Chủ nhật, 31/07/2022, 08:59 AM

Đốt vàng mã, một tập tục mê tín

Trong tất cả kinh sách Phật giáo xưa nay không thể tìm đâu ra được bất cứ một câu, một lời nào đức Phật đề cập đến việc đốt giấy tờ vàng mã. Ngược lại, cửa Phật còn nghiêm cấm sử dụng việc làm này bất cứ dưới hình thức nào.

Trên thế giới từ xưa đã có nhiều cách mai táng người quá cố như: Địa táng (chôn xuống đất), Hỏa táng (thiêu bằng lửa), Thủy táng (thả xuống nước), Không táng (đốt thành tro vải lên không trung), Điểu táng (để xác cho chim ăn), Sơn táng (treo quan tài nơi vách núi)… Ở Phi châu còn có bộ lạc muối xác của cha mẹ mình để ăn dần theo quan niệm giữ thân xác của cha mẹ trong thân thể mình như là một cách báo hiếu tích cực nhất.

Người Việt Nam theo tập quán Địa táng. Các hình thức khác không thấy có ngoại trừ trường hợp Hỏa táng dành riêng cho các bậc Tăng lữ của Phật giáo. Ngày nay hình thức Hỏa táng cũng đã được phổ biến rộng rãi, nhất là ở thành phố vì điều kiện môi trường và đất đai.

Người phương Tây có dịp quan sát một đám tang đã phải thốt lên: “Người Việt Nam coi trọng người chết hơn người sống.”

Về mặt nào đó, nhận xét trên không sai. Không ai không có một lần phải vĩnh viễn ra đi. Nghĩa tử là nghĩa tận. Người chết không mang ân oán theo xuống lòng huyệt mộ thì người sống cũng không còn câu chấp những mắc mứu đã qua. Tang lễ được tổ chức quy mô, trang trọng là điển hình của sự xả bỏ đó. Tập quán ấy không thể thiếu giữa cuộc sống đời thường trong lòng dân tộc nhưng bên cạnh những mỹ tục cần nên phát huy gìn giữ thì cũng có những hủ tục phải biết nhìn lại để loại trừ. Đó là việc đốt, rải vàng mã.

p2-1-700x366-1-700x366

Khi một người đã nằm xuống, lúc tẩm liệm người nhà đã cho rất nhiều giấy vàng bạc vào trong quan tài nhằm cho người chết có tiền để tiêu xài lúc xuống âm ty. Khi đưa quan lại rải giấy vàng bạc theo dọc đường nhằm mục đích vừa để mua đường vừa để cho linh hồn người chết nhớ đường để về. Những ngày giỗ chạp, lễ tết, ngoài giấy vàng bạc họ còn đốt cả những vật dụng làm bằng giấy do những người thợ mã khéo tay thực hiện như giày dép, nón mũ, nhà cửa, xe cộ…cho người quá cố theo quan niệm “Âm dương đồng nhất lý”, dương gian như thế nào thì âm phủ cũng phải như vậy. Cứ đời này truyền sang đời khác, xưa bày nay vẽ một cách mù quáng mà không hiểu được thực chất của việc làm ấy đúng hay sai.

Nhìn lại quá khứ, tục đốt, rải vàng mã không phải là của người Việt Nam, mà có nguồn gốc từ Trung Hoa. Dân tộc ta trải qua hằng ngàn năm bị lệ thuộc Trung Hoa nên nhiều tập tục của họ đã lây nhiễm sang ta một cách đương nhiên, bất kể là chuyện tốt hay chuyện xấu. Tục đốt vàng mã cũng từ đó mà có. Họ vừa truyền bá tập tục để mong đồng hóa được dân tộc ta, vừa có mục đích kinh doanh kiếm lợi.

Ngược dòng lịch sử, việc dùng vàng mã của người Trung Hoa truyền sang nước ta là cả một quá trình nhiều đời nhiều kiếp.

Kinh dịch Nho giáo cho biết về thời thượng cổ người chết cứ để vậy đem chôn, không biết đến phần mộ, quan quách. Đến đời Hoàng đế (2.679 trước Tây lịch) sai ông Xích Xương sáng chế ra quan quách để dùng cho việc chôn cất người chết, kéo dài đến đời Đường Ngu. Bước sang nhà Hạ (2.205 trước Tây lịch) mới bắt đầu có lệ dùng đất sét nắn làm mâm bát, dùng tre gỗ làm nhạc khí gọi chung là minh khí hoặc quý khí, chế ra người bù nhìn bằng gỗ đều chôn theo người chết để có vật dụng dùng và người sai khiến nơi cõi âm. Bắt đầu từ đó lễ nhạc cho đám tang mới xuất hiện. Qua đời nhà Ân (1.765 trước Tây lịch) lại không dùng minh khí nữa mà thay vào đó là dùng đồ thật để chôn theo người chết gọi là tế khí.

phat-giao-co-chu-truong-dot-vang-ma-hay-khong-090528

Đến đời nhà Chu (1.122 trước Tây lịch) tuy bắt đầu có sự văn minh nhưng sự phân chia giai cấp trong xã hội lại đã thể hiện một cách hết sức cực đoan không những đối với người sống còn mà ngay cả đến với người chết cũng đều khắt khe áp dụng. Sự sang hèn đã thể hiện trong việc lễ nghi chôn cất rõ ràng, cụ thể như: Từ vua đến các quan đại thần khi chết thì dùng cả đồ tế khí (đồ thật) như tục lệ nhà Ân và đồ minh khí (đồ giả) theo tục lệ nhà Hạ để chôn theo. Từ giới sĩ phu đến hạng bình dân chỉ được quyền độc nhất là chôn theo đồ vật giả. Làm sai với quy định này sẽ phải mang cái tội gọi là tiếm lễ. Ngoài quy định ấy, còn có thêm một quy định vô cùng dã man, độc ác chỉ dành riêng cho các bậc vua chúa và quan lại quyền cao chức trọng gọi là Tuẩn táng. Nghĩa là khi họ chết đi thì tất cả những vật dụng quý giá của họ khi còn sống kể cả thê thiếp, thuộc hạ được sủng ái cũng đều phải chôn theo. Minh chứng cho điều này, sách Tả truyện chép: Đời vua Văn Công thứ 6, Tần Mục Công là Hiếu Nhân chết, ba anh em họ Tứ Xa là Yểm Tục, Trọng Hành và Chàm Hổ đều bị chôn sống theo vì là bầy tôi yêu quý nhất. Họ là những người hiền đức nên người trong nước đều đem lòng thương tiếc và không khỏi oán hận triều đình.

Về sau, tục lệ vô nhân đạo này đã được bãi bỏ để thay vào đó là Sô linh (người bện bằng cỏ). Nhưng bện bằng cỏ thì lại không thấy có mỹ thuật nên trở về lại với việc dùng đồ gỗ (mộc ngẫu) như trước. Sách Trang Tử chép: Vua Mục Vương nhà Chu (1.001 trước Tây lịch) có người tên là Yến Sư chế ra người gỗ để chôn theo người chết. Đức Khổng Tử đọc đến chuyện này đã nổi lòng phẫn uất mà thống mạ rằng: “Kẻ nào sinh ra tục chôn người gỗ theo với người chết là bất nhân”. Thầy Mạnh Tử cũng không đồng tình với hình nhân thế mạng mà có lời nguyền rất độc: “Kẻ nào dùng người bù nhìn là tuyệt tự”.

Mãi đến đời nhà Hán tục lệ Tuẩn táng (chôn người sống theo người chết) mới được chính thức bãi bỏ do từ giới trí thức Nho học đã cảm nhận được lời của các ngài Khổng, Mạnh, thay vào đó là một tục lệ mới: Ấp mộ. Tất cả những đồ ăn, thức uống, áo quần, vật dụng mà họ ưa thích dùng trong thường ngày đến lúc chết đều được chôn theo. Lập ra nhà mồ để vợ con tôi tớ… đến ở bên cạnh mộ trong một thời gian nhất định gọi là ấp mộ. Để cho ngôi mộ thêm phần trang nghiêm, họ còn trang trí xung quanh những phổng đá, voi, ngựa…

Việc đốt vàng mã trong ngày rằm tháng Bảy đã làm mất đi ý nghĩa chính đáng của lễ hội Vu lan khiến cho chư Tăng phản ứng bài trừ, đồng thời có sự hậu thuẫn nhiệt tình của đa số quần chúng đã tỉnh ngộ..

Việc đốt vàng mã trong ngày rằm tháng Bảy đã làm mất đi ý nghĩa chính đáng của lễ hội Vu lan khiến cho chư Tăng phản ứng bài trừ, đồng thời có sự hậu thuẫn nhiệt tình của đa số quần chúng đã tỉnh ngộ..

Năm Nguyên Hưng nguyên niên (105) đời Hán Hoa, ông Thái Lĩnh tìm ra được cách làm giấy bằng vỏ cây dó, giẻ rách… Bắt đầu từ khi có giấy, ông Vương Dũ nghĩ đến việc biến chế vàng bạc, áo quần… bằng giấy thay cho đồ thật để đốt đi sau khi cúng kính. Sách Thông giám cương mục ghi rõ: Vua Huyền Tôn mê thuật quỷ thần mới dùng ông Vương Dũ làm quan Thái thường bác sĩ để coi việc chế vàng mã dùng trong khi nhà vua có tế lễ.

Như vậy chúng ta đã rõ, trong quá trình dẫn đến việc dùng vàng mã đã có một thời gian quá dài trải qua nhiều thời đại với nhiều hình thức biến đổi khác nhau mà ông Vương Dũ có thể coi là thủy tổ của nghề này.

Lúc đầu, việc sử dụng vàng mã chỉ áp dụng trong cung đình, chưa được phổ biến rộng rãi trong đại chúng. Đến triều vua Đạt Tôn nhà Đường (762) Phật giáo đang trong thời kỳ đạt thịnh. Lúc ấy có vị sư tên là Đạo Tăng nhân ngày rằm tháng Bảy (lễ hội Vu lan) muốn lôi kéo đại chúng về với Phật giáo bèn lợi dụng tục đốt vàng mã, tâu với vua Đạt Tôn rằng: “Rằm tháng Bảy là ngày xá tội vong nhân, vua Diêm Vương mở cửa xét tội phúc nên thông sức cho thiên hạ đến ngày ấy đốt cho thật nhiều vàng mã để kính biếu vong nhân.” Vua muốn được lòng dân nên thuận ý nghe theo.

Việc làm này đã trái ngược với triết thuyết của nhà Phật. Ý nghĩa ngày rằm tháng Bảy lễ hội Vu lan đơn thuần chỉ là việc báo hiếu công ơn sanh thành dưỡng dục của mẹ cha qua chuyện ngài Mục Kiền Liên cứu mẹ. Tuy ngài đã tu chứng được sáu phép thần thông, biết được mẹ là bà Thanh Đề đang bị đày đọa ở địa ngục nhưng không sao cứu được mới cầu đến đức Phật. Đức Phật dạy rằng: “Dầu ông thần thông đến đâu cũng không thể cứu được tội nghiệt của mẫu thân, mà phải nhờ đến công đức tu hành của chư Tăng. Ngày rằm tháng Bảy chư Tăng hành đạo tự tứ, chư Phật hoan hỷ. Ông phải chí thành sắm lễ nghi trai đàn đem dâng cúng dường, các ngài sẽ cầu nguyện cho mẹ ông được giải thoát”. Ngài Mục Kiền Liên đã thành khẩn nghe theo, quả nhiên mẹ ngài đã được tội nghiệt tiêu trừ.

Nhưng lúc bấy giờ lòng dân mang đầy tính mê tín dị đoan, lại thêm có thông sức của vua Đạt Tôn truyền dụ nên đồng loạt thi nhau đốt vàng mã để kính biếu gia tiên, ngay cả hàng Phật tử cũng không ngoại lệ.

Cửa Phật còn nghiêm cấm sử dụng việc làm này bất cứ dưới hình thức nào.

Cửa Phật còn nghiêm cấm sử dụng việc làm này bất cứ dưới hình thức nào.

Việc đốt vàng mã trong ngày rằm tháng Bảy đã làm mất đi ý nghĩa chính đáng của lễ hội Vu lan khiến cho chư Tăng phản ứng bài trừ, đồng thời có sự hậu thuẫn nhiệt tình của đa số quần chúng đã tỉnh ngộ. Chính điều ấy đã làm cho một số người chuyên sống về nghề vàng mã gần như thất nghiệp. Dòng dõi của Vương Dũ là Vương Luân đã tìm cách phục hồi bằng lối mị dân. Ông cho một người giả bệnh rồi chết, sau đó lập tức được khâm liệm trong quan tài có lỗ thông hơi, bên trong để sẵn thức ăn nước uống rồi loan truyền tin tức rộng ra bên ngoài. Giữa lúc bà con xóm làng đến viếng tang đông đúc, Vương Luân và một số đồng lõa đã vội vàng mang đến nhiều thứ vàng bạc, hình nhân bằng giấy giả cách bày đàn cúng lễ thiên, địa, nhân phủ. Mọi người bỗng thấy cỗ quan tài rung động, Vương Luân liền nhanh tay mở nắp ra thì người giả chết bên trong vừa lúc lò dò ngồi dậy như vừa mới thoát ra được khỏi cõi âm.

Việc làm xấu xa ấy đã gây nên sự mê tín dị đoan lan truyền ra khắp mọi người, ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng kéo dài cho mãi đến ngày nay. Sự thật chỉ là mánh khóe gian lận của con buôn, lợi dụng sự cả tin của đại chúng mà mưu cầu lợi ích riêng tư.

Như đã nói, dân tộc ta đã từng trải qua hằng ngàn năm bị Bắc thuộc nên chịu ảnh hưởng rất nhiều về những phong tục tập quán của người Trung Hoa. Tục đốt vàng mã cũng từ đó mà có, đã ăn sâu trong tiềm thức mọi tầng lớp nhân dân từ đời này sang đời khác chỉ bằng với mục đích mơ hồ không thực tế. Đã đến lúc chúng ta cần phải nhìn lại để đánh giá việc đúng sai như thế nào.

Xét về thực tế, việc đốt vàng mã phát nguyên từ cuộc sống vua quan quý tộc muốn bày ra những hình thức cầu kỳ để chứng tỏ quyền uy của mình. Lúc chưa phát minh ra giấy, hình thức ấy đã sử dụng bằng hiện vật, không từ đến mạng sống của con người. Lúc giấy đã được phát minh thì lại là phương tiện cho họ lợi dụng đánh vào lòng mê tín dị đoan để mưu cầu lợi lộc riêng tư. Lẽ nào chúng ta lại cứ nhắm mắt mù quáng tin vào những điều không thể có để gây nên ô nhiễm môi trường, làm giàu cho một số người mà mỗi năm đã phải tiêu phí hàng chục hàng trăm tỉ đồng cho việc phung phí đốt vàng mã, hình nhân, vật dụng bằng giấy?

Điều dễ nhận thấy nhất là trong tất cả kinh sách Phật giáo xưa nay không thể tìm đâu ra được bất cứ một câu, một lời nào đức Phật đề cập đến việc đốt giấy tờ vàng mã. Ngược lại, cửa Phật còn nghiêm cấm sử dụng việc làm này bất cứ dưới hình thức nào. Phật dạy muốn cho linh hồn được siêu thoát thì thân nhân phải biết thành tâm thực hành theo hạnh bố thí. Sao ta lại không dùng số tiền tiêu phí của việc đốt vàng mã để bố thí cho những người neo đơn bất hạnh, hồi hướng công đức ấy cho người quá cố thì chẳng phải là việc làm lợi ích lắm ư?

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?

Kiến thức 06:10 23/12/2024

Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.

Chú Lăng Nghiêm: Thần chú uy lực nhất trong Phật giáo

Kiến thức 22:01 22/12/2024

Chú Lăng Nghiêm là vua trong các Chú, vì dài nhất và khó nhất trong Phật Giáo. Hầu hết những người xuất gia đi tu, đều phải thuộc lòng Chú Lăng Nghiêm từ lúc mới xuất gia, hoặc cũng có những người thuộc lòng trước khi xuất gia.

Cách tụng thần chú Dược Sư tại nhà Phật tử nên biết

Kiến thức 15:00 22/12/2024

Thần chú là bí mật của Chư Phật. Bạn có nhân duyên với chú nào thì tụng chú ấy. Đừng nay tụng Lăng Nghiêm, mai tụng Đại Bi, mốt tụng Dược Sư…

Chép hồng danh Phật sẽ có công đức lớn

Kiến thức 10:57 12/12/2024

Chép hồng danh Phật hay chép Nam mô A Di Đà Phật là một trong những phương pháp tiêu nghiệp và giúp tăng phước.

Xem thêm