Quan điểm của Đức Phật về dục lạc
Trong tất cả các lạc thú thuộc về dục lạc, chế ngự và xa lìa dục tình là yếu tố quan trọng quyết định căn bản đến phạm hạnh của người xuất gia và tánh hạnh của người xuất gia.
Cách đây hơn 25 thế kỷ, thời Đức Phật còn tại thế, ở Ấn Độ xuất hiện nhiều trường phái triết học, các triết gia thi nhau xiển dương giáo nghĩa học thuyết của mình trong đó họ có bàn về vấn đề DỤC LẠC.
Đức đạo sư Gotama, vị đạo sư khai sinh ra Đạo Phật, cũng thừa nhận rằng Dục lạc là một sự thật có mặt ở thế gian, dục lạc ấy cũng đem đến hạnh phúc, đem đến sự khả ái, khả lạc, sự thỏa mãn cho con người. Nghĩa là Ngài cũng thừa nhận niềm vui của dục, công nhận nó có vị ngọt, làm quyến rũ con người. Nói khác đi, Ngài vẫn thấy rằng sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc êm dịu có vị ngọt làm say đắm lòng người. Nhưng đó chỉ mới là một mặt của dục lạc.
Mặt khác, Đức Đạo sư Gotama đã thấy rõ nó không chỉ có vị ngọt hấp dẫn mà bên cạnh đó còn có mặt đối lập: Sự nguy hiểm bởi vô thường, tức nó sẽ dẫn đến khổ đau. Ham thích một cái gì đó và tìm cầu đạt được cũng sẽ dẫn đến khổ đau vì nó còn có sự nguy hiểm, sắc đẹp, tiếng hay … đều bị thời gian, vô thường biến đổi. Như vậy, với vấn đề dục lạc đối với đời sống và sự hưởng thụ những khoái lạc giác quan, Đức Phật đã rất thực tế và khách quan khi nói đến sự hiểu biết hoàn toàn về dục lạc, nó được tóm tắt theo ba điều:
1. Sự lôi cuốn hay vị ngọt (assàda)
2. Hậu quả xấu, nguy hiểm, sự bất mãn (adinava)
3. Sự giải thoát hay xuất ly (nissarana)
Trong phần trình bày 4 sự thật của cuộc đời tại Vườn Nai, Đức Thế Tôn đã nêu ra 4 phạm trù về Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Điều này không có nghĩa Ngài phủ nhận hạnh phúc trong cuộc sống khi bảo sống là khổ đau. Trái lại Ngài chấp nhận có những hình thái khác nhau về hạnh phúc cả vật chất và tinh thần, cả cho người thế tục và cho người xuất thế. Kinh tạng Nikàya có đề cập đến các loại lạc (sukha) khác nhau tùy theo cảnh giới hay tâm trạng của con người:
- Dục lạc (kàmasukha/nandi): Niềm vui giác quan thuộc cõi dục.
- Thiên lạc (Devasukha/rati): Niềm vui cõi trời.
- Thiền lạc (samàdi-sukha/pìti): Niềm vui thiền định hay lắng tâm.
- Giải thoát lạc (vimuttasukha/ Nibbàna-sukha): Niềm vui chứng đắc viễn ly, thoát khỏi mọi trói buộc bởi tham ái hay chấp chủ.
Định nghĩa Dục Lạc (kàmasukha):
Dục lạc là danh từ được dịch ra từ tiếng Pàli trong Kinh tạng Nikàya là “kàmasukha”. “Kàma” là dục, hay sự ham muốn thuộc giác quan. “Sukha” là lạc, niềm vui. Kàmasukha là những thú vui giác quan mắt, tai, mũi, lưỡi, thân khi tiếp xúc với sắc, thanh, hương, vị, xúc vừa ý, đáng yêu. Tức niềm vui về sắc đẹp, tiếng hay, mùi thơm, vị ngon, xúc êm dịu. Dục lạc như vậy thuộc về ái, ái sắc, ái thanh, ái hương, ái vị, ái xúc hay còn gọi là dục ái, là một trong những nguyên nhân làm chúng sanh trôi lăn trong vòng sanh tử, luân hồi. Các dục chi phối hầu như toàn bộ đời sống của con người, vì con người sống và làm việc đều để đạt được hạnh phúc thế gian, hạnh phúc ấy chính là dục lạc.
Các từ ngữ liên quan đến dục lạc:
Nói đến dục lạc người ta thường nghĩ đến các từ ngữ liên quan với nó như khát ái, tham vọng, tham lam, dục tình …
a) Khát ái (tanha): Trước hết, khát ái là những khát khao yêu thương nắm giữ, là trạng thái gần như bức bách, đòi hỏi mong muốn để đạt được mục đích ham thích bản thân. Trong rất nhiều bản Kinh nguyên thủy, “khát ái” được định nghĩa như sau: “Chính ái (tanhà) này đưa đến tái sanh đồng khởi với hỷ và tham, tìm cầu lạc thú chỗ này chỗ khác”. Tanhà gồm có 3 thứ: (1) khát ái đối với khoái lạc giác quan ( dục ái – kàmatanhà), (2) khát ái hiện hữu và trở thành hiện hữu (hữu ái-Bhavatanha), (3) khát ái đừng hiện hữu (phi hữu ái – diệt ái – vibbàvatanhà).
b) Tham vọng: Là sự ham muốn, tìm cầu, mong ước một điều gì chưa có trong hiện tại, thường dùng để chỉ sự tìm cầu về mặt danh vọng, quyền thế, địa vị… sự say mê theo đuổi để đạt được những mục đích trên. tham vọng làm cho con người không muốn dừng lại ở vị trí của mình. Đây cũng là một thứ liên quan đến dục lạc vì nó cũng chỉ đáp ứng nhu cầu ham thích danh vọng của bản thân. Tham vọng thường chỉ sự mong muốn phi vật chất như đã nêu trên.
c) Tham lam: Đây là một trong 5 triền cái cản lối tu tập bao gồm cả sự ham muốn vật chất lẫn tinh thần, tất cả những gì đưa đến thỏa mãn hạnh phúc cá nhân, những ham muốn hoặc tốt, hoặc xấu, những ham muốn thuộc về dục giới đều gọi là tham. Về pháp này Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo, ta không thấy có một pháp nào khác mạnh mẽ như thế làm cho các tâm bất thiện chưa sanh được sanh khởi và các thiện tâm đã sanh bị đoạn tận như lòng tham lam. Với người có lòng tham lam, các tâm bất thiện chưa sanh nhất định sanh khởi và các thiện tâm đã sanh nhất định bị đoạn tận”. Tham lam như vậy có sức mạnh thôi thúc thỏa mãn dục lạc, nó là cửa nẻo của bất thiện pháp phát sinh, là phạm trù tất yếu liên quan đến dục lạc.
d) Dục tình: Đây là vấn đề quan trọng và chính yếu nhất thuộc về dục lạc. Dục tình là sự lôi cuốn, thu hút của hai con người khác giới tính ngang qua năm thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc. Dục tình là yếu tố căn bản làm chúng sanh lăn lộn trong sanh tử luân hồi. Sau đây là đoạn Kinh trích dẫn về dục tính thuộc về dục lạc:
“Này các tỳ kheo, ta không thấy có một sắc nào khác do nó mà tâm người đàn ông trở nên rất nô lệ như là bị nô lệ bởi “sắc” của người đàn bà. Này các tỳ kheo sắc của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông. Này các tỳ kheo, ta không thấy một thinh nào khác . . . ta không thấy một hương nào khác . . . ta không thấy một vị nào khác. . . ta không thấy có một xúc nào khác do nó mà tâm người đàn ông trở nên rất nô lệ như là bị nô lệ bởi xúc của người đàn bà. Này các tỳ kheo, xúc của người đàn bà ám ảnh tâm của người đàn ông”.
“Này các tỳ kheo, ta không thấy có một sắc (thanh, hương, vị, xúc ) nào khác do nó mà tâm người đàn bà trở nên rất nô lệ như là bị nô lệ bởi sắc (thinh, hương, vị, xúc) của người đàn ông. Này các tỳ kheo, tâm người đàn bà bị ám ảnh bởi thứ đó”.
Trong tất cả các lạc thú thuộc về dục lạc, chế ngự và xa lìa dục tình là yếu tố quan trọng quyết định căn bản đến phạm hạnh của người xuất gia và tánh hạnh của người xuất gia. Kinh Khởi Thế Nhân Bổn cho rằng dục tình là nhân tố chính để hình thành chúng sanh và thế giới ngũ dục này.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Đức Phật là người Thầy giáo vĩ đại
Đức Phật 12:00 20/11/2024Bản chất của đạo Phật là một nền giáo dục trí tuệ nhân văn vĩ đại, đức Phật là người thầy giáo vĩ đại của nhân loại.
Đức Phật lịch sử
Đức Phật 08:45 20/11/2024Đức Phật là bậc đạo sư của Phật giáo, tuy nhiên, không giống những vị giáo chủ các tôn giáo khác gắn liền phần tiểu sử của mình với những huyền ảo bí ẩn, cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni có cả phần huyền sử và phần lịch sử.
Đức Phật đến với chúng ta
Đức Phật 09:12 05/11/2024Chúng sinh hay hữu tình là những loài bị trói, không phải bởi một giây phiền não, mà cả trăm giây phiền não, cả ngàn giây phiền não, cả vô số vô biên giây phiền não.
Đức Phật: Nơi quy ngưỡng của tâm thức nhân loại
Đức Phật 11:05 28/10/2024Trong muôn vàn những phát biểu trang trọng mà nhân loại trên hành tinh đã dành để bày tỏ lòng kính ngưỡng đối với Đức Phật, có hai nhận định quan trọng nói về cuộc đời giác ngộ của Ngài, có thể giúp chúng ta hiểu lý do vì sao Liên Hiệp Quốc quyết định chọn Vesak làm ngày kỷ niệm và tôn vinh Ngài.
Xem thêm