Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Chủ nhật, 02/02/2014, 09:45 AM

Đức Phật với thí dụ về ngựa

Ngựa là một con thú được thuần hóa sớm và hiện diện khá thân thiết trong đời sống nhân loại, bằng chứng là tiền nhân của chúng ta đã liệt kê nó vào trong lục súc ố sáu con vật nuôi quanh quẩn trong nhà

Thuở chưa có máy móc, ngựa được xem như là phương tiện di chuyển tiện lợi nhất, có thể tương đương với một chiếc xe “Cub” hiện đại, nếu không nói là tiện lợi hơn vì nó dư sức vượt núi băng ngàn, phóng qua nhiều chướng ngại vật, tự động chạy về “ga-ra” một mình mà không cần thay đồ phụ tùng hay vô dầu mỡ chi cả.

Đó là chưa kể đến khả năng có thể sinh sôi được nhiều chiếc “Cub con” khác! Đến nỗi, khi cơ giới xuất hiện, người ta vẫn đo sức máy bằng sức ngựa ố mã lực ố danh từ được góp mặt trên các tờ kinh cổ. Hàng Phật tử năm châu chúng ta, ai mà chẳng tri ân chú ngựa Kiền Trắc, sinh vật đã chở đức Đạo sư vượt hoàng thành vào một đêm tối mùa Xuân, mở đầu chuyến đi lịch sử, với chàng Sa Nặc bám lủng lẳng ở đằng đuôi.

Sau khi thành đạo, trên các nẻo đường du hóa, có hơn một lần đức Đạo sư đã mang loài ngựa ra làm hình ảnh ví dụ để huấn thị hàng môn đệ:

“Này các Tỳ kheo! Trên đời này có bốn loại ngựa hay:

1. Hạng ngựa vừa thấy bóng roi đã chạy, như người vừa nghe nhắc rằng có ai đó mệnh chung liền tỉnh ngộ tu tập và đạt kết quả tốt.

2. Hạng ngựa không sợ bóng roi, chỉ sợ gậy (có đóng đinh nhọn) thúc vào mông, giống như người vừa thấy ai đó mệnh chung, liền tỉnh ngộ, tinh cần tu tập và đạt kết quả tốt.

3. Hạng ngựa đợi gậy đâm vào thịt mới sợ, như hạng người khi tận mắt thấy thân nhân mình mệnh chung, liền tỉnh ngộ, tinh cần tu tập và đạt kết quả tốt.

4. Hạng ngựa đợi đến lúc gậy thúc thấu xương mới sợ, như hạng người khi tự thân bị bệnh khổ mới tỉnh ngộ, tinh cần tu tập và đạt kết quả tốt”.

(Tương Ưng ố Kinh Gậy thúc ngựa)
 Thái tử Tất Đạt Đa cưỡi trên chú ngựa Kiền Trắc theo sau là Sa Nặc
Cuộc sống này đây mai đó, gần gũi với thiên nhiên, loài người, cùng thú vật của đức Phật đã khiến cho các bản kinh thời nguyên thủy mang rất nhiều hình ảnh sống động của thế giới hiện thực.

Nhờ vậy loài ngựa đã in dấu chân rải rác trên các tờ lá bối. Chẳng hạn như: “Hôm nọ, có một chàng trai tên Kesy đến viếng Phật. Biết anh làm nghề luyện ngựa, đức Đạo sư bèn hỏi thăm anh về khả năng chuyên môn. Nghe đúng sở trường, Kesy thao thao giảng giải về bí quyết nghề nghiệp của mình:

- Bạch Thế Tôn, con thường chia ngựa ra làm bốn loại:

1. Loại được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng.
2. Loại được nhiếp phục bằng lời thô ác.
3. Loại được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng lẫn thô ác.
4. Loại bất trị, không thể nhiếp phục nổi. Với hạng này chỉ còn cách đem giết thịt để khỏi mất danh dự của nhà luyện ngựa”.

Xong, Kesy hỏi Phật về cách nhiếp phục hàng môn đệ. Đức Đạo sư đáp rằng, Ngài cũng chia hàng đệ tử ra làm bốn loại:

1. Hạng người được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng: khi được chỉ dạy về các việc thiện của thân, khẩu, ý cùng các quả báo tương ứng ở cõi trời, người, họ liền tinh cần tu tập.

2. Hạng người được nhiếp phục bằng lời cứng rắn: khi được chỉ dạy về các hành động bất thiện của thân, khẩu, ý, cần nên tránh vì chúng sẽ đưa đến quả báo tương xứng nơi ba đường ác.

3. Hạng người được nhiếp phục bằng lời mềm mỏng lẫn cứng rắn: bao gồm cả hai lối trên.

4. Hạng người bất trị, không thể nhiếp phục bằng lời mềm mỏng hay cứng rắn, thì đành phải giết đi.

Nghe đến đây, Kesy hốt hoảng hỏi: - Nhưng, bạch Thế Tôn, tại sao lại giết đi? Há không phải Ngài thường khuyên răn hàng môn đệ nên trì giới bất sát đó sao?

- Này chàng trai, trong giáo pháp của ta, giết đi chỉ có nghĩa là không thèm nói tới, vì đương sự không xứng đáng để bỏ công dạy dỗ, nhắc nhở nữa.
(Tương Ưng Bộ kinh)

Trong thời buổi ngày nay, nếu bị ví với ngựa thì thật là đau khổ, nhất là đối với những chúng sanh chưa sạch phiền não, còn đầy đủ hỷ, nộ, ái, ố và kiêu hãnh như chúng ta chẳng hạn. Vậy mà, nào đã hết đâu, đức Phật còn chia hạng người bất trị trên thành tám loại, tương ứng với tám hạng người hung dữ. Đó là những tôn giả nào, khi được bạn bè nhắc nhở và phê bình, chỉ cho khuyết điểm trong các cuộc họp mặt, lại tỏ thái độ bất mãn chống đối... thay vì tri ân người chỉ dạy và cố gắng sửa đổi, như sau:

1. Hạng người ưa cãi, chối bai bải được coi như giống con ngựa dữ bị tra hàm thiếc và roi mà vẫn hục hặc không chịu bước đi.

2. Hạng người cứ đứng lầm lì, không thèm ừ hử, xác định xem khuyết điểm vừa nêu là đúng hay sai, giống như con ngựa dữ dựa vào hai bên gọng xe, không chịu đi.

3. Hạng người thích trả đũa, bới móc trở lại lỗi lầm của người cử tội mình, giống như con ngựa dữ ngã nhào xuống đất, trầy đầu gối, làm gãy gọng xe.

4. Hạng người chê bai cử tội mình, cho là ngu dốt, không xứng đáng để mắt tới, như con ngựa dữ chạy thụt lui không chịu tiến bước.

5. Hạng người đem lòng oán hận, thù vặt người chỉ lỗi mình, như con ngựa chạy bừa, bất kể đường xấu, làm cho xe hư bánh gãy trục.

6. Hạng người không sợ lầm lỗi, chẳng biết ngán ai, bỏ cuộc họp ra ngoài, giống như con ngựa dữ bất kể nài và roi, ngậm hàm thiếc chạy càn vô phương cứu chữa.

7. Hạng người tỏ thái độ giận dữ, khoa tay múa chân, la hét và thốt ra lời thô ác... giống như con ngựa dữ dựng ngược hai chân và sùi bọt mép.

8. Hạng người bướng bỉnh không muốn ai đụng chạm đến mình, nên khi bị phê bình liền cởi áo vứt ra trước cuộc họp, lớn tiếng dọa từ bỏ đoàn thể để... để vạ cho người xây dựng mình.

(Theo Vinayapitaka)

Nhưng nếu cố gắng... hạ hỏa và dẹp đi chút đỉnh tự ái, bình tâm nhìn lại, chúng ta phải xấu hổ mà thú nhận rằng, tám chú ngựa hung hăng trên đều có đủ mặt, đứng lấp ló trong các ngõ ngách của tâm thức mỗi người.

Chỉ cần mất bình tĩnh một chút là ta sẽ lâm vào tình trạng: “Cũng như ngựa dữ không cương, tất đưa người cỡi thẳng xuống hố sâu” (Kinh Di Giáo). Những tội phạm hình sự nhan nhản trên các trang thông tin đại chúng đều thuộc vào loại người ngồi nhằm xe thổ mộ có ngựa bị... đứt dây cương kiểu này.

Không phải là chuyện khi khổng khi không mà đức Phật đã ví sự xáo động, bất tịnh của tâm thức loài người với khỉ và ngựa, mà danh từ chuyên môn gọi là “tâm viên ý mã”.

Còn hơn thế nữa, vó câu của chú ngựa ý này đã dong ruổi đường xa trên những đôi hia bảy dặm, không có phút giây nào ngơi nghỉ: băng ngàn vượt suối, tung vó khắp mười phương thế giới, bay bổng lên trời, chui tọt xuống đất, lăn vào quá khứ, vươn mình đến tương lai...

Nhốt được chú ngựa hoang đàng này vào chuồng, tra hàm thiếc, dùng roi gậy điều phục là việc làm suốt cả đời người chủ những người con Phật,dù ở tận thâm sơn cùng cốc hay giữa phố thị kinh kỳ.

Cuộc chiến đấu thật là gian khổ vì nài và thú đôi khi chỉ là một, nó đòi hỏi một công lực thâm hậu, như lời xác định của đức Đạo Sư: “Người nào ngăn được cơn giận dữ nổi lên như dừng được chiếc xe đang chạy ngon trớn mới thật là kẻ chế ngự giỏi. Ngoài ra chỉ là kẻ cầm cương hờ mà thôi” (Pháp Cú, câu 222). Khó khăn đấy, nhưng không phải là bất khả, vì trong hai nghìn năm lịch sử, đã có biết bao trang dũng sĩ chiến thắng trở về, như lời tán dương của đức Đạo sư:

Tinh cần giữa phóng dật
Tỉnh thức giữa quần mê
Bậc trí như tuấn mã
Bỏ xa con ngựa què.
(Pháp Cú Kinh câu 29)

Lịch sử Phật giáo còn ghi lại câu chuyện của Thiền sư Đạo Nhất (709-788), một vị cao tăng Trung Hoa thời Đường, đã được thời nhân gọi là Mã Tổ, một phần vì sư họ Mã, một phần vì lời tiên đoán của Lục Tổ Huệ Năng với vị thầy của ông, về sự xuất hiện của Đạo Nhất: “Dưới chân ngươi sẽ có con ngựa to đạp chết người trong thiên hạ”. Chúng ta hãy nghe qua cách điều phục ngựa của sư.

Sư thường ngồi thiền mỗi ngày. Hôm nọ, thiền sư Hoài Nhượng đến thăm, hỏi: - Đại đức ngồi thiền để làm gì?

- Thưa, để làm Phật.

Thiền sư Hoài Nhượng bèn lấy một cục gạch đến trước am sư ngôi mài. Thấy lạ, sư hỏi: - Thầy mài gạch để làm gì?

- Để làm gương.

Gạch đấy thể nào làm gương được?

- Ngồi thiền đâu thể thành Phật nổi?

- Vậy phải làm thế nào mới được?

- Như trâu kéo xe, nếu xe không đi, nên đánh xe hay đánh trâu?

Sư lặng thinh, ngài Hoài Nhượng dạy tiếp: - Ông học ngồi thiền, hay học làm Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học làm Phật, Phật không có tướng nhất định. Đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả. Ông nếu ngồi để làm Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi thì chẳng đạt được ý kia.

Sư nghe đến đấy liền ngộ.

(Tục Tạng Kinh)

“Mã Tổ ngộ cái gì?” là một câu hỏi khó giải đáp đối với các nhà học Phật. Theo phong cách nhà thiền thì “đáp tại vấn xứ”, nghĩa là người hỏi phải tự tìm ra lời đáp chứ không ai có thể trả lời giùm mình được.

Để mừng Xuân con ngựa, chúng tôi xin mạn phép góp nhặt những chú ngựa trong kinh, làm món quà năm mới, thân ái gửi đến bạn đọc.

Chúc quý vị một năm an lành và sớm tìm ra câu giải đáp.

Tác giả: Thanh Yên
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Hòa thượng Thích Giác Toàn chia sẻ về sự linh ứng nhiệm mầu của Bồ-tát Quán Thế Âm

Tư liệu 15:42 27/03/2024

Lần đầu tiên, những câu chuyện chưa kể về tôn tượng Bồ-tát Quán Thế Âm tại Tịnh xá Trung Tâm (Q.Bình Thạnh,TP.HCM) được Hòa thượng Thích Giác Toàn, vị Giáo phẩm Trụ trì nơi đây chia sẻ sau hơn 40 năm tôn tạo và tu sửa, về hạnh nguyện cao cả và sự mầu nhiệm của Bồ-tát giữa thế gian này.

Hoà thượng Quảng Khâm từng nói khi nào vãng sanh Ngài sẽ thị hiện bệnh tướng

Tư liệu 13:57 21/03/2024

Vào khoảng năm 1978, nghe nói Hoà thượng pháp thể suy yếu, Người tỏ ý muốn vãng sanh Tây Phương, đại chúng trong chùa rất lo lắng, mời lương y lên núi bắt mạch cho Hoà thượng.

Thắp sáng hiện hữu

Tư liệu 10:04 19/03/2024

Đây là đoạn trích từ cuộc phỏng vấn do Jo Confino thực hiện với Thầy tại thất Da Cóc, Sơn Hạ vào năm 2012. Lúc ấy Jo là phóng viên của báo The Guardian, Vương quốc Anh.

Tư tưởng Phật giáo về xây dựng hòa bình

Tư liệu 21:21 18/03/2024

Thời gian cứ dần trôi, lịch sử lần sang trang mới nhưng đạo Phật vẫn góp phần không nhỏ trong việc xây dựng đạo đức xã hội loài người. Giáo pháp của Ngài đã tạo một dấu ấn vàng son cho lịch sử nhân loại.

Xem thêm