Đức Quán Thế Âm hiện thân của bi trí
"Con nguyện rằng trong lúc con tu hành hạnh bồ tát, nếu có chúng sanh nào bị tai nạn nguy khốn không thể tự thoát được và không biết nương tựa vào đâu, hễ niệm đến danh hiệu con thì con phải có đủ sức hiện đến cứu độ ra khỏi tai nạn. Nếu không được như lời nguyện đó, con thề không thành Phật."
Muốn tìm hiểu lịch sử đức Quán thế âm, ta hãy ngược dòng thời gian, hướng về một đời quá khứ cách đây vô lượng kiếp ...
Cách đây vô lượng kiếp về trước, Ngài là con vua Vô Tránh Niệm, tên là Bất Huyền Thái tử. Buổi bấy giờ có đức Bảo Tạng Như lai ra đời hóa độ chúng sanh.
Giáo lý của Đức Bảo Tạng cao siêu huyền diệu, vì vậy ảnh hưởng của Ngài lan truyền cùng khắp, khiến cho Vua Vô Tránh Niệm vô cùng cảm phục. Vua liền sắm đủ mọi thức lễ vật quý giá, đem cúng dường Phật và chúng tăng trong ba tháng, đồng thời vua cũng khuyên nhủ hết thảy vương tử, đại thần noi theo gương vua để cầu phước báo.
Bất Huyền Thái tử vâng lệnh vua cha, đem mọi thứ trân bảo, mọi thức mỹ vị, hết lòng thành kính dâng cúng Phật và chúng Tăng suốt trong ba tháng, không hôm nào trễ nải, không món gì thiếu thốn.
Bồ Tát Quan Thế Âm lắng nghe với tâm từ bi
Trong đám đại thần có một vị tên là Bảo Hải, phụ thân của đức Phật Bảo Tạng, khuyên thái tử rằng:
"Điện hạ đã sẵn lòng thành kính cúng dường Phật và chúng Tăng, xin Điện hạ hãy đem công đức ấy hướng về quả Vô thượng bồ đề chứ không nên bắt chước cầu phước báo nhỏ mọn ở cõi trời làm gì. Được phước báo cõi trời, tuy Điện hạ có được một căn thân đẹp đẽ, một thọ mạng lâu nghìn năm, một sức thần thông quảng đại, dù cuộc đời Điện hạ ở đấy có vui sướng đến đâu, song các sự vui sướng ấy có một ngày sẽ chấm dứt, vì phước báo ấy là phước báo hữu lậu nằm trong vòng sanh tử luân hồi và chịu luật vô thường chi phối. Như vậy, Điện hạ sẽ không bao giờ được tiêu diêu tự tại. Với Điện hạ, chỉ có một loại phước báo đáng cầu, ấy là phước báo vô lậu khiến lìa khỏi sanh tử luân hồi. Loại phước báo này không bao giờ bị hư diệt, tồn tại đời đời kiếp kiếp và đem lại an vui vĩnh cửu vô tận. Vì các lẽ ấy, Điện hạ nên hồi hướng công đức về chánh quả Vô thượng bồ đề".
Nghe lời quan Đại thần, Thái tử liền đến trước Phật bạch rằng:
"Trước Phật và chúng Tăng, con xin nguyện đem tất cả công đức đã cúng dường Tam bảo và đem bao nhiêu thiện căn con đã trồng được, thảy đều xin hồi hướng về quả Vô thượng chánh giác.
"Con nguyện rằng trong lúc con tu hành hạnh bồ tát, nếu có chúng sanh nào bị tai nạn nguy khốn không thể tự thoát được và không biết nương tựa vào đâu, hễ niệm đến danh hiệu con thì con phải có đủ sức hiện đến cứu độ ra khỏi tai nạn. Nếu không được như lời nguyện đó, con thề không thành Phật.
"Kính bạch Đức Thế Tôn! Con nay xin vì tất cả chúng sanh phát lòng đại nguyện làm các hạnh tự giác tự lợi, nguyện sau khi phụ vương con là Vô Tránh Niệm trải hằng hà sa kiếp tu hành, được thành Phật hiệu là A di đà Như lai ở thế giới Cực lạc như lời Thế Tôn đã thọ ký, con sẽ làm thị giả phụ tá Ngài cho đến khi Chánh pháp gần diệt; nếu diệt hôm trước thì ngay hôm sau con chứng đạo Bồ đề.
"Con xin Đức Thế Tôn từ bi thọ ký cho con như vậy. Con cũng đem hết tâm thành cầu xin các đức Phật hiện tiền ở hằng hà sa số thế giới trong khắp mười phương đều thọ ký cho con như vậy."
Đức Bảo Tạng Như lai liền thọ ký cho Thái tử và dạy rằng:
"Vì ngươi quán sát chúng sanh trong thế giới thảy đều vì tội báo mà chịu đau khổ nên phát sanh bi tâm; ngươi lại nguyện quán sát được tiếng đau thương kia để đến cứu độ nên nay ta đặt hiệu cho ngươi là Quán thế âm.
"Trong khi tu hành hạnh bồ tát, ngươi sẽ giáo hóa cả vô lượng chúng sanh được thoát khỏi mọi khổ não và làm đủ mọi Phật sự.
"Sau khi đức A di đà nhập diệt rồi, cõi Cực lạc sẽ đổi là "Nhất thế trân bảo sở thành tựu" càng thêm tốt đẹp hơn trước bội phần.
"Đến chừng đó, đang lúc ban đêm, chỉ trong giây phút, hiện ra đủ các thứ trang nghiêm, ngươi sẽ ngồi trên tòa Kim cang dưới gốc Bồ đề mà chứng quả Chánh giác hiệu là "Biến xuất nhứt thế quang minh công đức san vương Như lai", sống lâu đến chín mươi sáu ức na do tha kiếp, phước tròn hạnh đủ, đạo pháp cao siêu, thần thông rộng lớn, được mọi người tôn quý. Khi ngươi nhập diệt thì Chánh pháp của ngươi còn lưu truyền lại sáu mươi ba ức kiếp nữa."
Thái tử nghe Phật thọ ký rồi thì vô cùng hoan hỷ và bạch Phật rằng:
"Kính bạch Đức Thế Tôn! Nếu lời nguyện của con được hoàn toàn viên mãn thì đối với con còn có gì vui sướng hơn nữa. Nay con xin Ngài làm thế nào để Chư Phật trong khắp các thế giới đều thọ ký cho con như thế, khiến cho tất cả các thế giới đều vang lên tiếng âm nhạc mà ai nghe cũng thảy đều được thân tâm thanh tịnh, xa lìa mọi sự dục vọng trên đời".
Thái tử bạch rồi liền cúi đầu lễ Phật.
Bấy giờ các thế giới tự nhiên rung chuyển, phát ra các tiếng nhạc hòa nhã ai nghe cũng đều sinh lòng hoan hỷ và dục vọng tiêu tan. Tiếp theo đó các đức Phật trong mười phương thế giới đều đồng thanh thọ ký cho đức Quán thế âm rằng:
"Trong thời kiếp Thiện trụ, ở cõi Tán đề lam thế giới, gặp thời kỳ đức Bảo Tạng Như lai ra đời cứu độ chúng sanh, có con vua Vô Tránh Niệm tên là Bát Huyền thái tử phát tâm cúng dường Phật và Bồ tát trong ba tháng; do công đức ấy nên hằng hà sa số kiếp về sau sẽ được thành Phật hiệu là Biến Xuất Nhứt Thế Công Đức San Vương Như Lai, ở thế giới Trân Bảo Sở Thành tựu".
Nghe chư Phật thọ ký xong, thái tử vô cùng hoan hỷ. Từ đó, trải không biết bao nhiêu kiếp về sau, Ngài luôn luôn cố công tu tập cầu đạo Bồ đề, hằng giữ bản nguyện không bao giờ quên cái niệm Đại bi Đại nguyện kia.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm