Đoạn trừ tâm ái dục – duy trì phạm hạnh
Nói tóm lại, để duy trì phạm hạnh sạch như băng tuyết, người tu sĩ phải biết quan sát, đề khởi chánh tâm. Hạn chế sự dòm ngó, để ý, liên hệ giao tiếp, ngôn đàm với người khác phái.
>>Phật tử có thể đọc thêm loạt bài về Lời Phật dạy
Đức Phật dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, phải dè dặt chớ ngó nhìn nữ sắc cũng như không nên tiếp chuyện với họ. Nếu có phải nói chuyện thì hãy chánh tâm suy nghĩ: “Ta là một vị sa môn sống trong cuộc đời bất tịnh, phải như hoa sen, sinh trưởng từ bùn nhưng không bị bùn làm nhơ uế. Các thầy phải có cái nhìn viễn ly. Xem người già cả như mẹ, người lớn hơn như chị, người nhỏ hơn như em, nhỏ hơn nữa như con cháu. Phải nhìn nữ sắc dưới khía cạnh “độ thoát họ” mới tiêu diệt được các ác niệm.
Ái dục là nguyên nhân chính của sinh tử luân hồi.
Ái dục là quả bom tàn phá đạo Bồ đề giải thoát.
Diệt trừ được ái dục là chặn đứng sự luân hồi, mở cửa giải thoát.
Cũng vì thế, người tu theo đạo giải thoát phải đoạn trừ tâm hệ lụy ái dục, từ bỏ ái dục và đoạn trừ ái dục. Ái dục, có thể nói là sự đam mê hệ lụy, nó không loại trừ đối tượng nào, dù đó là tuổi tác, tông tộc. Do đó, muốn đoạn trừ nó, đòi hỏi chúng ta phải vận dụng phương pháp thích hợp nhất cho từng trường hợp cụ thể. Và phương pháp cụ thể đó được Đức Phật đề cập ở chương này, đó là luôn đề khởi chánh niệm trong giao tế với người khác phái nói chung. Vì từ giao tế, tình cảm dễ sinh. Tình cảm đã phát sinh sẽ dễ dẫn đến đời sống phi phạm hạnh. Như vậy có chánh niệm trong giao tế, tiếp xúc với người khác phái, được xem như là phương pháp tối ưu để đoạn tận tâm ái dục, ái luyến.
1. Xét về xuất xứ nguyên gốc, thì chương này được viết gọn lại từ Kinh Bharadvaja (S.iv.110) trong Tương Ưng Bộ Kinh tập 4 tr. 119 và 122, và có thay đổi một vài chi tiết cần thiết để kinh văn gãy gọn, súc tích, dễ gây ấn tượng, dễ nhớ hơn. Và cũng đã bỏ bớt phần nguyên nhân nói kinh và phần khuyến giới tu tập.
Trong phần nguyên nhân nói kinh, không phải Đức Phật dạy chúng Tỳ kheo theo lối vô vấn tự thuyết, mà là do vua Udana hỏi tôn giả Pindola Bharadvaja về cách các Tỳ kheo trẻ tuổi làm thế nào để bảo vệ phạm hạnh viên mãn: “Thưa tôn giả, do nhân gì, duyên gì, những Tỳ kheo trẻ tuổi, ngay lúc là thanh xuân, tóc đen nhánh, lại không tham nhiễm dục vọng, thực hành phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh cho đến trọn đời và sống toàn thời gian một cách hoàn mãn”. Lúc ấy, tôn giả Pindola Bharadvaja mới trả lời bằng cách nhắc lại lời dạy của Đức Phật đến chúng Tỳ kheo: “Thưa đại vương, Thế Tôn đã dạy các vị ấy như sau, hãy đến này các Tỳ kheo (thiện lai Tỳ kheo), đối với người nữ đáng mẹ hãy trú tâm là người mẹ. Đối với người nữ tuổi đáng chị hãy trú tâm là người chị. Đối với người nữ tuổi đáng em hãy trú tâm là người em. Đối với người nữ chỉ là con gái hãy trú tâm là con gái (con cháu). Thưa đại vương, đây là nhân, là duyên các Tỳ kheo trẻ tuổi, đang tuổi thanh xuân lại không tham nhiễm dục vọng, thực hành phạm hạnh hoàn toàn thanh tịnh cho đến trọn đời và sống toàn thời gian một cách hoàn mãn”.
Trong nguyên tác, tôn giả Bharadvaja còn kể thêm ba phương pháp để chế ngự tâm tham ái: Quán bất tịnh ở người nữ, không nắm tướng chung tướng riêng của người nữ và khéo phòng hộ tam nghiệp.
Về quán bất tịnh, cách quán như sau: “Hãy quán sát thân này, từ bàn chân trở lên, trên từ đảnh tóc trở xuống, bao bọc bởi da và chứa đầy bất tịnh sai biệt. Trong thân này, đây là tóc, lông, răng, móng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi ruột, bao tử, phân, mật, đàm, máu, mủ, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, máu mủ, nước ở khớp xương, nước tiểu. Đây là nhân, đây là duyên…
- Về hộ trì các căn, nội dung như sau: “Hãy sống hộ trì các căn. Sau khi mắt thấy sắc, tai nghe tiếng, mũi ngửi hương, lưỡi nếm vị, thân cảm xúc, chớ có nắm giữ tướng chung, chớ có nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì vì ý căn không được chế ngự khiến tham ái ưu bi, các bất thiện pháp khởi lên hãy thực hành nguyên nhân chế ngự các căn ấy. Đây là nhân, đây là duyên”.
- Về phòng hộ tam nghiệp, nguyên tác chỉ rõ: “Với thân được phòng hộ, với lời nói được phòng hộ, với tâm được phòng hộ, với niệm được an trú, với các căn được chế ngự, trong khi ấy, tham pháp sẽ không chinh phục”.
Ở đây, kinh văn của chương này đã được hai dịch giả Ma Đằng, Trúc Pháp Lan lược bớt, chỉ chừa lại phương pháp trừ khử dục tâm, ái luyến tâm đầu tiên, tức là chánh niệm đối với người khác phái, để có cái nhìn viễn ly, giải thoát, tuy ngắn gọn, nhưng cũng không làm mất đi tính đa dạng phong phú trong phương pháp tu tập.
2. Cách dứt trừ tâm ái nhiễm
Phương pháp đoạn trừ tâm ái nhiễm được nêu lên ở đây là hạn chế tối đa sự quan sát, dòm ngó, để ý về nữ sắc. Vì chính từ quan sát, dòm ngó, để ý, chúng ta sẽ dẫn tâm thiên hướng về đam mê nữ dục. Và như vậy là bất hạnh, đau khổ. Do đó, không dòm ngó nữ sắc là phương pháp đầu tiên để ngăn chặn tâm ái nhiễm.
Nhưng trong thực tế, người tu sĩ không thể tách rời các hình thái sinh hoạt với xã hội, cũng phải gia nhập vào các dạng thức sinh hoạt, vì thế việc nhìn thấy nữ sắc là không thể tránh khỏi. Nhưng khi nhìn thấy, hoặc sinh hoạt chung một môi trường, sự tiếp xúc, giao lưu, đối thoại muốn không bị chất ái nhiễm chi phối, người tu sĩ phải tự hạn chế tối đa theo điều kiện có được. Và khi phải trực diện đối thoại, người tu sĩ phải nhiếp tâm chánh niệm, không tác ý liên hệ ái dục. Nhưng cũng có lẽ với phương án sau cùng này được xem là hợp lý nhất và có hiệu quả chặn đứng và dứt trừ tâm ái nhiễu. Bởi vì, chính tác ý về ái dục là nhân tố quyết định sự hệ lụy ái dục, như đoạn kinh văn dưới đây xác định:
“Một người nữ tác ý nơi nữ căn, nữ hành, nữ y phục, nữ loại, nữ dục, nữ thanh, nữ trang sức. Người ấy tham đắm trong ấy. Cũng vậy, do tham đắm, tác ý đến nam căn ở ngoài, nam hành, nam y phục, nam loại, nam dục, nam thanh, nam trang sức… do tham đắm thích thú trong ấy, nữ nhân ước muốn có sự hệ lụy ở ngoài. Do hệ lụy khởi lên lạc. Nữ nhân do ước muốn hỷ lạc ấy, do thích thú trong nữ tính của mình mà dẫn đến hệ lụy với các người đàn ông. Như vậy, nữ nhân không thoát khỏi nữ tính của mình.”
=Cũng chính vì sự tác ý tà vạy đến nữ căn, nữ hành, nữ y phục, nữ dục, nữ thanh, nữ trang sức (và người nữ thì ngược lại) mà ái dục đã phát sinh và phá hủy luôn cả hàng rào tuổi tác, luân lý đạo đức: con cái quan hệ tình dục với cha mẹ, hoặc tuổi đáng con cháu lại quan hệ tình dục với người đáng tuổi cha mẹ. Điều này thông qua báo chí, thông tin đại chúng, chúng ta biết khá đầy đủ. Ngay cả thời Đức Phật còn tại thế, trong hàng ngũ Tăng già, có một lần hai mẹ con là Tỳ kheo ni và Tỳ kheo tăng đã đi đến thông dâm loạn luân với nhau vì tác ý tà vạy.
“Một thời Đức Thế Tôn ở Savatthi tại Tetavana, lúc bấy giờ cả hai mẹ con cùng an cư vào mùa mưa, nhân danh Tỳ kheo ni và Tỳ kheo tăng, họ thường xuyên muốn thấy mặt nhau. Mẹ thường xuyên muốn thấy mặt con. Con cũng thường xuyên muốn thấy mặt mẹ. Vì luôn thấy mặt nhau nên có sự liên hệ. Do liên hệ nên thân mật. Do thân mật nên sa ngã. Do sa ngã, nên buông bỏ sự học tập, làm lộ liễu sự yếu đuối, chúng rơi vào thông dâm với nhau.”
Và rồi câu chuyện ấy đến tai Đức Phật. Đức Phật nhân đó dạy rằng: “Này các Tỳ kheo, kẻ ngu si mới nghĩ rằng, mẹ không thông dâm, không tham đắm con, con không thông dâm, không tham đắm mẹ. Ta không thấy một sắc nào lại khả ái như vậy, lại đẹp đẽ như vậy, lại mê ly trói buộc như vậy, say sưa chướng ngại như vậy, tức là sắc đẹp của nữ nhân. Nhưng ai ái luyến, tham nhiễm, tham đắm, mê say sắc đẹp của nữ nhân, chúng sẽ ưu sầu lâu dài và rơi vào uy lực của nữ sắc.” Do đó, có thể nói cách dứt trừ tâm ái nhiễm, ái dục mà kinh này đưa ra thật là khoa học và hữu hiệu, nó chặn đứng ái nhiễm từ gốc rễ, từ lúc ái nhiễm chưa phát sinh, lại còn đề cao giá trị nhân cách của chính mình.
Ngoài ra, có những trường hợp, người tu sĩ tuy không đi quá đà trong giao tế với người khác phái như phạm Ba la di hay Tăng tàn, nhưng lại thích thú được người khác phái hầu hạ thoa bóp… cũng được xem là làm cho phạm hạnh có tỳ vết và không trọn vẹn, như đoạn kinh văn dưới đây, Đức Phật đã dạy:
“Có sa môn, Bà la môn tự xem mình sống phạm hạnh một cách chân chính tuy không có hành dâm với nữ nhân nhưng hưởng thụ được nữ nhân thoa bóp, tắm, xức dầu. Vị ấy thích thú, ước muốn, bị kích thích bởi nữ nhân. Đây gọi là phạm hạnh bị bể vụn, bị khuyết phạm, bị nhiễm ô, bị điểm chấm. Đây gọi là hành phạm hạnh không thanh tịnh, bị liên hệ, hệ lụy với dâm dục, không giải thoát khỏi sinh, già, bệnh, chết, ưu bi, khổ não.
Lại nữa, có sa môn, Bà la môn tự xem mình sống phạm hạnh một cách chân chính, tuy không hành dâm với nữ nhân, không có hưởng thụ nữ nhân xoa bóp, tắm, xức dầu nhưng cười giỡn chơi đùa, vui chơi với nữ nhân, lấy mắt nhìn mắt, trừng mắt theo nữ nhân, lắng nghe tiếng cười, tiếng khóc, tiếng hát của nữ nhân, hoặc ký ức, tưởng tượng về chúng. Tất cả làm người ấy bị ước muốn bất thiện kích thích. Đây gọi là phạm hạnh có tỳ vết, ta nói rằng không thoát khỏi khổ.” Sở dĩ, Đức Phật cho rằng những điều trên là phi phạm hạnh là vì nó sẽ là nhịp nối sự phá hủy phạm hạnh ở tương lai, và làm Tỳ kheo rơi vào nếp sống phàm tục.
Trong kinh, Đức Phật còn đặt Tỳ kheo trong chiến trường diệt trừ tâm ái dục, duy trì phạm hạnh giải thoát. Nếu như trong quân sự có năm loại chiến sĩ yếu đuối thấy bụi mù tung khói, thấy cờ xí dựng lên, nghe tiếng la hét, khi bị thương đã chùn chân, rủn chí không can đảm xông pha chiến trận thì Tỳ kheo khi tiếp đối với nữ nhân cũng vậy:
“1. Tỳ kheo khi thấy bụi mù đã run chân trong đời sống phạm hạnh, biểu lộ sự yếu đuối trong học tập, từ bỏ học pháp, trở lại đời sống thế tục. Bụi mù được hiểu với nghĩa “khi nghe ở một nơi nọ có một phụ nữ, thiếu nữ xinh đẹp, khả ái làm đẹp lòng người với gương mặt hấp dẫn như hoa sen.”
2. Tỳ kheo khi thấy cờ xí dựng lên… đã trở lui đời sống thế tục. Cờ xí ở đây được hiểu với nghĩa khi tình cờ giáp mặt, mục kích người phụ nữ, thiếu nữ đẹp đẽ… như hoa sen.
3. Tỳ kheo khi nghe tiếng la hét… đã trở lui đời sống thế tục. Tiếng la hét ở đây được hiểu với nghĩa, nhân có phụ nữ, thiếu nữ cười giỡn, trêu ghẹo, nói mơn trớn, nói cười lớn tiếng với Tỳ kheo.
4. Tỳ kheo khi bị thương trong chiến trường… đã trở lui đời sống thế tục. Bị thương được hiểu với nghĩa, khi nữ nhân ngồi cạnh bên vuốt ve mơn trớn ở những khuôn viên sầm khuất vắng người.
5. Tỳ kheo chiến thắng… chiến thắng được hiểu với nghĩa Tỳ kheo không bị cám dỗ, chi phối. Mạnh dạn tháo gỡ ân ái và ra đi những nơi nào mình muốn không để bị hệ lụy ân ái.”
Bốn loại Tỳ kheo chiến sĩ đầu sở dĩ dẫn đến phạm hạnh tỳ vết là do không có chánh tâm về nữ sắc, tác ý liên hệ đến nữ sắc theo hướng hệ lụy, nên dẫn đến phá hủy phạm hạnh. Hạng Tỳ kheo thứ năm được gọi là người chiến thắng, bảo vệ phạm hạnh trong sáng là do dám vứt bỏ mọi tác ý bất thiện về nữ nhân, biết tìm cho mình nơi thích hợp để bảo toàn phạm hạnh. Hạng Tỳ kheo này là mục đích hướng đến của tất cả tu sĩ chúng ta.
Nói tóm lại, để duy trì phạm hạnh sạch như băng tuyết, người tu sĩ phải biết quan sát, đề khởi chánh tâm. Hạn chế sự dòm ngó, để ý, liên hệ giao tiếp, ngôn đàm với người khác phái. Và khi phải liên hệ, giao tiếp, ngôn đàm, thì phải chánh niệm tỉnh thức. Phải có cái nhìn bất tịnh quán về nữ nhân để nhờm gớm mặt trái của sắc dục. Phải có ý chí giữ gìn sáu căn, không nắm tướng chung tướng riêng của nữ nhân để khỏi tác ý liên hệ đến dục nhiễm. Phải có cái nhìn nam nữ như nhau, không phân biệt nữ tính nam tính để xóa bỏ tâm ái luyến. Phải có cái nhìn thân thuộc như cha mẹ, anh chị em, con cháu để diệt trừ tâm dục nhiễm. Và phải có cái nhìn độ thoát, đặt mình trong vị trí đạo sư, không thể tầm thường, ngang hàng như tình bạn hay tình yêu trai gái. Được như vậy, phạm hạnh sẽ thanh tịnh, hoàn bị và hẳn nhiên nhờ đó mà viễn ly giải thoát.
Trích sách "Tìm hiểu kinh bốn mươi hai chương" - TT Thích Nhật Từ
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tu hành theo hạnh Dược Sư, chữa lành thân tâm bệnh của chính mình
Kiến thức 13:10 31/10/2024Phật Dược Sư hiểu rõ được những tâm tư nguyện vọng mong muốn của chúng sanh con người, nên phát ra lời nguyện đáp ứng được mọi ước mơ thực tế. Chỉ cần chúng sanh thật tâm tin tưởng biết tu tâm dưỡng tánh nương theo nguyện lực của ngài thì sẽ đạt như ý nguyện.
Yêu thương hơn, hạnh phúc hơn bằng phương pháp “Quán từ bi”
Kiến thức 12:00 31/10/2024Thực hành phép "Quán Từ Bi", một pháp môn rất vi diệu trong Phật Pháp, được Đức Phật hết sức tán thán, ca ngợi về cả công đức thù thắng, lớn lao, cũng như ý nghĩa quan trọng trong việc tu hành viên mãn đức hạnh.
Hạnh nguyện và năng lực gia trì của đức Phật Dược Sư
Kiến thức 11:10 31/10/2024Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm vía đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chúng tôi xin nói về mười hai hạnh nguyện của Ngài. Đức Phật Dược Sư còn có tên là Đại Y Vương Phật, Ngài là vị giáo chủ cõi Tịnh Lưu Ly ở phương Đông.
Cảnh cùng khốn
Kiến thức 09:39 31/10/2024Người khéo học đạo thì trước trị trong để dẹp ngoài, đừng tham ngoài để hại trong. Cho nên giáo hóa chúng sanh, cốt yếu ở tâm thanh tịnh. Muốn chánh được người, cố nhiên phải chánh mình trước.
Xem thêm