hạnh luôn gắn đạo với đời, Phật giáo với dân tộc. Ông luôn lo lắng cho vận mệnh của đất nước khi có tà đạo lũng loạn làm mê hoặc lòng người, phá rối chính pháp.
Việc Đạo Hạnh chặn lại tiến trình thác thai của Giác Hoàng (là một đứa trẻ 3 tuổi nhưng chuyện gì cũng biết – là kiếp đầu thai của một pháp sư có tên là Đại Điên thời Lý, khi đầu thai nhằm mê hoặc dân chúng, lũng loạn triều đình) là biểu hiện của một nhà sư có trách nhiệm với dân với đạo. Mặc cho sau đó bản thân ông bị ghép vào trọng tội. Ông chỉ thoát chết, khi Sùng Hiền Hầu đứng ra giải cứu. Đó là hành vi can đảm của Đạo Hạnh, khi dám chấp nhận sự hy sinh của cá nhân để cứu lấy những sinh mạng con trẻ.
Tương truyền, ông không chỉ là một nhà sư có phép thuật cao cường, ẩn cư ở núi Phật Tích. Chuyện Thiền sư đầu thai qua vợ Sùng Hiền Hầu và chữa bệnh ly kỳ của Minh Không cho Lý Thần Tông, dù ai đó có cho là phi lý, huyễn hoặc đi nữa thì cũng không thể phủ nhận được vai trò của nhà chùa trong việc chữa trị bệnh cho dân (kể cả bệnh vô sinh) khi mà y học còn kém phát triển trong giai đoạn lịch sử ấy.
Bên cạnh đó, truyền thuyết về những lần trút xác của Thiền sư Từ Đạo Hạnh thành vua Lý Thần Tông, thì thông qua vị vua này, ông đã làm cho: “Sản xuất nông nghiệp phát triển. Dân no đủ nên giặc giã cũng ít”. Tất cả những điều đó cho thấy được những điều tốt đẹp mà Thiền sư Từ Đạo Hạnh dùng Phật giáo đem lại cho dân tộc. Đồng thời khẳng định mối liên hệ chặt chẽ và mật thiết giữa đạo và đời.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Luận bàn hai chữ “Cuộc đời” trong bài kệ của Thiền sư Pháp Loa
Tư liệu 13:32 21/11/2024“Cuộc đời của mỗi con người chỉ như một giấc chiêm bao – vô thường. Nếu không có hiểu biết, không tìm thấy cái ta chân thật, thì dù làm bao nhiêu việc cũng chỉ là làm mộng, bao nhiêu cái biết, cũng chỉ là cái biết hư vọng”.
Mối quan hệ giữa đời sống và việc tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông
Tư liệu 14:05 20/11/2024Phật hoàng Trần Nhân Tông luôn nhấn mạnh quan niệm tiến bộ của Phật giáo Đại Việt rằng “Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách li, phân biệt, bởi vì Phật giáo là gì nếu không phải đó là một quá trình đi tìm chân lý.
Tiếc là con người chỉ có hai tay
Tư liệu 08:20 19/11/2024Ngày xửa ngày xưa, có một cô gái đến tuổi gả chồng, có hai gia đình Đông gia và Tây gia cùng đến cầu thân.
Bay qua miền hạnh phúc
Tư liệu 17:30 18/11/2024Phật pháp chính là diệu pháp, đã chắp cho tôi đôi cánh, giúp tôi bay lên cao, ra khỏi vực thẳm tuyệt vọng, đi đến miền hạnh phúc…Tôi xin cảm tạ Chư Phật Bồ Tát, cảm tạ tất cả những thiện hữu đã nhọc nhằn tâm lực, công sức vì tôi.
Xem thêm