Giống như có một con đường đưa đến cố đô Huế, nếu không đi trên ấy, không bao giờ chúng ta đến được cố đô ấy. Điều đó không phải vì không có cố đô Huế, không có con đường, mà chỉ vì ta không đi. Cũng thế, con đường Trung đạo Giới Định Tuệ dẫn đến Niết bàn và Chánh trí, nếu không tu tập ta không làm sao tiếp cận được chân lý ấy, điều đó không phải vì không có con đường, không có thực tế của chân lý mà vì ta đã không chịu thực sự tu tập.
III. Tuệ
Nó được gọi dưới nhiều tên khác nhau, chánh trí, trí tuệ, bồ đề, tuệ giác, bát nhã, chân như... Để chỉ một khả năng nhận thức có ba tác dụng:
- Liễu tri (Parinnata): Biết rõ sự vật
- Thắng tri (Abhinnatha): Biết thấu đáo bản chất thật sự của sự vật, tức vô thường, khổ, vô ngã và biết thấu đáo hành nghiệp của mỗi chúng sinh
- Đoạn tận (Pahanatha): Chấm dứt được khổ đau nhờ đoạn tận mọi nguyên nhân tập khởi của chúng
Qua ba tác dụng ấy, ta dễ dàng nhận thấy sự khác biệt giữa nó với nhận thức thông thường là như thế nào. Nhận thức thông thường trong con người chỉ có tác dụng đầu, tức liễu tri sự vật, nó làm giàu ta bằng kiến thức, nhưng cũng làm khổ ta bởi chính những kiến thức ấy, một khi nó không tự liễu tri và thắng tri tức khắc chính mình, mà ngược lại tha hóa tự thân thành một thực tại khách quan bên ngoài để rồi chạy theo bám víu lấy những ảo giác ấy. Sự ngu xuẩn này lại gợi cho ta lý do tại sao tác dụng thắng tri là bàn đạp cần thiết cho đoạn tận và cả hai tác dụng ấy, thắng tri và đoạn tận, nói chung là tuệ giác cần phải và chỉ có thể đạt được bằng con đường tu tập giới định, chứ không phải bằng việc thâu luợm kiến thức. Chính ý thức xả ly và chánh niệm tỉnh giác được chắt lọc từ giới và định là nhiên liệu thắp sáng ngọn đèn tuệ giác để diệt trừ bóng tối vô minh.
Giải đáp cho bài toán Khổ đau, Niết bàn và Chánh trí
Những trình bày trên về giới định tuệ, đặc biệt là các tác dụng của chúng, cung cấp phần nào cho ta những dữ kiện cơ bản để trả lời cho câu hỏi rằng liệu giới định tuệ có phải là đáp án duy nhất cho bài toán giải quyết tận gốc vấn đề chấm dứt đau khổ, đưa đến an lạc (Niết bàn) và thành tựu chánh trí hay không? Qua những định nghĩa về tuệ, mối liên hệ giữa giới định tuệ với việc thành tựu chánh trí đã tương đối rõ ràng, không cần phải bàn cãi gì thêm. Chỉ có vấn đề đáng tiếc phải thắc mắc là không lẽ khổ đau chỉ được chấm dứt bởi một phương pháp và chỉ bởi phương pháp này không thôi hay sao? Một cuộc sống an vui không khổ và đầy hiểu biết là mơ ước của con người trong mọi thời đại. Đức Phật cũng vì vấn đề này mà đã từ bỏ vợ đẹp con thơ, cung vàng điện ngọc, chịu băng ngàn vượt suối, lặn lội cầu thầy học đạo để tìm phương pháp giải quyết.
Sau khi tự mình chứng tri, Ngài đã trở về xã hội để chỉ bày cho mọi người con đường đứng đắn và kỳ diệu vừa được tìm ra... Con đường ấy trong bài thuyết pháp đầu tiên tại vườn nai cho năm anh em ông Kiều Trần Như, Ngài đặt tên là Trung Đạo và diễn giải nó thành Bát Chánh Đạo.
Con đường thánh thiện gồm tám yếu tố mà ta có thể tổng kết lại thành ba: Giới (Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng), Định (Chánh niệm, Chánh tinh tấn, Chánh định), Tuệ (Chánh kiến, Chánh tư duy). Gọi là Trung Đạo với ý nghĩa, nó là con đường có khả năng đưa hành giả đi trên hướng ấy đến trúng mục tiêu mong muốn, không lệch lạc như hai con đường hưởng thụ dục lạc và ép xác khổ hạnh đang thịnh hành lúc ấy dưới sự cổ súy của các học thuyết tôn giáo và triết học bấy giờ. Hơn hai nghìn ruỡi năm trôi qua, con đường ấy hầu như bị nhòe đi dưới sự lộng lẫy của những con đường cao tốc do khoa học xây dựng.
Bắt đầu sự ra đời của máy hơi nước, khoa học kỹ thuật, qua từng đợt thay da đổi thịt, ngày càng cống hiến cho con người những công cụ và phương pháp tối ưu để giải quyết các vấn đề không chỉ giới hạn trong phạm vi hành tinh này mà còn tiếp cận cả vũ trụ nữa. Bất cứ cái gì cũng được biến thành khoa học với niềm tin rằng, kiến thức là chìa khóa giải quyết mọi vấn đề. Mặc cho ngài Einstein, một nhà bác học đầu đàn của thế kỷ 20 có nói gì thì nói. Rằng: “Phật giáo bắt đầu từ chỗ khoa học chấm dứt” có lẽ chỉ là một nhận xét chủ quan của ông ta thôi, đã chắc gì có cơ sở khoa học! Chẳng phải khoa học đã cứu con người ra khỏi bóng tối bao trùm lên toàn bộ Âu châu trong suốt bao thế kỷ chỉ vì niềm tin vào thần học đó sao. Vậy thì có ích gì mà quay về lại tôn giáo?
Nhưng bốn thế kỷ là thời gian đủ dài để nhìn lại mình mà đánh giá. Dù khoa học, với vận tốc vũ trụ, vun vút phóng đi những bước thần kỳ trên các siêu xa lộ, nỗi khổ vẫn cứ bám riết lấy thân phận con người với bộ mặt tiền sử của nó, bức tranh không có gì thay đổi dưới lăng kính này.
Vẫn biển nước mắt, vẫn dòng máu mặn. Những tưởng rằng các lý thuyết khoa học về kinh tế, chính trị, xã hội, cùng các nền khoa học thực nghiệm và kỹ thuật khác, chúng ta sẽ xóa sạch hẳn những vết hằn khổ đau vì nghèo đói, bất công, chiến tranh, khủng bố… trên bản đồ văn minh nhân loại. Nhưng không, vết hằn vẫn còn đó như một chứng tích tội lỗi, ám ảnh và đè nặng lương tâm con người, thách thức khoa học, tại sao? Và Trung đạo của Phật giáo dựa trên cơ sở đúng đắn nào để giải quyết vấn đề?
Để trả lời câu hỏi này, phải tìm hiểu trước hết khổ đau thực sự là gì? Nó có muôn hình vạn trạng, khổ vì sinh lão bệnh tử, vì nghèo đói, vì thất tình, vì chiến tranh… nhưng tất cả sự đau khổ ấy đều có một mẫu số chung làm thành bản chất của nó. Mẫu số chung ấy là cảm thọ. Khổ là một cảm thọ, một thực tế được hình thành bởi nhân duyên và do thế cũng chỉ được chấm dứt theo luật nhân duyên. Quy luật của nhân duyên là cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không, cái này sinh thì cái kia sinh, cái này diệt thì cái kia diệt. Vậy thì cảm thọ đã được khởi lên, tồn tại và chấm dứt như thế nào? Khi có sự tiếp xúc giữa căn (giác quan) và cảnh (đối tượng) thì có cảm thọ khởi lên, hoặc sướng (lạc thọ), hoặc khổ (khổ thọ), hoặc lạt lẽo (bất khổ, bất lạc thọ). Chẳng hạn khi mắt thấy sắc, ta cảm thấy thích thú, bất mãn hoặc thờ ơ lãnh đạm.
Vấn đề là lẽ ra khi sự tiếp xúc chấm dứt các cảm thọ ấy cũng phải diệt mất theo quy luật của nhân duyên. Nhưng trên thực tế những cảm thọ ấy vẫn còn tồn tại trong tâm hồn ta. Tại sao? Dù sự tiếp xúc đã qua nhưng lòng ái trước nơi các cảm thọ, thuận hay nghịch, đã là nguyên nhân làm cho ý căn bám riết lấy chúng, tạo ra tình trạng duy trì một sự tiếp xúc liên tục giữa ý căn và đối tượng của nó, mà bây giờ chính là cảm thọ, chính hiện tượng này đã nuôi dưỡng cảm thọ và ngược lại cảm thọ được nuôi dưỡng đến lượt mình làm tăng nồng độ ái trước.
Hiện tượng này được thấy rõ nét nhất nơi những kẻ nghiệm ngập ma túy. Khi cảm thọ và ái trước tăng trưởng, những khổ thọ nơi thân và tâm dĩ nhiên cũng tăng theo. Nếu hiểu rõ mối tương quan này, từ bỏ lòng ái trước nơi các cảm thọ, thì sự tiếp xúc trên bình diện ý căn không còn được nguồn nhiên liệu nào tiếp sức, sẽ tự lắng diệt và một sự thật kỳ diệu khác từng bị che lấp hiện ra và tồn tại, đó là xả. Nói kỳ diệu bởi vì nó không phải là một hiện tượng do nhân duyên tập khởi, mà là pháp xả ly nhân duyên, vô vi an tịnh (muốn nắm rõ chi tiết, xin đọc Đại lục xứ kinh 534-538 và kinh Căn tu tập 551-558 sđd, Tu thư Vạn hạnh l975).
Đến đây câu trả lời dứt khoát cho vấn đề cái gì giải quyết được tận gốc đau khổ đã quá rõ ràng. Đau khổ cố nhiên là một cảm thọ. Nhưng sự ham thích nơi các lạc thọ và lãnh cảm đối với những cái bất khổ bất lạc thọ cũng làm cho tâm trở nên bất an khi các cảm thọ ấy không còn.
Điều này có nghĩa ái trước nơi cảm thọ đã làm cho mọi cảm thọ trở thành nỗi khổ. Và con đường Trung Đạo, tức giới định tuệ với chủ trương không hệ lụy nơi dục lạc hay khổ hạnh mà chỉ luôn luôn an trú nơi xả và chánh niệm tỉnh giác, mới là phương pháp đúng đắn duy nhất để giải thoát hết khổ đau. Những sản phẩm ngày càng hoàn hảo mà kiến thức khoa học cống hiến cho nhân loại, cộng thêm lối quảng cáo và giáo dục nhồi nhét vào đầu óc con người cái quan niệm hạnh phúc là được thỏa mãn thèm muốn những sản phẩm ấy, đã nuôi dưỡng và làm gia tăng nồng độ cảm thọ và ái trước. Dẫn đến hậu quả tất nhiên là những khổ thọ về thân và khổ thọ về tâm cũng càng tăng trưởng. Đó là lý do tại sao những ngành khoa học hiện nay đã không đạt đến mơ ước tối hậu của mình: xây dựng thiên đường hạnh phúc với kiến thức và vật liệu khoa học. Những cái nhìn lệnh lạc về vai trò của nó trong lịch sử văn minh nhân loại cần được đánh giá lại.
Vị trí môn học Giới - Định - Tuệ trong cuộc sống ngày nay
Với niềm tin tưởng tuyệt đối vào độ chính xác của những ngành khoa học lập cước trên sáu giác quan, người ta đã nghi ngờ và hạ bệ tất cả những gì không xác định được qua hệ thống này. Nạn nhân đầu tiên là các ông thần tôn giáo. Bản thân tôn giáo dưới con mắt khoa học cũng trở thành một khuôn mặt khả nghi, đầy những chuyện hoang đường về tội phước chỉ có thể gạt gẫm được những kẻ nhẹ dạ quê mùa thiếu học. Thay thế cho các ông thần tôn giáo, người ta suy tôn những vị thần mới, những lý thuyết khoa học về chính trị, kinh tế, xã hội, giáo dục… để bảo đảm cơm no áo ấm, an ninh trật tự, đạo đức trí tuệ… cho mọi người.
Nhưng rồi đến phiên Thượng đế trả thù. Những lý thuyết khoa học ấy không giải quyết những chuyện áo cơm trọn vẹn như đã hứa hẹn, thất nghiệp phổ biến dài dài. Thê thảm hơn nữa là với sự sụp đổ các giá trị đạo đức do thánh thần cũ bảo trợ, những giá trị mới lại chưa có một cơ sở lý luận khoa học vững chắc nào chống đỡ, ngoài những khẩu hiệu cũ vay mượn từ tôn giáo và những hứa hẹn suông về lợi ích kinh tế hai chiều, chúng không thể nào ngăn chặn đà lạm phát tội ác. Thực sự, một nền đạo đức học chỉ giáo dục bằng lời khuyên về thưởng phạt kinh tế thì cũng không khoa học gì hơn các nền đạo đức cũ. Có lẽ còn tệ hại hơn nữa là đằng khác.
Bởi vì nếu có một lợi ích kinh tế lớn hơn sự chế tài đã quy định, người ta sẵn sàng vượt qua lằn cấm để phạm vào bất cứ một tội ác nào. Chứ còn cái phạt vô hình đời sau, một khi đã tin là có vẫn là một sức mạnh đáng kể làm chùn tay tín đồ tôn giáo trong những trọng tội. Chính việc thiếu mất một cơ sở lý luận khoa học cho nền đạo đức con người mới là nỗi khổ lớn nhất hiện nay cho nhân loại. Nó làm cho con tàu lịch sử mất hướng, không biết lấy gì làm kim chỉ nam để biết chắc chắn mình sẽ đi đến mục đích, hài hòa và nhất quán mọi hoạt động của mình cho mục đích này. Đi dưới ánh sáng của những lý thuyết khoa học thế kỷ 20, mà vẫn cứ ngờ ngợ như đang đi trong đêm đen khủng khiếp của thời Trung cổ.
Không biết đâu là chân lý chuẩn mực cho những hoạt động của mình. Thảm họa ấy đang xảy ra và thách thức nhân loại. Vì sợ nạn nhân mãn, chúng ta đang buộc phải nhân danh sự sống để tiêu diệt sự sống, oái ăm thay, buộc phải vận dụng các công cụ khoa học tinh xảo, những liều thuốc, những máy hút nạo thai để giết chết trong trứng nước những con cháu bất hạnh chưa có cơ hội mở mắt chào đời thấy nền văn minh tươi đẹp, để bảo đảm miếng cơm manh áo hiện nay của chúng ta, để bảo đảm hạnh phúc cá nhân của chúng ta. Chúng ta buộc lòng phải hợp pháp hóa chuyện này dù rằng cũng chính chúng ta nhân danh tương lai nhân loại, đã thảo ra đủ thứ luật lệ bảo vệ quyền lợi trẻ em!
Nhân quả đáo đầu, trong tương lai, lấy gì bảo đảm việc đàn con cháu chúng ta sẽ không nhân danh cuộc sống hạnh phúc của mình để tiêu diệt lớp cha mẹ già nua tật nguyền không có lợi ích gì về kinh tế? Thế mà chưa đủ, trong khi phải vật lộn đối phó với nạn nhân mãn đang đè nặng lên thân phận hành tinh, chúng ta lại phung phí tiền của lẫn cả ý thức để kiến thiết cho mình một cuộc sống hưởng thụ vật chất, xem đó là mục đích cuộc đời. Việc chống nhân mãn song hành với việc kích thích khoái lạc, chỉ đẩy chúng ta vào những hành động tự mâu thuẫn với chính bản thân mình, tạo nên một khuôn mặt kỳ dị đầy bất an và giả dối. Đã đến lúc phải xét lại toàn bộ vấn đề.
Kiến thức khoa học và những sản phẩm nó cống hiến không tội tình chi, thiện hay ác là do người sử dụng. Một chiếc hỏa tiễn có thể giúp nhà khoa học khám phá vũ trụ, mà cũng có thể trở thành một vật đáng sợ trong bàn tay bọn khủng bố. Một hệ thống chính trị có thể là tiền đề cho một xã hội cất cánh vươn lên thịnh vượng và văn minh, nhưng cũng dễ dàng trở thành công cụ áp bức khủng khiếp trong bàn tay những kẻ tham lam, độc đoán. Tất cả tùy nơi con người.
Muốn đào tạo được những con người lương thiện và hiểu biết, cần phải có một khoa học đạo đức thực nghiệm thực sự, chứ không phải là một thứ nhồi nhét vào đầu óc con người những giới điều và mệnh lệnh đạo đức. Nền đạo đức ấy phải bảo đảm cho người thực hành nó thoát khỏi mọi tật xấu tác hại không những chính bản thân mình mà còn vạ lây người khác. Thứ nữa, nền đạo đức ấy phải phù hợp với sự thật nhân sinh vũ trụ để bảo đảm cho mọi ngành khoa học phát triển. Trung đạo với phương pháp thực nghiệm giới định tuệ, giúp con người vượt ra khỏi gọng kềm cảm thọ và nhận thức được tạo ra trong hệ thống sáu căn để làm chủ chúng, rõ ràng thỏa mãn hai yêu cầu cơ bản này.
Chúng ta cần nghiên cứu nó cả về mặt lý thuyết lẫn phương pháp thực hành để xây dựng được một nền khoa học đạo đức thực nghiệm, làm chuẩn cho mọi hoạt động hiện nay, ngõ hầu kiến thiết một nền văn minh phù hợp với nội dung chân thiện mỹ, chứ không phải thứ văn minh tiêu thụ đầy mâu thuẫn và bất trắc chúng ta đang sống. Dân tộc ta, từ sau ngày sụp đổ chính quyền Hai Bà Trưng vào năm 43, trên bước đường đấu tranh giành lại độc lập, đã vận dụng Trung đạo này để xây dựng một nền văn hóa mới, vừa có khả năng bảo tồn được những thành quả tốt đẹp trong nền văn hóa truyền thống do Hùng Vương để lại, vừa có khả năng vô hiệu hóa đòn diệt chủng bằng văn hóa Chu Khổng của nhà Hán.
Sau khi phục hồi độc lập, lại lấy nó làm hệ tư tưởng căn bản để đoàn kết dân tộc, xây dựng và bảo vệ thành công một xã hội nổi tiếng thuần từ, giàu mạnh và phát triển trên 300 năm. Ảnh hưởng của nó vẫn còn sâu đậm trong các triều đại kế tiếp. Những trang sử vẻ vang ấy là cơ sở thực tế chứng minh hiệu quả đáng tin cậy của Trung đạo trong việc kiến thiết một cuộc sống tốt đẹp cho con người về vật chất lẫn tinh thần, cá nhân lẫn xã hội.
Đối diện với những vấn đề của đất nước hôm nay, khi mở cửa ra giao lưu với tất cả các nền văn hóa khác trên thế giới, ngõ hầu làm bè bạn với tất cả các dân tộc và đưa tổ quốc tiến nhanh lên phía trước, bắt kịp tầm phát triển của thời đại, chúng ta vừa đón những ngọn gió lành mà vừa hứng chịu những luồng gió độc. Đó là một điều không thể tránh khỏi. Nhưng điều ta có thể chủ động giải quyết, là làm thế nào để bụi bặm độc hại do những luồng gió ấy mang đến không hủy hoại cơ thể của mình. Rút tỉa bài học lịch sử của tổ tiên, nghiêm chỉnh nghiên cứu một cách khoa học lý thuyết cũng như phương pháp thực hành giới định tuệ của Trung đạo sẽ cho ta một đáp án thỏa đáng. Tác dụng ngăn chặn của giới, lọc sạch của định và hóa giải của tuệ sẽ cung cấp cho chúng ta không những chỉ khả năng miễn nhiễm đối với bất cứ một độc tố nào, mà còn bao dung tất cả sự sống. Đó là tài sản chung của mọi người chứ không riêng gì của một ai. Và từ xưa nó đã là một phần cốt lõi của nền tư tưởng và văn hóa Việt Nam.
Kết luận
Giá trị môn học Giới - Định - Tuệ lớn lao như thế, nhưng nếu không nghiêm túc thể hiện nó ra một cách đúng đắn ngay nơi bản thân mình thì chúng ta cũng không hưởng được một lợi ích cụ thể nào cả. Giống như có một con đường đưa đến cố đô Huế, nếu không đi trên ấy, không bao giờ chúng ta đến được cố đô ấy. Điều đó không phải vì không có cố đô Huế, không có con đường, mà chỉ vì ta không đi. Cũng thế, con đường Trung đạo Giới - Định - Tuệ dẫn đến Niết bàn và Chánh trí, nếu không tu tập ta không làm sao tiếp cận được chân lý ấy, điều đó không phải vì không có con đường, không có thực tế của chân lý mà vì ta đã không chịu thực sự tu tập.
Việc tu tập đòi hỏi phải cẩn thận học hỏi thường xuyên, nhất là đối với thiền định, để chọn cho mình một phương pháp phù hợp. Phương pháp thiền định có rất nhiều loại, không ngang ngay sổ thẳng như giới. Do vì tâm ta cũng xiên xẹo lắm đường. Nhưng dù theo phương pháp nào đi nữa, thì cũng phải thường xuyên thành thật quan sát tâm mình xem thử những tham, sân, si, ngã mạn v.v… đã được lắng sạch hết chưa. Nếu chưa, dù chỉ là một gợn mảy may thoáng lên trong thân khẩu ý, cũng phải hết sức cảnh tỉnh. Cẩn thận chớ buông lung, chớ chê bai việc người. Mỗi ngày, dù bận mấy đi nữa cũng phải dành một ít thời giờ, ở chỗ thanh vắng, dùng chánh niệm tỉnh giác mà an tịnh ba nghiệp nơi bản thân mình. Có như thế mới mong khỏi bị lệch đường.
Hòa thượng Thích Nguyên Giác
TIN, BÀI LIÊN QUAN: