Từ Kinh Ðại Niệm Xứ lợi ích và phương thức hành thiền Vipassanā

Phương pháp thực tập thiền này đã được Đức Phật khám phá và dành trọn 45 năm hoằng dương giáo pháp để giảng dạy cho các đệ tử của Ngài. Thiền Minh Sát được đề cập rất rõ trong bài kinh số 22 Đại Niệm Xứ (Mahā Satipatthāna Sutta) thuộc kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya).

57

Thiền Minh Sát hay còn gọi là thiền Minh Sát Tuệ, tiếng Pāli là Vipassanā, có nghĩa là “Nhìn thấy mọi thứ như nó đang thực sự là”. Đây là tiến trình thực tập thanh lọc tâm, thông qua việc tự quan sát các đối tượng, là một phương pháp tu tập để đạt được giải thoát. Phương pháp thực tập thiền này đã được Đức Phật khám phá và dành trọn 45 năm hoằng dương giáo pháp để giảng dạy cho các đệ tử của Ngài. Thiền Minh Sát được đề cập rất rõ trong bài kinh số 22 Đại Niệm Xứ (Mahā Satipatthāna Sutta) thuộc kinh Trường Bộ (Dīgha Nikāya). Theo bản kinh hướng dẫn, hành giả chọn 4 đề mục là Thân (Thân thể), Thọ (Cảm xúc), Tâm và Pháp (Các đối tượng của tâm) để tiến hành quán sát. Chúng ta phải thực tập thiền Minh Sát Tuệ, bởi việc tu tập ấy đem lại rất nhiều lợi ích. Lợi ích của thiền Vipassanā, được Đức Phật khẳng định trong kinh Đại Niệm Xứ: “Này các Tỳ-kheo, đây là con đường độc nhất, đưa đến thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu chánh lý chứng ngộ Niết-bàn. Đó là Bốn niệm xứ” [1]. Dựa vào 4 đối tượng kể trên để tu tập, chúng ta quan sát được sự sanh diệt của Danh sắc và Ngũ uẩn. Qua đó, nghiệm được Vô thường (Anicca), Khổ (Dukka) và Vô ngã (Anatta), Bất tịnh của vạn pháp để cuối cùng chứng đắc các tầng tuệ Minh Sát, đạt được giải thoát, Niết-bàn tuyệt đối. 

LỢI ÍCH CỦA THIỀN Vipassanā

Lợi ích 1: Thanh tịnh chúng sanh

Thanh tịnh chúng sanh nghĩa là làm trong sạch lại tâm chúng sanh. Chúng sanh hữu tình đều bị ô nhiễm bởi nhiều loại phiền não (tham lam, sân hận, si mê). Khi duy trì liên tục việc thực hành chánh niệm (Sati), tỉnh giác một cách liên tục (Tinh tấn – Vīriya) thông qua tập thiền Vipassanā thì tâm sẽ từ từ được an định. Sự an định của tâm có công năng “thiêu đốt” các phiền não nhờ yếu tố Hỷ (Pīti), Khinh an (Passaddhi), Định (Samādhi) lần lượt xuất hiện và tăng trưởng. Cuối cùng là yếu tố Xả (Upekkhā) – buông bỏ mọi chấp trước và luôn có mặt ở mỗi giai đoạn. Một tâm thanh tịnh luôn có đầy đủ cả 7 yếu tố này. Những bất tịnh, khi được chiếu soi bởi chánh niệm sẽ “trồi lên bề mặt” của tâm, được nhận diện và đoạn trừ, vì thế tâm chúng ta dần dần thanh tịnh. 

Lợi ích thứ 2: Vượt khỏi Sầu – Bi 

Sầu-bi (Soka – Parideva) là những trạng thái tâm tiêu cực, chán chường; là tiếng than khóc khi đối diện với những cảm xúc lo lắng, trống rỗng,… và đều có nguồn gốc từ vô minh (Avijjā). Ví dụ, khi tiếp xúc với một hình ảnh đẹp, nhưng không có chánh niệm để ghi nhận thì tham ái và dính mắc sẽ tràn ngập, quấy nhiễu tâm thức. Từ đấy, tâm bắt đầu lên kế hoạch và tính toán để nắm giữ vật ưa thích hay điều mình mong muốn. Vì không thực hành Vipassanā để có chánh niệm ghi nhận, nên ta không hiểu được đặc tánh thật sự của đối tượng. Sự không hiểu này chính là vô minh. Vì bị vô minh nên chúng ta lầm nghĩ đối tượng là tốt đẹp rồi thèm muốn và dính mắc vào. Thèm muốn là ái dục và dính mắc là chấp thủ. Như vậy, chúng ta có vô minh, ái và thủ. Nếu sở hữu được thì làm chúng ta dính mắc vào đấy. Nếu không sở hữu được thì làm ta sân hận. Tất cả đều dẫn ta tới sầu, bi. Nó dẫn ta đến vòng luân hồi khổ đau phiền não theo vòng tròn của 12 chi duyên khởi. Nhưng nếu có thực tập thiền Minh Sát Tuệ, khi phải đối diện với những mất mát trong cuộc sống, yếu tố chánh niệm sẽ giúp hành giả nhận chân ra cuộc đời này là vô thường, đến đi được mất là lẽ tự nhiên tất yếu của cuộc sống. Khi có chánh niệm, phiền não sẽ không có cơ hội xâm nhập vào tâm ta bởi chánh niệm ví như một người lính gác, đứng ngay cửa giác quan nên không một tâm bất thiện nào có thể đi vào tâm ta được. 

z3148596346853_089d5fbd48c16dbb0ae92d1923a9b23b-1920x1280

Bên cạnh tham ái, sân hận cũng phát sanh do thiếu chánh niệm. Khi tiếp xúc với đối tượng không hài lòng, sân hận sẽ phát sinh nếu không có chánh niệm. Tâm hành giả cũng bị dao động. Khi bị bóng tối si mê che lấp, tâm sẽ tiếp tục tìm kiếm theo đuổi dục lạc ngũ trần và hậu quả thì không sao tránh khỏi sự phiền não khổ đau.

Lợi ích thứ 3: Diệt trừ Khổ (thân) – Ưu (tâm)

Khổ (Dukkha) được dùng chỉ sự đau đớn về thân thể vật lý và cảm thọ khổ hay khó chịu về tấm thân vật lý đó. Còn Ưu (Domanassa) chỉ sự khó chịu về tâm. Nó có thể là một ý nghĩ, một ký ức, hay sự sợ hãi. Khổ thân trong trường hợp này là sự đau nhức trong cơ thể, những khó chịu trong thân. Khổ tâm cũng là một tâm sở, như những trạng thái tâm ở trên, luôn có sự liên kết với nhau. Việc thực hành thiền tập để duy trì miên mật yếu tố chánh niệm sẽ giúp ta chế ngự, loại trừ hay tránh xa những tâm sở bất thiện. Cảm giác về khổ ở thân hay Ưu ở tâm chỉ là do những tạo tác, có điều kiện để sinh khởi và vượt khỏi tầm kiểm soát của ta. Nó tuyệt đối không phải là thứ gì “của ta”, “là ta” cũng không phải là bản ngã nào cả. Chánh niệm sẽ giúp hành giả nhận ra “cảm giác chỉ là cảm giác” và nằm ngoài tầm kiểm soát của bất kỳ ai. Khi nhận ra như vậy, ta không còn dính mắc và phản ứng thái quá về những trạng thái tâm khổ đau (hay vui sướng) nữa. Vì thế, có thể nói, mục đích của chánh niệm là giúp ta có được trí tuệ minh sát, nhận ra bản chất thật sự của các loại cảm giác (sầu, bi, khổ, ưu, não,…), từ đó không còn chìm đắm trong nó, cuối cùng buông bỏ được sự khổ đau. 

Lợi ích thứ 4: Thành tựu Thánh trí

Việc duy trì chánh niệm, ngoài việc loại trừ các phiền não như: Sầu, bi, khổ, ưu, còn giúp hành giả thành tựu được trí tuệ. Đặc tính của trí tuệ là đi sâu vào bản chất sự vật. Nhiệm vụ của nó là từ bỏ bóng tối của si mê, là cái che đậy tự tính của sự vật. Trí tuệ có biểu hiện là vô si. Và chính nhờ công năng của chánh niệm một cách liên tục, mà tạo nên Định có khả năng nhìn thấy thực tướng của các pháp: vô thường, khổ, vô ngã. Khi có được trí tuệ như vậy, hành giả không còn sự bám víu, cố chấp vào những giả tạm của thế gian, không còn cho rằng “đây là ta, đây là của ta, đây là tự ngã của ta”, nhờ thế mà dần dần hành giả giải thoát mọi sự ràng buộc của danh sắc và ngũ uẩn. Vì thế, một người với tâm định tĩnh có thể biết và thấy đúng. Trong Visuddhimagga (Thanh tịnh đạo luận), Buddhaghosa (Phật Âm) cho biết một hành giả tu tập thiền Minh Sát chuyên sâu sẽ trải qua tầng bậc từ thấp đến cao của các loại trí tuệ như: trí sinh diệt, trí biến diệt, trí bố uý… và tương ứng với tầng cấp chứng đạt quả vị từ thấp đến cao là: Tu-đà-hoàn, Tư-đà-hàm, A-na-hàm…

Lợi ích thứ 5: Chứng ngộ Niết-bàn

Lợi ích rốt ráo nhất của một hành giả tu tập thiền Minh Sát là có thể chứng đắc được Niết bàn (Nibbānassa sacchikiriyāya). Đây là trạng thái tâm sau khi trừ khử hoàn toàn mọi phiền não cấu uế. Niết bàn chính là hạnh phúc cao nhất; là sự chấm dứt hoàn toàn tham, sân, si, đoạn tận các lậu hoặc, đạt quả vị A-la-hán. Đức Phật dạy về mối liên hệ giữa việc tu tập Bốn Niệm xứ với các đạo quả như sau: “Thậm chí không cần bảy năm một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này như vậy trong sáu năm… trong năm năm… trong bốn năm… trong ba năm… trong hai năm… trong một năm. Này các Tỷ-kheo, không cần gì đến một năm, một vị nào tu tập Bốn Niệm xứ này trong bảy tháng, vị ấy có thể chứng một trong hai quả sau đây: Một là chứng Chánh trí ngay trong hiện tại; hay nếu còn hữu dư y, chứng quả Bất hoàn” [2]. Vì vậy, chúng ta mới gọi phương pháp thực tập thiền Minh Sát Tuệ – Vipassanā,  là “con đường độc nhất, đưa đến sự thanh tịnh cho chúng sanh, vượt khỏi sầu bi, diệt trừ khổ ưu, thành tựu Chánh lý, chứng ngộ Niết – bàn”. 

cuttrangkinh-9884

ỨNG DỤNG TU TẬP

Vì thiền Vipassanā có lợi ích như vậy, nên phải có phương pháp thực tập đúng đắn thì mới thu hoạch được nhiều lợi ích. Thực hành thiền Vipassanā là tuân theo hành trình của con đường cao quý có 8 phần (Bát chánh đạo), gồm: Giới, Định và Tuệ. Trong đó, yếu tố đầu tiên là Giới, người hành thiền phải vâng giữ những điều Giới luật mà mình đã thọ trì. Đối với Phật tử tại gia là 5 giới, 8 giới; người xuất gia thì 10 giới, 250 giới Tỳ-kheo hay 348 giới Tỳ-kheo-ni. Việc áp dụng những Giới này giúp tâm trí chúng ta đủ tĩnh lặng để tiến xa hơn trong việc hành thiền. Một người nếu không biết giữ gìn những điều đạo đức thì rất dễ tạo ra những hành động bất thiện, làm tâm tư cảm thấy hối hận, lo sợ. Đó là những yếu tố làm chúng ta khó có khả năng đạt được định tâm và chứng đắc được trí tuệ giải thoát. Điều ấy, có thể hình dung như một ngọn đèn, muốn phát huy được ánh sáng của nó, thì chụp đèn chính là phần Giới, có công năng bảo vệ ngọn lửa bên trong. Nhờ có chụp đèn, mà ngọn đèn không bị chao đảo, đấy chính là Định. Nhờ có Định, mà ánh sáng của đèn được chiếu rõ, đó là Tuệ để phá tan bóng tối của sự vô minh.

Có 4 đối tượng để chúng ta lựa chọn cho việc thực hành Vipassanā, là Thân, Thọ, Tâm, Pháp. Chúng ta nên thực tập bắt đầu bằng việc quán niệm trên Thân (Kāyānupassanā). Thực hành thiền không gói gọn trong việc chỉ ngồi (thiền toạ), nhưng trong 4 oai nghi chính (đi, đứng, nằm, ngồi) thì ngồi sẽ giúp ta dễ dàng quán sát hơn. Hành giả lựa chọn tư thế ngồi xếp bằng, có thể kê thêm bồ đoàn (xương cùng nằm giữa bồ đoàn), cho chân trái gác lên chân phải (hay ngược lại), bán già hay kiết già tuỳ theo hành giả, giữ lưng luôn thẳng, bàn tay phải để trên bàn tay trái và đặt trên hai lòng bàn chân (hai đầu ngón tay cái có thể chạm vào nhau).

Quá trình thực tập thiền Vipassanā nhằm phát triển trí tuệ để nhận chân ra tam tướng của vạn pháp là: vô thường, khổ và vô ngã. Một trong những đề mục dễ thực hành là quán niệm hơi thở. Việc quán sát hơi thở nên diễn ra tự nhiên, không nên gò bó, đè nén. Công việc này giúp tâm ta trở nên yên định. Hơi thở là đối tượng để thực tập ban đầu vì luôn hiện diện trong mỗi con người và khá là đơn giản. Có hơi thở là có sự tiếp xúc với hiện tại. Đầu tiên, hành giả có thể thực tập chánh niệm thông qua việc đếm hơi thở. Hành giả hướng tâm ở mũi và đếm từ 1 đến 10 rồi ngược lại. Nếu quá trình đếm, mà bị quên thì đếm lại từ đầu. Khi đếm hơi thở đã nhuần nhuyễn, hành giả có thể chuyển sang việc theo dõi hơi thở. “Hơi thở vào, hành giả biết hơi thở đang vào, hơi thở ra hành giả biết rằng hơi thở đang ra. Khi hơi thở dài biết hơi thở dài, khi hơi thở ngắn biết rằng hơi thở ngắn, khi hơi thở thô biết hơi thở thô, khi hơi thở tế, biết rằng hơi thở tế”.

Hành giả cũng có thể theo dõi sự phồng xẹp của khoang bụng. Và hành giả phải cố gắng giữ chánh niệm tỉnh giác liên tục. Hành giả duy trì ý thức toàn bộ chiều dài hơi thở vào rồi bắt đầu “đi ra, đi ra, đi ra”, sau đó ngừng đi ra, rồi lại bắt đầu “đi vào, đi vào, đi vào”. Cứ như thế, ta ý thức toàn diện, ý thức không ngừng về toàn bộ chiều dài hơi thở đi vào, toàn bộ chiều dài hơi thở đi ra. Như thế, hơi thở là đối tượng phổ quát chung cho mọi người.

Khi mới thực tập, sẽ rất khó để có thể theo dõi sát sao hơi thở, lúc này trong tâm ta sẽ xuất hiện rất nhiều suy nghĩ. Những suy nghĩ này lôi kéo tâm ra khỏi giây phút hiện tại với hơi thở của chính mình. Nhưng việc của chúng ta là cứ tiếp tục có mặt với hơi thở trở lại. Trong việc thực tập thiền Minh Sát hành giả dùng chánh niệm để theo dõi các giác quan để ngăn không cho tâm bất thiện có điều kiện chen vào. Quá trình thiền tập còn giúp chúng ta đối diện với các trạng thái cảm xúc (Thọ – Vedanā) và phản ứng của tâm chúng ta với trạng thái cảm xúc ấy (Tâm – Cittā). Thân và tâm là hai thực thể không tách liền nhau. Chúng ta trải nghiệm thực tại của thân bằng cách cảm nhận, dựa vào những cảm giác nảy sinh trên thân. Nếu không ý thức được cảm giác thì cũng không thể nào trực tiếp biết được về cấu trúc vật lý của thân thể. Nên cả hai thể tách rời nhau được. Tương tự như vậy, phần tinh thần có thể phân tích thành hình thức và nội dung: Tâm và những gì sinh khởi trong tâm (Dhammā) gồm ý nghĩ, cảm xúc, hy vọng, sợ hãi,…

59

Quan sát cảm thọ (Vedanānupassanā) cho chúng ta biết cụ thể về thực tại vô thường trong bản thân. Chúng ta thấy có sự thay đổi liên tục của cảm giác trong từng sát na. Hành giả chánh niệm và biết rõ sự sanh khởi, hoại diệt của các cảm thọ (thọ khổ, lạc, ưu, hỷ, xả…), chỉ có cảm thọ hiện hữu mà thôi. Ví dụ, khi ngồi thiền, chúng ta sẽ trải qua các cảm giác của sự an lạc, vì theo dõi được hơi thở một cách liên tục sẽ làm tâm yên ắng. Nhưng nếu ngồi lâu hơn, những cơn đau từ chân bắt đầu xuất hiện, cảm giác khó chịu (khổ thọ) bắt đầu xâm chiếm lấy ta. Nếu thay đổi tư thế, máu ở chân bắt đầu được tuần hoàn, cảm giác dễ chịu, thoải mái lại xuất hiện (lạc thọ). Cứ như thế, những cảm giác trong cơ thể tiếp tục thay đổi lẫn nhau. Công việc của chúng ta chỉ là quán sát cảm thọ đang sinh khởi, ghi nhận và niệm thầm “đau, đau” hay “dễ chịu, dễ chịu”. Quan sát sự thay đổi liên tục của cảm giác khiến ta chứng nghiệm được bản chất phù du của mình. Và sự chứng ngộ này cho thấy tính chất vô nghĩa nếu chúng ta bám chấp vào nó, vì nó chỉ mang tính hư ảo. Từ đó, ta khởi sinh sự chán lìa, không còn thèm muốn hay chán ghét mà xóa bỏ được thói quen phản ứng với các cảm thọ. Bằng cách này, ta dần dần giải thoát tâm khỏi mọi khổ đau.

Thông thường, cảm thọ sẽ đi kèm với trạng thái tâm. Pháp quán tâm trên tâm (Cittānupassanā) là trong lúc thiền tập, hành giả xuất hiện tâm gì, thì vị ấy chánh niệm và biết rõ tâm ấy. Hành giả quán sát sự sanh khởi, hoại diệt của nội, ngoại tâm và cả hai nội ngoại tâm. Ví dụ khi ngồi thiền, sau một khoảng thời gian, chân sẽ cảm thấy tê mỏi, đó là khi cảm thọ khó chịu bắt đầu sinh khởi. Cảm giác khó chịu dẫn ta tới trạng thái tâm bực bội sân hận, muốn thoát ra khỏi tình trạng trên, đó lại là sự sinh khởi tiếp của tâm tham. Nên việc thực hành Vipassanā, công việc của hành giả chỉ đơn thuần là ghi nhận trạng thái tâm ấy, “tôi đang sân, sân”, hay “tôi đang tham, đang tham”. Khi ghi nhận được như vậy nghĩa là ta đang thực hành “quán tâm trên tâm”.

Khi đã thực tập thuần thục tư thế ngồi, chúng ta có thể bắt đầu ứng dụng vào mọi sinh hoạt trong cuộc sống như đi (thiền hành), đứng, nằm (thiền buông thư),… Ảnh: pixabay.com

Khi đã thực tập thuần thục tư thế ngồi, chúng ta có thể bắt đầu ứng dụng vào mọi sinh hoạt trong cuộc sống như đi (thiền hành), đứng, nằm (thiền buông thư),… Ảnh: pixabay.com

Trong kinh Đại Niệm Xứ, quán sát pháp trên pháp (Dhammānupassanā) để chỉ cho: Năm chướng ngại – Nīvarana (tham dục, sân hận, hôn trầm – thuỳ miên, phóng tâm – hối hận và hoài nghi), năm nhóm tập hợp – Upādānakhanda (sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn), sáu căn và sáu trần – Āyatana (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý – sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), bảy pháp giác ngộ – Bojjanga (niệm, trạch pháp, tinh tấn, hỷ, khinh an, định, xả), bốn chân lý cao thượng – Ariyasacca (khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt khổ, và con đường đưa đến sự diệt khổ). Thấy cái gì và chúng ta chú tâm chánh niệm vào cái đó là ta đang “quán sát pháp trên pháp”. Như vậy, đề mục pháp để quán sát rất rộng, gồm tất cả mọi đối tượng, đối tượng nào cũng được. Cả thân lẫn tâm đều là đối tượng. Vậy thì niệm gì cũng có thể gọi là niệm pháp. Thực hành bốn căn bản chánh niệm theo thứ tự, cũng không cố gắng tìm xem ta đang quán sát lãnh vực nào của chánh niệm: quán sát thân, quán sát thọ, quán sát tâm hay quán sát pháp. Nếu cố gắng tìm xem ta đang chánh niệm loại nào thì sẽ bị vọng tâm. Chúng ta phải quán sát và ghi nhận đề mục trong hiện tại, không cần tìm hiểu xem đề mục thuộc loại nào: Thân, thọ, tâm hay pháp gì cả. Dù đề mục gì đi nữa, bổn phận của chúng ta là chánh niệm ghi nhận để khỏi tham đắm, dính mắc hoặc ưu phiền sân hận trên đối tượng mà mình đang quán sát. Và khi thực hành, không sao thoát khỏi trường hợp đôi khi chúng ta bị thất niệm, rong ruổi theo những suy nghĩ miên man không dứt về tất cả những vấn đề khác nhau. Việc của chúng ta lúc ấy là hãy lấy sự thất niệm này làm đề mục và ghi nhận “quên, quên” hay “thất niệm, thất niệm” rồi trở về với đề mục chính (thường bắt đầu lại bằng đề mục hơi thở).

Nếu chúng ta có thể giữ chánh niệm liên tục, tâm khắng khít trên đề mục thì sẽ tiến bộ nhanh chóng và bắt đầu thấy được bản chất  sự vật; nghĩa là sẽ thấy được sự sinh và diệt. Khi thấy được sự vật sinh diệt, ta cũng thấy được sự vật là vô thường. Khi thấy được sự vật vô thường, ta cũng thấy bản chất đau khổ của sự vật và bản chất vô ngã. Hay thấy rằng, bạn không thể điều khiển hoặc kiểm soát chúng. Nó sinh và diệt một cách tự do theo ý muốn và chúng ta không làm chủ được chúng. Khi thấy được như thế là chúng ta đã thấy ba bản chất tổng quát của mọi pháp hữu vi, pháp có điều kiện. Thấy bản chất vô thường, khổ, vô ngã của sự vật là mục tiêu, hay cốt tủy của thiền Minh Sát. Quá trình quán niệm trên bốn lĩnh vực này luôn cần duy trì liên tục không gián đoạn (tinh tấn). Ba yếu tố: chánh niệm, tinh tấn, tỉnh giác nếu luôn hiện hữu trong quá trình tu tập sẽ là nền tảng cho sự phát triển trí tuệ và chánh niệm về sau, giúp hành giả không tham ái, tà kiến.

Thực tập thiền Vipassanā không chỉ gói gọn trong tư thế ngồi. Khi đã thực tập thuần thục tư thế ngồi, ta có thể bắt đầu ứng dụng vào mọi sinh hoạt trong cuộc sống. Hành giả có thể thực hiện chánh niệm ở tất cả các oai nghi còn lại như đi (thiền hành), đứng, nằm (thiền buông thư), khi mặc y, mang bát, ăn, uống, nhai, nuốt, khi đi đại tiện, tiểu tiện, nói, im lặng,… Nghĩa là việc thực hành thiền Minh Sát không bó buộc trong phạm vi nào cả, chúng ta có thể thực tập ở tất cả mọi hoạt động trong sinh hoạt hằng ngày. Chỉ cần có sự chiếu dụng của chánh niệm, tỉnh giác, thì việc thực tập đều đem lại kết quả tốt đẹp.

Việc thực tập thiền Vipassanā nhằm có thể duy trì chánh niệm. Nó như sợi dây xuyên suốt các đối tượng, dẫn dắt hành giả dần dần thanh lọc tâm bằng cách loại trừ các phiền não từ thô cho đến tế, dần dần khai mở các tầng trí tuệ, hướng hành giả từng bước vào con đường của bậc thánh. Tuy nhiên, việc tu tập thiền không phải chỉ dành cho những người đi tìm sự giác ngộ về sự sống, mà còn dành cho những người đi tìm cuộc sống hạnh phúc và ý nghĩa hơn. Vì vậy, hiểu về tầm quan trọng của thiền Vipassanā, chúng ta càng ý thức hơn trong việc nỗ lực thực tập không chỉ trong đời sống tu tập mà còn trong sinh hoạt hằng ngày. Có như vậy, ta mới dần đạt được giải thoát như lời Đức Phật đã dạy trong Kinh Pháp cú:

“Không trí tuệ không thiền

Không thiền không trí tuệ

Người có thiền có tuệ

Nhất định gần Niết – bàn” [3].

(PC – 372)

Chú thích:

[1] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Kinh Đại Niệm Xứ số 22, Nxb.Tôn giáo, 2013; tr.445.

[2] Sđd 1, tr.459.

[3] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu Bộ, Tập I – Pháp Cú, Nxb. Tôn giáo, 2015, tr.95.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Kinh Ái sanh (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)

Kinh Phật 17:30 20/12/2024

Phật nói Kinh Ái sanh, trích từ Trung Bộ Kinh tập 2, Kinh Ái sanh, số 87, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Kinh phân biệt về sự thật

Kinh Phật 19:00 19/12/2024

Phật nói Kinh Phân biệt về sự thật. Trích từ Kinh Trung Bộ III, Kinh Phân biệt về sự thật, số 141, Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Kinh Diệu pháp Liên Hoa tóm lược – Thí dụ về 6 căn bản phiền não (P.3)

Kinh Phật 10:24 19/12/2024

Kinh Diệu pháp Liên Hoa sử dụng pháp môn phương tiện quyền xảo, khéo léo lấy nhiều ví dụ từ trần thế để mong giáo hoá được chúng sinh, dẫn dắt chúng sinh thoát khỏi mê lầm.

Kinh phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu)

Kinh Phật 19:30 18/12/2024

Kinh Phân biệt cúng dường (tiếng Việt, dễ đọc dễ hiểu), Phật nói Kinh Phân biệt cúng dường. Trích từ “Kinh Điển Tam Tạng - Tạng Kinh - Kinh Trung Bộ III", Hòa thượng Thích Minh Châu dịch Việt.

Xem thêm