Giữ năm giới là nguồn an vui, hạnh phúc
Thế giới loài người chúng ta từ ngàn xưa cho đến nay thường xảy ra chiến tranh binh đao, ganh ghét thù hận. Con người giết hại lẫn nhau vì quyền lợi riêng tư của chính mình, gia đình mình, đất nước mình bởi do lòng tham muốn quá đáng, do sự chấp ngã là ta, là tôi, là mình…
Đức Phật đã thấy rõ thế giới này phải tương tàn tương sát lẫn nhau để bảo tồn mạng sống theo nguyên lý duyên sinh lớn hiếp nhỏ, mạnh hiếp yếu, ăn nuốt lẫn nhau không có ngày thôi dứt.
Một gia đình nếu có thương yêu và hiểu biết thì cha mẹ luôn khuyên răn và dạy dỗ con em không nên làm các việc xấu ác mà hay làm các việc thiện lành, tốt đẹp.
Giới như ngọn đèn sáng hay phá tan tối tăm, mờ mịt. Giới như sức mạnh hay dựng đứng những gì đã ngã. Giới như ánh sáng trí tuệ hay chuyển hóa các phiền muộn, khổ đau.
Giới là phương thuốc nhiệm mầu,
Chữa lành các bệnh khổ đau ở đời.
1. Giới thứ nhất: Tôn trọng và bảo vệ sự sống
5 Giới là con đường sáng hay dập tắt tối tăm, si mê, mờ mịt, là thành trì vững chắc để chúng ta thăng tiến trên con đường giác ngộ và thành Phật. 5 Giới là nền tảng căn bản của thế giới loài người do Phật chế ra vì lòng từ bi thương xót chúng sinh giúp mọi người vượt qua cạm bẫy cuộc đời để được sống an vui, hạnh phúc ngay tại đây và bây giờ.
Nếu chúng ta là người sống có văn hóa, có đạo đức, có nhân cách, có hiểu biết, có kết nối, có yêu thương, có đức tính từ bi thì ta phải biết tôn trọng, bảo vệ sự sống chung của muôn loài. Người Phật tử chân chính phải phát nguyện không giết người và hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật, bảo vệ môi trường, bảo vệ thiên nhiên, không khai thác phá hủy bừa bãi làm ảnh hưởng chung cho thế giới loài người.
Chúng ta không trực tiếp giết hại hay phá hủy môi trường, không xúi bảo người giết hại, không vui vẻ hay tán đồng khi thấy người giết hại dù chỉ là trong tâm tưởng. Cuộc sống này vô cùng quý giá, ai cũng tham sống sợ chết, cớ sao ta lại đành lòng nhẫn tâm giết hại kẻ khác. Giết hại là nhân gây thù chuốc oán làm khổ đau cho nhau không có ngày cùng.
Giới thứ nhất giúp ta thấy được những khổ đau do sự giết hại gây ra nên người Phật tử chân chính quyết tâm tôn trọng, bảo vệ sự sống cho tất cả muôn loài. Chúng ta không giết người, không trực tiếp giết hay xúi bảo người khác giết, hoặc vui vẻ khi thấy người khác giết.
Người Phật tử chân chính biết hạn chế tối đa việc giết hại các loài vật cho đến khi nào không còn tâm niệm giết hại nữa. Muốn được như vậy chúng ta phải tự biết xấu hổ khi cố ý hoặc vô tình làm tổn hại các loài vật khác, phải cảm thấy thẹn thùng mắc cỡ vì mình không làm được như thế khi thấy người khác biết tôn trọng và bảo vệ sự sống.
Sự sống vô cùng quý giá, từ con người cho đến muôn vật ai cũng tham sống sợ chết, niềm vui căn bản của tất cả chúng sinh là được sống an vui, bình yên, hạnh phúc, mạng sống không bị đe dọa.
Khi thấy con người bị bất hạnh khổ đau đang sống trong phập phòng lo sợ, chúng ta tìm cách chia sẻ nhằm xoa dịu bớt nỗi khổ niềm đau giúp người qua cơn hoạn nạn. Chúng ta biết hiến tặng niềm vui cho kẻ khác để mọi người đều được sống an vui và hạnh phúc, biết san sẻ nỗi khổ niềm đau để làm vơi bớt sự lo lắng và sợ hãi cho mọi người. Nếu chúng ta làm được như vậy thì ta đã thực hiện được 4 tâm niệm lớn của một vị Bồ tát, mà Bồ tát là người giác ngộ từng phần cho đến khi nào viên mãn bằng Phật mới thôi.
Giết hại tức hủy diệt mạng sống của một chúng sinh, quả báo đền trả tương xứng trong hiện tại và mai sau là bệnh hoạn, chết yểu và bị giết hại trở lại bởi oán giận, thù hằn. Người Phật chân chính cần phải suy xét cho thấu đáo giới này vì nó là nhân của người không có lòng từ bi thương yêu bình đẳng muôn loài vật.
2. Giới thứ hai: Không được gian tham trộm cướp
Ý thức được những khổ đau do gian tham trộm cướp, lường gạt lấy của người dưới nhiều hình thức, người Phật tử chân chính nguyện mở rộng tấm lòng thương xót, không xâm hại tài sản vật chất của người khác để đem lại niềm vui sống đến với tất cả mọi người. Chúng ta phải ý thức dù là một cây kim cọng chỉ nếu không phải của mình hay người khác không cho thì không được tự ý lấy làm của riêng.
Trộm có nghĩa là canh me, rình rập lén lấy không để cho người khác thấy. Cướp có nghĩa là công khai, ngang nhiên cưỡng đoạt lấy trước mặt mọi người. Cân non bán thiếu, trốn thuế, lường gạt đều gọi là trộm. Lợi dụng quyền cao chức trọng tham ô, hối lộ, ăn chặn bắt chẹt người phải đưa tiền của đều gọi là cướp.
Tham lam muốn chiếm lấy của người làm của riêng mình là do thói quen lười biếng làm ít mà muốn hưởng thụ nhiều, là nhân dẫn đến nghèo cùng khốn khổ trong hiện tại và mai sau. Có biết bao người đau khổ vì bị mất của, bị lừa đảo mà túng quẫn dẫn đến tự sát.
Lại nữa, tiền bạc là phương tiện để nuôi sống bản thân và gia đình, bao nhiêu năm tháng chắt chiu dành dụm giờ thì tiền mất tật mang. Sự mất mát tài sản làm cho gia đình trở nên thiếu thốn, khó khăn, nghi ngờ lẫn nhau, có thể dẫn đến đổ vỡ hạnh phúc gia đình. Sự đền trả xứng đáng của quả báo này là nghèo cùng vô số kiếp và nếu có nhiều tiền của thì cũng không thể tự do sử dụng.
Chúng ta nên nhớ của phù vân khó bao giờ tồn tại bởi sống trên sự đau khổ của người khác. Nhan nhãn mỗi ngày có những vụ lừa đảo, lường gạt trong xã hội mà báo chí thường đăng tải là do lòng tham muốn quá đáng của con người. Con người vì lòng tham lam quá đáng nên mới dễ bị người khác lường gạt.
Quả báo của sự trộm cướp nặng thì nghèo cùng vô số kiếp hoặc làm thân súc vật để đền trả cho người, nhẹ thì ruộng vườn, nhà cửa, tài sản bị thiên tai lũ lụt, hỏa hoạn, sóng thần, động đất phá hủy. Chúng ta hãy nên tin sâu nhân quả làm lành được hưởng phước, làm ác chịu khổ đau. Nhân trộm cướp là việc làm xấu ác, cả thế giới loài người đều không chấp nhận nên có luật pháp chế tài, phạt tù, nặng thì tử hình, huống hồ là luật nhân quả luôn âm thầm chi phối.
3. Giới thứ ba: Bảo vệ hạnh phúc gia đình
Ý thức được những khổ đau do xâm phạm tiết hạnh của người khác, người Phật tử chân chính nguyện chỉ sống một vợ một chồng chung thủy có đôi, không dan díu ăn nằm với người khác nếu không phải là vợ hoặc chồng. Chúng ta phải ý thức rằng tà dâm là hành động sai lầm về tình dục nam nữ làm mất đi nhân cách của con người.
Người Phật tử chân chính khi lớn khôn có quyền cưới vợ, lấy chồng, xây dựng cuộc sống gia đình. Song, ngoài vợ chồng chính thức ta không được quan hệ tình dục với người khác vì đó là ngoại tình, là phá hoại hạnh phúc gia đình người. Đi tìm thú vui trong chốn thanh lâu cho đến cưỡng bức xâm hại người khác, hoặc nam nữ đã có gia đình hay chưa có thường phóng tâm đam mê tửu sắc, chơi bời trác táng đều thuộc hạnh tà dâm.
Xưa nay, từ vua chúa quan quyền cho đến thứ dân bần cùng nghèo khổ bị tan nhà nát cửa, mất nước mất thành, gia đình đổ vỡ đều do hạnh tà dâm mà ra. Nhiều vụ án xảy ra do ghen tuông mà hủy hoại nhan sắc tình địch hoặc giết người dã man.
Bản chất của chúng sinh là ái dục, chính vì điều đó mà chúng ta có mặt trong cuộc đời này nhưng không vì thế mà chúng ta quá lạm dụng trong vấn đề tình dục. Ai ham hưởng thụ quá đáng vấn đề khoái lạc xác thịt và đi quá đà trong chừng mực cho phép thì dễ đánh mất nhân cách, phẩm chất đạo đức. Thường như thế sẽ kéo theo sự đổ vỡ hạnh phúc gia đình là ghen tuông, giận dỗi, mắng nhiếc, đánh đập và chia lìa, quả báo hiện đời không bao giờ có được mái ấm gia đình hạnh phúc. Vì vậy, người Phật tử chân chính hãy sống chung thủy một chồng một vợ để không bị người khác phá hoại hạnh phúc gia đình.
Việc sinh hoạt tình dục với người cùng huyết thống, tức là người thân trong gia đình, hay còn gọi là loạn luân còn tệ hại hơn cả tà dâm. Quan hệ tình dục giữa người và thú gọi là cuồng dâm vì đánh mất hết tính người. Một vấn đề hết sức tréo ngoe khác là quan hệ tình dục giữa người nam với người nam gọi là pê đê, người nữ với người nữ gọi là đồng tính luyến ái đã phá bỏ tập tục truyền giống làm người. Còn một điều tệ hại hơn nữa là quan hệ tình dục giữa người trưởng thành và trẻ em thiếu niên nhi đồng. Trường hợp này gọi là bạo dâm và không còn từ ngữ nào diễn tả xác đáng hơn nữa.
Nói chung, do hưởng thụ khoái lạc xác thịt quá đáng và sai lầm trong quan hệ tình dục nên phát sinh ra những trường hợp lắc léo trên. Người Phật tử chân chính nếu muốn có một nhân cách, phẩm chất đạo đức tốt trong hiện tại và mai sau để không rơi vào trường hợp ngoại tình và các quan hệ tình dục bất chính khác thì phải phát nguyện làm đệ tử Phật, gìn giữ 5 Giới pháp trong sạch mới không bị rơi vào hố sâu của đam mê, tội lỗi.
4. Giới thứ tư: Không nói dối và biết lắng nghe
Bồ tát Quán Thế Âm là một người do tu hạnh nhĩ căn viên thông - phản văn văn tự tánh, trở về tánh nghe của mình mà thành tựu đạo quả, sau đó phát tâm đi vào đời để cứu độ chúng sinh bằng hạnh lắng nghe và dùng lời nói nhẹ nhàng, êm dịu để giúp mọi người vượt qua nỗi lo lắng, sợ hãi, bất hạnh, khổ đau.
Bồ tát là một con người mẫu mực đã mở ra cánh cửa “Phổ Môn” rộng khắp thế giới Ta bà để mang lại niềm an vui, hạnh phúc chân thật cho nhiều người và sẵn sàng san sẻ để làm vơi bớt nỗi đau bất hạnh của tất cả chúng sinh với tấm lòng vô ngã, vị tha.
Ý thức được những khổ đau do lời nói thiếu tỉnh giác gây ra, người Phật tử chân chính xin học và làm theo hạnh lắng nghe cùng lời nói thương yêu, hòa nhã bằng trái tim hiểu biết.
Lời nói rất quan trọng, có thể tác động tới tâm tư mọi người khiến họ hạnh phúc hay đau khổ. Do đó, chúng ta nguyện sẽ nói lời chân thật và không nói dối để tránh làm tổn hại mọi người.
Lời nói có thể mang lại niềm an vui hạnh phúc cho nhiều người, giúp họ có niềm tin, ý chí và nghị lực trong cuộc sống để vươn lên vượt qua cạm bẫy cuộc đời. Việc lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và nói lời từ ái, hòa nhã, dễ thương làm cho con người thích gần gũi nhau hơn.
Người Phật tử chân chính nguyện không nói dối, chuyện có nói không, chuyện không nói có, hoặc hứa với người mà không giữ lời, hay hứa rồi mà tráo trở, lật lọng. Chúng ta không nói lời ly gián làm hai bên hiểu lầm nhau mà sinh ra thù hận. Việc làm này còn độc hại hơn cả rắn độc vì làm cho người thân chia lìa, gia đình ly tán, bạn bè trở thành kẻ thù, xã hội trở nên loạn lạc, lầm than vì không còn tin tưởng lẫn nhau. Ta không dùng lời nói thêu dệt, nịnh hót làm xiêu lòng người, hoặc dùng lời nói thô ác như nói nặng, mắng nhiếc, chửi rủa, dùng lời lẽ thô tục để lăng nhục người. Người Phật tử hãy học theo hạnh nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm để lắng nghe, nói lời hòa nhã từ ái và luôn đem niềm vui đến với tất cả mọi người.
5. Giới thứ năm: Nguyện giữ thân tâm trong sáng, lành mạnh
Xã hội ngày nay đang trên đà tiến bộ của nhân loại làm con người ngày càng sa đọa bởi những thói quen hưởng thụ không lành mạnh như hút thuốc, uống rượu và dùng các chất kích thích độc hại như xì ke ma túy. Một khi đã nghiện rượu và ma túy con nghiện sẽ làm bất cứ điều gì khi cơn ghiền đến như nói dối, lường gạt, ăn trộm, ăn cướp, hiếp dâm và ngay cả giết người.
Rượu chè, ma túy, xì ke
Say sưa, nghiện ngập khiến người ngu si.
Túng cùng chẳng biết làm sao
Lường gạt, trộm cướp, giết người như chơi.
Rượu là chỉ chung cho những chất gây say, gây nghiện làm con người mất hết lý trí, mất bình tĩnh khi đã quá đà. Rượu làm thân tâm nóng nãy dẫn đến tranh chấp, cãi vã, nói nặng lời với nhau khiến tự ái phát sinh rồi giận dỗi đưa đến xô xát gây thương tích và có thể giết người. Tai nạn giao thông chiếm 60% bởi do uống rượu lái xe. Trộm cướp, hiếp dâm, giết người do uống rượu chiếm 10%. Bạo hành gia đình chiếm 20%, gây mất trật tự an toàn lối xóm chiếm 10% cũng do uống rượu.
Rượu còn là nguyên nhân gây bạo hành gia đình làm khổ lụy vợ con, là nguyên nhân dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm làm hao tài tốn của và mau chết sớm.
Ma túy làm hao tiền tốn của, hủy diệt con người không còn lý trí, lương tâm và là tệ nạn nguy hiểm số một của nhân loại, tác hại của nó còn gấp trăm ngàn lần rượu. Vì lòng tham của con người và vì lợi nhuận quá cao nên việc mua bán ma túy là một hiểm họa diệt vong của loài người trong tương lai nếu không có biện pháp ngăn chặn thích đáng.
Bản chất của chúng sinh là ái dục và đam mê hưởng thụ. Chỉ có các bậc hiền thánh và các vị Bồ tát mới biết ngăn ngừa từ nhân vì biết rõ sự tác hại của nó.
Ma túy hủy diệt mầm sống con người nhanh nhất trong hiện tại và mai sau, làm tổn thất tài sản lớn nhất hiện nay và làm cho con người mất hết phẩm chất đạo đức, nhân cách sống bình thường. Người mua bán ma túy vì lợi nhuận quá cao nên bất chấp luân thường đạo lý đem thứ chết người gieo giắc trong thiên hạ. Người đã nghiện ma túy sẽ trở thành tội phạm đến 95%, họ có thể trộm cướp, lường gạt và giết người một cách vô tội vạ. Đã dính vào vòng này muôn người chỉ có một hai người mới thoát ra được.
Rượu tác hại một, ma túy tác hại gấp trăm ngàn lần. Chính vì vậy, chúng ta hãy ý thức được những khổ đau do uống rượu say sưa, nghiện ngập và sử dụng các chất ma túy độc hại gây ra làm cho con người mất hết lý trí, lương tâm, tự hủy diệt chính mình và làm hại nhiều người khác. Người Phật tử chân chính nguyện sẽ không dùng những chất độc hại đó để tâm trí được sáng suốt, lắng trong mà có cơ hội hoàn thiện chính mình, giúp ích cho gia đình và xã hội.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
“Người đời tranh nhau những chuyện không đâu”
Kiến thức 16:50 21/11/2024Đời này chúng ta chết rồi sẽ sanh tới cõi nào? Tôi có thể sanh về đâu? Đời sau chúng ta có nắm chắc sanh tới cõi nào hay chăng? Còn tiếp tục luân hồi hay chấm dứt luân hồi?
Làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Kiến thức 16:10 21/11/2024Người sống có phúc có đức chắc chắn sẽ an vui hạnh phúc bền lâu, nhưng quan trọng là làm thế nào để tạo ra phước đức bền vững?
Từ, bi, hỷ, xả - bốn tâm vi diệu
Kiến thức 13:12 21/11/2024Bốn tâm vô lượng này tuy riêng biệt nhưng làm nền tảng cho nhau, tương tức với nhau.
Nhớ ơn Thầy Tổ
Kiến thức 08:35 21/11/2024Chúng ta muốn tỏ lòng biết ơn người đi trước, thì không gì thiết thực hơn là phải thực hành theo ba điểm sau đây...
Xem thêm