Bốn hạng người đáng kính trên đời là gì?
Sự tu tập trong Phật giáo, cốt tủy vẫn là “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Nghĩa là tự lực và tha lực luôn tương tác, hỗ trợ nhau trong tu tập nhưng tự lực vẫn là chính, trọng tâm của việc thực hành giáo pháp.
Người tu muốn thành công phải theo thứ lớp, tuần tự từ thấp lên cao. Trước phải có lòng tin, không rời kinh điển rồi sau mới tự mình thân chứng và đến nơi các Thánh quả. Người đệ tử Phật cất bước vào bốn lãnh vực này, Thế Tôn gọi là “người đáng kính, đáng quý, là phước điền của đời”.
“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Ðộc.
Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
- Nay có bốn loại người đáng kính, đáng quý, là phước điền của đời. Thế nào là bốn? Nghĩa là gìn giữ lòng tin, vâng theo giáo pháp, tự thân chứng và thấy được đến nơi.
Thế nào gọi là người gìn giữ lòng tin? Hoặc có một người chịu người dạy dỗ, dốc một lòng tin, ý không nghi nan. Có lòng tin đối với Như Lai Chí Chân Ðẳng Chánh Giác, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Ðạo Pháp Ngự, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn. Họ cũng tin lời Như Lai, cũng tin lời Phạm chí; hằng tin lời những vị ấy, không chấp giữ trí mình. Ðó gọi là người giữ gìn lòng tin.
Thế nào gọi là người tự vâng theo giáo pháp? Ở đây có người phân biệt pháp, không tin người khác, quán sát pháp là có hay không, là thực hay hư. Người ấy liền nghĩ: ‘Ðây là lời Như Lai. Ðây là lời Phạm chí’. Vì biết đây là pháp ngữ của Như Lai, người ấy liền phụng trì, còn các lời ngoại đạo thì xa lìa. Ðó gọi là người vâng theo giáo pháp.
Thế nào gọi là người thân chứng? Ở đây, có người thân tự tác chứng, họ cũng chẳng tin người khác, cũng chẳng tin lời Như Lai. Họ cũng chẳng tin các ngôn giáo của các bậc tôn túc nói, chỉ theo tánh mình mà đi. Ðó gọi là người thân chứng.
Thế nào gọi là người thấy đến nơi? Ở đây, có người đoạn ba kiết sử, thành tựu pháp Tu-đà-hoàn, chẳng thối chuyển. Người ấy có được cái thấy rằng có bố thí, có người nhận, có quả báo thiện ác, có đời này, đời sau, có cha, có mẹ, có A-la-hán... Người ấy thọ giáo, thân tín, tác chứng mà tự du hóa. Ðó gọi là người thấy đến nơi.
Ðó là, này Tỳ-kheo! Có bốn người này. Hãy nhớ trừ bỏ ba người trên. Nhớ tu pháp thân chứng. Như thế, các Tỳ-kheo, hãy học điều này.
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm”.
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập II, phẩm Tứ đế, VNCPHVN ấn hành, 1998, tr.29)
Hạng người đáng kính quý trước tiên là có lòng tin. Chánh tín là niềm tin bất động vào Tam bảo. Như Lai và các bậc Thánh phạm hạnh là những bậc giác ngộ, giới đức; là những ngọn đuốc sáng soi đường; là ruộng phước tối thắng. Niềm tin vào Tam bảo càng kiên cố thì sự nỗ lực hướng thiện cùng với công đức, phước báo của tự thân càng tăng thêm.
Không chỉ tin Phật mà còn vâng theo giáo pháp của Ngài. Nhất là khi Thế Tôn đã nhập Niết-bàn từ rất lâu xa thì sự vâng theo giáo pháp chính là được gặp Phật, được nghe Ngài thuyết pháp. Chính nhờ sự y theo giáo pháp nên hiểu và thực hành đúng Chánh pháp, không bị lạc vào các tà thuyết ngoại đạo. Đây chính là hạng người đáng kính thứ hai.
Quan trọng là, khi đã tin và hiểu Chánh pháp rồi thì tự mình phải tu tập để chứng nghiệm lấy. Vì sao đến đoạn kinh này Thế Tôn lại nói “chẳng tin lời Như Lai, chẳng tin các ngôn giáo của các bậc tôn túc” mà “chỉ theo tánh mình mà đi”? Bởi ăn bánh vẽ thì không thể no, đếm tiền giúp người thì không thể là giàu. Giác ngộ và giải thoát mà các Ngài nói ra là của các Ngài chứ không phải của mình. Hiểu và nhớ thật nhiều những điều các Ngài chứng ngộ không có nghĩa là mình chứng ngộ. Nên học Phật đến một chừng mực nào đó thì phải buông để tự thân chứng, tâm tức Phật, theo tánh mình mà đi. Đây chính là hạng người đáng kính thứ ba.
Cuối cùng là hạng người đạt đến Thánh quả đầu tiên, Sơ quả Tu-đà-hoàn. Chỉ cần đặt bước chân vào dòng Thánh thôi đã xem như đạt bất thối chuyển. Từ Sơ quả, bậc Thánh giả tuần tự thăng tiến các Thánh vị và đạt đến giải thoát tối hậu.
Thế Tôn nói về bốn hạng người đáng kính quý này đồng thời cũng là bốn chặng đường người tu phải trải qua để thành tựu giải thoát.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Ngũ giới là gì?
Kiến thức 09:20 24/12/2024Sau khi chúng ta quy y Tam bảo, cần phải thực hành những lời Phật dạy, những giới điều để ngăn ngừa việc ác, thúc liễm thân tâm, trau dồi đạo đức, nhân cách của người Phật tử.
Công năng của thần chú Vô Lượng Thọ
Kiến thức 16:17 23/12/2024Phật tử thực tập pháp môn tu Tịnh thì niệm Phật khi nào đạt chánh niệm, hoặc tu từ một đến 03 năm, có thể phát tâm gia hạnh thêm một vài pháp môn khác như là Mật, hay Thiền, chừng đó tâm không bị rối loạn.
Diệu dụng của thần chú Lăng Nghiêm
Kiến thức 10:11 23/12/2024Thần chú Lăng Nghiêm là chú cốt tủy trong Phật giáo, học, trì tụng Chú Lăng Nghiêm là nhân duyên rất lớn của người con Phật.
Thần chú hộ mệnh Angulimala là gì?
Kiến thức 06:10 23/12/2024Thần chú hộ mệnh của mỗi người chính là lòng từ bi của chính người đó. Nếu ta tu tập tâm từ thì trường năng lượng xung quanh ta chính là trường năng lượng hộ mệnh. Trường năng lượng này sẽ bảo hộ ta tránh được rất nhiều tai ương, hoạn nạn.
Xem thêm