Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ, 06/09/2021, 07:28 AM

Hành trang trọn đời của người tu

Đối với người xuất gia học Phật thì Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu là hành trang quý, vô cùng quan trọng, hành trang này sẽ theo chúng ta trong suốt cuộc đời tu tập để chúng ta có sự vững chãi trên con đường tâm linh.

Người tu hành không lầm nhân quả

Ngược dòng lịch sử Phật giáo du nhập, ngay từ giai đoạn đầu của Phật giáo Việt Nam, pháp môn Thiền đã được giới thiệu qua các bản kinh An ban thủ ý mà người có công lớn là Tổ sư Khương Tăng Hội. Ngày nay, phương pháp thực tập Thiền là một trong những pháp môn tu tập quan trọng nhất mà nhiều người hướng đến.

Theo đó, mục đích cần đạt được của Thiền là chánh niệm, tỉnh thức trong từng hành động trong sinh hoạt hàng ngày.

Buổi đầu mới xuất gia, nhiều người thường nghĩ rằng, Thiền định là pháp môn rất cao siêu, chỉ dành riêng cho những người có căn cơ cao, trước phải học giáo lý căn bản, thực hành hai thời khóa công phu sớm chiều, thuộc lòng bốn quyển luật trường hàng Tỳ-ni, Sa-di, Oai nghi, Cảnh sách, … sau đó mới được học và thực hành thiền. Nhớ lại, những ngày đầu mới bước chân vào chùa, ngoài hai thời công phu sớm chiều, thầy bổn sư dạy phải học thuộc Tỳ-ni nhật dụng, và còn nhấn mạnh rằng đó chính là tinh hoa của đạo Phật, “chung thân thọ mạng” - điều quan trọng gắn bó suốt đời đối với người tu.

Thiền là chánh niệm, tỉnh thức trong từng hành động trong sinh hoạt hàng ngày.

Thiền là chánh niệm, tỉnh thức trong từng hành động trong sinh hoạt hàng ngày.

Trong Nẻo vào thiền học, Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng viết: “Hồi mười sáu tuổi tôi nghĩ rằng Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu chỉ là một pháp môn dùng cho trẻ nhỏ hoặc người đang còn đứng ngoài ngưỡng cửa Thiền học, rằng đó chỉ là những tập dợt dự bị, không quan trọng gì. Bây giờ tôi thấy rằng Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu cũng chính là bản thân của Thiền học và là tinh hoa của đạo Phật”.

Thật vậy, nội dung chứa đựng trong từng câu kệ, câu chú tuy ngắn ngọn những có tác dụng lớn là đưa ý thức trở về có mặt trong từng cử chỉ đi đứng nằm ngồi của hành giả. Thực hành Tỳ-ni tức là thực tập chánh niệm, như ngài Độc Thể có nói “Tỳ ni nhật dụng thiết yếu chính là chánh niệm trong từng cử chỉ”.

Mỗi một câu kệ là một công thức tư tưởng đưa hành giả vào chánh niệm, mỗi một hành vi mang theo chánh niệm giúp hành giả tránh đi sự sai trái trong các hành động qua thân, khẩu, ý của mình. Chẳng hạn, bài kệ Uống nước, khi đang nâng ly nước trước và trong khi uống hành giả lập tức làm phát khởi tư tưởng trong trí:

“Phật nhìn một bát nước

Tám vạn tư vi sinh

Nếu không trì chú này

Như ăn thịt chúng sanh”.

(Trí Quang thượng nhân dịch)

Cũng như, khi ngồi ngay ngắn ở thiền sàng chẳng hạn, hành giả phải làm phát khởi tư tưởng sau:

“Vững mình ngồi ngay,

Nên nguyện chúng sanh,

Ngồi tòa Bồ-đề

Tâm không dính mắc”. (như trên)

Và khi cất bước chân đi, hành giả cũng phát khởi trong ý tư tưởng sau:

“Cất bước chân đi,

Nên nguyện chúng sanh

Thoát biển sanh tử

 Đủ các pháp lành…” (như trên)

Thoáng nghe qua tưởng chừng như bình thường, chỉ là việc thực hành của các chú tiểu, nhưng ý nghĩa thực sự lại là phương pháp hữu hiệu giúp hành giả luôn giữ được chánh niệm. Chánh niệm như là bí quyết thắp sáng hiện hữu, tạo nên định lực và đưa tới tuệ giác.

Có chánh niệm, tỉnh giác thì hành giả mới có thể thắp sáng hiện hữu. Hiện hữu được thắp sáng làm cho ta biết được mình đang nghĩ gì và làm gì; nhận biết được rằng, mình đang có một diễm phúc lớn là mình đang được sống, đang được thở, đang được tu tập, được làm những việc lợi mình lợi người, là vì mình đang sống trong pháp “hiện tại lạc trú”. Ngược lại, nếu như không có chánh niệm, chúng ta sống mà chẳng biết mình đang sống, sống mà tâm luôn vọng động và chạy theo ngoại cảnh, chúng ta thật sự không cảm nhận được sự tồn tại của mình trong thực tại, như thế thì thật hoang phí cho kiếp sống của ta. Do vậy, cần đánh thức sự chánh niệm trong ta trong từng giây từng phút hiện tại. Đánh thức như thế nào, đánh thức qua cách theo dõi từng hơi thở vào thở ra của mình. Trở về với hơi thở của mình, giúp tâm trí chúng ta tập trung tâm về một chỗ, khi tâm được tập trung lại một chỗ thì trí tuệ sẽ phát sinh.

Khi ý thức rõ rệt là ta đang làm gì, ta đang nói gì, ta đang nghĩ gì tức là ta đã đánh bật được những đạo quân xâm lăng của hoàn cảnh và của vọng niệm. Khi ngọn đèn của ý thức thắp sáng thì lương tri cũng thắp sáng, đường đi nẻo về của thân khẩu ý cũng thắp sáng, những bóng tối của vọng niệm không còn thập thò xâm chiếm, và sức mạnh tâm linh được tập trung và phát triển. Chúng ta múc nước rửa tay, mặc áo, trải chiếu ngồi, làm mọi việc như thường nhật, nhưng bây giờ chúng ta có ý thức về tất cả mọi động tác ngôn ngữ và tư tưởng của chính mình. Điều đó không phải chỉ dành cho hàng nhập môn lúc đầu phải thực hành, mà trong suốt quá trình tu tập vẫn phải thực hành.

Ngày xưa có một vị lãnh tụ của một giáo phái ngoại đạo, nghe nói đạo Phật là đạo giác ngộ, nên đã đến hỏi Đức Thế Tôn về phương pháp tu tập của đạo Phật như thế nào, và cuộc nói chuyện diễn ra như sau:

“- Nghe nói đạo Phật là đạo giác ngộ, vậy phương pháp của đạo Phật thế nào? Các ngài làm gì mỗi ngày?

- Chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ,…

- Phương pháp đó nào có chi đặc biệt đâu? Ai lại không đi đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ?

- Đặc biệt lắm chứ, thưa ngài. Khi chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ, thì chúng tôi biết là chúng tôi đi, đứng, nằm, ngồi, tắm, giặt, ăn, ngủ. Còn khi những người khác đi, đứng, nằm, ngồi, v.v… thì họ không ý thức được là họ đang đi, đứng, nằm, ngồi,…”.

(Nẻo vào Thiền học của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)

Hạnh phúc của người tu

Phương pháp của đạo Phật nghe có vẻ bình thường như vậy đó, nhưng kết quả mầu nhiệm; phương pháp đó đưa một người phàm phu trở thành bậc thánh, bậc giác ngộ như Phật - bậc Tỉnh giác. Vì trong những sinh hoạt bình thường hàng ngày, nếu chúng ta luôn ý thức mình đang như thế nào qua suy nghĩ, lời nói và việc làm nghĩa là chúng ta luôn chánh niệm. Khi hành giả nấu cơm, quét nhà và luôn tập trung an trú trong chánh niệm thì đó chính là thiền, nấu cơm, quét nhà, không chỉ để có cơm ăn, có nhà sạch mà đồng thời là thực tập thiền, là tu.

Thiền không thể đạt tới bằng trí năng, bằng sự nghiên cứu giả định, phân tích và tổng hợp. Người học thiền phải dùng trọn bản thân mình làm dụng cụ khảo cứu. Trí năng chỉ là một phần của bản thân mình và là phần có thể dắt dẫn mình tách lìa khỏi thực tại của sự sống, vốn là đối tượng của chính Thiền học. Tỳ-ni nhật dụng không phải là một phương tiện chuẩn bị lý thuyết cho hành giả đi vào con đường Thiền học mà chính nó đưa ngay hành giả vào con đường thiền tập, vào thế giới sinh động và thiết thực của Thiền.

Đạo Phật luôn “khế lý, khế cơ, khế thời”, tùy quốc độ, tùy căn cơ, tùy thời đại để uyển chuyển, áp dụng giáo lý sao cho phù hợp, có kết quả an lạc, cho nên những gì Đức Phật đã dạy không phải chỉ đóng khung mà không được thay đổi, không được thêm bớt, yêu cầu người thực hành phải giữ nguyên. Luật Ngũ phần, quyển thứ 22, Đức Phật dạy rằng những gì mà Ngài chưa chế định nhưng người đời sau thấy cần thiết cho cuộc sống tự thân và sự phát triển Tăng đoàn thì nên đưa vào áp dụng. Riêng những gì Ngài đã chế ra nhưng do những đổi thay của xã hội, không còn phù hợp nữa thì nên bãi bỏ.

Thời đại chúng ta đang sống có một số vấn đề khác biệt với thời đại các Tổ sư thời xưa, do vậy cần thêm vào những bài kệ mới để phù hợp hơn với thực tế đời sống của người xuất gia. Tiếp nối sự tiên phong cải cách của chư vị cao tăng thạc đức, chúng ta cần có một thái độ tiếp nhận sự đổi mới, sự cải đổi đó có tính phù hợp với thời đại, con người và quốc độ hơn. Chúng ta cũng có thể áp dụng tu tập những thi kệ thực tập chánh niệm do Thiền sư Thích Nhất Hạnh biên soạn trong Bước tới thảnh thơi, bổ sung nhiều bài kệ liên quan tới sinh hoạt trong xã hội hiện đại, như lái xe, nghe điện thoại… Chẳng hạn như bài kệ Nhấc điện thoại:

“Tiếng đi ngoài ngàn dặm

Xây dựng niềm tin yêu

Mỗi lời là châu ngọc

Mỗi lời là gấm thêu”

Như vậy có thể nói, đối với người xuất gia học Phật thì Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu là hành trang quý, vô cùng quan trọng, hành trang này sẽ theo chúng ta trong suốt cuộc đời tu tập để chúng ta có sự vững chãi trên con đường tâm linh. Bất luận là người mới bước chân vào chùa học đạo, hay là bậc cao niên, việc hành trì Tỳ-ni nhật dụng đều cần thiết và nhất định đưa lại lợi ích lớn. Bởi đó chính là tu tập thiền, đem đến cho hành giả sự an lạc thảnh thơi, thân tâm nhẹ nhàng, giải thoát trong từng phút giây trong thực tại cuộc sống này.

CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Ý kiến của bạn

Ác nghiệp đã trót gieo, phải làm sao để ác báo không trổ ra?

Kiến thức 10:35 05/11/2024

Mỗi ngày chúng ta đều gieo trồng những nhân thiện, ác lẫn lộn. Những nhân này tuyệt đối không hề mất đi, nó được lưu trữ trong tàng thức của chúng ta. Quá trình từ nhân đi đến quả đều cần phải có duyên. Vậy làm sao để tránh được duyên ác?

Đi về phía an lạc hạnh phúc

Kiến thức 09:20 05/11/2024

Kinh Trường bộ ghi: Đường này đến an lạc giải thoát Niết bàn, chấm dứt khổ đau; Đường kia đến ưu phiền não loạn khổ đau trong sinh tử luân hồi, các người muốn đi đường nào?

Muốn mau lành bệnh

Kiến thức 07:03 05/11/2024

Ai cũng biết Đức Phật ngoài mười hiệu tôn quý còn được xưng tán là Y vương, bậc thầy của các thầy thuốc trong việc trị liệu tâm bệnh của chúng sanh. Không chỉ chữa trị tâm bệnh, Đức Phật còn là một vị thầy thuốc đúng nghĩa chữa trị cả thân bệnh nữa.

Hãy từ bỏ những nghề tạo ra ác nghiệp

Kiến thức 19:30 04/11/2024

Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.

Xem thêm