Đồng khí tương cầu
Một thời, đức Phật ở tại nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp-cô-độc. Vào buổi chiều, dân chúng trong thành rủ nhau đến thăm Thế Tôn. Bấy giờ ngài vì vô số chúng sinh vây quanh trước sau, thuyết giảng pháp yếu.
Khi ấy, Tôn giả Xá-lợi-phất dắt nhiều chúng tỳ Kheo đi kinh hành. Các vị Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp, A-na-luật, Ly-bà-đa, Ca-chiên-diên, Phú-lâu-na, Ưu-ba-ly, Tu-bồ-đề, La-hầu-la, A-nan… mỗi người đều dắt một số tỳ kheo đi kinh hành. Đề-bà-đạt-đa cũng dẫn nhóm của mình tự đi kinh hành. Nhân đó, đức Thế Tôn dạy hội chúng, trong đó có các Tỳ kheo đang ngồi nghe pháp.
Ngài nói:- Người đời, thân căn và tánh tình mỗi mỗi tự thích hợp với nhau. Người hiền làm bạn với người hiền, người ác làm bạn với người ác. Như sữa tương ưng với sữa, bơ tương ưng với bơ, phẩn uế tương ưng với phẩn uế. Căn tánh, hành động, pháp tắc của mỗi chúng sanh mỗi tự tương ưng với nhau. Người hiền tương ưng với người hiền, người ác tương ưng với người ác. Các ông có thấy Tỳ kheo Xá-lợi-phất dắt các Tỳ kheo đi kinh hành kia chăng?
- Bạch Thế Tôn, thấy.
Phật bảo các tỳ kheo:
- Những người ấy đều là hàng có trí tuệ.
Đức Phật lại chỉ nhóm tỳ kheo đang đi với Tôn giả Mục-kiền-liên và bảo:
- Những tỳ kheo ấy đều là hàng có thần túc.
Rồi chỉ các tỳ kheo trong nhóm của Ca-diếp, ngài bảo:
- Các người ấy đều thực hành mười một pháp đầu đà.
Như thế, tuần tự đến các tỳ kheo của A Na Luật:
- Các hiền sĩ ấy đều là hàng có Thiên nhãn đệ nhất.
Với các tỳ kheo đang đi với Ly-bà-đa:
- Những người ấy đều là hàng nhập định.
Với các tỳ kheo trong nhóm Ca-chiên-diên:
- Những thượng sĩ ấy đều giỏi phân biệt nghĩa lý.
Với các Tỳ kheo thuộc tôn giả Phú-lâu-na:
- Đó là hạng thuyết pháp đệ nhất.
Những tỳ kheo đang đi với Ưu-ba-ly:
- Đó là hàng giữ gìn giới cấm.
Với nhóm Tu-bồ-đề, ngài nói:
- Các thượng nhân ấy đều là bậc giải không đệ nhất.
Với các tỳ kheo cùng đi với La-hầu-la, ngài bảo:
- Đó là hàng đầy đủ giới luật.
Với nhóm của A Nan, ngài nói:
- Những người ấy đều là hàng đa văn đệ nhất, nghe rồi không quên.
Về phần các Tỳ kheo đi chung với Đề-bà-đạt-đa, Phật cũng xác định:
- Đó là những người lấy việc ác làm đầu, đánh mất gốc lành.
Rồi Ngài nói kệ:Chớ cùng ác tri thứcCùng người ngu làm việc
Nên cùng thiện tri thức
Giao thiệp với người trí
Nếu người vốn không ác
Gần gũi với người ác
Sau ắt thành nhân ác
Tiếng ác đồn khắp nơi
Câu chuyện đức Phật dạy các tỳ kheo trong buổi chiều cùng với bài kệ của Ngài, được các tỳ kheo truyền đi và học thuộc nhanh chóng. Hơn 30 đệ tử của Đề-bà-đạt-đa nghe bài kệ, ngẫm nghĩ nghĩa lý xong, họ nhận ra lỗi lầm của mình. Họ so sánh họ với đồ chúng của những vị đệ tử thượng túc. Tại sao các đệ tử kia đều là hàng trí tuệ hoặc đa văn v.v… còn chúng ta lại là những người đánh mất gốc lành? So sánh rồi, tất cả rủ nhau đến chỗ Phật, cúi đầu lễ dưới chân Ngài và xin sám hối:
- Chúng con ngu si mê lầm, không biết chơn ngụy, bỏ thiện tri thức mà gần ác tri thức. Cúi xin Thế Tôn tha thứ. Về sau không dám tái phạm.
Đức Phật bảo các tỳ kheo:
- Cho phép các ông sám hối lỗi lầm, sửa điều đã làm, chỉnh đốn điều sắp làm, đừng phạm lại.
Khi ấy, các tỳ kheo vâng lời Phật dạy, tìm chỗ vắng nỗ lực tu tập thiền quán, và tất cả đều chứng quả A-la-hán.
Bài kinh trên được trích dịch từ kinh Tăng Nhất A-hàm. Các kinh bộ A-hàm ngoài tính cách chuyên chở giáo lý, còn mô tả đời sống Tăng đoàn. Chúng ta thấy khung cảnh vườn Kỳ-đà vào buổi chiều, các tỳ kheo đi kinh hành dưới những bóng mát lá cây. Các thầy cũng thích đi chung với những người hợp "jeu" với mình. Từ đó đức Thế Tôn dạy một bài học. Lời dạy căn cứ trên một sự kiện thông thường nhưng thể hiện chân lý muôn đời."Đồng thanh tương ứng. Đồng khí tương cầu". Những người căn tánh thích hợp thường tìm đến nhau như nhà Nho vẫn nói: "Trong nhà có quân tử, ngoài cửa quân tử đến. Trong nhà có tiểu nhân, ngoài cửa tiểu nhân tìm". Nếu mình thích đi chùa nghe pháp thì sẽ có bạn đạo, còn mình là đệ tử của lưu linh thì sẽ có bạn nhậu. Chuyện ấy ai cũng biết. Nhưng để rút ra một bài học như lời Phật dạy: "Các ông nên tương ưng với tịnh, chẳng nên tương ưng với bất tịnh", thì chỉ có đức Điều Ngự mới nói lên điều này .
Một điều ghi nhận nữa là, các tỳ kheo thời ấy cũng có nhiều bậc đa văn, trí tuệ, thiên nhãn… Đức Phật cũng phân từng nhóm rõ ràng, trên mỗi nhóm đó là một vị bậc nhất. Không loại trừ nhóm thích làm việc ác có Đề-đà-đạt-đa dẫn đầu. Thái độ của đức Phật đối với nhóm này, là vẫn để họ đi chung và chỉ cho các tỳ kheo thấy một hình ảnh tương phản. Và cuối cùng nói một bài kệ. Bài kệ kết thúc buổi đi kinh hành của các Tỳ kheo và đưa ra luận đề để đại chúng suy gẫm: Giao tiếp với người ác sẽ có hai việc xảy ra. Một, chính mình trở thành ác. Hai, tiếng xấu sẽ lan truyền khắp nơi.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Thân và tâm chính là cánh cửa để người học Phật bước vào chân lý
Kiến thức 17:05 22/11/2024Người học Phật phải lấy thân này làm nơi để thực hành giới, lấy tâm này làm nơi để thực tập định và tuệ. Khi thân và tâm được thanh lọc qua quá trình thực hành, thì người học Phật cũng từng bước đi đến sự giác ngộ và giải thoát.
Tu hành là gì? Như thế nào gọi là tu hành?
Kiến thức 10:00 22/11/2024Mọi người nhất định không nên hiểu lầm, hiểu sai đi ý nghĩa của hai chữ tu hành này. Như thế nào gọi là tu hành?
Bố thí sinh phiền não
Kiến thức 09:32 22/11/2024Thuở xưa, khi mà Ngài Xá-lợi-phất đang tu Bồ-tát đạo, công phu tu tập chưa được vững. Một hôm có người Bà-la-môn đến thử Ngài. Họ nói: - Người tu hạnh Bồ-tát cần phải bố thí. Tôi nay có chút việc đến xin Ngài giúp cho.
Tâm là gì?
Kiến thức 09:16 22/11/2024Trong chữ Hán, chữ (心) được mô tả bằng bốn câu thơ như sau: “Tam điểm như tinh tượng/ Hoành câu tợ nguyệt tà/ Phi mao tùng thử đắc/ Tố Phật dã do tha”.
Xem thêm