Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU

Giáo dục là nền tảng quy hoạch nhân sự cho Giáo hội

Nhiệm kỳ qua, với phương châm “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, cùng với việc thực hiện thành công 09 mục tiêu, chương trình hoạt động Phật sự, Giáo hội đã gặt hái những thành quả khả quan, song đâu đó vẫn tồn tại những giới hạn cần phải khắc phục.

ht-hue-thong

Đạo Phật có mặt và đồng hành cùng dân tộc đến nay đã trên 2000 năm, những ảnh hưởng tích cực từ Phật giáo đóng một vai trò vô cùng quan trọng trong quá trình giữ nước và phát triển đất nước. Dù đạo Phật du nhập vào nước ta khoảng đầu kỷ nguyên Tây lịch[2], nhưng cho đến thế kỷ XIV, Phật giáo Việt Nam mới tiến hành công cuộc thống nhất để lập nên dòng thiền Trúc Lâm và Giáo hội Trúc Lâm vào năm 1299; mãi đến năm 1951 thì Tổng hội Phật giáo Việt Nam ra đời; năm 1958 tại miền Bắc lập nên Hội Phật giáo Thống nhất Việt Nam và năm 1964 tại miền Nam lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất. Tuy nhiên, bốn lần thống nhất Phật giáo nêu trên vẫn chưa trọn vẹn ở nhiều khía cạnh, cho đến khi công cuộc thống nhất Phật giáo vào năm 1981 thì mới thật sự đúng nghĩa là công cuộc thống nhất trọn vẹn và viên mãn nhất trong lịch sử Phật giáo nước nhà. Nhân đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, vài dòng ôn lại lịch sử để mỗi chúng ta một lần nữa khẳng định những giá trị thiêng liêng rất hy hữu về sự có mặt của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong thời đại ngày nay, đồng thời để chúng ta vinh dự, tự hào khi là thành viên trong ngôi nhà Giáo hội, nhất là sự hiện diện của chúng ta tại đại hội lần này.

Tính từ ngày thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay đã trải qua 08 nhiệm kỳ, sự ổn định và phát triển không ngừng, ngày càng vững mạnh của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được minh chứng qua thành tựu Phật sự trong mỗi nhiệm kỳ, thành quả này khẳng định chủ trương đúng đắn của Giáo hội, tinh thần hòa hợp đoàn kết của chư tôn đức Tăng Ni, tâm huyết và ý thức trách nhiệm cao cả, cũng như sự sâu sát thực tiễn, đổi mới phù hợp trong điều hành Phật sự của chư tôn đức lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự qua mỗi nhiệm kỳ và qua từng giai đoạn lịch sử.

Nhìn lại 08 nhiệm kỳ, trên 40 năm hình thành, ổn định và phát triển, chúng ta dễ dàng nhận thấy Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã lớn mạnh trên nhiều phương diện, đạt được kết quả khả quan trong hầu hết các lĩnh vực Tăng sự, Giáo dục, Hoằng pháp, Văn hóa, Từ thiện xã hội, Thông tin Truyền thông, Quan hệ quốc tế, Hướng dẫn Phật tử; đời sống sinh hoạt của Tăng, Ni, Phật tử ngày càng được cải thiện, các đạo tràng tu học được tổ chức quy củ, phát triển rộng khắp mọi miền đất nước, công tác từ thiện đóng góp thiết thực vào đời sống an sinh xã hội; hoạt động đối ngoại, thông qua các hội nghị, hội thảo Phật giáo thế giới, đã không ngừng nâng cao vị thế Phật giáo trong lòng dân tộc và trên trường quốc tế. Đáng nói là từ Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII đến nay, cùng với chủ đề “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển” và thực hiện 09 mục tiêu, chương trình hoạt động Phật sự được Hội đồng Trị sự đề ra trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, đã tạo bước chuyển biến tích cực trong mọi hoạt động Phật sự, tháo gỡ nhiều vướng mắc, giải quyết nhiều hạn chế. Tính đến thời điểm hiện nay, có thể nói, đây là giai đoạn Giáo hội Phật giáo Việt Nam vô cùng ổn định, ngày càng đi vào chiều sâu của sự phát triển.        

Hôm nay Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX tiến hành với nhiều điều kiện thuận lợi chủ quan và khách quan, bên cạnh những thuận lợi vô cùng quan trọng đó là tinh thần đoàn kết hòa hợp của chư tôn đức và sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, chúng ta còn được kế thừa những thành quả mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam gặt hái trong suốt bốn thập niên, nhất là thành quả khả quan từ nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) cùng với mục tiêu 09 điểm của chương trình hoạt động Phật sự đã đi vào đời sống, chúng tôi cho rằng, đây sẽ là cơ sở quan trọng và cũng là nguồn động lực để Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX hướng đến những mục tiêu cao cả, thiết thực hơn trong thời gian tới với chủ đề: “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”.

Trên tinh thần hân hoan phấn khởi trước những thành tựu của Phật giáo nước nhà; đồng thời hưởng ứng tinh thần quyết tâm hoàn thành sứ mạng xương minh Phật pháp và nâng cao chất lượng phụng sự đạo pháp – dân tộc, chúng tôi mạo muội đóng góp bài tham luận “Giáo dục là nền tảng quy hoạch nhân sự cho Giáo hội”.

Nhiệm kỳ qua, với phương châm “Trí tuệ – Kỷ cương – Hội nhập – Phát triển”, cùng với việc thực hiện thành công 09 mục tiêu, chương trình hoạt động Phật sự, Giáo hội đã gặt hái những thành quả khả quan, song đâu đó vẫn tồn tại những giới hạn cần phải khắc phục.

Theo truyền thống, để Phật giáo nước nhà tiếp tục phát triển, thì bên cạnh việc phát huy thành quả đạt được, linh động uyển chuyển giải quyết những khó khăn phát sinh, nội dung còn lại là tập trung vào việc khắc phục những mặt hạn chế. Trong đó, việc khắc phục những hạn chế tồn tại trong công tác quy hoạch nhân sự, trong công tác giáo dục đào tạo, nhất là những bất cập trong đời sống tu học của một bộ phận Tăng Ni Phật tử luôn là những nhiệm vụ trọng yếu đối với sự nghiệp phát triển của Phật giáo nước nhà. Với suy nghĩ chủ quan, chúng tôi cho rằng, để có được sự thành công trong việc thực hiện nhiệm vụ đề ra trong mỗi nhiệm kỳ và để Giáo hội Phật giáo Việt Nam thật sự phát triển bền vững, bên cạnh việc phát huy nền tảng kỷ cương, trách nhiệm để hoàn thành kế hoạch đề ra trong mỗi nhiệm kỳ, thì chúng ta cần hoạch định một chiến lược lâu dài về quy hoạch nhân sự, về các đề án chuyên sâu cho từng lĩnh vực, nhất là rất cần đến sự soi sáng bản chất giác ngộ giải thoát trong hệ thống giáo dục của Giáo hội và trong mọi hoạt động Phật sự.

1. Những giới hạn về quy hoạch nhân sự và giải pháp khắc phục

Công tác suy cử và bổ nhiệm nhân sự hiện nay của Giáo hội thường chỉ được tiến hành trong mỗi kỳ đại hội hoặc Hội nghị thường niên, theo thông lệ cứ đến mỗi kỳ đại hội thì Giáo hội lại quan tâm đến vấn đề nhân sự, điều này cho thấy, công tác quy hoạch nhân sự trong thời gian qua chỉ mang tính thời vụ theo yêu cầu công tác của từng nhiệm kỳ chứ chưa có một đề án về quy hoạch nguồn nhân sự mang tính chuyên sâu và tổng thể nhằm phục vụ cho một chiến lược phát triển lâu dài của Giáo hội, chính vì vậy mà Giáo hội luôn bị động về nguồn lực kế thừa, nhất là ở những vị trí then chốt của Trung ương Giáo hội và các cấp Giáo hội, cũng như các vị trí lãnh đạo và điều hành trong các lĩnh vực hoạt động khác của Giáo hội.

Giáo dục để đào tạo, quy hoạch nhân sự là một trong những công tác quan trọng cho sự nghiệp phát triển bền vững, được biết Giáo hội cũng đã từng đưa ra những tiêu chí cụ thể về phẩm hạnh và năng lực cho mỗi thành viên khi được Giáo hội giao phó các trọng trách, trong đó những tiêu chuẩn cụ thể đối với nhân sự chuyên trách các lĩnh vực hoạt động khác cũng đã được Giáo hội quy định trong nội quy của từng Ban, Viện. Thế nhưng lâu nay việc bổ nhiệm hay cắt cử nhân sự vào các vị trí trong bộ máy điều hành của Giáo hội cũng chỉ được thực thi trên tinh thần tùy duyên trong mỗi nhiệm kỳ, chứ chưa có một chiến lược đào tạo và quy hoạch nguồn nhân sự một cách bài bản.

Trong tổ chức Giáo hội hiện nay, tuy chúng ta có rất đông nhân sự, nhưng nhân sự đủ tiêu chí thỏa mãn yêu cầu để đảm nhận những vị trí quan trọng phụng sự cho Giáo hội và Giáo hội các cấp thì lại hạn chế so với yêu cầu thực tế, đứng trước tình trạng này, khi cần đến con người cho công việc thì Giáo hội đã tùy duyên điều động và phân bổ những trường hợp chưa thật sự có kinh nghiệm chuyên môn hoặc chưa qua đào tạo vào các vị trí công tác, điều này cũng khiến cho nhiều vị trí quan trọng trong tổ chức Giáo hội trở thành vị trí tượng trưng, chính vì vậy mà đánh mất đi vai trò lãnh đạo điều hành, đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng đã có không ít vị chưa đáp ứng yêu cầu Phật sự, đôi khi có trường hợp dẫn đến sự bất ổn trong hoạt động Phật sự cũng là điều khó tránh khỏi.

Trên tinh thần nhận chân lịch sử hướng đến tương lai, thiết nghĩ đã đến lúc Giáo hội nên hoạch định một chiến lược đào tạo nguồn nhân sự kế thừa cho Giáo hội, bên cạnh đó phải có đề án về nhân sự tổng thể với các tiêu chí rõ ràng khoa học, thiết nghĩ, với một đội ngũ kế thừa đã được đào tạo mang tính chuyên môn cao luôn sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu công tác Phật sự, khi chúng ta cần phân công hay bổ nhiệm vào các vị trí nào đó theo yêu cầu công việc thì vấn đề bố trí sắp xếp nhân sự sẽ vô cùng thuận lợi, nhất là sẽ tránh được những bất cập có thể xảy ra về sau cho Giáo hội.

Theo đó, Giáo hội nên tiến hành thành lập một bộ phận chuyên trách về công tác đào tạo nguồn lực và quy hoạch nhân sự, Trung ương Giáo hội sẽ giao nhiệm vụ cụ thể và tạo điều kiện thuận lợi để bộ phận chuyên trách công tác nhân sự hoạt động hiệu quả. Trước hết, bộ phận chuyên trách công tác nhân sự sẽ có nhiệm vụ tập trung theo dõi, giám sát tình hình nhân sự cho Giáo hội, theo đó, sẽ có quy hoạch nhân sự từ xa, tham mưu và đề xuất với lãnh đạo Giáo hội việc cơ cấu và bổ nhiệm nhân sự khi cần thiết trước yêu cầu thực tế.

Bộ phận chuyên trách công tác nhân sự của Giáo hội cần phối hợp mật thiết với ngành giáo dục đào tạo của Giáo hội mở thêm khoa chuyên ngành về lĩnh vực này dành cho đối tượng quy hoạch lâu dài, tuyển chọn các Tăng Ni sinh có phẩm hạnh và học lực tốt, ngoài việc quy hoạch và bố trí nhân sự, bộ phận này sẽ có nhiệm vụ mở các khóa bồi dưỡng định kỳ về nghiệp vụ chuyên môn cho các thành viên trong Giáo hội, đồng thời có kế hoạch gạn lọc và bổ sung thành phần nhân sự hội đủ điều kiện phục vụ lâu dài cho Giáo hội.

Tóm lại, trong xu thế hội nhập, để đạt được sự phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu hoằng pháp độ sinh trong bối cảnh thời đại, Giáo hội rất cần một định hướng và kế hoạch lâu dài mang tính chiến lược về quy hoạch nhân sự, bố trí thành phần nhân sự trong cơ cấu Giáo hội phù hợp với khả năng và tình hình thực tiễn trong hoàn cảnh thời đại.

2. Những giới hạn về giáo dục đào tạo và giải pháp khắc phục

Giáo dục đào tạo là nhiệm vụ then chốt để đào tạo Tăng tài, hiện nay nhiều tỉnh, thành trong cả nước đều có tối thiểu là một trường Phật học dành cho chương trình Sơ cấp và Trung cấp Phật học. Giáo hội hiện có bốn Học viện Phật học được phân bố ở ba miền Bắc, Trung và Nam, và một Học viện Phật giáo Nam Tông Khmer đáng nói là tại các Học viện Phật học hiện nay đã có chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ Phật học, như vậy mỗi năm số lượng Tăng Ni sinh tốt nghiệp có thể nói là khá đông, thiết nghĩ, nếu nguồn lực này được đào tạo bài bản về kiến thức Phật học, về hàm dưỡng công phu tu tập và về kiến thức chuyên môn cho các lĩnh vực nhằm phục vụ cho Giáo hội sau khi ra trường, thì đây sẽ là nguồn lực tri thức sung mãn, dồi dào và cũng là những hạt nhân kế thừa hàm chứa nhiều năng lượng cho Giáo hội. Tuy nhiên trên thực tế chỉ có một số ít Tăng Ni sinh sau khi ra trường đủ năng lực và phẩm hạnh để đảm nhận công tác Phật sự mà Giáo hội tin tưởng giao phó.

Tình trạng phần đông Tăng Ni sinh sau khi tốt nghiệp tại các Học viện Phật học nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu phục vụ cho Giáo hội, theo góc nhìn chủ quan của chúng tôi, đó là do cán cân giữa tu và học cũng như việc đào tạo chuyên môn nhằm phục vụ cho Giáo hội bị mất thăng bằng, nói cách khác hơn là quá thiên vào việc học mà xao lãng công phu tu tập, cũng như không quan tâm trong chương trình đào tạo chuyên môn quy hoạch cán bộ nguồn phục vụ cho Giáo hội trước khi tốt nghiệp…

Một vấn nạn khác liên quan mật thiết đến nền tảng giáo dục Phật giáo, đó là tình trạng giáo dục tại các cơ sở tự viện chưa được các vị thầy bổn sư quan tâm đúng mức đến oai nghi, tế hạnh của hàng đệ tử do mình tế độ. Mặt khác, sự bùng nổ lan tràn của các trang mạng xã hội làm thay đổi cuộc sống của một bộ phận Tăng, Ni trẻ theo chiều hướng tiêu cực cũng là một trong những vấn đề nan giải hiện nay.

Như chúng ta đã biết, thời công nghiệp 4.0, mạng xã hội đã đi vào mọi ngõ ngách đời sống, trong đó có cả môi trường Phật giáo, bên cạnh tiện ích mà mạng xã hội mang đến, thay vì sử dụng mạng xã hội vào mục đích tu học, hoặc đáp ứng các nhu cầu công tác Phật sự, thì một bộ phận Tăng, Ni trẻ đã sử dụng mạng xã hội như nhằm thỏa mãn những thú vui tiêu khiển vốn không phù hợp với người xuất gia tu theo hạnh Phật. Việc sử dụng mạng xã hội sai mục đích sẽ đánh mất đi lý tưởng xuất gia và bản chất giác ngộ giải thoát của đạo Phật, đồng thời bản thân người sử dụng mạng xã hội sai mục đích rất dễ bị cám dỗ, sa ngã, dẫn đến những việc làm vi phạm Hiến chương Giáo hội và những quy định của pháp luật.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do thờ ơ trước những lời giáo huấn của thầy Tổ, xa rời nếp sống quy củ thiền môn, ngày càng mờ nhạt lý tưởng xuất gia, cũng chính lối sống này, đã khiến cho một bộ phận Tăng, Ni trẻ dễ bị cuốn hút vào mạng xã hội nhằm thỏa mãn theo sở thích cá nhân, điều này khiến họ trượt dài trên đường tu học, sa sút trên đường đạo pháp, tình trạng này xuất phát từ việc mất thăng bằng giữa tu và học, ngược lại cán cân giữa tu và học mất thăng bằng cũng bắt nguồn từ những hiện tượng này.

Giáo dục Phật giáo là một hệ thống giáo dục hướng đến sự giác ngộ giải thoát, lấy Giới, Định, Tuệ làm nền tảng, tam tạng giáo điển làm nội dung giáo dục chính yếu, trên tinh thần này, môi trường giáo dục Phật giáo phải là cái nôi tôi luyện, đào tạo học Tăng thành những bậc pháp khí cho Phật giáo nước nhà.

Thế hệ Tăng Ni trẻ là rường cột của Phật giáo nước nhà và là những nhân tố kế thừa cho Giáo hội trong tương lai, chính vì vậy mà các vị thầy bổn sư cùng với nhà trường cần phải xem xét lại và quan tâm nhiều hơn nữa trong việc giám sát, giáo dưỡng và đào tạo để góp phần tạo nên nguồn nhân sự hữu dụng sau này, hầu phục vụ cho các cấp Giáo hội. Đồng thời, Tăng Ni sinh nói riêng và Tăng Ni trẻ nói chung cần phải tự giác tu dưỡng rèn luyện, giữ gìn giới hạnh kỷ cương, phải kiên định lý tưởng xuất gia tu học vì mục tiêu giác ngộ giải thoát và nhất là phải luôn luôn nhận thức mục đích của việc tu học là để trợ duyên cho công phu tu hành và hoằng pháp độ sanh. Điều này rất quan trọng đối với nền tảng giáo dục về sự dung hòa một cách trí tuệ giữa hình thái truyền thống và hiện đại. Yếu tố truyền thống của đạo Phật là tu hành giác ngộ giải thoát, dấn thân phụng sự đạo đời trên tinh thần vị tha vô ngã; yếu tố hiện đại là những phương tiện thích nghi tạo điều kiện thuận lợi nhằm hạnh thông Phật sự, đồng thời đáp ứng nhu cầu thời đại. Sự kết hợp dung hòa một cách trí tuệ giữa truyền thống và hiện đại sẽ giúp chúng ta thăng tiến và dễ dàng nhận ra những tồn tại trên bước đường hướng tới những mục đích cao cả trong sự nghiệp phát triển chung của Giáo hội. Nhận chân điều này chúng ta sẽ dễ dàng đưa ra chiến lược thích ứng cho sự phát triển GHPGVN trong thời đại mới, chính là sự kết hợp hài hòa nhuần nhuyễn giữa truyền thống và hiện đại, sẽ là cơ sở để chúng ta đưa ra những giải pháp khắc phục, định hướng chuẩn và đặt nền móng cho tiến trình cải cách, đổi mới từ khâu nhân sự đến công tác giáo dục.

3. Vấn đề thông suốt tư tưởng, quy hoạch nhân sự, phát huy uy đức trong điều hành Phật sự

Quy hoạch nhân sự và thông suốt tư tưởng là yếu tố hàng đầu trong việc xác định trách nhiệm của mỗi thành viên trong Giáo hội, qua đó mỗi người tự có thái độ sống tích cực cũng như bổn phận phải thừa hành những trọng trách được giao trên tinh thần tự giác dấn thân phụng sự, để thực hiện tốt điều này, ngoài vấn đề quy hoạch và bố trí nhân sự có năng lực và tâm huyết một cách hợp lý trong cơ cấu tổ chức Giáo hội, thiết nghĩ, Giáo hội nên có những khóa bồi dưỡng định kỳ về nghiệp vụ chuyên môn về công tác tư tưởng cho các thành viên trong Giáo hội.

Đồng thời thông qua đó, nắm bắt tư tưởng, thái độ sống của từng thành viên trong Giáo hội, từ đó có kế hoạch gạn lọc và bổ sung nhân sự mới hội đủ điều kiện phục vụ lâu dài cho Giáo hội. Để giải quyết vấn đề này, Giáo hội nên có kế hoạch lập bộ phận chuyên trách trực thuộc Ban Thường trực Hội đồng Trị sự hoặc Ban Tăng sự Trung ương về công tác tư tưởng, và giao hẳn cho bộ phận này công tác tổ chức quy hoạch, đào tạo tuyển dụng nhân sự cho Giáo hội, chúng tôi thiết nghĩ, đây cũng là một trong những phương cách cải thiện bộ máy hành chính và trù bị kế sách lâu dài cho sự phát triển bền vững của Giáo hội.

Như chúng ta đã biết, Phật giáo có ba thuộc tính rất quan trọng để xây dựng nên một biểu tượng Bồ tát nhập thế độ sanh, đó là Bi – Trí – Dũng. Nếu chúng ta chỉ có từ bi, mà không có trí huệ và uy dũng, thì chúng ta sẽ khó có thể đạt được những hoài bão cũng như nguyện vọng trên bước đường tu hành giải thoát, đó là chưa nói đến việc hành sự nhập thế độ đời. Nếu mỗi thành viên trong ngôi nhà Giáo hội đều toát lên sự tôn nghiêm và uy đức, thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự trang nghiêm thanh tịnh của Giáo hội, điều này sẽ tạo nên lực cảm hóa rất lớn trong đời sống con người, giúp chúng ta dễ dàng thu phục và nhiếp dẫn chúng sanh vào con đường chính pháp, chính vì vậy mà yếu tố kỷ cương, trách nhiệm trong tổ chức Giáo hội cần phải được phát huy cao độ.

Trong đời sống, một người không có uy đức thì lời nói không có giá trị; một tập thể Phật giáo mà không đủ uy đức thì trên nói dưới không nghe, thậm chí rất dễ bị ngoại đạo bày trò xúc phạm. Trong thời gian qua, dù Trung ương Giáo hội đã ban hành nhiều quy chế, nội quy, thông tư và các quy định khác một cách rất rõ ràng, tuy nhiên vẫn còn một số ít địa phương thực hiện và giải quyết theo cảm tính, thiếu đồng bộ, mỗi nơi làm một cách, thậm chí đi ngược lại Hiến chương và các quy định của Giáo hội. Để giải quyết vấn đề này, Giáo hội nên có quy chế làm việc nghiêm túc giữa Trung ương Giáo hội với các cấp Phật giáo tỉnh, thành, quận, huyện phải xây dựng quy chế nghiêm minh kỷ luật và tuyên dương tán thưởng và thường xuyên tổ chức Hội nghị Giao ban trao đổi làm việc giữa Trung ương, các Ban Viện, các cấp Giáo hội đây cũng là phương cách xây dựng ổn định cho nền tảng phát triển của Giáo hội.

Muốn tháo gỡ những khó khăn và thách thức mà GHPGVN đang phải đối mặt thì trước hết chúng ta nên tận dụng tối đa những thuận lợi và cơ hội đang có để phục vụ mục đích tu hành và hoằng dương chính pháp. Sau đây là một vài đề xuất mang tính khái quát, xin mạo muội đóng góp cho sự phát triển của Giáo hội trong thời đại ngày nay:

1) Về giáo dục tự viện (Giáo dục truyền thống): Vị trụ trì khi tiếp độ đệ tử xuất gia phải có trách nhiệm về việc giáo dục tự viện cần chú trọng về oai nghi, giới luật, đạo đức phẩm hạnh và phải thật sự nghiêm túc trên tinh thần “Giáo bất nghiêm, Sư chi nọa” phải có quy định chế tài đối với các vị trụ trì nhận đệ tử mà thiếu trách nhiệm giáo dục, đây là yếu tố căn bản trong việc đào tạo nhân sự tương lai cho Phật giáo cũng như tổ chức Giáo hội về mặt giáo dục truyền thống.

2) Về giáo dục đào tạo học đường (Giáo dục hiện đại): Nội lực luôn là yếu tố hàng đầu để vượt qua những thách thức trong thời đại mới. Giáo hội cần có chương trình cụ thể về công tác giáo dục đào tạo thế hệ Tăng tài có tri thức, có năng lực, có tầm nhìn chiến lược, đủ sức gánh vác trọng trách của Phật giáo nước nhà trong thời hiện đại, đóng góp cho sự nghiệp phát triển bền vững. Nói đến phát triển Giáo hội tức là nói đến sự lớn mạnh của Tăng già, đặc biệt là về nhân sự và tổ chức. Nhân sự có tốt thì Giáo hội mới vững mạnh và tổ chức có tốt thì Giáo hội mới phát huy hết vai trò tu hành giải thoát cũng như hoằng pháp lợi sanh. Do đó, Giáo hội sớm hình thành một Khoa chuyên môn về đào tạo, quy hoạch nhân sự nguồn cho Giáo hội, nhân sự này phải đáp ứng một cách trí tuệ, khoa học về hai hình thái truyền thống và hiện đại, đây là nguồn nhân lực vẹn toàn trí đức đóng góp cho sự phát triển bền vững Phật giáo nước nhà.

3) Trong lịch sử Phật giáo cho thấy, ngay cả Đức Phật còn phải đích thân đến với quần chúng để hóa duyên nhiếp dẫn họ đến với đạo giác ngộ giải thoát, chứ không ngồi đợi quần chúng tìm đến. Đây là xuất phát từ đại bi tâm và tính năng động của Đức Phật. Do vậy, Giáo hội ngày nay, cần phải chủ động trên mọi phương diện của đời sống xã hội và phải có quyết sách, mục tiêu định hướng cho từng giai đoạn để đáp ứng nhu cầu toàn diện trong vai trò nhập thế độ sanh, nhất là trong thời đại hội nhập và phát triển toàn cầu.

4. Kết luận

Như mọi tổ chức trong đời sống xã hội, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng phải thực hiện thành công những mục tiêu đã được đề ra trong mỗi nhiệm kỳ và sự phát triển của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ được khẳng định qua những thành tựu Phật sự trong mỗi nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, sự phát triển này chỉ có giá trị nhất thời trong từng nhiệm kỳ vì dòng chảy thời gian là vô tận, do vậy, chúng ta cần khách quan và công tâm để xác định sự phát triển bấy lâu nay của Phật giáo nước nhà là sự phát triển về mặt tổ chức, sự phát triển đó, ngoài việc đóng vai trò tăng cường sự ổn định về mặt tổ chức của Giáo hội, tăng cường sự ổn định cho đời sống sinh hoạt, tu học của Tăng Ni, Phật tử và tạo nên diện mạo của Phật giáo trong mỗi nhiệm kỳ, trong khi đó nội hàm trong lòng Phật giáo thì vẫn còn nhiều bất cập và hạn chế nhất định, trên tinh thần nhận chân lịch sử hướng đến tương lai, chúng ta cần nhìn nhận mọi vấn đề một cách công tâm và khách quan để hướng đến sự phát triển bền vững toàn diện.

Phật giáo là một tổ chức mang tính chất đặc thù, bởi bản chất của đạo Phật là đạo giác ngộ giải thoát và sứ mạng của Giáo hội là hoằng truyền chính pháp, chính vì vậy, sự phát triển của tổ chức Phật giáo dưới bất kỳ hình thái nào, trong bất kỳ lĩnh vực nào cũng phải gắn liền với bản chất giác ngộ giải thoát của đạo Phật, được như vậy thì chúng ta sẽ đạt đến trạng thái bền vững trong nội hàm phát triển, điều này sẽ tương ứng với sứ mạng của Tăng già, bởi vì Tăng già hình thành trên cõi đời nhằm giúp tất cả thành viên đều đạt Thánh quả và truyền bá Phật pháp cứu độ chúng sinh.

Ngày nay chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới với quyết tâm hướng đến một tương lai tươi sáng với niềm tin vững vàng trên nền tảng chủ đề của Đại hội “Kỷ cương – Trách nhiệm – Đoàn kết – Phát triển”, chúng ta cần tận dụng những điều kiện thuận lợi có được, phát huy yếu tố trí tuệ vào công tác hoạch định một chiến lược phát triển lâu dài, phát huy truyền thống kỷ cương, vai trò trách nhiệm và soi sáng bản chất giác ngộ giải thoát trong mọi hoạt động Phật sự để cùng nhau chung tay góp phần vào sự nghiệp phát triển bền vững Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Kính chúc Đại hội thành công tốt đẹp!

[1] Phó Tổng Thư ký HĐTS – Chánh Văn phòng Thường trực Trung ương GHPGVN

[2] Nguyễn Lang (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Văn Học, trang 23

Hòa thượng Thích Huệ Thông, Phó Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự kiêm Chánh Văn phòng II Trung ương GHPGVN.

Tham luận báo cáo tại Đại hội Đại biểu Phật giáo Toàn quốc lần thứ IX (2022-2027)

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Gốc rễ của chiến tranh

Giáo hội 18:24 30/10/2024

Thật là vinh hạnh lớn lao cho tôi khi được tham dự Hội nghị Hòa bình Thế giới được tổ chức tại trụ sở UNESCO, tổ chức của Liên Hiệp Quốc luôn hướng tới mục tiêu cao quý vì nhân loại.

Thượng tọa Thích Thanh Phong làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu

Giáo hội 17:41 24/10/2024

Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ấn ký quyết định chính thức bổ nhiệm Bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thanh Phong làm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cứu trợ bão lũ: Đức Pháp chủ kêu gọi người có ít đóng ít, người có nhiều đóng nhiều

Giáo hội 18:17 16/09/2024

Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sáng 16/9 đã phát động đóng góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra tại các tỉnh thành phía Bắc.

Ban TT-TT Tiền Giang sản xuất gần 1.000 tin bài, hơn 500 video mỗi năm

Giáo hội 17:22 24/07/2024

Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII (2012-2017) Trung ương GHPGVN đã thành lập Ban Thông tin Truyền thông để có tiếng nói chính thức của GHPGVN trong thông tin quản lý điều hành mọi Phật sự và truyền bá Chánh pháp.

Xem thêm