Đốt vàng mã là một hủ tục mê tín
Phật giáo không hề thấy có việc đốt vàng mã cúng tế người chết ghi trong tam tạng kinh điển. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này.
Phật giáo chỉ khuyên các con cái thân thuộc của người chết nên làm các việc như bố thí giúp người nghèo khổ, cúng dường trai tăng, ăn chay niệm Phật và phóng sinh rồi hồi hướng công đức ấy cho vong linh để siêu độ vong linh...
Trong một dịp đi hành hương các chùa nhân dịp đầu năm, chúng tôi có cơ hội chứng kiến việc đốt vàng mã để cúng lễ tại các chùa đền khắp nước Việt Nam. Nay trong một dịp dự tang lễ người quen tại một nhà quàn ở thành phố Westminster Hoa Kỳ, chúng tôi cũng chứng kiến việc đốt vàng mã cúng tế người quá vãng. Thật không ngờ thói tục này lại có thể được thực hiện nơi một xứ được gọi là văn minh tiên tiến nhất thế giới này. Sau khi tìm hiểu, chúng tôi được cho biết là ngay trong cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ và một vài nước khác trên thế giới, vẫn còn việc đốt sớ và vàng mã cho những người đã khuất nhân dịp họ cúng giỗ và cầu siêu tại gia đình hay tại một số chùa.
Tại Việt Nam, tục lệ đốt vàng mã đã và đang phát triển mạnh, không còn ở trong phạm vi cúng giỗ ở gia đình và chùa đền mà còn lan sang các cơ quan công quyền quốc doanh, trở thành một nghi thức không thể thiếu của các công ty xây dựng cầu đường và các công trình thủy điện, trong các buổi lễ động thổ, khởi công các công trình do nhà nước giao phó. Theo Bộ Văn Hoá Thông Tin cho biết khoảng 50.000 tấn vàng mã được sử dụng trong một năm và riêng tại Hà Nội đã tiêu thụ trên 400 tỉ đồng cho việc đốt vàng mã. Tại miền Nam California, nơi có đông người Việt cư ngụ, không có con số thống kê nhưng tất cả các siêu thị Việt Nam và Trung Hoa đều bày bán vàng mã, chứng tỏ có nhu cầu tiêu thụ.
Trong nước, đã có nhiều vị Sư kêu gọi bà con nên bỏ thói tục mê tín này. Nói về vấn đề này, cố Hoà thượng Thích Thanh Tứ từng khai thị rằng: “nhiều người lúc cha mẹ còn sống thì ngược đãi, đánh đập. Thế mà đến ngày báo hiếu thì những người con ấy lại đốt vàng mã thật nhiều để báo hiếu cha mẹ. Hành vi ngược đãi cha mẹ, luật pháp cũng không dung tha, Phật cũng không chấp nhận lễ của những đứa con bất hiếu đó. Phật dạy, con cái phải thờ phụng cha mẹ, nuôi dưỡng cha mẹ lúc già yếu. Không nên biến ngày Đại lễ Vu Lan trở thành ngày mê tín dị đoan, lãng phí.”
Thật ra tục lệ đốt vàng mã đã có từ lâu đời, đã bén rễ và ăn sâu vào tâm thức của người dân Việt Nam nên rất khó từ bỏ trong một sớm một chiều. Nhiều người cho đó là một trong những nét đẹp văn hoá của phong tục thờ cúng tổ tiên. Nhưng việc này cần nên xét lại, có thể chỉ vì không biết rõ nguồn gốc nên cứ theo tục “trước làm sao nay làm vậy”. Vậy chúng ta cũng nên tìm hiểu nguồn gốc của nó để thấy rõ đó là một thói tục mê tín cần loại bỏ trong sinh hoạt đời sống tâm linh của người Việt.
Sau khi nghiên cứu lịch sử Trung Hoa, chúng tôi được biết, tục đốt vàng mã là của người Trung Hoa, bắt đầu từ nhà Hán. Nguyên do vì nhà vua muốn thực hành lời dạy của Đức Khổng Tử: “Sự tử như sự sinh, sự vong như sự tồn”, nghĩa là thờ người chết như thờ người sống, thờ người mất như thờ người còn. Nên khi nhà vua băng hà, phải bỏ tiền bạc thật vào trong áo quan để vua tiêu dùng. Sau đó quan bắt chước vua và rồi dân bắt chước quan. Ai cũng chôn tiền thật theo người chết. Bọn trộm cướp biết vậy nên đào trộm mồ những người giầu có, như mộ vua Hán Văn Đế bị quân trộm khai quật lấy hết vàng bạc châu báu. Về sau từ quan đến dân thấy việc chôn tiền bạc thật quá tốn kém nên mới nảy sinh ra dùng giấy cắt ra làm tiền giả, vàng giả để thay thế. Dần dà người dân bắt chước và trở thành tập tục. Đến năm Khai Nguyên thứ 26 ( 738 DL), vua Đường Huyền Tông ra sắc dụ cho phép dùng tiền giấy thay cho tiền thật trong việc cúng tế cầu siêu. Việc sử dụng vàng mã chính thức bắt đầu từ đấy và sau đó du nhập qua Việt Nam theo dấu chân những người Trung Hoa đi chinh chiến.
Nguồn gốc chỉ vì một ông vua Tàu tuân hành lời dạy của ông Khổng coi người chết như còn đang sống, chứ ai cũng biết người chết không thể nào tiêu xài số tiền vàng chôn theo ấy. Ngày xưa chôn tiền bạc thật theo người chết như thế, không có ích lợi gì mà chỉ làm khổ người thân, thì việc đốt vàng mã tức toàn đồ giả thời nay có ích gì. Huống hồ nếu xét kỹ thấy toàn những chuyện nghịch lý đến khôi hài. Như có người (ở Hà Nội) cúng người chết cả máy điện thoại cầm tay bằng giấy, Honda Dream bằng giấy và máy vi tính bằng giấy nữa. Khi còn sống không hiểu người chết ấy có biết sử dụng máy vi tính, điện thoại cầm tay hay xe Honda không? Còn nữa chưa hết, người viết xin ghi lại một đoạn tường thuật ngắn của phóng viên báo VnExpress khi đi thăm phố Hàng Mã nhân dịp ngày Vu Lan năm ngoái. Xin trích “Tại phố Hàng Mã (Hà Nội) điểm "phân phối" hàng mã cho những người bán rong trên các đường phố luôn đông nghịt người mua sắm, bộ cúng thần linh rẻ nhất cũng 15.000 đồng, cúng chúng sinh giá tương tự. Chúng tôi chen chân hỏi mua đồ cúng với giá "bình dân" đã không được các chủ hàng bán. Tôi chứng kiến một phụ nữ trung niên cùng cô con gái đến mua nhà lầu, xe hơi, điện thoại di động, tivi, xe máy, quần áo, tiền USD. Họ còn mua thêm một cô gái bằng giấy, nhưng cũng giày cao gót, cũng váy ngắn, áo lửng. Khi bà mẹ cầm "cô gái" trong tay thì cô con gái cầm ngay chiếc kéo nhỏ đâm lia đâm lịa vào mặt hình nhân thế mạng. Giải thích cho những người xung quanh về việc làm kỳ quặc của cô con gái, người phụ nữ trung niên nói: "Bố cháu làm tổng giám đốc, nay xuống dưới ấy cũng phải gửi cho ông ấy cô thư ký, nhưng phải làm cho nó xấu xí để khỏi trở thành bồ của bố cháu".
Thật là khôi hài, lễ Vu Lan và các lễ tết truyền thống của người Việt chúng ta là những ngày để con cháu nhớ tưởng đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên, đã bị biến thể một cách lạ lùng. Nếu bảo rằng “sự tử như sự sanh” thì thử hỏi những đồ vàng mã ấy khi còn sống có ai tiêu xài được không.
Với Phật giáo, chúng tôi không hề thấy có việc đốt vàng mã cúng tế người chết ghi trong tam tạng kinh điển. Quan điểm của đạo Phật hoàn toàn bác bỏ tục lệ mê tín này. Phật giáo chỉ khuyên các con cái thân thuộc của người chết nên làm các việc như bố thí giúp người nghèo khổ, cúng dường trai tăng, ăn chay niệm Phật và phóng sinh rồi hồi hướng công đức ấy cho vong linh để siêu độ vong linh; khi mai táng, không nên dùng quan tài đắt tiền, không nên để cho người chết mặc quần áo đắt tiền, không nên phung phí quá nhiều công và của cho việc tang lễ. Trái lại, nên mặc cho người chết quần áo bình thường, sạch sẽ, còn quần áo tốt đẹp và mới thì nên đem bố thí cho kẻ nghèo, nếu có tiền thì nên in kinh sách để Phật pháp lưu hành và bố thí cho người nghèo bớt khổ. Chỉ có làm như vậy, vong linh người chết mới thật sự được lợi ích; còn nếu đem các đồ vật quý cùng mai táng với người chết, hay đốt vàng mã để người chết tiêu dùng dưới âm phủ, thì đó là hành vi thiếu trí tuệ, không xứng đáng là một Phật tử chân chánh.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Cách sám hối ngắn gọn súc tích Phật tử nên biết
Kiến thức 13:30 04/11/2024Phương pháp đọc các bài sám hối, để gọi là đọc đúng, đó là không quá chú trọng việc đọc, mà tập trung vào việc hiểu. Đọc chậm cũng được, đọc vấp cũng được, đọc đi đọc lại một câu, một đoạn cũng được....cốt yếu là để hiểu thật kĩ nghĩa của những lời sám hối đó.
Thực hành thiền Phật giáo
Kiến thức 11:40 04/11/2024Mục đích tối hậu của thiền là giúp tâm ta định và sáng, có thể thấy biết đúng như thật về thật tính của vạn pháp, bản chất của mọi sự vật hiện tượng, cả những hiện tượng vi tế nhất.
“Phàm làm việc gì, trước phải xét kết quả của nó về sau”
Kiến thức 10:00 04/11/2024Những người không nghĩ đến quả mà cứ gieo nhân bừa bãi, thì thế nào cũng gặt nhiều tai họa, gây tạo cho mình những điều phiền phức, có khi làm ung độc cả cuộc đời, cả sự sống. Chỉ có những người nông nỗi, liều lĩnh mới không nghĩ đến ngày mai, mới sống qua ngày.
Ý nghĩa của việc tụng Kinh, trì Chú và niệm Phật
Kiến thức 08:54 04/11/2024Trong suốt cuộc đời hoằng pháp, đức Phật không hề viết sách. Tất cả kim ngôn hay lời dạy của Ngài được truyền thừa lại nhờ vào truyền thống tụng đọc thuộc lòng, của các vị đệ tử của Ngài truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Xem thêm