Thứ năm, 13/05/2021, 07:11 AM

Bốn pháp giải thoát

Đọc kinh, không vướng mắc với văn tự ngữ ngôn mà hiểu Phật pháp đúng nghĩa Phật muốn chỉ dạy, sẽ vận dụng được trí Bát Nhã và dẫn đến cuộc sống an lạc giải thoát, đồng thời hiểu cuộc đời rõ hơn.

Ba tháng An cư giúp quý Tăng Ni có điều kiện tốt để phát huy nội lực. Chín tháng còn lại trong năm, chúng ta dành thì giờ làm những việc phục vụ chúng sanh, nên không có điều kiện tập trung, trao đổi cho nhau kinh nghiệm tu hành. Trong mùa An cư, Đức Phật dạy nên tập trung một chỗ để thể nghiệm tinh ba Phật pháp và chia sẻ sở tu sở chứng với các pháp lữ đồng hành, nhờ đó chúng ta hiểu rõ nhau hơn, cảm thông nhau hơn và có cơ hội học hỏi, chỉ bảo nhau những điều chưa đạt được. An cư kiết hạ quan trọng nhất đối với đời sống tu sĩ; không cấm túc An cư, không có tuổi đạo. Cấm túc An cư về hình thức được Giáo hội công nhận, nhưng từng cá nhân biết phát huy nội lực quan trọng hơn.

Truyền thống An cư rất tốt đẹp, chúng ta vẫn trân trọng giữ gìn; nhưng theo tôi, chúng ta cần có cái nhìn rộng hơn và nhìn chung toàn xã hội, để tránh tình trạng chấp pháp, không hài hòa được với đại chúng, không hòa nhập được xã hội. Bắt đầu nhìn rộng, tôi nhận thấy Phật có phương cách đi vào đời rất khéo léo. Khi xuất gia học đạo, Phật đã tìm hiểu một cách sâu sắc những sinh hoạt của tôn giáo đương thời, hay những hoạt động xã hội nói chung. Nếu chọn cuộc sống của nhà vua, sinh hoạt của Ngài sẽ bị hạn chế trong cung vàng điện ngọc, hạn chế trong việc tiếp xúc với cuộc sống quần chúng bên ngoài. Đức Phật từ bỏ ngôi vua, làm người dân thường, sống cuộc đời của một Sa môn ngày ngày đi khất thực và chính vai trò Sa môn mới giúp Ngài tiếp cận được mọi tầng lớp xã hội, có thể tìm hiểu mọi sinh hoạt xã hội và thấu biết nỗi khổ của con người.

Chí nguyện xuất gia cầu giải thoát

Nói đến nội tâm, cần phân ra hai loại, nội tâm phiền não thuộc vọng tâm và nội tâm thanh tịnh là giải thoát.

Nói đến nội tâm, cần phân ra hai loại, nội tâm phiền não thuộc vọng tâm và nội tâm thanh tịnh là giải thoát.

Sau khi thấy biết thực trạng xã hội, thấy rõ cảnh khổ trần gian và tâm trạng của người dân, Đức Phật đi tìm các nhà hiền triết, các nhà ẩn sĩ để học hỏi, vì họ cũng theo đuổi việc tìm hiểu nỗi khổ của con người và tìm cách thoát khỏi những khổ lụy thế nhân. Cách học hỏi của Đức Phật với các nhà đạo sĩ đồng thời với Ngài nói lên tinh thần cởi mở, sáng suốt thực sự của Phật. Theo tôi ngày nay, nếu nhận thức về Đức Phật theo chiều hướng này, chúng ta sẽ không có tâm tỵ hiềm với các tôn giáo bạn. Trái lại, chúng ta tìm hiểu tôn giáo bạn xem họ thực tập điều gì và được kết quả ra sao. Thiết nghĩ với cách xử thế này, chúng ta sẽ học được những điều tốt và tránh được những điều xấu của cuộc đời. Trên bước đường đi tìm chân lý, rõ ràng Đức Phật đã tham vấn nhiều nhà hiền triết, trong đó có hai Đạo sư nổi bật có sở đắc là ông Kamala và ông Uất Đầu Lam Phất. Riêng ông Kamala đã thực tập được pháp tứ Thiền đem lại kết quả tốt đẹp cho ông và một số người được an lạc. Đó là kết quả tốt mà Đức Phật tìm thấy ở ngoại đạo.

Thực tế cho thấy tất cả mọi khổ đau mà con người gánh chịu phần lớn là vì họ bị hệ lụy ở đời sống vật chất. Và sự hệ lụy vào vật chất càng nhiều, thì người ta càng đau khổ hơn; không phải nghèo mới khổ, không phải thấp cổ bé miệng mới khổ, những người có chức tước lớn cũng khổ và nhiều khi còn khổ hơn. Tiếp xúc với người có quyền thế trong xã hội, tôi thường nghe họ than rằng không có thì giờ ăn, không có thì giờ ngủ, không có thì giờ được sống với gia đình. Đức Phật nhận ra bài học này từ ông Kamala và Ngài đã đưa ra pháp tu căn bản để các Tỳ kheo có được cuộc sống giải thoát ngoài vật chất, trước nhất là ly sanh hỷ lạc, tức không bị vật chất ràng buộc thì được giải thoát. Và trên thực tế, chúng ta thường được giải thoát khi vào Thiền định. Riêng tôi, ban ngày bận việc Phật sự của Giáo hội, nhưng khi màn đêm buông xuống, tôi khóa máy điện thoại, một mình trong phòng, không nghĩ đến việc gì nữa để đi sâu vào Thiền định mới có đời sống nội tâm. Người tu mà thiếu nội lực thì không thể nào sống trong nhà Phật pháp được.

Nói đến nội tâm, cần phân ra hai loại, nội tâm phiền não thuộc vọng tâm và nội tâm thanh tịnh là giải thoát. Việc quan trọng đối với người tu, cần loại bỏ nội tâm phiền não và giải quyết được tâm uế trược này, chúng ta lìa xa được tác lực của tâm lý xã hội và sự việc của xã hội. Sau đó, nâng cao tâm theo kinh Bát Nhã, tức cắt bỏ tất cả mọi sự vật. Điển hình như Bồ tát Quan Âm hành thâm Bát Nhã là cắt bỏ vật chất và tâm lý vật chất. Tâm lý vật chất thuộc phần vi tế bên trong, đó là tâm kẹt vật chất, nên không giải thoát. Bồ tát từ bỏ vật chất và tâm lý vật chất, mới chứng được pháp Không, bước vào Không giải thoát môn. Tu hành không qua được cánh cửa Không, cuộc đời cũng trở thành vô ích, vì cứ bận rộn công việc và bị công việc nhận chìm mình. Nói đến pháp hành này, tôi nhớ đến câu chuyện Thiền thú vị.

Phật là bậc giải thoát

Ngày xưa có một vị Pháp sư nổi tiếng, nhưng càng nổi tiếng càng phiền; vì ông phải dồn tất cả tâm lực để bảo vệ tiếng tăm, hôm nay giảng được khen, phải suy nghĩ làm cách nào ngày mai giảng hay hơn, không còn thì giờ nghỉ ngơi, luôn vùi đầu nghiên cứu, đối phó. Thầy học giỏi, nhưng lúc nào cũng thắc mắc, buồn phiền; trong khi đó, người học trò thì sống ngược lại với Thầy, không đọc sách, không làm gì cả, chỉ ăn rồi ngủ. Nhưng quý vị đừng nghe nói như vậy mà bắt chước lười biếng thì nguy hiểm. Ngủ như Ngọc Lam là Thiền, tức đời sống tâm linh không chất chứa dữ kiện, không bận rộn tính toan, không đối phó. Nhờ ngủ trong tỉnh thức, hay nói cách khác, nhờ thâm nhập Thiền định liên tục ba năm, tâm của người học trò bừng sáng, đắc đạo, nên thấy thương cho Thầy mình, tu lâu đến năm mươi, sáu mươi năm mà lúc nào cũng khổ, mới muốn độ ngược lại Thầy. Khi Thầy tắm, bảo người học trò lấy xơ dừa chà lưng cho ông, học trò mới vỗ lưng Thầy nói rằng ông Phật mập quá, nhưng tiếc là không có hào quang. Câu nói này khiến chúng ta suy nghĩ, người tu có hình thức tu bên ngoài, thậm chí có đạo đức đáng kính, nhưng không đắc đạo, không có huệ. Người Thầy nghe đệ tử nói vậy, lại vào bàn tiếp tục đọc sách. Đệ tử đứng bên cạnh quạt hầu Thầy. Lúc đó có một con ong bay ra cửa sổ, nhưng bay đụng vào cửa sổ bằng giấy thì rớt xuống mà nó cứ bay lên té xuống như vậy hoài vẫn không thoát ra ngoài được. Người học trò mới thốt lên rằng:

Không môn bất khẳng xuất

Đầu song giả đại si

Bá niên án cố chỉ

Hà nhựt xuất đầu thì.

Phật dạy chúng ta thực tập cái nhìn chính xác là phải thấy đúng sự thật của sự vật và áp dụng đúng mới được giải thoát.

Phật dạy chúng ta thực tập cái nhìn chính xác là phải thấy đúng sự thật của sự vật và áp dụng đúng mới được giải thoát.

Nghĩa là tu theo Phật, việc chính yếu là phải đi vào cửa giải thoát. Cửa giải thoát bước một là Không, tức buông bỏ tất cả, không vướng mắc, mới giải thoát. Tề Thiên đại Thánh được gọi là Ngộ Không, nghĩa là ngộ được tánh Không của Bát Nhã, nên náo loạn được thiên cung địa phủ, vì vượt qua được những ràng buộc của trời đất. Trên bước đường tu của chúng ta cũng vậy, phải qua cánh cửa Không của Bát Nhã, không có gì có thể làm chúng ta khó chịu, phiền não; vì bản chất của Thầy tu là không bực bội, không buồn phiền, không lo lắng, không sợ hãi.

Người học trò nhắc nhở ông Thầy mãi lo vùi đầu vào sách vở, trở thành chấp pháp, đến mức bị dính mắc với văn tự ngữ ngôn, nên không giải thoát, giống như con ong lao đầu vào cánh cửa sổ bị rớt lên rớt xuống hoài không bay ra ngoài được, như vậy là "đại ngu”! Cho dù sống đến một trăm năm đọc sách như vậy, thì biết bao giờ ra khỏi tam giới, thoát khỏi phiền não của Ta bà. Nghe học trò nhắc nhở, ông Thầy liền ngộ được nghĩa giải thoát và đem kinh sách đốt. Ngộ rồi thì không cần kinh sách, nhưng chưa ngộ cần nương vào kinh sách.

Hàng tu sĩ chúng ta phải qua cánh cửa Không, nhưng bằng cách nào. Đức Phật dạy rõ pháp tu Tứ Niệm xứ quán là quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã. Tất cả mọi việc trên cuộc đời, bản chất của nó thực sự là Không. Hiểu rõ như vậy, chúng ta không vướng bận tâm trí vào người, vào việc thì bước qua được cửa giải thoát, Không môn. Tuy nhiên, nếu chấp vào cửa Không này, rồi trụ vào cái Không này, cũng trở thành người không lợi ích gì cho cuộc đời; như vậy cũng không phải là đạo Phật. Vì đạo Phật phải làm lợi ích cho chư Thiên và loài người, không phải tu để trở thành người vô dụng không biết gì.

Đọc kinh, nhưng chấp vào văn tự kinh, không nắm được yếu nghĩa để ứng dụng trong cuộc sống, nên vẫn bị phiền muộn. Đọc kinh, không vướng mắc với văn tự ngữ ngôn mà hiểu Phật pháp đúng nghĩa Phật muốn chỉ dạy, sẽ vận dụng được trí Bát Nhã và dẫn đến cuộc sống an lạc giải thoát, đồng thời hiểu cuộc đời rõ hơn. Ý này thường được chư Tổ ví rằng qua sông cần phải dùng thuyền bè, nhưng lên bờ rồi, không thể đội thuyền mà đi.

Đức Phật nhận thấy điều gì hay của ngoại đạo, Ngài vẫn sử dụng và còn chuyển đổi thành tốt đẹp hơn. Thật vậy, với trí sáng của bậc đại giác, pháp tứ Thiền của Kamala được Phật chuyển đổi thành Thiền Tứ niệm xứ. Và Phật đã chỉ dạy pháp này cho đại chúng, ngay trong mùa An cư, năm anh em Kiều Trần Như đều được giải thoát và đắc Thánh quả A la hán.

Phật dạy chúng ta thực tập cái nhìn chính xác là phải thấy đúng sự thật của sự vật và áp dụng đúng mới được giải thoát. Cửa thứ nhất chúng ta qua là cửa Không, được giải thoát gọi là ly sanh hỷ lạc. Từ tâm hỷ lạc có được nhờ không vướng bận với trần duyên ngoại cảnh, giúp cho tâm chúng ta dễ dàng tập trung ở Phật pháp để tiến đến thành tựu pháp thứ hai là Định sanh hỷ lạc, nghĩa là Định trong hỷ lạc, trong sáng suốt; không phải Định rồi trở thành than nguội củi mục, không biết gì.

Có tâm hỷ lạc vì cái nhìn cuộc đời của chúng ta khác trước. Trước kia, chúng ta nhìn cuộc đời đầy phiền muộn, khổ đau, nên bi quan yếm thế. Nay sống trong Định, với tâm tập trung, sáng suốt và hỷ lạc thì nhìn cuộc đời thấy đúng sự thật của sự vật. Cái thấy đúng đắn này được kinh Pháp Hoa triển khai ở mức cao nhất được Phật kết luận rằng trong tam giới không có sanh tử. Vì tất cả các pháp do nhân duyên sanh, rồi biến dạng đủ thứ cách thành đủ thứ chủng loại, để sau cùng hoại diệt; nhưng bản chất của tất cả pháp là thường nhiên, không thay đổi. Đó là cái thấy chính xác từ trong Định, không thấy theo vọng tưởng điên đảo.

Phật dạy rằng thật tướng của tất cả các pháp là Không và từ Không sanh ra vạn hữu, không có gì là cố định. Thí dụ chùa Từ Quang này luôn biến đổi, không vĩnh viễn như vậy và chúng ta không chấp vào sự biến đổi này mới thấy được thật tướng của nó. Chùa này mười năm trước cho đến hiện tại và cả trong tương lai, dù có tốt đẹp đến đâu chăng nữa thì cũng đều là giả tướng. Và chùa vật chất có hình dáng tốt hay xấu là tùy thuộc vào vị Trụ trì. Nếu công đức tu hành của Hòa thượng Trụ trì lớn, chùa sẽ trang nghiêm hơn, nhưng nếu vị Trụ trì kế tiếp không đủ công đức như Hòa thượng, chùa sẽ suy sụp. Sự vật luôn thay đổi tùy theo chánh báo của con người trong gia đình, hoặc trong chùa, cho đến tùy thuộc cả xã hội. Thực tế cho thấy có nhiều người giỏi, tốt, sẽ xây dựng xã hội văn minh phát triển; người dở, không đạo đức, xã hội sẽ suy sụp.

Vì các pháp đều sanh diệt, không hằng hữu, luôn thay đổi, nên Bồ tát Long Thọ gọi là giả tướng, không phải không có; vật chất có rõ ràng mà mình nói không có, người ta nghĩ mình bị tâm thần. Tuy chùa là giả duyên mà thành, nhưng nếu do nghiệp ác tạo nên chùa thì ở chùa cũng khổ, nhưng do công đức tạo thì sẽ được an lạc.

Từ bản chất của mọi vật là Không, ngài Long Thọ phát huy thành pháp quán thật tướng các pháp, thấy được sự biến đổi khôn lường, tức thấy giả tướng của nó. Và đi xa hơn Định sanh hỷ lạc là ly hỷ diệu lạc, nghĩa là không vướng mắc với thú vui Thiền định, hành giả sẽ được niềm hỷ lạc vi tế là diệu lạc. Đến đây, chứng chơn không, nhưng thực là diệu hữu. Nghĩa là tâm không kẹt vật chất, nhưng vật chất vẫn luôn tự đầy đủ. Các vị chân tu hoàn toàn vô tâm trong việc xây chùa, nhưng những ngôi chùa cứ lần lượt được hoàn thành và chùa sau luôn trang nghiêm hơn. "Không” là trong tâm không khởi niệm, nhưng "Hữu” là có trên cuộc đời. Được chùa tốt, chúng ta không vui mừng, không bị vướng mắc với nó (ly hỷ) mà vẫn được giải thoát là diệu lạc bên trong. Và sau cùng là xả niệm thanh tịnh, tâm giải thoát trọn vẹn vì xả bỏ hoàn toàn tất cả niệm tâm, không hề gợn lên một khởi niệm nào, tâm trí hoàn toàn lắng yên, mọi việc tự động tốt đẹp.

Chúng ta còn nhớ bài kệ ngộ đạo của Tổ Huệ Năng:

Bồ đề bản vô thọ

Minh cảnh diệc phi đài

Bản lai vô nhất vật

Hà xứ nhạ trần ai

Bài kệ này quá hay, nhưng nếu chấp vô đó, để rơi vào Không suông, không được gì, gọi là ngoan Không thì cũng bị lệch hướng. Cần nhớ rằng cái Không của Huệ Năng dẫn đến cái Có quan trọng vô cùng là "Nhất chi sanh ngũ diệp”, mới khai sanh ra Thiền tông. Hoặc cái Không của Hoa Nghiêm tạo thành vô số hình thái sinh hoạt khác nhau của đạo Phật để giáo pháp tồn tại và phát triển hơn hai ngàn năm trăm năm trên khắp năm châu bốn biển.

Một vị liễu ngộ được chân ý của Tổ Huệ Năng, nói rằng:

Vô nhất vật trung vô tận tạng

Điểm then chốt quan trọng này chúng ta cần suy nghĩ, đừng để "Vô nhất vật”, rồi bỏ tất cả, không được gì. Buông bỏ tất cả, trụ pháp Không, thấy cái được "Diệu hữu” là vô tận tạng công đức bên trong sẽ theo ta từ đời này sang đời khác. Chúng ta không kẹt một chùa, nhưng đến đâu thì chùa thành hình theo đó; vì từ vô tận tạng công đức sanh ra. Bước chân giáo hóa của Đức Phật đến nơi nào, tịnh xá được dựng lên và Phật tử tập hợp về. Công đức gắn liền mật thiết với ta từ kiếp này đến kiếp khác, chùa và bổn đạo xuất hiện theo; không phải ở đây có chùa, qua thế giới khác không có chùa. Chúng ta thấy thực tế những Thầy ở Việt Nam tu hành có uy tín, có chùa, có bổn đạo, nhưng đi ra nước ngoài làm đạo cũng có đầy đủ chùa chiền, Phật tử. Người thâm nhập được vô tận tạng công đức, thì ở đâu cũng đầy đủ phước báo. Hòa thượng Thiền sư Nhất Hạnh ở Việt Nam được kính trọng, ngài truyền bá Phật pháp ở nước ngoài cũng được kính nể.

Người tu không lệ thuộc vật chất, không vướng mắc với vật chất, vì biết rõ vật tùy tâm hiện. Nghiệp tốt sẽ có cảnh giới tốt. Đức Di Đà khi chưa thành tựu quả vị Phật, làm gì có Tây phương Cực Lạc. Nhưng Ngài tu hành, trở thành Pháp Tạng Tỳ kheo, tức chứa kho pháp trong tâm. Kho pháp đó kết hợp được Tịnh độ của chư Phật mười phương, nên Ngài học được tinh ba của pháp Phật mười phương mà hình thành Tịnh độ. Bước đầu, Ngài đến phương Tây xây dựng An Dưỡng Quốc, chưa có thế giới Cực Lạc. Đến An Dưỡng Quốc để nghỉ ngơi, là buông bỏ hết. Khởi đầu tu hành, làm vua Vô Tránh Niệm, Ngài buông bỏ tâm tranh chấp hơn thua, cho đến bỏ luôn ngôi vua để tu học Phật pháp. Thâm nhập cốt tủy của giáo pháp rồi, Ngài cũng bỏ cả văn tự chữ nghĩa kinh điển, rời xa phiền não trần lao, tìm chỗ nghỉ ngơi an dưỡng tâm hồn.

Người tu không lệ thuộc vật chất, không vướng mắc với vật chất, vì biết rõ vật tùy tâm hiện.

Người tu không lệ thuộc vật chất, không vướng mắc với vật chất, vì biết rõ vật tùy tâm hiện.

Lộ trình xuất gia giải thoát

Chúng ta tu cũng vậy, từ bỏ thế gian, theo học Phật pháp và sau cùng bỏ luôn kinh giấy trắng mực đen để nuôi dưỡng, phát huy tâm linh, mới đạt được nghĩa giải thoát của đạo Phật.

Đức Phật Di Đà đến An Dưỡng Quốc nghỉ ngơi, buông bỏ mọi hệ lụy, thì có các Bồ tát là Quan Âm, Đại Thế Chí và các bậc thượng thiện nhân tìm đến hỗ trợ Ngài; những tâm hồn lớn thường gặp nhau là vậy. Còn chúng ta mong có đệ tử giỏi, giàu, có quyền thế, chắc chắn không bao giờ có. Đơn giản như muốn có ông đạo quét chùa thôi, nhưng chỉ có ông đạo ngủ gục; Trụ trì thường gặp như vậy, khổ sở vô cùng. Người giỏi, người đạo đức đến hợp tác, tùy theo đó làm đạo, gọi là tùy duyên.

Quý Thầy tu không bị kẹt pháp, sẽ thực tập được pháp chơn không diệu hữu mà chư Phật đã thành tựu. Ta bỏ thế gian học Phật pháp, rồi bỏ tâm vướng mắc với Phật pháp, mà Phật pháp có mất đâu. Vì đã tu đã chứng, tất cả Phật pháp được kết tinh thành trí tuệ của chúng ta, mà trí tuệ thì không bao giờ cùng tận, gọi là vô tận tạng. Cho nên bỏ mà không mất, nhưng còn là còn cái tinh ba cao quý trong tâm trí, trong đức hạnh, trong việc làm lợi ích của chúng ta. Người mới tìm chúng ta để học sự giải thoát, học sự sáng suốt, học sự an lạc.

Tóm lại, Đức Phật thành tựu quả vị Vô thượng Bồ đề, thấy biết muôn sự muôn vật hoàn toàn chính xác và Ngài vận dụng được bốn pháp giải thoát trong chính cuộc sống của Ngài. Trên bước đường giáo hóa độ sanh, Ngài tùy nơi, tùy lúc, tùy hoàn cảnh mà khai ngộ cho mọi người được giải thoát .

Ngày nay, chúng ta là đệ tử Phật, đi theo dấu chân Ngài, tất yếu phải thể nghiệm được nếp sống giải thoát an lạc cho chính mình và trong công việc hoằng hóa lợi sanh ở bất cứ nơi nào, chúng ta cũng phải làm cho người được giải thoát như mình. Làm được như vậy, chúng ta đền đáp công ơn giáo dưỡng của Đức Phật, của chư vị Tổ sư, của các vị Thầy hiện đời và của đàn na tín thí.

Tôi gợi một số ý như vậy trong mùa An cư. Mong quý vị suy nghĩ trong một tháng còn lại của thời gian An cư kiết hạ, cố gắng thực tập để đạt được kết quả thực sự làm lợi ích cho nhiều người. Cầu nguyện cho tất cả quý vị được an lành trong chánh pháp.

(Bài giảng trường hạ chùa Từ Quang, Thủ Đức, ngày 31-7-2007)

Hòa thượng Thích Trí Quảng

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Bài học đáng quý nhân ngày Đức Phật Thích Ca thành đạo

Kiến thức 13:00 06/01/2025

Chúng ta thấy không có kết quả tốt đẹp nào đến ngẫu nhiên cả, tất cả đều nhờ công phu cực khổ mới được. Bây giờ chúng ta kính phục lễ lạy Phật, đó là kết quả Ngài đã từng trả giá rất đắt trên bước đường tầm tu, không phải chuyện dễ dàng.

Nghi thức hồi hướng tiêu trừ nghiệp chướng bệnh tật

Kiến thức 12:05 06/01/2025

Hết thảy chúng sinh, vì vọng động từ vô thỉ kiếp mà có vô minh, mê lầm đã trải qua số kiếp nhiều như cát bụi. Khởi tâm động niệm tạo biết bao ác nghiệp nên che mất Phật tánh của mình. Nghiệp chướng không trừ thì Phật tánh không thể hiện tiền.

Ý nghĩa thâm diệu và công đức của Bát Nhã Tâm Kinh

Kiến thức 10:57 04/01/2025

Người Phật tử còn đang tại thế nghĩa là còn đang sống với đời không thể nào tách rời cuộc sống với việc tu hành để đạt thành đạo quả, nghĩa là phải kết hợp hòa nhuyễn đạo và đời như Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nói trong Cư trần lạc đạo phú.

Những hiện tượng chưa từng có trên thế gian trong đêm Phật thành đạo

Kiến thức 08:20 04/01/2025

Mười ngàn thế giới ngay sát-na ấy rung động dữ dội, quả đất dày bốn mươi do-tuần chao qua đảo lại như địa chấn. Giờ phút ấy đi vào vĩnh cửu. Chư thiên, phạm thiên hoan ca, vui mừng vì một đấng Toàn Giác đã xuất hiện trên thế gian.

Xem thêm