Thứ năm, 16/01/2014, 13:47 PM

Giới thiệu sách "Liễu Phạm Tứ Huấn"

Đời này tuy không phạm lỗi, tạo tội nhưng làm sao biết được rằng đời trước mình không phạm lỗi tạo tội! Nếu đời trước ta phạm tội thì tuy đời nay ta không tái phạm, nhưng tội lỗi ta đã phạm trong đời trước vẫn phải chịu báo ứng

“Bốn bài giáo huấn của người xưa” là cuốn sách được lưu truyền rộng rãi trong dân gian Trung Quốc từ bao đời nay. Liễu Phàm tiên sinh là bậc học rộng, ngay từ nhỏ đã say mê nghiên cứu sách vở, sau đỗ đạt làm quan, thực hiện nhiều điều ích nước lợi dân, được nhiều người biết đến.

Nhưng Liễu Phàm thực sự lưu danh không chỉ vì ông là vị quan cương trực, được nhân dân yêu mến, có nhiều công lao với triều đình, mà hơn hết là vì ông đã dành nhiều tâm huyết cũng như chí hướng của đời mình để soạn ra bốn chương đoản văn, bấy giờ gọi là “Giới tử văn” (văn răn dạy con) để dạy con mình, sau đó được lưu hành rộng rãi trong đời, tức là sách “Bốn bài giáo huấn của ngưòi xưa” mà bạn đang có trong tay.

Đọc sách của người xưa, cảm nhận cái hay cái quí trong tư tưởng của ngưòi xưa, từ đó thực hành theo sách, giúp chúng ta hành thiện lánh ác, phát huy đức khiêm tốn, biết hối cải lỗi lầm, từ đó có được cách lập thân đúng đắn là mong ước của chúng tôi muốn chuyển cho quí vị tấm lòng muốn làm việc thiện muốn giúp người, giúp đời ngày một tốt đẹp hơn đã thúc đẩy chúng tôi bỏ nhiều tâm lực để hoàn thành cuốn sách. Mong nhận được từ quí vị nhiều tri âm, tri kỷ qua cuốn sách nhỏ này.

“Bốn bài dạy của Liễu Phàm” vốn là bốn chương đoản văn của Cư sĩ Liễu Phàm đời Minh, có tên là Giới tử văn (văn dạy con ), sau được lưu truyền trong dân gian hơn 5 thế kỷ qua với tựa đề là Liễu Phàm tứ huấn.

Ông đã lấy cuộc đời ông, một con người thông đạt đủ các môn khoa học đã học hành, làm quan và đặt biệt là một tấm gương đạo đức, trí tuệ và hiền thiện để khuyên dạy con nhưng chủ yếu là khuyên dạy người đời. Đây là một tác phẩm lấy giáo lý Phật Giáo làm căn bản để triển khai việc tu thân, sống đạo đức và hành thiện giúp đời.
 
Mục lục
BÀI THỨ NHẤT: HỌC CÁCH LẬP MẠNG
BÀI THỨ HAI: PHƯƠNG PHÁP HỐI CẢI LỖI LẦM
BÀI THỨ BA: TÍCH TẬP VIỆC THIỆN 
BÀI THỨ TƯ: HIỆU QUẢ CỦA ĐỨC KHIÊM TỐN

Giới thiệu về tác giả

Liễu Phàm: họ Viên, hiệu Liễu Phàm, tên Huỳnh, tự Khôn Nghị. Người Giang Nam sông Ngô, đời Minh. Sanh năm 1535, mất năm 1609, hưởng 74 tuổi. Sống tại quê vợ ở tỉnh Triết Giang, huyện Gia Thiện. Lúc 16 tuổi đậu Tú tài, 33 tuổi đậu Cử nhân và 52 tuổi đậu Tiến sĩ. Ông viết lại 4 bài để dạy con của ông là Thiên Khải, sau này cũng đậu tiến sĩ.

Dịch giả Cư sĩ Trần Tuấn Mẫn, nhà nghiên cứu và giảng dạy Phật học. Hiện anh là ủy viên trường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó trưởng ban truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó trưởng ban văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam; Phó Tổng biên tập Thường trực kiêm Thư ký tòa soạn bán nguyệt san Văn hóa Phật giáo. Là một người con của xứ Huế, nơi mà “chất Phật” đã thấm vào hầu hết mọi tâm hồn.

Cuộc đời của anh gắn liền với việc nghiên cứu và giáo dục Phật giáo. Anh có một đời sống cần mẫn, kiên trì trong việc dịch thuật, sáng tác và trao truyền kiến thức Phật giáo cho thế hệ sau anh, trong đó có nhiều vị tu sĩ. Tuy nhiên, tính khiêm cung, lòng cung kính và sự gần gũi của chư Tăng của anh thể hiện rõ qua những câu chuyện và cách xưng hô.

Trích đoạn sách hay:

“...Những phương pháp hối cải lỗi lầm đã giảng trên đây có thể cải hóa hết những lỗi lầm trong đời hiện tại tự nhiên số mạng tốt không thể biến thành số mạng xấu; nhưng những phương pháp ấy vẫn không thể khiến số mạng xấu; thành số mạng tốt được. Bởi vì đời này tuy không phạm lỗi, tạo tội nhưng làm sao biết được rằng đời trước mình không phạm lỗi tạo tội! Nếu đời trước ta phạm tội thì tuy đời nay ta không tái phạm, nhưng tội lỗi ta đã phạm trong đời trước vẫn phải chịu báo ứng.

Thế thì làm sao lại có thể khiến “mạng xấu” biến thành mạng tốt được? Như thế không những cần phải cải hối lỗi lầm mà còn cần phải tích thiện tích đức thì mới có thể khiến cho tội lỗi đã tạo trong đời trước tiêu trừ đi.

Tích tập nhiều việc thiện thì tự nhiênchuyển đổi mạng xấu thành mạng tốt, đồng thời còn có thể chứng minh được sự hiệu nghiệm của điều này. Kinh Dịch nói: “Gia đình tích tập việc thiện thì nhất định sẽ có rất nhiều điều may mắn, hạnh phúc”.

Xưa có người họ Nhan muốn gả con gái cho Thúc Lương Hột nên đem chuyện nhà họ Khổng đã làm mà xét từng sự việc một, biết được rằng tổ tiên họ Khổng đã lâu đời tích tập phước đức rất nhiều, cho nên đoán biết rằng con cháu họ Khổng nhất định sẽ đại phát (về sau quả nhiên sinh ra được Khổng tử).

Lại nữa, Khổng tử xưng tán cái hiếu của vua Thuấn là một sự hiếu thuận siêu phàm. Ngài nói: “Cứ như cái đại hiếu của vua Thuấn thì chẳng những tổ tông được hưởng sự tế lễ của ngài mà con cháu ngài đời đời cũng giữ được phước đức của ngài, không thể bị lụn bại”. (Nước Trần thời Xuân Thu chính là con cháu truyền xuống từ vua Thuấn cũng đủ chứng minh sự hưng phát lâu dài của các đời sau vua Thuấn).

Đây là lời thuyết giảng thuyết phục đúng đắn nhất vậy! Nay chúng ta lại đem cái sự việc chân thực trước kia ra để chứng minh (cái công đức của việc tích tập việc thiện).

Có một vị đã từng giữ chức Thiếu sư, họ Vương tên Vinh, người ở Kiến Ninh tỉnh Phúc Kiến, gia đình nhiều đời sống bằng nghề đưa đò. Có một lần mưa quá lâu, sông suối ngập đầy, thế nước hoành hành dữ dội, cuốn trôi tất cả đê điều phòng hộ, người chết đuối theo dòng nước trôi xuống, các thuyền khác đều lo vớt các thứ của cải trôi về, chỉ có ông cố và ông nội của Thiếu sư là chuyên lo cứu vớt những người dân bị nạn đang trôi nổi trong dòng nước, còn tài vật thì không vớt một thứ nào.

Người làng đều cười thầm cho rằng họ ngu dại. Cho đến khi cha của Thiếu sư ra đời, cảnh nhà mới dần dần khá lên. Có lần một vị đạo sĩ, đã nói với cha của Thiếu sư rằng: “Ông nội và cha của ông đã tích tập rất nhiều công đức. Con cháu sinh ra tất phát đạt làm quan lớn. Hãy chôn cất cha của ông tại nơi nọ”. Cha của Thiếu sư bèn theo chỗ vị đạo sĩ đã chỉ mà chôn ông nội và cha mình. Gò mả ấy chính là gò Thỏ trắng mà hiện nay mọi người đều biết.

Về sau Thiếu sư ra đời, đến năm 20 tuổi thi đỗ Tiến sĩ, ra làm quan nhận chức Thiếu sư thuộc bậc Tam công. Nhà vua còn tặng cho ông cố, ông nội và cha của Thiếu sư tước vị như Thiếu sư. Lại nữa, con cháu đời sau của Thiếu sư đều hưng vượng khác thường, đến nay còn nhiều vị có tài năng đức độ.

Ông Dương Tự Trừng người huyện Ninh Ba, tỉnh Triết Giang, mới đầu làm Thư Biện ở huyện, tính tình vô cùng đôn hậu, lại giữ phép nước rất công minh, làm việc rất công chính. Bấy giờ quan huyện là một người nghiêm khắc, thẳng thắn. Có lần bỗng đánh một phạm nhân khiến người này đổ máu quan huyện cũng không nguôi giận. Dương Tự Trừng liền quỳ xuống xin quan huyện nghĩ tình mà khoan lượng cho phạm nhân ấy.

Quan huyện nói: “Ông đã xin thì không thể không khoan thứ nhưng phạm nhân này không giữ pháp luật, vi phạm đạo lý, ai mà không nổi giận cho được chứ!” Dương Tự Trừng vừa dập đầu vừa nói: “Ạ! Trong triều đình đã không thể nói được điều phải trái nào (chính trị hắc ám, tham hô, hủ loại), lòng người thất tán đã lâu, khi thẩm xét án sự mà tra xét ra được sự thật thì cũng nên mủi lòng, thương xót họ vì họ không biết sự lý mà lầm lỡ mắc vào lưới pháp.

Nếu tra xét ra đúng tội thì cũng không nên vui mừng. (Vì hễ lòng vui mừng thì e rằng chỉ lướt qua, thành ra sai lạc. Nếu nóng giận thì e rằng phạm nhân chịu không nổi sự đánh đập, phải miễn cưỡng nhận tội, dễ khiến người ta bị oan uổng). Vui mừng mà còn không nên thay, huống chi nổi giận!” Quan huyện nghe xong thì rất cảm động, sắc mặt dịu hào trở lại, không còn nóng giận nữa!

Nói về gia cảnh của Dương Tự Trừng thì nhà rất nghèo; nhưng tuy nghèo mà hễ ai cho thứ gì, ông đều khẳng khái không chịu nhận. Gặp phải tù nhân thiếu ăn, ông lại tìm cách để mang gạo đến cứu giúp họ.

Một hôm, có mấy người tù mới không có thứ gì ăn, đã đói lả. Nhà ông lại đang lúc thiếu gạo. Nếu đem gạo cho mấy người tù, thì gia đình không còn gì để ăn.

Nếu để lại gạo cho gia đình ăn, thì mấy người tù kia bị đói thật đáng thương. Không còn cách gì khác, ông bàn bạc cùng vợ, hai vợ chồng đem chút gạo còn lại mà nấu cháo đem cho những người tù mới đến. Về sau hai vợ chồng sinh được hai con trai, đứa lớn tên là Thủ Trần, đứa nhỏ tên là Thủ Chỉ, làm quan đến chức Nam Bắc sử Bộ Thị Lang.

Đứa cháu lớn giữ chức Hình Bộ Thị Lang, đứa cháu nhỏ cũng được chức Tứ Xuyên xứ sát ty. Hai đứa con và hai đứa cháu đều có danh phận; hiện nay có hai vị nổi danh là Sở Đình, Đức Chính, đều là cháu chắt của Dương Tự Trừng.

Hồi xưa vào năm Chính Thống đời Minh Anh Tông có một tướng thổ phỉ là Đặng Mậu Thất tạo phản loạn tại Phúc Kiến theo hắn để cùng mưu phản rất đông. Nhà vua gọi quan Đô Ngự sử người huyện Ngân hà Trương Gian đi tiêu trừ bọn chúng. Trương Đô Hiến (Đô Ngự sử họ Trương) dùng mưu bắt được Đặng Mậu Thất. Về sau Trương Hiến lại phái một vị họ Tạ đang giữ chức Ty Bố Chính tỉnh Phúc Kiến đi tim bắt bọn giặc phỉ còn lại, hễ bắt được kẻ nào là giết ngay (nhưng Tạ Đô Sự không chịu giết bừa, sợ giết lầm người).

Tạ Đô Sự đến các nơi tìm kiếm danh sách những người theo giặc, khi tra ra được những ai không theo giặc, không có tên trong danh sách thì ngầm phát cho họ một lá cờ vải trắng nhỏ và giao ước rằng khi quân đi truy tìm bọn giặc đến vào ngày ấy thì họ phải đem lá cờ vải trắng ấy cắm ở nhà họ (tỏ ra rằng đây là nhà người dân trong sạch).

Ông lại cấm quan binh không được giết bừa bãi. Do ông sắp đặt được như thế nên số người tránh khỏi bị giết lầm tính ra đến hơn một vạn. Về sau con trai của Tạ Đô Sự là Tạ Thiên thi đỗ Trạng Nguyên, làm quan đến chức Tể tướng; cháu nội ông là Tạ Phi, thi đỗ Thám Hoa (Tiến sĩ đệ tam danh).

Nhà họ Lâm ở huyện Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến, trong hàng thượng bối của nhà này có một bà cụ ham thích làm việc thiện. Bà thường lấy bột gạo làm bánh rồi phát cho người nghèo ăn.

Chỉ cần có ai xin bà liền cho ngay, sắc mặt chẳng biểu lộ chút buồn phiền nào. Có một vị tiên giả thành đạo sĩ, cứ mỗi ngày vào lúc sáng sớm lại đến xin bà sáu, bảy cái bánh lột. Bà cụ đều cho ông bánh mỗi ngày, cứ như thế liên tục ba năm mà không hề mệt mỏi chán chường. Vị tiên mới hiểu được lòng chân thành làm việc thiện của bà nên nói với bà: “Ta ăn bánh hột của bà đã ba năm, biết làm sao báo đáp? Thế này vậy, đằng sau nhà bà có một chỗ đất, nếu táng tại đó thì số con cháu sẽ được quan tước kể ra cũng nhiều bằng cả đấu mè đấy”. Về sau bà cụ mất đi, người con trai chôn cất bà tại chỗ đất mà vị tiên đã kể.

Con cháu nhà họ Lâm đời thứ nhất có chín người đỗ đạt khoa bảng; về sau hết đời này đến đời nọ, số người được làm quan nhiều không kể xiết. Do đó mà tỉnh Phúc Kiến có câu truyền khẩu rằng: “Nếu không có người họ Lâm đi thì thì không yết bảng kết quả được” (ý nói người họ Lâm dự thi rất đông, lại đều thi đỗ cho nên đến khi niêm yết bảng trúng tuyển, trên bảng không thể không thể không có tên người họ Lâm; cho thấy rằng họ Lâm có rất nhiều người đạt công danh).

Cha của quan Thái sử Phùng Trác An khi còn là vị Tú tài tại trường học trong huyện, đi đến trường vào một buổi sáng sớm mùa đông rất giá rét. Trên đường đi ông thấy một người ngã trên tuyết.

Ông sờ tay vào người ấy thì thấy đã nửa phần khô cứng, cơ hồ sắp chết cóng. Lão tiên sinh liền cởi áo da đang mang trên mình mà mặc cho người ấy rồi mang người ấy về nhà cứu cho tỉnh lại. Sau khi cứu người, ông nằm mộng thấy một vị thiên thần đến báo cho ông biết rằng: “Ông đã cứu một mạng người, hoàn toàn do tấm lòng trí thành mà cứu, cho nên ta sẽ phái Hàn Kỳ đầu thai vào nhà ông mà làm con trai ông”. Đến khi Trác An ra đời, được mệnh danh là Hàn Kỳ (vì ông chính là Hàn Kỳ đầu sinh).

Tại Đài Châu tỉnh Triết Giang có một vị Thượng thư là Ưng Đại Du, lúc còn trẻ, học hành ở trong núi. Ban đêm bọn quỷ thường tụ tập, cùng rú lên để dọa người, chỉ có ông là không hề sợ.

Vào một đêm nọ, ông nghe quỷ nói: “Có một phụ nhân, chồng xa nhà đã lâu không trở về, cha mẹ chồng cho rằng con có thể đã chết nên bức ép nàng lấy chồng khác, nhưng nàng lại muốn thủ tiết, nhất định không chịu, cho nên tối ngày mai nàng sẽ treo cổ tại chỗ này; thế là ta có được kẻ thế thân rồi” (hễ người treo cổ chết mà không có người thế thân thì không cách gì đi đầu thai được, cho nên gọi là quỷ thế tử).

Ưng Công nghe quỷ nói thế (động lòng muốn cứu người) liền lén đem ruộng mình ra cầm để mua bốn lượng bạc, rồi viết ngay một bức thư giả làm thư của chồng phụ nhân ấy; trong thư viết rằng có gởi bạc về. Cha mẹ người chồng đi xa kia xem thư, thấy nét chữ không giống chữ của con họ, nên nghi rằng đó là thư giả.

Tuy nhiên sau đó họ lại nghĩ: Thư thì có thể giả, nhưng bạc thì không thể giả! Nhất định là con ta rất bình an thì mới có thể gởi bạc về, bèn không ép phụ nhân kia lấy chồng khác nữa. Về sau, con trai của họ trở về. Hai vợ chồng được đoàn tụ, sống với nhau lâu bền, hạnh phúc như hồi mới cưới vậy.

Ưng Công lại nghe quỷ nói: “Chúng ta xưa nay vẫn có thể tìm được kẻ thế thân, không ngờ nay lại bị tên Tú tài kia làm hư việc”. Một con quỷ khác nói: “Vậy sao anh không đến hại hắn?” Con quỷ nọ đáp: “Vì tâm người này tốt, có âm đức nên Thiên đế đã phái hắn làm Âm đức Thượng thư, ta làm sao mà hại hắn được?” Ưng Công nghe hai quỷ ấy nói thế nên càng ráng công ráng sức làm việc thiện ngày này qua ngày nọ, công đức càng ngày càng tăng thêm.

Gặp năm mất mùa ông đều đem lúa gạo cứu người. Gặp lúc họ hàng gặp khó khăn nguy biến, ông quyết tìm đủ cách để giúp họ qua cơn khó. Gặp phải kẻ man rợ không biết lý lẽ hoặc sự việc không như ý, ông đều phản tỉnh, tự trách cứ mình có lỗi, rồi bình tâm hòa khí mà tiếp nhận sự việc (Ưng Công là người như vậy). Cho nên con cháu ông đều được công danh chức vị, đến ngày nay vẫn còn rất nhiều người như vậy!

Ở huyện Thường Thục tỉnh Giang Tô có ông Từ Phượng Trúc, cha mẹ vốn rất giàu có. Bỗng gặp năm mất mùa ông bỏ hết số thuế ruộng định thâu để làm gương cho những người có ruộng trong toàn huyện, đồng thời chia ông số lúa gạo mà ông vốn có để cứu giúp người nghèo. Một hôm lúc đêm tối ông nghe quỷ xướng lên ngoài cửa rằng: “Ngàn lần cũng không nói dối, vạn lần cũng không nói dối; Tú tài nhà họ Từ sắp là vị Cử nhân”. Bọn quỷ ấy cư kêu hộ liên tục như thế đêm này qua đêm nọ không dứt.

Năm ấy Từ Phượng Trúc dự kỳ thi Hương, quả nhiên đỗ Cử nhân. Cha ông do đó mà càng vui mừng, nỗ lực làm các việc thiện, tích trữ công đức không hề biết mệt mỏi. Đồng thời còn sửa cầu, đắp đường, làm cơm chay cúng đường các vị xuất gia; gặp người thiếu ăn thiếu mặc cũng đều giúp đỡ cho họ; gặp nơi nào thuận lợi tiện có thể làm việc gì giúp người khác, cụ cũng đều hết lòng.

Sau đó Từ Phượng Trúc lại gnhe quỷ xướng lên trước cửa rằng: “Ngàn lần cũng không nói dối, vạn lần cũng không nói dối; Cử nhân họ Từ làm quan đến chức Đô Đường! “Rốt cục, Từ Phượng Trúc làm đến chức Lưỡng Triết Tuần Vũ (Tuần vũ của cả hai tỉnh Triết Đông và Triết Tây).

Tại Gia Hưng tỉnh Triết Giang có người họ Đồ, tên Khang Hi, mới đầu làm quan chủ sự tại Bộ Hình. Ban đêm ở lại nhà giam, ông cật vấn tù nhân rất kỹ lưỡng, kết quả là phát hiện có nhiều người bị oan uổng. Tuy vậy Đồ Công không tự cảm thấy mình có công, ông bí mật đem chuyện này viết công văn báo cho vị Đường quan Bộ Hình biết. Sau đó đến lúc thụ thẩm, vị Đường quan Bộ Hình chọn những điểm quan trọng trong công văn của Đồ Công mà thẩm vấn các tù phạm ấy (các phạm đều thành thực khai rõ với đường quan, không ai là không khâm phục).

Do đó, đường quan phóng thích mười mấy tù phạm vốn bị oan uổng nhưng vì không chịu nổi cực hình đã phải nhận tội. Bấy giờ dân chúng tại kinh thành đều ca ngợi vị Thượng thư Bộ Hình là người cẩn thận sáng suốt. Sau đó Đồ Công còn gửi một văn kiện lên Đường quan: “Dưới chân đấng Thiên tử mà còn có bao nhiêu người bị oan uổng như thế huống chi khắp nước rộng đến vậy, hàng vạn người dan há không có người bị oan uổng hay sao?

Cho nên cứ mỗi năm năm, nên phái một vị quan Giảm hình đến các tỉnh để tra xét cho kỹ tình hình phạm tội của các tù phạm. Nếu ai quả thực có tội thì việc định tội cần phải công bình; nếu ai rõ ràng là bị oan uổng thì nên tra xét lại mà giảm nhẹ tội hoặc phóng thích cho họ”.

Quan Thượng Thư tâu lên vua, vua chấp nhận biện pháp mà Đồ Công đề nghị, bèn phái các Quan giảm hình đến các tỉnh thẩm sát, trong số đó cũng có Đồ Công. Một tối nọ, ông mộng thấy thiên thần đến báo rằng: “Số mạng ông vốn không có con, nhưng do ông đã đề xuất việc giảm hình cho tù phạm thật đúng hợp với lòng trời nên trời ban cho ông ba đứa con trai sau này đều làm quan lớn, mặc áo màu tía, mang đai nạm vàng”. Ngay tối hôm đó, vợ ông mang thai; về sau sinh được ba trai là ưng Tổn, ưng Khôn, ưng Tuân quả nhiên, đều làm quan lớn.

Tại Gia Hưng có vị họ Bao, tên Bằng, hiệu Tín Chi. Cha của vị này làm Thái Thú phủ Trì Châu tỉnh An huy, sinh được bảy người con, Bao Bằng là con út. Bao Bằng được người họ Viên ở huyện Bình Hồ cho đến làm rể. Ông học rộng tài cao nhưng thi mãi không đỗ.

Do đó, ông chú tâm nghiên cứu hai thứ học vấn, về Phật giáo và Đạo giáo. Một hôm ông đi về hướng đông, đến Mão Hồ du ngoạn, tới một ngôi chùa ở vùng quê, (nhân vì phòng ốc tự viện đã bị hư hại) trông thấy Thánh tượng của Bồ tát Quan Thế âm ứng giữa trời, bị mưa thấm ướt, ông liền cởi hầu bao, có được mười lạng bạc, bèn giao cho Hòa thượng trú trì ngôi chùa để sửa chữa phòng ốc tự viện. Hòa thượng bảo ông rằng công trình sửa chữa chùa rất lớn mà số bạc lại ít, không đủ dùng không thể hoàn tất được.

Do đó ông lại đem bốn tấm vải sản xuất ở Tùng Giang, lại chọn trong hòm tre bảy bộ y phục mà giao tất cả cho vị Hòa thượng. Bảy bộ y phục này là loại mới làm, áo kép dệt gai, người nhà bảo ông đừng cho nữa. Nhưng Bao Bằng nói: “Cốt sao cho Thánh tượng của Bồ tát Quan Thế âm được an lành, không bị mưa thấm thì ta dù có phải ở trần, xuất lộ thân thể thì cũng không quan hệ gì?”

Vị Hòa thượng nghe vậy thì chảy nước mắt mà nói: “Cấp bạc, y phục, vải vóc không phải là chuyện khó, chỉ riêng một tấm lòng chân thành như thế thì dễ gì có được?”.

Sau đó, công việc tu sửa phòng ốc đã xong, ông còn đưa cha già đến ngôi Phật tự, lại ở lại trong chùa. Bao Bằng mộng thấy vị thần Hộ Pháp trong chùa đến cảm ơn ông và nói: “Ông đã làm các công đức này thì con cái ông đời này, đời nọ thọ hưởng được quan lộc”. Về sau con trai ông là Bao Biện, cháu ông là Bao Sanh Phương đều thi đỗ Tiến sĩ và làm quan lớn…”

Thông tin về cuốn sách:
Tên sách: Liễu phạm tứ huấn
Tác giả: Liễu Phàm
Giá dự kiến: Đang cập nhật
Số trang: Đang cập nhật
Nhà xuất bản: 
Khổ Khổ: 13 x20,5

Công ty Cổ phần Sách Thái Hà trân trọng giới thiệu!

Mọi thông tin chi tiết vui lòng liên hệ:

Miền Bắc
Nguyễn Thị Phương Túy - Phụ trách Truyền thông HN
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, số 53 Phạm Thận Duật, Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội.
Tel: 04  37930480 - Fax: 04 6 2813673
DĐ: 0904549656
Email: media_hn@thaihabooks.com

Miền Nam
Hà Thị Nga - Phụ trách Truyền thông HCM
Công ty Cổ phần Sách Thái Hà, VP HCM: 533/9 Huỳnh Văn Bánh, P. 14, Q. Phú Nhuận, Tp. HCM
Tel: 08  6 276 1719 - Fax: 08 3 9913276. 
DĐ: 01667574074
Email: media_hcm@thaihabooks.com

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Cuốn sách sáng tỏ những đóng góp của Phật giáo với dân tộc

Sách Phật giáo 17:16 18/12/2024

Cuốn sách “Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay” do Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành, đã khái quát vai trò của Phật giáo thời Lý, đồng thời khẳng định những giá trị của Phật giáo.

Tu không phải để thành tiên, thành Phật

Sách Phật giáo 09:31 12/12/2024

Sách “Con đường chuyển hóa” tập trung vào cách để mọi người tu tâm và tu trí - hai mục đích cốt lõi của người tu theo đạo Phật.

Thiền như một Phật tử

Sách Phật giáo 10:07 11/12/2024

Vì sao những doanh nhân, người nổi tiếng gần đây lựa chọn thiền? Họ không nhất thiết là tín đồ Phật giáo, thiền vẫn tuôn chảy vào cuộc sống, giúp họ quét sạch tâm trí và cân bằng cảm xúc.

Thượng toạ Thích Đức Thiện đồng chủ biên sách về Phật giáo

Sách Phật giáo 09:31 08/12/2024

Sách "Phật giáo với dân tộc: Từ thời nhà Lý đến nay" do Thượng toạ Thích Đức Thiện và thạc sĩ Nguyễn Thái Bình đồng chủ biên, góp phần đánh giá những đóng góp của Phật giáo với sự phát triển dân tộc từ thời nhà Lý.

Xem thêm