Trên thực tế, mục đích chuyên chu du nước Nhật sau Hội sách Tokyo là tìm hiểu văn hóa đọc của Nhật, nghiên cứu tính thực tiễn của luật Khuyến đọc trong các trường học và xã hội và tuyên truyền cho chương trình “Đọc sách cùng nhau – Reading Books Together” đã bắt đầu từ đầu năm 2018 này tại Việt Nam. Nhưng chúng tôi đã cùng ra biển nhặt rác với các thầy cô giáo trường Numazu West.
Tôi vẫn nhớ những lần một mình lang thang nhặt rác ở công viên Nghĩa Đô, bờ hồ Hoàn Kiếm của cả chục năm trước. Rồi rủ các bạn Công ty sách Thái Hà, CLB Xuyên Việt, CLB yêu sách Thái Hà cùng tham gia. Lúc đầu ít bạn thôi. Sau này, có lần vài chục bạn, có lần cả gần trăm bạn nhé. Cứ thế lan tỏa dần. Chút một. Từng tháng. Từng năm.
Tôi vẫn rất ấn tượng về những lần cùng các bạn nhặt rác ở biển Cần Giờ, đường Võ Văn Kiệt (TP.HCM). Rồi ở bãi sông Hồng, Hồ Tây, bến xe Mỹ Đình, bến xe Giáp Bát,… Hà Nội trong những năm qua.
Tôi tự thấy rằng, từ những việc làm nhỏ, thậm chí rất nhỏ, đơn lẻ ban đầu dần dần có thể thành phong trào và ngày càng thu hút thêm nhiều người tham gia. Vậy nên kết luận nhỏ ban đầu và chủ quan của tôi là cứ âm thầm làm, cần mẫn làm, mặc ai chê bai, dè bỉu, bỏ những lời dị nghị để đến một ngày cây ra hoa, ra trái. Kết quả sẽ bất ngờ hơn mọi mong đợi. Nhất là thời nay, khi vấn đề môi trường sống là rất quan trọng và đang được quan tâm rộng rãi.
Tôi đặc biệt thích các trải nghiệm thực tế. Năm trước sang Nhật Bản chúng tôi có trải nghiệm không thể quên được bằng cách “Từ Việt Nam sang Tokyo tham gia phát quà từ thiện cùng các bạn phật tử tại Nhật Bản cho người vô gia cư”. Rồi mới tháng 10 vừa qua, sau khi kết thúc Hội sách lớn nhất thế giới Frankfurt Book Fair, tôi lại có một trải nghiệm thú vị hơn là “Thăm người nghèo, sống một mình và cô đơn ở Frankfurt, Đức”. Còn lần này, nhân tham gia Hội sách Bản quyền Tokyo 2018, rồi làm việc với Hội Xuất bản Nhật Bản và gặp các nhà xuất bản của đất nước mặt trời mọc, tôi lại chọn cho mình một trải nghiệm khác. Cũng rất đặc biệt và ấn tượng. Mà rất tình cờ nhé.
Trên thực tế, mục đích chuyên chu du nước Nhật sau Hội sách Tokyo là tìm hiểu văn hóa đọc của Nhật, nghiên cứu tính thực tiễn của luật Khuyến đọc trong các trường học và xã hội và tuyên truyền cho chương trình “Đọc sách cùng nhau – Reading Books Together” đã bắt đầu từ đầu năm 2018 này tại Việt Nam. Nhưng chúng tôi đã cùng ra biển nhặt rác với các thầy cô giáo trường Numazu West.
Tất cả các thầy cô giáo và các em học sinh của nhà trường đều tham gia. Các em mang theo túi ni lông to, loại túi tự phân hủy được và cùng nhau tiến ra bãi biển. Nhiều em thay quần áo đồng phục bằng những bộ quần áo bảo hộ lao động. Trông rất đáng yêu và thân thiết vô cùng.
Bãi biển có rất nhiều gốc cây, cành cây, rễ cây,… Tuy nhiên xen vào đó cũng có cả những mảnh nhựa, chai nhựa,… Việc làm của tất cả mọi phụng sự viên là nhặt những loại rác này cho vào bao ni lông và mang về.
Tất cả làm việc rất chăm chỉ. Mọi khuôn mặt đều rất vui vẻ, hạnh phúc. Cả thầy lẫn trò của trường Numazu West. Tôi thì vốn vô cùng thích thú khi đi nhặt rác. Đúng nghề của tôi rồi mà.
Có những bạn trường Numazu West nói tiếng Anh chưa giỏi nhưng cũng vẫn sẵn sàng giao tiếp. Các em hỏi xem ở Việt Nam có rác không. Rằng các trường Việt Nam có hay tổ chức đi nhặt rác cùng các hoạt động khác không. Rằng tôi thấy các học trò của tôi và các em học trò ở Nhật có gì khác nhau. Có em hỏi cách học tiếng Anh thế nào cho nhanh nhất. Tôi vui nhất là rất nhiều em biết khá rõ về Việt Nam và muốn đi thăm Việt Nam.
Tôi ấn tượng nhất có một em đưa ra ý tưởng lập đội nhặt rác Nhật - Việt. Cứ thấy ở đâu, dù trên đất Nhật hay ở Việt Nam, nếu có rác là cả đội đến nhặt. Một em thì có ý tưởng lập đội “Reading Books Together Nhật - Việt” để cả đội đi đến tất cả các tỉnh thành của 2 nước, lần lượt đến từng trường học để truyền bá cho việc đọc sách cùng nhau. Rất nhiều ý tưởng khác nữa. Công nhận các bạn học sinh của trường Numazu West có rất nhiều ý tưởng.
Có những bộ quần áo bảo hộ lao động nhem nhuốc. Có những đôi tay thoăn thoắt. Có những bạn trẻ như đua với thời gian để gom được nhiều rác nhất. Nhiều cảnh thật đẹp mắt. Tiếng nói chuyện rất vui tai dù tôi không hiểu tiếng Nhật.
Tất cả chỉ cùng nhau nhặt quãng 2 tiếng đồng hồ là bãi biển sạch rác. Hàng chục túi ni lông rác được gom về. Mặt trời lặn dần. Những ánh hoàng hôn chiếu lên thầy trò nhặt rác thật đẹp và ý nghĩa. Biển sóng vỗ rì rào như một bản nhạc ca ngợi tinh thần và tấm lòng của cả thầy lẫn trò.
Tôi đạp xe đạp ra biển nhặt rác và rồi lại đạp xe về nhà. Mỗi chiều quãng 3km và thấy thật tuyệt vời lắm. Trời mát và hơi lạnh một chút. Đêm đã lên đèn. Hạnh phúc vô cùng.
Tháng 11 là tháng của các thầy giáo, các cô giáo. Từ hơn 10 năm nay, tháng 11 chúng ta tổ chức Tết thầy trò 20 tháng 11. Đây là ngày Tết để tất cả các thầy giáo, các cô giáo cùng chung vui và cùng tự nhìn lại mình xem trong năm qua đã làm được bao việc tốt và còn bao điều chưa tốt. Nhân ngày tết đặc biệt này, hàng năm chúng ta luôn cùng nhau làm những việc thiện lành. Năm nào cũng thế. Thành truyền thống rồi mà.
Vậy là năm nay chúng tôi cùng đón Tết thầy trò sớm ở Nhật Bản. Một việc làm rất nhỏ, tốn rất ít thời gian nhưng thật ý nghĩa. Các thầy giáo, các cô giáo và các học sinh cùng làm trong niềm vui. Thật là ý nghĩa và đáng nhớ.
Xin gửi tới các bạn một số hình ảnh để cùng chia vui và học tập, để cùng chung tay chung tâm bảo vệ môi trường cũng như phát triển văn hóa đọc. Về đến Việt Nam, nhất định tôi sẽ rủ các thầy cô giáo và nhiều học sinh, sinh viên cùng làm thật nhiều việc ý nghĩa nhân Tết thầy trò 20/11 đang đến gần.
Có ai thật sự muốn tham gia, muốn chung tay, hãy liên hệ và cùng thực hiện?
Nguyễn Mạnh Hùng