Thứ tư, 24/04/2019 11:03 (GMT +7)

| Hà Nội 34°C /57%

Tịnh Độ tông
DỮ LIỆU
Thứ sáu, 11/03/2016, 16:33 PM

Hạt giống nảy mầm thiền (P.1)

Sự thật Bạn là chính Bạn; nên khi tìm hiểu về sự thật, Bạn bắt đầu tìm hiểu từ chính mình, chính cơ thể mình: hình dáng cơ thể, ý thích, ý muốn,.. 

HẠT GIỐNG NẢY MẦM
THIỀN 

“..
Cùng nhau nương cửa bồ đề,
Thảo am đó cũng gần kề chẳng xa.
Phật tiền ngày bạc lân la,
Đăm đăm nàng cũng nhớ nhà khôn khuây.
Nghe tin nở mặt nở mày,
Mừng nào lại quá mừng này nữa chăng?
Từ phen chiếc lá lìa rừng,
Thăm tìm luống những liệu chừng nước mây.
Rõ ràng hoa rụng hương bay,
Kiếp sau họa thấy kiếp này hẳn thôi.
Minh dương đôi ngả chắc rồi,
Cõi trần mà lại thấy người cửu nguyên!
..“
Truyện Kiều – Nguyễn Du

Dẫn nhập về Thiền

Bạn thấy cuộc sống có quá nhiều điều cần tiếp xúc, cần tìm hiểu và Bạn muốn tìm hiểu ngay cả chính trong bản thân mình. Thiền là phương pháp để Bạn đạt được ý muốn đó.

- Theo Thích Nhất Hạnh: “Thiền, Dhyana, nghĩa là dừng lại và làm cho buông thư”. 

- Theo Nguyễn Nam Trân: “Thiền có ngữ nguyên là dhyana. Người Trung Hoa đã dịch theo âm thành “Thiền na”. Ý nghĩa “trầm tư mặc tưởng” của nó từ xưa trong sách vở Phật giáo lại được biểu âm bằng hai chữ yoga (du già).

Dịch thoát ý chữ Nhật Meisô (Minh tưởng, meditation). Minh: nhắm mắt, tưởng: suy nghĩ. Minh tưởng là trạng thái nhắm mắt, quên đi những cảnh tượng diễn ra chung quanh mình để lặng lẽ suy nghĩ với trí tưởng tượng.”

- Theo Trần Trọng Kim: “Thiền là sự tĩnh lự, tức là chuyên tâm nhiếp niệm, tập chú vào một điều gì, không tán loạn chạy theo những điều khác.”

Trong bài viết này, Thiền là sự kết hợp giữa thân thể và ý niệm trong thời gian – không gian hiện tại để nhận biết sự vật, hiện tượng và ý niệm.

Kỹ thuật điện não đồ EEG chứng minh Thiền sản sinh ra các sóng ở não bộ khác nhau: gia tăng các sóng alpha, gamma, theta;.. giảm thiểu các sóng beta và delta; thay đổi cách thức vận hành của não bộ, tổ chức lại hệ thần kinh, nảy sinh tính cách và đường hướng thiên về hiệu quả. Kỹ thuật MRI về máu não bộ và hoạt động của não bộ cho thấy Thiền là một trạng thái thư giãn trong tỉnh thức.

Bài viết này mang tính nói chuyện và trao đổi với một người Bạn (hiểu là người có tên là: Bạn). 

Khi tìm hiểu về Thiền trong bài viết, Bạn nên đọc mạch văn nói chuyện từ đầu đến cuối. Nghe nói chuyện từ đầu đến cuối sẽ hiểu hơn. 

Bài viết chỉ thật sự có ích khi Bạn muốn tìm hiểu thật sự về Thiền, vì Sự thật – Hiện tại luôn theo mạch chính bài viết này.

Thiền là phương pháp thực tập, cũng như khi Bạn học chữ cái. Bạn học và đọc thuộc bảng chữ cái, biết viết, biết đánh vần, đọc ra và hiểu từ mình viết và từ người khác viết; khi học “Anh văn”, học “Lập trình”,.. đều có phương pháp; các phương pháp Thiền trong bài viết này cũng theo hướng đó mà khởi phát. 

Bạn muốn qua bờ bên kia sông, Bạn tin có bờ bên kia; Bạn hãy tiếp tục: đọc, chiêm nghiệm, chánh niệm và tinh tấn. 

Bạn không thấy bờ bên kia, Bạn nhìn lờ mờ ảo ảo, anh lái đò khi tỉnh – khi say, con đò thì rách nát, bão tố đảo điên, không dám bước xuống thuyền,.. và quan trọng nhất là Bạn không tin (Tín) có bờ bên kia thì bạn không nên mạo hiểm (Định) qua sông. Con sông ở vùng Tín-Niệm-Định-Tuệ-Tấn, tên là sự thật. 

Các danh từ được tô đậm thể hiện danh từ của Thiền. Danh từ tô đậm có rất nhiều ý và rất nhiều nghĩa. Sự tồn tại của danh từ đó được coi là hiển nhiên trong toàn bộ bài viết. Từ được tô đậm, Bạn hiểu nó như bảng “chữ cái” của Thiền: để Bạn ghép lại, đánh vần, đọc ra và hiểu.

Khi Bạn học (muốn nhuần nhuyễn: nghe – nói – đọc – viết) bất kỳ ngôn ngữ nào, ngay khi học, Bạn cũng phải bắt đầu bởi âm điệu, nét chữ và các danh từ. Bạn học về Thiền cũng vậy.
 
Cách diễn đạt, cách hành văn, phân đoạn, trích dẫn, ví dụ, hình ảnh minh họa,.. trong bài viết là cách tưới tẩm vào hạt giống Thiền trong tâm hồn Bạn. Hạt giống khi được nảy mầm sẽ sinh ra thân, hoa, lá cứng cáp, khỏe mạnh, miễn nhiễm với mọi loại sâu bệnh gây hại và tiếp tục sinh ra những hạt giống tốt nhất. Một người nào đó tưới hạt giống cách khác, Bạn tưới cách khác và bài viết này tưới cách khác. Một cách để Bạn nhận ra sự thật.

Bạn đọc từ từ từng từ, từng ngữ nghĩa. Đừng vội lướt qua quá nhanh, đừng bỏ qua các dấu chấm, dấu phẩy, cách ngắt câu, cách ngắt đoạn, nối mạch văn, mạch suy nghĩ, các dụng ý, sự liên hệ giữa các từ, các câu, các đoạn văn và tổng thể của bài viết. Bạn sẽ nhận diện được từ những cái tầm thường nhất cho đến những cái vi diệu nhất mà từ trước đến nay Bạn tưởng chừng như không thể nhận diện.

Các trích dẫn về câu văn, từ ngữ,.. từ các nguồn khác của bài viết này luôn được tác giả ghi chú rõ ràng. Những câu từ không ghi chú (footnote) nguồn gốc là sự thể hiện quan điểm và lập luận riêng của tác giả. Các trích dẫn về câu từ và hình ảnh từ bài viết này là tự do nhưng phải được giữ nguyên vẹn từng từ, từng câu, từng nét, từng hình ảnh và phải được ghi chú rõ ràng.

Tự làm chủ - tiếp xúc với giây phút hiện tại

Hiện tại, phút giây hiện tại được hiểu là sự ước lượng thời gian trong một không gian nào đó.

Nhìn vào một vật – mắt nhìn và suy nghĩ trong đầu: đó là tên một vật gì đó, đọc tên nó ra.

Ví dụ: Bạn nhìn vào cây viết: mắt nhìn cây viết, trong đầu nghĩ đó là cây viết, đọc tên nó ra thành “cây viết”. Như vậy Bạn đã nhận định đúng sự thật đó là cây viết – Chánh niệm (khác Tà niệm).

Khi Bạn nhìn vào cái webcam, trong đầu Bạn không biết nó là cái gì, không đọc được tên của nó là “webcam” thì coi như Bạn chưa biết sự thật. “Nó” ở đây là cái webcam. Bạn chưa nhìn thấy hoặc có thấy nó ở đâu đó, Bạn không biết chức năng, không nhận biết tên, loại, hãng sản xuất... Bạn phải tìm hiểu nó, nếu Bạn muốn hiểu.

Khi Bạn tìm hiểu cái webcam, ít nhất Bạn cũng phải tự mày mò xem nó là cái gì. Hoặc nếu có ai đó chỉ cho Bạn biết thì khi đó Bạn mới chỉ hiểu tương đối, nhận định tương đối về cái webcam: nó có đẹp không, màu nó là gì, vuông – tròn ra sao,... trong hiện tại.

Nhìn một bông hoa, Bạn nhìn thấy có màu đỏ, ngửi có mùi thơm, dùng tay tiếp xúc nhận thấy cánh hoa thật mềm mại, có một làn gió ngang qua làm cho bông hoa lay động như chính bông hoa ấy đang mỉm cười với Bạn. Đó là lúc x giờ, y phút, z giây là giây phút hiện tại.

Đến thời điểm lúc x+i giờ, y+j phút, z+k giây nào đó, cũng là giây phút hiện tại Bạn ra nhìn bông hoa đó thêm một lần nữa. Bông hoa có màu đỏ úa, ngửi có mùi thơm nồng, dùng tay tiếp xúc nhận thấy cánh hoa bị nhám và bông hoa hình như không lay động. Như vậy ngay tại lúc x+i giờ, y+j phút, z+k giây là giây phút hiện tại.
 
Một ví dụ khác: khi học chữ cái. Thày viết chữ A lên bảng. Thày nói học trò: các em chú ý, đây là chữ A và đọc theo thày: “a”.

Vậy sau này Thày viết lên bảng chữ A thì Bạn “nhìn” vào và “hiểu” trong đầu (tâm ý) đó là chữ “A”. Sự hiện diện của chữ A, từ khi Thày viết ra chữ A đến khi Bạn nhận thấy chữ A ở đâu đó sau này thì cái “sự thật của chữ A” vẫn là chữ A; cho dù viết ra theo nét nào hoặc bất kỳ cây viết nào. 

Bạn cũng là sự thật của chính Bạn. Ở thời điểm x, Bạn viết ra chính mình ở thời điểm x. Ở thời điểm y, Bạn viết ra chính mình đẹp hơn tại thời điểm y và bây giờ Bạn đang viết ra mình đẹp hơn nữa ở ngay giây phút hiện tại.

Đếm ngón tay. Đây là bài tập đơn giản. Bạn đưa tay đang nắm ra: nghĩ trong đầu “đây là tay của tôi”; đưa ra 1 ngón, đọc là “một”; đưa thêm 1 ngón, đọc là “hai”; đưa thêm 1 ngón đọc là “ba”,.. 

Lặp đi lặp lại khoảng 10 lần. Bài tập này giúp Bạn để tâm ý vào chính cơ thể (Thân) của mình - các ngón tay - ngay khi Bạn đưa ngón tay ra. 

Trong cuộc sống thường ngày, nếu Bạn bị hồi hộp, Bạn có thể hít một hơi thở sâu vào trong lồng ngực, làm như vậy hai hoặc ba lần. Bạn sẽ giảm hồi hộp trong hiện tại. Khi Bạn hít hơi thở sâu, Bạn đang hòa tâm ý và thân thể của Bạn để làm một điều theo ý Bạn muốn: giảm hồi hộp.

Như vậy khi Bạn quan sát từ cây viết, cái webcam, bông hoa đến chữ A,.. đều là sự vật – hiện tượng nằm ngoài cơ thể Bạn. Ngón tay của Bạn đưa ra, hơi thở giảm hồi hộp, hơi thở làm giảm lo lắng trong ví dụ trên là thân và tâm ý của Bạn cảm nhận trong chính cơ thể Bạn trong giây phút hiện tại (là lúc mà Bạn đưa ngón tay, là lúc Bạn giảm hồi hộp).

Cơ bản và là nền tảng nhất của việc thực tập Thiền là thực tập chính trong tâm ý và thân thể của chính bản thân mình để cảm nhận - nhận diện sâu sắc thông qua việc kiểm soát và điều hòa hơi thở. 

Sự tồn tại, hiện diện của chính mình trong giây phút hiện tại phải được nhận diện chính xác từ hơi thở vào – hơi thở ra, từ sợi tóc, đôi môi, ngón tay, ngón chân,.. đến lá phổi, trái tim, bao tử (dạ dày), ruột non, ruột già,.. đến mạch máu, dây thần kinh và các tế bào của cơ thể.

Hơi thở là quan trọng nhất, ngay cả đối với người Thiền hoặc không Thiền, vì chính hơi thở đang duy trì sự sống. Nhờ có hơi thở, các tế bào, các mạch máu, hệ thống dây thần kinh trong cơ thể của Bạn có được oxy. Hơi thở ngưng. Cuộc sống ngưng. Quan sát hơi thở cũng là Bạn chỉ để tâm ý vào hơi thở, thay vì Bạn để ý đến việc đếm 1, 2, 3,.. của các ngón tay. Hơi thở đi vào cơ thể Bạn, Bạn thực tập tâm ý theo hơi thở có lợi hơn là việc đếm 1, 2, 3,.. vô nghĩa của các ngón tay. Khi Bạn thực tập tốt, Bạn kiểm soát được toàn bộ thân của mình qua tâm ý dựa vào hơi thở. Đó là sự thật.

Bạn nghĩ Thiền khó học, khó tiếp nhận. Nó rất đơn giản: bắt đầu bằng hơi thở trong hiện tại và kết thúc cũng bằng hơi thở trong hiện tại. Hơi thở duy trì sự sống, hơi thở là phương pháp để tiếp cận Thiền. 

Tất cả những gì có sự sống, sự hiện diện và sự tồn tại đều có thể là đối tượng của Thiền. Vi-rút gây bệnh hô hấp bên ngoài môi trường, bông hoa đang hiện diện, con giun đang nằm im dưới đất, con voi đang kiếm ăn trong rừng,.. cũng là đối tượng của Thiền. 

Bạn nhận diện được hiện tại ngay lúc này và ở đây cũng có nghĩa là những gì đã qua đi, nó đã qua đi rồi. Sự việc đã qua, hiện tượng hoặc ý niệm (suy nghĩ) đó cũng đã qua. Bạn không thể trở về với quá khứ được nữa nếu như Bạn không tiếp xúc ngay được những gì ở hiện tại. Suy nghĩ, mang ý niệm của mình bỏ về quá khứ mãi cũng không giúp ích gì cho sự việc, hiện tượng đã qua cho dù sự việc, hiện tượng đó là tốt hay không tốt; phải hoặc không phải; nên làm hoặc không nên làm. Nó đã qua rồi.

Mải mê suy nghĩ về quá khứ là sự tối tăm và u mê trong tâm thức. Cũng như một đường hầm, Bạn đã đi qua nó, đất đá phía sau mỗi bước chân Bạn đi đã được bịt kít, Bạn không thể quay lại được với lớp đất đá của thời gian và không gian khi Bạn đang ở hiện tại.

Cũng như vậy với tương lai. Tương lai của sự việc, hiện tượng hoặc ý niệm đó chưa đến, chưa xảy ra. Việc mong chờ một tương lai tốt là hiển nhiên trong mỗi người nhưng nếu sự mong chờ đó cũng không giúp ích gì cho hiện tại thì việc mong chờ đó thành vô nghĩa. Mong chờ tương lai tốt mà hiện tại chưa làm tốt những điều có thể làm ngay được, chưa thể nhận định ngay được thì sự mong chờ cũng thành ra tối tăm, mù mịt, u mê và luẩn quẩn. Để thoát khỏi sự tối tăm mù mịt chỉ có thể là tiếp xúc và nhận diện được ngay với hơi thở của Bạn ở hiện tại. Tiếp xúc ngay với công việc hiện tại, với chính ý niệm của hiện tại, với cỏ cây hoa lá, với một bông hoa, một ánh trăng, với ánh sáng mặt trời của hiện tại. Tiếp xúc thân ái với những người thân xung quanh Bạn, nấu bữa ăn ngon, làm một ly nước giải khát. Chú tâm mình vào làm những điều đó và Bạn đang biết mình làm,.. như thế Bạn cũng đang Thiền vậy. Thiền là sự chú tâm vào một việc cần làm và buông bỏ những việc không cần làm, buông bỏ các ý nghĩ không cần nghĩ.

Sự hiện diện của Bạn, hơi thở là quan trọng. Chú tâm, để tâm ý của mình vào hơi thở rồi buông bỏ hết công việc khác và ý niệm khác là Bạn được an trú trong hơi thở. Cũng như khi Bạn chú tâm, để tâm ý hết mình để nấu bữa ăn ngon, làm một ly nước giải khát hoặc đi nghe nhạc với Bạn bè,.. nghĩa là Bạn đang an trú trong những công việc đó vậy.

Nhận diện hơi thở ở hiện tại là việc thực tập Thiền. Hơi thở là việc Bạn cần làm ở hiện tại, Bạn thực tập Thiền. Sự việc, hiện tượng hoặc ý niệm ở hiện tại cần nhận diện, cần thấy bản chất chân tướng; Bạn thực tập Thiền. 

Từ buông bỏ trong Thiền không hiểu nôm na như bình thường. Buông bỏ trong Thiền là buông bỏ những gì không đáng suy nghĩ để tập trung vào thở (hoặc một công việc). Công việc đó có thể là nghe nhạc Thiền, nghe tiếng chuông, nghe gõ mõ, nghe và đọc bài kinh,.. cũng là buông bỏ để Thiền. Thông thường hơn nữa thì công việc đó là rửa chén, lau nhà, giặt đồ, nấu ăn, tâm sự với người mình thương,.. Hiểu từ buông bỏ cũng gần như “làm hết mình” cho một công việc  vậy.

“Thiền là một phương pháp thực tập, và nếu thực tập đúng thì hạnh phúc sẽ có liền tức khắc. Hạnh phúc này bắt đầu từ sự dừng lại và buông thư.” Hơi thở là sự thật, công việc là sự thật.

Nhận diện về sự thật

Sự thật Bạn là chính Bạn; nên khi tìm hiểu về sự thật, Bạn bắt đầu tìm hiểu từ chính mình, chính cơ thể mình: hình dáng cơ thể, ý thích, ý muốn,.. 

Bạn có một cơ thể hoàn chỉnh về hình thể hoặc khiếm khuyết về hình thể (thân) không quan trọng. Quan trọng là Bạn phải nhận diện (ý) được chính Bạn. Bạn bị cận, Bạn có trái tim khỏe mạnh; gan, phổi, bao tử, thận khỏe mạnh,... Đó là cách nhận diện của chính Bạn qua: Sắc (mắt nhìn), Thanh (tai nghe), Hương (mũi ngửi), Vị (lưỡi), Xúc (thân) và Pháp (ý - tâm ý).

Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và tâm ý là bước khởi đầu trước nhất để Bạn nhận diện được chính mình và thế giới quanh mình. Với một thai nhi, từ khi được hình thành là có sự hình thành của thân (xúc); các cơ quan, chức năng khác của thân mỗi ngày cũng được hình thành và càng hoàn thiện. Tâm ý của thai nhi phát triển và ngày càng hoàn thiện theo các âm thanh nghe được từ bên ngoài; các gen trội, gen lặn từ cha – mẹ, ông – bà,...

Bạn đang hiện diện, được nhìn nhận là do thân Bạn đang tồn tại và ý của Bạn đang tồn tại. Việc bồi bổ thân hàng ngày là do sự tiêu hóa thức ăn; bồi bổ tâm ý trong thực tại là do sự tìm hiểu, học tập, làm việc, lối sống, cách sống và môi trường sống,.. Thiền mang lại tâm ý hướng thượng, minh mẫn và sự sáng suốt trong hiện tại của sự thật. Thiền giúp Bạn cảm nhận cuộc sống dễ dàng hơn, nhìn nhận sự vật hiện tượng, ý niệm khác sâu sắc hơn theo từng mức độ nhận thức và hiểu biết về mỗi sự thật đang tồn tại.

Khi Bạn nghe (bằng tai) một bài nhạc, Bạn cảm thấy (tâm ý) bài nhạc đó hay hoặc không hay. Bạn ngửi (bằng mũi) thấy mùi hương, Bạn cảm thấy (tâm ý) thích hoặc không thích; Bạn ăn (lưỡi nhận biết) một món đồ ăn, Bạn cảm thấy (tâm ý) ngon hoặc không ngon; Bạn nhìn (bằng mắt) thấy một bông hoa, Bạn cảm nhận (tâm ý) thấy nó màu đỏ hoặc vàng hoặc xanh,.. Như vậy, những sự việc diễn ra quanh Bạn, cách Bạn hành xử với thế giới bên ngoài (bao gồm sự vật, hiện tượng, người khác, ý thức khác...) và với chính cơ thể của Bạn là do tâm ý của Bạn. Tâm ý cư xử với mỗi sự thật thông qua nhận thức về sự thật ở hiện tại.

Sự thật không phải ở đâu xa mà là do chính Bạn cảm nhận (tâm ý). Một sự vật, hiện tượng, người khác, ý thức khác có thể được Bạn cảm nhận là tốt hay không tốt, đẹp hay không đẹp, thương hay không thương là do Bạn cảm nhận. Người khác không cảm nhận (tâm ý) như Bạn vì cách nhìn nhận, tiếp xúc, nghe ngóng, nhận thức,.. của Bạn và người khác là hoàn toàn khác nhau, không ai giống ai, không ai là ai, không một ý nghĩ của ai phải là ý nghĩ của ai đó khác hoặc ngược lại. 

Như vậy, cách nhìn về sự thật của Bạn hoàn toàn không phải là cách nhìn về sự thật của người khác. Sự phán xét, xét đoán, nghi kỵ, hắt hủi, tranh đoạt, không chứa đựng tính Từ – Bi – Hỉ – Xả, không hướng đến sự cao thượng, không mang tính thương yêu, không mang tính nhân từ, không mang màu sắc đạo lý, đạo nghĩa,.. là do tâm ý mà được hình thành. Tâm ý tốt hình thành thái độ sống tốt, tâm ý không tốt hình thành thái độ sống không tốt. Cũng là một danh từ “sự thật” mà là sự thật của người này, sự thật của người khác,.. Khi nhìn nhận được sự thật đó cũng chỉ là vô thường, vô ngã thì sẽ không còn phân biệt. Hãy tinh tấn và phát khởi tâm ý tốt trong chính mình.

Một tâm ý tốt là một tâm ý cao thượng, vị tha chứa đựng nhiều sự yêu thương - nhân từ và bác ái với các sự vật, các hiện tượng, các ý niệm khác ở ngay trong giây phút hiện tại. Đây là sự thật.

Hiểu về chính mình, Bạn sẽ hiểu về thế giới xung quanh.

Theo quan niệm đạo Bụt, Bạn có 51 (tùy Tông Phái) tâm hành.

Tâm hành gồm tàng thức và ý thức: tàng thức là những gì tiềm ẩn trong chính bản thân Bạn. Ý thức được phát khởi từ tàng thức.

Bản chất sự thật về tâm hành chỉ là một ý niệm, khái niệm chung. Ví dụ: cơ thể người có các tế bào, mỗi tế bào cơ thể người có 46 nhiễm sắc thể (đơn, kép, tương đồng. Nhiễm sắc thể ở mỗi loài là khác nhau: Tinh Tinh: 48; Gà: 39; Khỉ: 21,..). Trong một tế bào có ba mươi đến năm mươi ngàn chromosome. Việc lai ghép và đột biến giữa các nhiễm sắc thể đã sinh ra hàng loạt cá tính, hình thể, chủng tộc, màu da, mái tóc,.. con người khác nhau. Giữa các chromosome, còn hơn thế nữa. Cách phân loại về tâm hành là một cách nhìn về con người. Chính vì vậy, tâm hành là quan niệm, khái niệm chung nhất để thể hiện sự thật của mỗi cá nhân trong xã hội. Cá nhân trong xã hội thì không ai giống ai.

Ví dụ: giữ gìn đạo đức là một thể dạng của một tàng thức. Bạn không tạo ra những tình huống có thể gây ra nguy hại cho người khác. Đó là ý thức.

Ở gen một dòng họ có ung thư vú tại nơi có nhiễm sắc thể xyz nào đó. Nó vẫn có thể được di truyền lại cho các thế hệ kế tiếp, trừ phi nó đột biến; đột biến gây lợi cho nơi có nhiễm sắc thể xyz, nhưng có thể có hại cho nơi có nhiễm sắc thể abc nào đó. Thuốc kháng sinh, vắc-xin, cách biến đổi gen, công nghệ sinh học hiện nay (2015) là một sự thật đang hiện hữu. Khi ý thức về sự đột biến gen, về cách thức sử dụng thuốc kháng sinh, cách thức áp dụng công nghệ sinh học trong cuộc sống cũng là một thể dạng tàng thức trong hiện tại của sự thật.

Quan niệm về tâm hành là cách nhìn (ý niệm) tổng quát để Bạn nhận diện chính mình và thế giới xung quanh. Từ (từ ngữ) là một tâm hành. Tầm (ý nghĩ đơn thuần) là một tâm hành. Thọ (cảm giác: vui, buồn, dễ chịu, khó chịu,..) là một tâm hành. Tưởng (tri giác – tri giác sai lầm là vọng tưởng; vọng tưởng về trước và sau, sinh và diệt, về có và không, về đến và đi, về nhiều và một,..) là một tâm hành. Hành cũng được hiểu là sự phát hiện và lưu hành.

Thực tập Thiền, Bạn chỉ quan sát và ghi nhận một cách khách quan (chánh niệm) những gì đang xảy ra. Bạn hãy để tự do cho những sự thật về vọng tưởng, sự thật về hình ảnh, sự thật về âm thanh,.. khơi dậy, lưu lại và biến mất đi một cách tự nhiên, không kích động, không đè nén, không xua đuổi, không thêm, không bớt và không quan tâm gì đến chúng. Chỉ quan tâm (thân và ý) đến hơi thở ở ngay giây phút hiện tại.
 
Khi nhận diện sự thật về thế giới bên ngoài trong giây phút hiện tại: Bạn nhìn sự vật – hiện tượng, cảm nhận sự vật - hiện tượng, hoặc đang thực hiện một công việc; Bạn phải để tâm ý vào đó để nhận diện. Khi ăn, Bạn biết Bạn đang ăn; món ngon hay không ngon, bạn để ý (tâm ý) đến món đó. Khi nhìn, Bạn biết Bạn đang nhìn cái gì và để ý (tâm ý) đẹp hay không đẹp. Khi Bạn cầm đồ vật từ điểm A đến điểm B, Bạn để ý (tâm ý) Bạn đang cầm đồ vật đó từ điểm A đến điểm B. Khi tập trung và quan sát hơi thở của chính mình, Bạn để ý (tâm ý) đến hơi thở đi đến đâu, hơi thở đều hay không đều...

Luôn để ý đến mắt khi nhìn, để ý đến tai khi nghe, để ý đến mũi khi ngửi, để ý đến lưỡi khi ăn uống, để ý đến thân mình khi di chuyển hoặc không di chuyển,.. 

Bạn để ý (tâm ý) đến tất cả các hành động, cử chỉ, thái độ,.. sẽ hình thành một thói quen tốt cho việc thực tập Thiền bằng việc quan sát hơi thở trong chính cơ thể Bạn. Quan sát, để ý được hơi thở của chính mình, Bạn sẽ kiểm soát được toàn bộ nội tâm, nội thân của mình.

Bạn quan sát và nhận diện được vì Bạn đang có trí tuệ (Tuệ – hiểu thấu) để nhận diện, có con mắt (Sắc) để nhìn vào sự vật – hiện tượng, có cái tâm ý (Ý) là muốn nhìn sự vật - hiện tượng.

Bạn tập trung vào sự vật – hiện tượng – ý niệm để kiểm soát ý niệm, hướng sự vật – hiện tượng - ý niệm vào một phẩm tính đạo đức nào đó mà mình mong muốn. Ý niệm do không tán loạn vì thế sẽ trở lên sâu sắc, mạnh mẽ hơn.

Tóm lại Bạn thấy sáu căn: Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp tương đương với sáu trần: Mắt, Tai, Mũi, Lưỡi, Thân và Ý. Sáu căn – sáu trần tạo ra cách nhìn nhận của Bạn về thế giới hiện tại (nội tâm và bên ngoài). Đây là vấn đề quan trọng nhất của nhận thức (tri giác – Tưởng).

Trên cơ thể người, có sự khiếm khuyết của sắc – thanh – hương – vị – xúc – pháp, nhưng xúc và pháp thì luôn có sự hiện diện. Sự tồn tại của thân (xúc) và ý (pháp) chính là sự thật trong Bạn đang tồn tại trong ngay giây phút hiện tại. Khi thân không tồn tại ở dạng này sẽ chuyển qua dạng khác, khi ý không ở dạng này sẽ chuyển qua dạng khác. Để hiểu thấu sự tồn tại của thân và ý ở các thể dạng khác nhau đòi hỏi phải có tuệ giác tinh tấn và sáng suốt trong sự thật của chính cơ thể mình, ngay giây phút hiện tại.

Có mắt để nhìn, có tai để nghe,... có thân để tự chăm sóc, có ý để nhận định; nếu không dùng vào việc tốt thì một trong những cái đó không có lợi cho mình và cho người khác; có khi lại là một tai họa, thảm họa lớn cho chính mình, cho người khác và cộng đồng khác.

Ở người bại não hoặc người sống đời sống thực vật cũng có ý, nhưng cái ý đó không đủ lớn để thực hiện và điều khiển các chức năng khác như người bình thường. Thân không lành lặn và đầy đủ như người bình thường (hiện tại) thì gọi là “khuyết tật”. Ý không như người bình thường (hiện tại) thì gọi là “điên”, “dở hơi”, “mát”,.. mà lầm tưởng là “siêu nhiên”, “siêu phàm”, “vi diệu”,...

Bạn quán chiếu thật sâu sắc về tâm lý, hoàn cảnh môi trường, lối sống qua thời gian, chủng tộc, vùng địa lý, cơ chế di truyền, hành động, cử chỉ, tâm ý, tâm thức,.. thông qua Thiền để hiểu chân tướng về sắc – thanh – hương – vị – xúc – pháp trong chính mình và người khác.

Khi nhìn hình của Bạn trong gương (kiếng) thì đó chỉ là hình ảnh của Bạn được phản chiếu qua cái gương đó, không phải chính là Bạn. Nó là hình ảnh lật ngược của sự thật hiện tại, nó là “hình ảnh” nên nó không phản ánh đúng thực chất về Bạn. 

Với góc nhìn hai chiều thì Bạn và hình trong gương giống nhau; với góc nhìn ba chiều hoặc n-chiều nào đó thì hình trong gương và Bạn là hoàn toàn khác biệt vì hình trong gương không phải là sự thật, là chính Bạn.

Như vậy, cách nhìn nhận một sự vật, hiện tượng, hoặc một ý niệm nào đó càng sâu sắc, càng hiểu biết thì tâm thức sẽ càng tiến tới tiệm cận đúng chân tướng sự thật sự vật, hiện tượng hoặc ý niệm.

Khi viết đề mục cơ bản cho bài viết, Bạn để tâm đến nó. Bài viết nhằm mục đích gì, ai có thể tiếp cận, cách diễn giải thế nào, mục đích hướng đến là gì cho người khác, người khác đọc sẽ được gì,... Bạn “nhận diện về sự thật”. Sự thật là một bài viết.

Bạn sẽ hỏi: “..Có nhiều sự thật như thế: cái bàn, cái ghế, cái nhà, cây cỏ, mặt trời, đám mây,.. tôi nhận diện về sự thật như Bạn nói, tôi “tẩu” luôn à!!”

Sự thật là khi Bạn đang viết đề cương, Giả sử Bạn đã quên đi bữa ăn trưa của mình. Bạn tập trung (Định) cho bài viết.

Vậy sự thật của Bạn đang nhận diện là bài viết, còn một sự thật khác ngay kế bên Bạn cũng cần nhận diện là bữa ăn trưa, nhưng Bạn đã không nhận thấy sự thật đó. Bạn đã quên ăn trưa, giả sử ngay lúc này đây là 16h35 phút. Bạn đã nhận diện sự thật là mình (Thân) đang viết bài và chú tâm (Ý) đến nó ngay trong phút giây hiện tại (16h35 phút).

Để cảm nhận (khác với nhận diện) sự thật: Bạn mang sáu căn – sáu trần của mình vào ngay sự thật đó ở ngay phút giây hiện tại. Đó là căn bản.

Nếu quan niệm sai về danh từ “sự thật” và “hiện tại” sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực tập Thiền. Con đường trong bóng tối là sự có mặt của cảm tính, u mê, mờ mịt, luẩn quẩn và vô minh; nếu con đường đó không có được các phương pháp thoát ra khỏi bóng tối.

Nhận thức về sự thật trong hiện tại cũng không phải là sự cứng nhắc của danh từ. Ví như thực tại là x giờ, y phút, z giây, u phần trăm giây Bạn đang viết bài. Sự “viết bài” cũng là một sự thật. Như vậy sự thật ở hiện tại là Bạn “viết bài” ngay lúc x giờ, y phút, z giây, u phần trăm giây. Cũng như thế vẫn ở lúc x giờ, y phút, z giây, u phần trăm giây Bạn vẫn đang có tình yêu thương với ai đó và hiện tại lúc này Bạn vẫn còn tình yêu thương đó. 

Cái được gọi là “hiện tại” phải được hiểu rộng hơn bởi trong cái “hiện tại” chứa nhiều sự thật. Có thể buông bỏ mọi ý nghĩ để chỉ quan tâm đến hơi thở hiện tại. Buông bỏ mọi ý nghĩ để quan sát hơi thở sẽ làm cho tâm không bị dao động, tâm tĩnh lặng. Sự tĩnh lặng của tâm, yên ổn của tâm, an định của tâm,.. làm Bạn thích thú nên Bạn quan tâm đến hơi thở và thường xuyên quan sát hơi thở. Cũng như vậy, sự “viết bài” của Bạn làm Bạn thích thú. Bạn “viết” và buông bỏ ngay cả với “hơi thở”, buông bỏ cả với nỗi nhớ nhung một ai đó để tập trung vào “viết”. 

Tập trung vào “hơi thở” là việc tốt, tập trung vào “viết bài” là việc tốt, tập trung dành “tình yêu thương” cho người khác là việc tốt, tập trung vào việc “nấu bữa ăn ngon” là việc tốt, tập trung “trò chuyện” với người thân là việc tốt ở ngay giây phút hiện tại... Vậy tập trung vào “việc tốt nhất” ở “hiện tại”, tự chính Bạn phải nhận diện được. “Việc không tốt nhất” không nên làm. Khi thực tập Thiền, “hơi thở” là tốt nhất cho chính Bạn (lúc Thiền) nên Bạn hãy làm việc đó ở bất kỳ thời gian nào Bạn thấy có thể.

Bạn nhận ra là không bao giờ có sự cạnh tranh giữa các khía cạnh của sự thật. Sự thật không lay chuyển. Khi sự thật là cách nhìn tương đối, phiến diện, một phía và là cái nhìn của riêng mình thì từ đó phát sinh có sự phân biệt tốt – xấu, đúng – sai, vui – buồn, hạnh phúc – khổ đau,.. cũng bởi sự thật là vô thường mà chấp là thường nên không thấy rõ sự thật.

Trong đời sống bình thường hàng ngày, có thể chỉ ra một sự thật lại gây ra tai họa. Chỉ ra một sự thật mà làm tổn thương người khác và không mang lại lợi ích thì không nên chỉ ra sự thật.

Ví dụ: người thợ săn hỏi nhà sư có thấy con thú chạy ngang không. Nhà sư thấy có con thú chạy ngang. Nhà sư thì không thể nói dối. Trong trường hợp này, tốt nhất là nhà sư im lặng.

Bạn quan sát chính mình, quan sát thế giới quanh mình, mang tình yêu thương của mình đến cho chính mình và đối xử công bằng với người khác là một thể dạng tâm ý tích cực. Tâm ý càng tích cực, càng hướng thượng, càng lành mạnh thì Bạn càng nhận diện thế giới quanh mình rõ ràng hơn, tình yêu thương giữa con người với con người, tình yêu thương với muôn vạn sự vật càng được nảy nở. 

Khi mới tiếp xúc với Thiền, Bạn nên tránh xa các ý nghĩ tiêu cực, tránh xa các hành động tiêu cực, tránh xa các lời nói tiêu cực gây ảnh hưởng đến người khác,.. 

Bạn hãy tiếp xúc với những gì tích cực hoặc ngưng lại mọi sự tiếp xúc nếu có thể, để tâm ý được an lành và yên ổn trong hiện tại. Khi tâm ý đi vào sự yên ổn, vững tin, hướng thượng trong chính bản thân mình, khi đó Bạn thực tập Thiền sẽ có hiệu quả cao, ngay từ khi tiếp xúc với Thiền. 

Thực tập Thiền và cảm nhận được sự yên ổn thực sự trong tâm trí và các hành động, cử chỉ, hành vi của cơ thể được tâm trí kiểm soát, khi đó Bạn hãy tiếp tục thực hành và thường xuyên thực hành Thiền. Bạn sẽ muốn Thiền mỗi khi có điều kiện để Thiền. Thiền sẽ đi cùng Bạn vì Thiền sự thật là của Bạn, sẽ luôn mãi ở trong Bạn. Khi đã vững bước trong Thiền, cho dù Bạn có tiếp xúc, nghe, nhìn, nói với các sự tiêu cực giống như của ngày xưa thì điều đó cũng không lay chuyển và điều hướng được Bạn.

Tư duy về sự thật trong Thiền là chủ đạo. Tư duy về sự thật cần có phương pháp, có cách nhìn nhận, có góc nhìn nhận,.. làm ngọn đuốc soi đường nhằm mục đích cho tư duy về sự thật đó được sâu sắc, rõ ràng và sáng tỏ hơn.

Nguyễn Trường Giang
Trích trong Hạt giống nảy mầm

Còn nữa...
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT

Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.

STK: 117 002 777 568

Ngân hàng Công thương Việt Nam

(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)

Cùng Phatgiao.org.vn lan toả Đạo Pháp.

Ý kiến của bạn

TIN LIÊN QUAN

Sư cô Suối Thông: Sách có thể chữa lành tâm hồn

Sách Phật giáo 10:47 19/04/2024

Với sư cô Suối Thông, việc dùng cụm từ "chữa lành" để nói về sách là khá chính xác. Có lúc cơ thể không khỏe thì mình phải chữa bệnh, thì tâm hồn cũng vậy.

Thân thể và hơi thở

Sách Phật giáo 20:18 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Sinh và tử

Sách Phật giáo 15:50 11/04/2024

Những lời dạy ngắn trong cuốn "Chẳng Có Ai Cả" được trích từ những bài pháp mà Ngài Ajahn Chah đã dạy cho các Phật tử, nhất là các học trò Tây phương. Lời văn thật súc tích, dí dỏm và đi thẳng vào tâm người đọc.

Thầy Đồng Tâm ra mắt bộ 3 cuốn sách giúp bạn đọc lắng lại để nhìn sâu

Sách Phật giáo 23:26 10/04/2024

Đó là ba cuốn gồm Đủ duyên ta lại tương phùng, Sát-na này là thiên thu và Tịch tịnh do First News và NXB Dân Trí ấn hành. Trong đó, 2 cuốn đầu tái bản và làm mới, còn Tịch tịnh là tác phẩm in lần đầu.

Xem thêm