Hệ thống tổ chức Giáo hội sẽ có 4 cấp, cụ thể hóa vai trò lãnh đạo tối cao của Hội đồng Chứng minh
Nhân Đại hội Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, Thư ký Ban Chỉ đạo, Trưởng ban Nội dung Đại hội đã có một cuộc phỏng vấn chia sẻ về một số vấn đề quan trọng.
Về những nội dung trong Đại hội lần thứ IX của Giáo hội, Thượng tọa Thích Đức Thiện chia sẻ:
– Theo Hiến chương GHPGVN, sau 5 năm hoạt động, Hội đồng Chứng minh và Hội đồng Trị sự tổ chức Đại hội để tổng kết, đánh giá thành tựu Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022), đồng thời hoạch định đề ra phương hướng hoạt động Phật sự, nhiệm vụ chiến lược phát triển Giáo hội trong 5 năm tiếp theo của nhiệm kỳ IX (2022-2027). Đại hội lần thứ IX của GHPGVN có nhiệm vụ cử hành nghi thức suy tôn Đức Pháp chủ và Hội đồng Chứng minh; Suy cử Chủ tịch và Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ (2022-2027); Nghi thức tấn phong giáo phẩm tại Đại hội; Thực hiện nghi thức tuyên dương khen thưởng của Giáo hội và Nhà nước trao tặng các tập thể Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự và cá nhân chư tôn đức Tăng Ni, cư sĩ Phật tử thành viên Giáo hội. Một trong những nội dung quan trọng của Đại hội kỳ này là tiến hành tu chỉnh Hiến chương GHPGVN lần thứ 7.
Hiến chương là cơ sở pháp lý cao nhất cho mọi hoạt động của GHPGVN. Trong thời gian qua, Trung ương Giáo hội, Ban Tổ chức, trực tiếp là Ban Nội dung đã có nhiều văn bản, tổ chức nhiều hội nghị nhằm tu chỉnh Hiến chương lần thứ 7. Là người trực tiếp công tác này, Thượng tọa có thể chia sẻ về một vài vấn đề được Tăng Ni, các cấp Giáo hội và chuyên gia góp ý cần tu chỉnh để đáp ứng yêu cầu thực tế của xã hội và sự phát triển của GHPGVN, nhất là khi Luật Tín ngưỡng, tôn giáo đã áp dụng vào thực tiễn?
– Mục đích của lần tu chỉnh Hiến chương lần này để Hiến chương thực sự phù hợp với các quy định trong Luật Tín ngưỡng, tôn giáo và pháp luật Nhà nước liên quan, cũng như phù hợp với thực tiễn trong công tác điều hành Phật sự trong giai đoạn hiện nay.
Bản dự thảo Hiến chương tu chỉnh lần này gồm 14 chương và 86 điều, nhiều hơn Hiến chương GHPGVN hiện hành 1 chương và 15 điều.
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và Hòa thượng Chủ tịch Hội đồng Trị sự trực tiếp chỉ đạo Ban soạn thảo tu chỉnh Hiến chương từ rất sớm bắt tay vào công việc nghiên cứu, xin ý kiến góp ý rộng rãi của các Ban, Viện Trung ương; Ban Trị sự GHPGVN các cấp; Tăng Ni, Phật tử; các nhà nghiên cứu, chuyên môn về pháp luật, về quản lý nhà nước về tôn giáo từ đầu năm 2021. Cho đến nay, bản dự thảo Hiến chương GHPGVN lần này đã qua 3 lần xin ý kiến đóng góp và tiếp thu ý kiến góp ý của đông đảo chư tôn đức Tăng Ni và các chuyên gia, nhà nghiên cứu.
Hiến chương tu chỉnh lần này tập trung vào cơ cấu hệ thống tổ chức các cấp hành chính Giáo hội. Sửa đổi bổ sung cấp hành chính cơ sở. Sau khi tu chỉnh, Hiến chương GHPGVN sẽ có 4 cấp hành chính: GHPGVN cấp Trung ương (bao gồm: Hội đồng Chứng minh và các cơ quan của Hội đồng Chứng minh; Hội đồng Trị sự và các cơ quan của Hội đồng Trị sự); GHPGVN cấp tỉnh, thành phố (bao gồm: Ban Chứng minh; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố); GHPGVN cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (bao gồm: Ban Chứng minh; Ban Trị sự và các cơ quan của Ban Trị sự GHPGVN quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương); GHPGVN cấp cơ sở: Ban Quản trị cơ sở tự viện. Hiến chương tu chỉnh đã dành riêng một chương mới quy định về GHPGVN cấp cơ sở (Chương VIII).
Hiến chương tu chỉnh cũng có quy định cụ thể về tài sản của tổ chức tôn giáo trực thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam và tài sản của Tăng Ni.
Theo Thượng tọa, nội dung nào được góp ý tu chỉnh để trình Đại hội lần này có tính chất quan trọng, mang tinh thần đột phá, tạo bước ngoặt phát triển mới sau khi GHPGVN qua 8 nhiệm kỳ với hơn 41 năm thành lập và phát triển?
Thượng tọa có thể cho biết về tình hình các tham luận và một số vấn đề mới trong các tham luận gửi về Ban Tổ chức, sẽ được trình bày tại Đại hội lần này?
– Ban Nội dung đã nhận được nhiều tham luận của các Ban, Viện và các Ban Trị sự, của Tăng Ni và của Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài gửi về tham gia, đóng góp về thành tựu Phật sự trong khóa VIII (2017-2022), các ý kiến tham gia về phương hướng hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ tới (2022-2027). Các ý kiến tham luận tập trung vào các giải pháp thúc đẩy hoạt động hoằng pháp, hướng dẫn Phật tử trong bối cảnh xã hội hiện nay. Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại của Giáo hội và nâng cao vai trò, vị thế của GHPGVN trong các tổ chức Phật giáo quốc tế mà GHPGVN là thành viên và tham gia sáng lập. Định hướng giáo dục Phật giáo, nghiên cứu học thuật, văn hóa và nghi lễ Phật giáo…
Một câu hỏi riêng cá nhân, là một vị giáo phẩm trẻ nhưng lại được suy cử vào vai trò chủ chốt là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự, điều phối nhiều mối quan hệ trong các hoạt động điều hành Phật sự của Giáo hội, có bao giờ Thượng tọa cảm thấy quá áp lực? Với kinh nghiệm đã có qua quá trình làm việc đủ lâu dài cũng như cái nhìn toàn diện, nếu có một ý kiến góp ý để GHPGVN phát triển một cách hiệu quả hơn nữa, Thượng tọa sẽ nói gì?
– Nếu chúng ta làm công tác Phật sự với tâm phụng sự và báo đáp tứ ân, báo đáp di sản của thầy tổ mình thì không bao giờ cảm thấy áp lực, và mọi chướng ngại đều được hóa giải mà không phải là áp lực.
Nếu được chia sẻ một điều tâm tư để GHPGVN phát triển hiệu quả trong tương lai thì mỗi thành viên Giáo hội hãy luôn thấu hiểu giáo lý Vô ngã trong lời dạy của Đức Phật và trong các Phật sự hãy luôn luôn đặt trách nhiệm đối với niềm tin đạo Phật, sự nghiệp phụng sự chúng sinh, và luôn luôn đặt lợi ích của tổ chức GHPGVN lên trên hết, và trước hết.
Chân thành tri ân Thượng tọa đã dành thời gian trả lời phỏng vấn mặc dù rất bận rộn với các công tác chuẩn bị cho Đại hội!
Theo: GNO
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Gốc rễ của chiến tranh
Giáo hội 18:24 30/10/2024Thật là vinh hạnh lớn lao cho tôi khi được tham dự Hội nghị Hòa bình Thế giới được tổ chức tại trụ sở UNESCO, tổ chức của Liên Hiệp Quốc luôn hướng tới mục tiêu cao quý vì nhân loại.
Thượng tọa Thích Thanh Phong làm Trưởng ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
Giáo hội 17:41 24/10/2024Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN đã ấn ký quyết định chính thức bổ nhiệm Bổ nhiệm Thượng tọa Thích Thanh Phong làm Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
Cứu trợ bão lũ: Đức Pháp chủ kêu gọi người có ít đóng ít, người có nhiều đóng nhiều
Giáo hội 18:17 16/09/2024Ban Trị sự GHPGVN TP.HCM sáng 16/9 đã phát động đóng góp ủng hộ đồng bào miền Bắc bị thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra tại các tỉnh thành phía Bắc.
Ban TT-TT Tiền Giang sản xuất gần 1.000 tin bài, hơn 500 video mỗi năm
Giáo hội 17:22 24/07/2024Tại Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc nhiệm kỳ VII (2012-2017) Trung ương GHPGVN đã thành lập Ban Thông tin Truyền thông để có tiếng nói chính thức của GHPGVN trong thông tin quản lý điều hành mọi Phật sự và truyền bá Chánh pháp.
Xem thêm