Đôi điều chia sẻ về hành trình trải nghiệm đời sống, tu học của Phật tử
Thầy ơi, Trên hành trình trải nghiệm đời sống, tự tu học, rồi tự thấy ra, rồi lại mắc kẹt vào quan niệm mới, rồi lại bầm dập... con mới thấy để gặp được một người chỉ thẳng ra cho mình cách tự nhận ra sự thật, quả là hiếm có.
Câu hỏi:
Ngoài kia có biết bao nhiêu người với đủ loại căn cơ và các mức độ bám víu, mê mờ khác nhau... nên mới sinh ra hàng trăm ngàn các phương pháp thực hành đối trị, rồi người thế gian không hiểu nên khi xong việc lại vẫn cứ tiếp tục bám chấp vào những phương pháp đối trị như thế.
Vậy nên con luôn cảm thấy xúc động, thật khó nói nên lời, về sự giản dị uyên thâm, bản lĩnh, cũng như sự trung thực tuyệt đối của thầy khi chỉ cho mọi người cách tự thấy ra.
Người ta hay nói: “Cho cần câu, chứ không cho con cá”. Trong khi các phép đối trị chỉ giống như những con cá nhất thời cứu người khi đói kém, thì việc tự thấy biết tâm, cảnh mới chính là “cần câu”, để mỗi người tự trở về mà thấy ra sự thật.
Và trong hàng trăm mạnh thường quân cho con cá, thì mấy ai dạy người biết tự câu?
Bởi vì, để dạy một người biết tự nương tựa vào chính mình, tự nhìn ra sự thật, tự là ngọn đuốc soi sáng mê mờ của chính mình, thì người chỉ dạy phải nhận biết rất rõ ràng đâu là pháp đối trị, đâu mới là pháp thực hành cốt yếu.
Nhưng chỉ có vậy thôi thì không đủ, mà người chỉ dạy còn cần có một sự tôn trọng vô cùng tới người đang mê mờ. Đó là một sự tôn trọng đến từ cái thấy sâu sắc rằng ai ai cũng bình đẳng và có khả năng tự học và tự thấy ra, dù người này hiện tại đang có mê mờ đến đâu.
Thầy vẫn hay nói “cũng chỉ nên nói cho người hữu duyên”, đó là một sự thận trọng cần thiết để tuỳ thuận và lợi lạc nhất cho người đang vướng mắc.
Nhưng con thật sự rất cảm động và biết ơn thầy khi chứng kiến thầy nhẹ nhàng tạo ra những cái duyên đó cho người tưởng là “chưa hữu duyên”
Như một hôm nọ, có người chạy đến hớt hải gặp thầy, bạn này có lẽ cũng không biết mình đang gặp ai, chỉ được nghe giới thiệu thì liền chạy đến xin cứu giúp. Mặt bạn xanh mét, giọng nói đứt quãng, tay run lẩy bẩy. Bạn đảnh lễ thầy rồi nói liền vài câu không ra hơi, rằng bạn bị ma đuổi, tâm lý hoảng loạn.
Thầy nghe xong liền mỉm cười nói bạn chờ, rồi thầy vào phòng lấy chiếc dây đeo tay.
“Đây, đeo cái dây này vào, con cứ yên tâm nhé”.
Có chiếc vòng đeo tay, bạn bình tĩnh hẳn, trông vui vẻ lạc quan hơn.
Lúc này, thầy mới hỏi bạn còn đi học hay đang đi làm, cách nhà bao xa, đi bằng phương tiện gì. Hoá ra hàng ngày bạn phải chạy xe máy đi làm 30km trên con đường khá đông và khói bụi.
Thầy nói với bạn như vậy cũng có thể gây stress, căng thẳng, mệt mỏi, và thầy dặn bạn nhớ có thời gian nghỉ ngơi.
Dù không nói ra nhưng bạn có biểu hiện bắt đầu nhìn nhận và quay trở về xem lại hoạt động thường ngày của mình với sự điềm tĩnh hơn.
Thầy ơi, vậy cũng là xong hai phép đối trị rồi, chiếc vòng tay trấn an sự hoảng loạn, và lời dặn nhớ nghỉ ngơi giúp thân bạn được bình an.
Với người khác có lẽ thế là lời chỉ dẫn đã xong. Nhưng bây giờ mới là lúc cho thấy thầy không bỏ rơi bạn.
Thầy nói với bạn, đại ý là, tuy vậy, điều quan trọng nhất, sẽ giúp con nhất, đó là khi con đang làm gì, hãy để ý và biết mình đang làm điều đó. Ví dụ như, khi con quét nhà, hãy biết mình đang cầm cây chổi như thế này, mình đang quét nhà như thế này... Khi con cầm ly nước, hãy biết mình đang cầm ly nước...
Bạn chú ý lắng nghe, và có lẽ sẽ thực hành.
Đón nhận lời dạy đó như thế nào, làm được tới đâu... đúng là tuỳ căn cơ của bạn. Nhưng thầy đã thật tài tình nương theo bạn để rồi vẫn có thể chỉ dẫn được cho bạn cách thấy biết. Có lẽ dần dần không chỉ trong sự việc, hành động, mà bạn sẽ để ý được cả diễn biến trong tâm trí của mình.
Thầy ơi, trong quá trình tìm tòi, con nhận ra không dễ gì để được nghe hay đọc về cách tự thấy ra mình một cách thật tự nhiên, trong sáng, dễ hiểu, không câu nệ quy trình, tư thế, ghi nhớ, hay lễ giáo.
Thậm chí, khi có những tài liệu hay pháp môn cổ xưa nào nói thẳng về việc thực hành thấy biết không chấp nhặt vào quy trình, tư thế, ghi nhớ, lễ giáo... thường thì đó từng là tài liệu tối mật, pháp môn thượng thừa, cho trình độ căn cơ vô cùng cao, phải chứng minh, chứng tỏ thế nào đó thì mới được chỉ cho... Chính vì vậy nên vô tình làm cho mọi người tự ti, chấp thủ, tự ám thị rằng bản thân mình hay bao người khác chắc sẽ chẳng bao giờ “đủ căn cơ” để tự thấy ra. Thế rồi nhiều hành giả vì một quan niệm, niềm tin như thế mà tự gây ra trở ngại cho mình. Tự thấy thì đứa trẻ khi được hỏi cũng có thể tự thấy, còn nhận ra được điều gì qua những cái thấy đó, thì chỉ cần đủ nắng hoa sẽ nở, thấy đủ dữ liệu thì sẽ nhận ra vấn đề.
Là một đứa trẻ hay một người lớn, một người mê lầm nhiều hay ít, tiến trình tuy dài ngắn khác nhau nhưng đều là vậy, cứ thấy đi rồi khi thấy đủ sẽ tự nhận ra.
Một điều khiến con xúc động nữa, là việc thầy khuyến khích người ta sống và trải nghiệm để tự chính sự chứng thực đó đem lại bài học cho bản thân. Giống như một người thầy không khuyến khích học vẹt, học thuộc lòng, ngồi một chỗ vì sợ sai, yên tâm ê a cả ngày những bài học của ai đó đã chép ra cho mình, mà động viên học trò tự thực hành thực nghiệm, tự đối diện với cuộc đời, tự dám làm dám chịu dám thấy ra.
Thay vì lo lắng sợ học trò làm bậy, sợ học trò không đủ căn cơ/ trình độ, thay vì tìm cách bao bọc cấm cản hoặc khoanh vùng... Thầy lại bảo thích sao thì cứ làm đi con, nếu ngã đau khắc tự biết, quan trọng là con có thấy ra không? (Còn không thấy thì cứ làm tiếp, sai tiếp, đau tiếp, con nhé :D )
Con thấy rằng phải có một sự tự tại vô ngại, không còn bị chi phối bởi thời gian, không gian hay bất cứ quan niệm nào, mới có thể đầy tỉnh táo và yêu thương như vậy.
Đôi điều tâm đắc con xin gửi đến thầy, và con biết ơn thật nhiều vì được biết tới thầy.
Con, Ý Ly
Trả lời:
Sādhu lành thay! Cảm ơn con!
Theo: Trung tâm Hộ tông
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Có phải con đang né tránh bài học của pháp không?
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 13:00 22/11/2024Con thấy được những ràng buộc nơi tâm và thân trong đời sống gia đình, nên con không muốn kết hôn, không muốn bị ràng buộc. Những nhân duyên đến để con hình thành một mối quan hệ tình cảm thì con thường tìm cách thoát khỏi trước khi mối quan hệ có thể bắt đầu.
Tự tánh của tâm và biểu hiện của tâm
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 08:48 20/11/2024Thầy ơi cho con hỏi, khi nào gọi là tâm, khi nào là không có tâm? Sao có lúc thì là tâm, có lúc không phải là tâm, con không hiểu, xin Thầy hoan hỉ trả lời giúp con.
Hội đủ 5 yếu tố tạo nên nghiệp sát
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 19:40 19/11/2024Hỏi: Con muốn hỏi Thầy về giới, Thầy cho con hỏi sử dụng xà bông, nước rửa chén, kem đánh răng hay bột giặt có phải là phạm giới sát sanh? Hồi xưa thời của đức Phật không có những thứ này nên các vị thời đó nếu muốn giữ giới đều có thể hoàn hảo có phải không Thầy?
Hiểu rõ hai chữ "căn tu"
Hỏi đáp cùng Thầy Viên Minh 13:46 16/11/2024Thưa Thầy, làm thế nào để nhận biết một người có “căn tu” ạ?
Xem thêm