Giải thoát trong nhà Phật
Mục đích chính yếu của Phật giáo là giải thoát. Đó là cứu cánh tối hậu và độc nhất mà người nghiên cứu giáo lý đạo Phật cũng như người học Phật không thể nào quên được.
Dù lịch sử triết học Phật giáo luôn luôn chuyển biến để thích ứng với thực tại, dù mọi hình thái Phật giáo qua không gian và thời gian có nhiều điểm dị biệt, lời nói vàng ngọc của đấng Thế tôn sau đây vẫn làm tiêu chuẩn cho tất cả mọi hệ thống tư tưởng Phật giáo: “Nước bốn bề đại dương chỉ có một vị là vị mặn; Đạo của ta chỉ có một vị là vị giải thoát”. Bỏ quên tiêu chuẩn đó, thì dù Nam tông hay Bắc tông, dù Tiểu Thừa hay Đại Thừa, đã vô tình hay hữu ý, mặc nhiên làm sai lệch và biến thái tinh thần nguyên thủy và cố hữu của Phật giáo đi.
Đau khổ là nguyên lý của sự sống. Ở đâu có sự sống là ở đó có đau khổ. Đau khổ không thể quan niệm một cách nông cạn trên lý thuyết hoặc cảm nhận một cách hời hợt qua những dằn vặt của bệnh tật hoặc những chán nản của tâm hồn. Đau khổ diễn ra dưới mọi hình thái của sự sống. Sự biến động giả hợp của sự vật, tính chất vô ngã của chủ thể, sự bất lực trong việc khám phá và vượt lên thực tại đều là những khía cạnh của đau khổ.
Sự phi lý của chiến tranh không tài nào dập tắt được, vẻ man rợ của bạo lực không tài nào cải hóa được, cũng như mọi xu hướng cuồng nhiệt của bản năng và cảm giác không thể nào chế ngự được, con người mỗi ngày một thấy mình bị bao bọc trong những bức thành kiên cố của cuộc đời. Giải thoát là tìm cách thoát ly và giải phóng mình ra khỏi những hạn cuộc đó. Người được giải thoát sẽ làm chủ được mình, chế ngự được sự vật và thực hiện một diệu lực vĩ đại: Tự do.
Ta bị sự vật lôi kéo là bởi chính ta, ta đã lôi kéo sự vật. Sự liên hệ đó khởi đầu bằng sự xác nhận sự vật có thật. Ta nhìn sự vật và công nhận sự hiện hữu của nó. Ta nằm giữ nó, ý thức về nó, phân biệt nó và biểu lộ cảm tình của ta đối với nó. Đó là sự diễn biến cùng sự tương quan song hành giữa sự vật và tâm lý qua những đợt Ái (ham muốn), Thủ (giữ gìn), Hữu (hiện hữu) của nguyên lý 12 nhân duyên, căn bản của giáo lý Tiểu thừa. Giải thoát là phải thay đổi nhận thức về sự vật, phải thấy tinh chất giả hợp của sự vật và phải thoát ly khỏi sự ràng buộc của sự vật bằng cách loại nó ra khỏi tâm niệm của ta. Nói một cách khác hơn là phải dứt bỏ Dục vọng (Ái), xả bỏ ham muốn (Thủ) để được tự do. Phải tập trung tâm niệm (Định) phải kìm giữ bản năng (Giới) để nhận thức thấu đáo và để thoát ly sự phong tỏa của sự vật (Huệ và Giải thoát).
Giáo lý Đại thừa đã quan niệm sự hiện hữu của sự vật và tâm linh đều là giả huyễn. Sự vật tương quan đến ý niệm và tác dụng lên ý niệm. Đốn ngã ý niệm là đốn ngã được sự vật và đốn ngã luôn được chủ thể. Tinh thần ly niệm (rời ý niệm) của ngài Huệ Năng là tinh thần hướng dẫn ý niệm rời khỏi xấu tốt, to nhỏ, cao thấp, trong đục, có không. Tức là rời khỏi sự phân biệt lưỡng diện về mọi sai biệt của sự vật do ý thức cảm nhận. Rời được hai cực đoan đó (bất nhị) là đi thẳng vào trung tâm thực tại, và hoàn thành năng lực tự do trong thực tại. Đó là phương thế giải thoát hữu hiệu nhất, mau lẹ nhất và chính xác nhất.
Thế nên, khi quan niệm về vấn đề giải thoát trong Phật giáo, chúng ta phải điều chỉnh lại thái độ của mình khi xem giải thoát là trốn tránh cuộc đời. Quan niệm giải thoát là từ bỏ cuộc đời, từ bỏ thế giới để “nhập” vào Niết bàn hư không tức là chưa có một nhận thức đúng đắn về Phật giáo. Giải thoát chỉ là kết quả của công việc diệt trừ dục vọng ngay trong cuộc sống, Niết bàn với cuộc sống đâu phải khác nhau trong thể tính! Phân biệt Niết bàn với cuộc sống là công việc của ý niệm, mà còn ý niệm là còn đau khổ. Đừng để vấn đề giải thoát giày vò ta, ràng buộc ta như thực tại đắng cay đã từng giày vò và ràng buộc.
Sống trong thực tại, bị thực tại bưng bít, bao bọc, ràng buộc, lôi kéo mà vẫn thản nhiên, vẫn ung dung, vẫn bao quát lên thực tại, vẫn tự do, vẫn không bị sự vật lôi kéo là đã đi vào con đường thực chứng giải thoát.
Trước tha nhân còn nhận thức bạn với thù, trước chân lý còn tranh luận hơn với thua, trước bạo lực còn khiếp nhược, hoặc chống đối, trước đau khổ của cuộc đời còn say mê hoặc còn lẩn tránh đều là những thái độ của kẻ đang còn lệ thuộc thực tại trên con đường tiến đến hạnh phúc.
Đời sống cơ khí của thế kỷ chúng ta mỗi ngày một dồn lên chúng ta những ràng buộc và áp lực. Trong một thế giới đầy dục vọng và đầy máu lửa, nỗi mong ước thiết tha của chúng ta ngày hôm nay là làm thế nào có đủ nghị lực để tự thắng mình trên con đường tiến đến tự do hạnh phúc. Học hỏi, thực hành, truyền dương giáo lý Phật đà là thực hiện mục đích và sứ mệnh giải thoát cho mình và cho kẻ khác vậy.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tín ngưỡng thờ phụng đức Phật Dược Sư thời nhà Đường
Nghiên cứu 09:45 03/11/2024Việc thiết lập đàn tràng và tu trì đức Phật Dược Sư trở nên quan trọng hơn dưới thời trị vì của vua Đường Túc Tông, thời kỳ triều đình nhà Đường phải vật lộn để vượt qua thách thức do những cuộc nổi dậy của quân đội trong nước gây nên...
Làm thế nào để tiêu trừ tội nạo phá thai?
Nghiên cứu 15:36 02/11/2024Trong kinh Phật Thuyết Trường Thọ Diệt Tội Hộ Chư Đồng Tử Đà La Ni có nói rằng, nạo phá thai là một tội sát sinh vô cùng lớn, quả báo cũng rất nặng. Tại sao trong cuốn Hiện Đại Nhân Quả Thực Lục do thầy viết lại không có ví dụ nào về việc này?
Thai nhi thích nghe Kinh Địa Tạng
Nghiên cứu 15:06 02/11/2024Một người hàng xóm nói với tôi rằng, con gái bà ấy đang mang thai tám tháng rồi, phản ứng thai nghén rất mạnh. Trong mấy tháng gần đây, thai nhi thường xuyên đấm đá trong bụng, khiến con gái bà ấy rất đau đớn.
Lối sống mang lại hạnh phúc từ triết lý tiết độ trong kinh Trung A Hàm
Nghiên cứu 08:10 01/11/2024Phật dạy phải biết tinh tấn tu tập. Để làm được như thế, con người phải biết làm chủ mình trong cuộc sống thông qua tinh thần kỷ luật, mà trong Phật học gọi là Giới. Đó là “những điều răn cấm do Đức Phật chế định cho hàng xuất gia và tại gia để ngăn ngừa tội lỗi của ba nghiệp”.
Xem thêm