Và mình, con cháu Từ Hiếu, phải hãnh diện là mình có một vị thầy như vậy: Vất công danh, phú quý, địa vị dễ dàng như vất một đôi dép cùn. Cái đó là điểm son của Ngài, chứ không phải là cái làu thông tam tạng Kinh điển, hay những chức vị và sự sùng kính của vua và các quan. Đến ngày giỗ Tổ, để xưng tán công hạnh của Tổ thì phải nói điểm đó.
Kính bạch Sư Tổ! Chúng con đang tập tiếp xúc với Người qua hình ảnh một bậc thầy già chốn núi rừng Dương Xuân. Một túp lều tranh, một bà mẹ già và với ba người đệ tử. Đó là khoảng thời gian hạnh phúc nhất của Sư Tổ. Người có thời gian chăm sóc mẹ già và trao truyền những hoa trái tu học cho những người học trò yêu quý.
Xuất thân từ làng Trung Kiên – một vùng đất Phật giáo ở Quảng Trị, Sư Tổ đã đến chùa Thiên Thọ (Báo Quốc) núi Hàm Long – Huế, để xuất gia học đạo với Thiền sư Phổ Tịnh, lúc đó Người chỉ mới lên bảy tuổi. Đến năm 30 tuổi, nhận thấy nơi Sư Tổ có chí khí của một bậc xuất trần nên Sư Tổ được bổn sư phú pháp truyền đăng với bài kệ:
Nhất Định chiếu quang minh
Hư không nguyệt mãn viên
Tổ tổ truyền phú chúc
Đạo Minh kế Tánh Thiên.
Từ đây, bước chân của Sư Tổ đã in dấu ấn trên khắp vùng đất cố đô. Đi đến đâu Người cũng đã gieo xuống những hạt giống hiểu biết, thương yêu, vững chãi và thảnh thơi trên mảnh đất nhân tâm. Từ những ngôi làng quê cho đến chốn kinh thành, các vua quan lúc ấy nhờ thấm nhuần ân đức của Sư Tổ mà muôn dân được an bình. Cũng do đó mà vua Minh Mạng đã mời Sư Tổ giữ chức Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự. Tăng Cang là người có khả năng làm khuôn thước đạo đức cho đạo cũng như đời. Với đạo đức và uy phong của Sư Tổ, Người thực sự là một vị thầy tâm linh, làm chỗ nương tựa cho vua dân chốn thần kinh lúc bấy giờ. Giáo lý mà Người trao truyền, vì vậy đã mang đậm dấu ấn nhập thế, không chỉ dừng lại ở chốn Thiền môn mà đã đi vào các lĩnh vực khác của cuộc sống.
Năm 1843, sau khi thôi làm Tăng Cang Giác Hoàng Quốc Tự và trao quyền điều hành chùa Báo Quốc cho pháp đệ là Hòa Thượng Nhất Niệm, Người một mình, một bát vân du đến núi Dương Xuân, dựng am tranh bên một con suối nhỏ, lấy tên là An Dưỡng Am. Sư Tổ đã đưa mẹ mình cùng với ba người đệ tử về đây cùng tu tập, hằng ngày cuốc đất trồng rau, vui nếp sống thanh bần. Lúc ấy, Sư Tổ đã đến tuổi lục tuần, nhưng Người vẫn làm bổn phận của một người con hiếu đối với người mẹ già tám mươi tuổi.
Có một hôm, mẹ của Người ốm nặng và thầy thuốc nói rằng, cụ bà cần phải tẩm bổ thì mới mong qua khỏi. Sư Tổ đã chẳng ngần ngại, chống gậy xuống núi, đến chợ Bến Ngự mua một con cá thật to, mặc những lời thị phi hai bên đường, Người ung dung xách trên tay đem về nấu cháo dâng mẹ. Tiếng đồn vang đến vua Thiệu Trị, vua không chịu được, liền tức tốc lên Thảo Am của Người để tìm hiểu thật hư, khi vừa đến Thảo Am thì đúng lúc Sư Tổ đang dâng bát cháo cá cho mẹ. Vua hiểu ra được mọi điều và niềm cảm phục nơi vua lại tăng lên bội phần. Công việc đó Người có thể nhờ một học trò cư sĩ của mình làm được, nhưng không, Người đã tự mình làm chuyện đó, để rồi câu chuyện cứ lan truyền trong nhân gian làm cảm hóa không biết bao nhiêu người.
Tuy người ở chốn thâm sơn nhưng đạo phong của Người vẫn còn đó, cho nên các vua quan và học trò của Người vẫn thường lên thăm. Đường đi thật khó khăn, từ kinh thành Huế lên thảo am của Người chỉ có năm cây số, vậy mà phải mất nửa ngày đường mới tới nơi. Có lúc các vua quan ngỏ ý muốn xây một ngôi chùa cúng dường Sư Tổ nhưng Người đã nói: “Nếu muốn ở chùa thì tôi đã ở Giác Hoàng Quốc Tự, ở chùa Báo Quốc rồi, đâu cần phải lên đây dựng thảo am làm chi”.
Có những lúc khác, thấy Người túng thiếu, các quan lại có ý muốn cúng dường thì Người nói rằng, Người đã có ba người học trò cuốc đất trồng rau, đủ sống qua ngày rồi, chẳng cần chi thêm nữa. Dạ! Đúng rồi thưa Sư Tổ, một người vô sự thì đâu cần tìm cầu chi nữa. Niềm vui của Người là được chơi với mẹ già và trao truyền trái tim của mình cho những người đệ tử. Chúng con cảm thấy thật may mắn, khi các thế hệ Tổ sư đi qua đã tiếp nối được Người một cách xứng đáng và để cho hôm nay chúng con được nương tựa.
Kính bạch Sư Tổ! Chúng con thấy là chúng con cũng đã có mặt một lần cùng với Người, khi Người đặt bước chân đầu tiên đến núi Dương Xuân. Chúng con cũng đã có mặt trong những người học trò của Người và hằng ngày cùng cuốc đất trồng rau với Người. Chúng con cũng đã có mặt với Người khi Người xuống núi làm một người vô sự, và bây giờ đây, Người cũng có mặt với chúng con trong giờ phút hiện tại, trong mỗi hơi thở, mỗi nụ cười và mỗi bước chân vững chãi của chúng con.
Thảo am ngày xưa ấy, đã khơi nguồn cho dòng suối cam lộ chảy mãi cho đến hôm nay. Chúng con thật hạnh phúc khi biết rằng, giờ đây con cháu của Sư Tổ đã có mặt khắp mọi nơi. Đi đến đâu chúng con cũng đang tiếp nối công việc của Sư Tổ, là gieo xuống mảnh đất tâm của mọi người những hạt giống hiểu biết, thương yêu, vững chãi, thảnh thơi mà chúng con đã được tiếp nhận từ thầy tổ, và chúng con cũng ý thức là Người cũng đang làm công việc đó với chúng con trong giờ phút hiện tại.
Kính bạch Sư Tổ! Chúng con cảm thấy lòng mình thật ấm áp, khi được ngồi đây và nói lên được lòng biết ơn của chúng con đến với Người. Xin Sư Tổ luôn có mặt đó và bảo hộ, che chở cho chúng con.
Nam mô Khai sơn chùa Từ Hiếu Sư Tổ Nhất Định chứng minh.
Sư Ông Làng Mai chia sẻ về công hạnh của Tổ Nhất Định
(Trích từ Pháp Thoại của Sư ông Làng Mai, ngày 14.12.2006 tại Xóm Thượng, chùa Pháp Vân, Làng Mai, khóa an cư kết đông)
Khi đọc lại tiểu sử của Tổ Nhất Định, người khai sinh ra chùa Từ Hiếu, mình thấy có một điểm son. Điểm son của Tổ Nhất Định không phải là Ngài được làm Tăng Cang nhiều chùa vua. Điểm son của Ngài không phải là Giới Đao Độ Điệp, được vua và các quan sùng kính, rồi được làm trụ trì hết chùa này đến chùa kia. Điểm son của Tổ Nhất Định là tới cái tuổi suýt soát sáu mươi thì Ngài cương quyết thoát ra. Ngài đã tìm cách xin với vua để trả hết tất cả những ngôi chùa kia để về núi Dương Xuân, dựng một cái am ở một mình, với bà mẹ. Một người được trọng vọng, được cung kính, có nhiều lợi lộc, quyền danh như vậy, mà chỉ trong vòng một niệm là buông bỏ được, thoát ra được. Đó là điểm son của Tổ Nhất Định.
Cố nhiên là lên đồi Dương Xuân, Ngài chỉ cất một cái am tranh thôi. Ngài đi với hai người đệ tử, hai thầy trẻ mới thọ đại giới. Ba thầy trò cuốc đất trồng khoai. Hồi đó, ở xung quanh chùa Từ Hiếu hoang vu lắm, không phải như bây giờ. Có nhiều vị quan trong triều đình nhớ Ngài và tìm lên. Thấy Ngài sống cực khổ quá, họ thấy tội nghiệp. Trong khi đó, Ngài hạnh phúc quá chừng. Chưa bao giờ Ngài hạnh phúc như vậy. Tại vì Ngài đã buông bỏ tất cả. Ngài được sống một mình với hai người đệ tử, cuốc đất trồng khoai và được sống với bà mẹ “chuối ba hương, xôi nếp một, đường mía lau”.
Các quan xin với Ngài để lập chùa cho “có tiện nghi”. Ngài nói: “Thôi thôi, tiện nghi tôi có quá nhiều rồi. Chính tôi đi kiếm cái này”. Và Ngài cương quyết không cho các quan lên lập chùa. Cúng dường cái gì Ngài cũng trả lại hết. Điểm son của Tổ Nhất Định là chuyện đó. Và mình, con cháu Từ Hiếu, phải hãnh diện là mình có một vị thầy như vậy: Vất công danh, phú quý, địa vị dễ dàng như vất một đôi dép cùn. Cái đó là điểm son của Ngài, chứ không phải là cái làu thông tam tạng Kinh điển, hay những chức vị và sự sùng kính của vua và các quan. Đến ngày giỗ Tổ, để xưng tán công hạnh của Tổ thì phải nói điểm đó.
Nguồn: Làng Mai, Pháp Quốc