Khái quát về công cuộc chấn hưng Phật Giáo Việt Nam từ 1930 đến 1945
Bài nghiên cứu dưới đây trích trong cuốn Việt Nam Phật giáo sử luận của tác giả Nguyễn Lang-bút danh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh viết về công cuộc chấn hưng Phật giáo Việt Nam qua các thời kỳ, để thấy Phật giáo phát triển ở Việt Nam đã trải qua nhiều biến cố thăng trầm theo chiều dài lịch sử đất nước.
BỐI CẢNH CHÍNH TRỊ VÀ VĂN HÓA
Từ giữa thế kỷ thứ mười sáu trở đi, bạo động và loạn lạc xảy ra liên tiếp khiến một mình Nho giáo không còn đủ sức làm chỗ nương tựa tín ngưỡng và nơi an tâm lập mệnh cho quần chúng nữa. Vì vậy ta thấy giới cầm quyền lại tìm về đạo Phật và giọng chống đối kỳ thị đạo Phật của nho gia cũng dịu dần đi. Dần dần, một số nho gia trở nên có cảm tình với đạo Phật. Nhưng phải đợi cho đến khi văn hóa Tây phương du nhập, Tây học chiếm chỗ của Nho học, ta mới thấy cảnh nho sĩ và tăng sĩ ngồi chung uống trà và đàm đạo nơi thiền viện trở thành một cảnh tượng phổ thông.
Dưới triều Nguyễn, trong các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị và Tự Đức, tuy Phật giáo ít bị kỳ thị nhưng chủ lực chính trị vẫn nằm trong tay nho gia. Từ năm 1817 về sau, số đông nho gia cảm thấy có một sự liên kết giữa phong trào truyền đạo Cơ Đốc và sự phát triển của thế lực thực dân, cho nên đã bắt đầu chống đối Cơ Đốc giáo. Sự chống đối này phát triển mạnh từ khi vua Minh Mạng lên ngôi. Phật giáo thời bấy giờ một phần vì không có ảnh hưởng trực tiếp đến chính trị, một phần vì có tinh thần dung hợp không kỳ thị tôn giáo, nên đã không phải là động lực đưa tới những đạo dụ “cấm đạo” của vua Minh Mạng(1). Chính sách đàn áp kỳ thị Cơ Đốc giáo về phía chống lại chính quyền. Lực lượng Cần Vương mà phần chủ yếu là nho sĩ cũng tiếp tục xô đẩy một số người Công giáo vào thế đối lập(2)
Cơ sở của Nho giáo trong kiến trúc hạ tầng của xã hội ngoài các thầy đồ và môn sinh của họ cùng các cuộc tế tự ở đình làng, thì không còn có gì đáng kể nữa. vì vậy phong trào Cần vương phải tìm tới những cơ sở Phật giáo. Các chùa chiền trở nên cơ sở kháng chiến và tăng sĩ không ngần ngại đóng góp phần mình vào công trình cứu nước. Cuộc khởi nghĩa chống Pháp của Võ Trứ tại Phú Yên năm 1898 đã vận động được sự yểm trợ của rất đông tín đồ Phật giáo trong hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Lực lượng chủ yếu của cuộc khởi nghĩa này Phật tử chứ không phải là nho sĩ, dù danh nho Trần Cao Vân cũng có mặt trong cuộc vận động. Khi cuộc khởi nghĩa thất bại, tất cả các chùa chiền trong hai tỉnh đều bị lục soát, và số tăng sĩ bị bắt giam rất là đông đảo.
Theo Hành Sơn, tác giả Cụ Trần Cao Vân(3) thì hồi đó “trong hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, khám đường nào cũng có mặt các thầy chùa”. Cuộc khởi nghĩa của Võ Trứ được gọi là “Giặc Thầy Chùa” cũng vì lẽ ấy(4). Cuộc vận động của hội “Thượng chí” do tăng sĩ Vương Quốc Chính lãnh đạo ở Bắc cũng là một cuộc vận động mà lực lượng chủ chốt là Phật tử. Vương Quốc Chính vốn là trú trì chùa Ngọc Long Động ở Chương Mỹ, gần Hà Nội. Nghĩa đảng của ông họat động rất sâu rộng trong quần chúng, và căn cứ họat động là hàng trăm ngôi chùa rải rác từ Nghệ An ra tới Bắc Ninh, quy tụ được hàng ngàn tăng sĩ và hàng vạn tín đồ. Nghĩa đảng họat động cả trong môi trường Công giáo và thu phục được vào đảng nhiều phần tử Công giáo yêu nước. Nhưng cuộc tấn công Hà Nội đêm 5.12.1898 đã thất bại và nghĩa quân tại các tỉnh Hà Đông và Sơn Tây cũng bị đàn áp kịch liệt. Từ Bắc Ninh trở vào Nghệ An, không biết bao nhiêu tăng đồ và cư sĩ Phật giáo bị bắt bớ, tù đày và xử tử.
Một năm sau, tiếng súng kháng chiến ở Bãi Sậy cũng im bặt và nhà cách mạng Nguyễn Thiện Thuật trốn sang Trung Hoa. Các cuộc vận động khởi nghĩa Cần Vương đều bị tan rã vào cuối thế kỷ thứ mười chín.
Những người trí thức yêu nước lúc bấy giờ khám phá ra được một sự thực: muốn đánh đuổi xâm lăng Tây phương, phải vận động duy tân xứ sở và phải thay thế cuộc kháng chiến Cần Vương của nho sĩ thành một cuộc vận động toàn dân. Tư tưởng mới của Khang Hữu Vi và Lương Khải Siêu cùng công cuộc vận động cách mạng ở Trung Hoa đã làm sáng tỏ thêm ý thức ấy. Sự kiện Nhật Bản duy tân và đánh bại nước Nga càng làm cho đức tin kia thêm mãnh liệt. Phong trào Duy Tân và Đông Du do những nguyên cớ trên đã được phát sinh một cách mạnh mẽ.
HAI NHÀ CHÍ SĨ HỌ PHAN
Khi lực lượng nho sĩ Cần Vương kháng chiến bị tiêu hao mòn mỏi thì số nho sĩ thoạt đầu hợp tác với Nhà nước bảo hộ càng ngày càng đông. Những nhà nho chí sĩ, trong khi vận động phong trào cải cách duy tân trong quần chúng, bỗng nhận ra rằng lực lượng chống đối cách mạng lớn lao hơn hết lại là giới nho sĩ quan liêu thỏa hợp. Lui về tìm cơ sở trong quần chúng, họ phải dựa vào những cơ sở đạo Phật. Cơ sở nho sĩ như Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ, Võ Hoành, Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Nguyễn Quyền… trong lúc họat động cho phong trào Đông Du và Đông Kinh Nghĩa Thục thường nhóm họp nhau tại các chùa như Trấn Quốc, Hòa Mã, Liên Phái v.v… để cho được kín đáo và tránh sự dòm ngó của nhà chức trách Pháp. Họ được sự ủng hộ mật thiết của giới tăng sĩ Phật giáo.
Trong số những nhà chí sĩ lãnh đạo Đông Du và Đông Kinh Nghĩa thục, ta có thể nói rằng Phan Châu Trinh(5) là người tin tưởng nhiều nhất về sự đóng góp của một nền Phật giáo phục hưng. Ông thường hô hào việc chấn hưng đạo Phật để hỗ trợ cách mạng. Có lần trong một buổi họp, giữa các đồng chí, sau khi chuông mới rung. Ông lên tiếng: “Nước Đại Nam chúng ta ngày nay sở dĩ yếu hèn là vì thiếu tinh thần tôn giáo, chúng ta không biết cương cường xã thân vì nghĩa, chỉ bo bo giữ cái lối riêng của mình. Nay bà con thử xét, đời Trần sao dân tộc ta hùng dũng như vậy: quân Nguyên thắng cả Á cả Âu, nuốt trọn Trung Hoa mà qua đến nước ta thì bại tẩu; nào bị cướp sáo ở Chương Dương Độ, nào bị bắt trói ở Bạch Đằng, như vậy chẳng phải là nhờ đạo Phật ở ta thời đó rất thịnh ư? Nhờ cái tinh thần tôn giáo của ta ư?”(6).
“Tinh thần tôn giáo” mà cụ Phan nói ở đây không phải là tinh thần Nho giáo mà là tinh thần Phật giáo, bởi vì ông đã nhiều lần lên tiếng cho rằng chính Nho học đã làm cho nước Việt suy nhược. Ông có soạn một bài nói về cái tệ của nho học, nhan đề là Bất Phế Hán Tự, Bất Túc Dĩ Cứu Nam Quốc(7), kết án chế độ khoa cử và kết luận là phải bỏ Hán tự, dùng quốc ngữ. Phan Châu Trinh không phải là một nhà nho cố chấp, thấy sao thì ông nói vậy. Sự tin tưởng của ông nơi Phật giáo không những bắt nguồn ở nhận thức về thời đại cực thịnh Lý-Trần mà còn ở sự nhận thức về khả năng duy tân của một xã hội Phật giáo như quốc gia Nhật Bản nữa. Nhưng nhiều đồng chí của ông vì lòng yêu Nho giáo sâu đậm quá nên đã cực lực chống đối đường lối phê Nho hưng Phật của ông. Phục tùng đa số, ông đành bỏ những bài diễn văn hô hào phục hưng đạo Phật và phế bỏ Hán học, kể cả bài Bất Phế Hán Tự… vừa nói.
Tuy nhiên, phần lớn những vị lãnh đạo trong các phong trào Duy Tân và Đông Kinh Nghĩa Thục đều nhận thấy rằng, trong thời đại họ, những phương thức tranh đấu bất bạo động là những phương thức tranh đấu thực tiễn và hữu hiệu hơn cả. Họ đã biết đến những nguyên tắc tranh đấu bất bạo động. Trong Hải Ngoại Huyết Thư, Phan Bội Châu(8) nói đến phương pháp đấu tranh này. Ông nói rằng: “Chỉ cần tranh đấu bất bạo động thôi, cũng đủ để đuổi Tây về nước. Họ chỉ có năm chục ngàn người, trong khi chúng ta một dân tộc hai mươi triệu. Chẳng cần gươm súng, chỉ cần đấu tranh hai tay không ta cũng đuổi được họ về nước. Điều cần thiết là ta phải một lòng một dạ. Chúng đến thu thuế, nếu ta đồng lòng không nạp, thì chúng làm gì được ta? Nếu chúng gọi lính bắt ta, thì ta kêu gọi lính đừng bắt ta, bởi vì lính cũng người Việt. Nếu chúng bắt một người trong chúng ta thì chúng ta kéo hàng chục ngàn người đi theo. Không có lý nó giết hết được? Cuối cùng chúng sẽ bỏ nước mình mà đi”. Những ý tưởng trên đây phản chiếu đúng đường lối tranh đấu bất bạo động. Một người đồng chí của Phan Bội Châu là Lê Đại(9) đã diễn dịch đoạn văn trên ra thơ song thất lục bát, như sau:
Hai mươi triệu đồng bào đua sức
Năm mươi nghìn giống khác được bao?
Cùng nhau bên ít bên nhiều
Lọ là gươm sắc súng kêu mới là
Cốt trong nước người ta một bụng
Nghìn muôn người cùng giống một người.
Phòng khi sưu thuế đến nơi
Bảo nhau không đóng nó đòi được chăng?
Gọi đến lính không thằng nào chịu
Bắt một người ta kéo muôn người
Bây giờ có lẽ giết ai?
Hẳn thời nó cũng chịu lui nước mình.
Sức mạnh của bất bạo động là ở chỗ “đồng tâm”, cho nên Phan Bội Châu nhấn mạnh nhiều lần tới nguyên tắc này:
“Thương ôi! Trăm sự tại người
Chữ đồng ai dám ngăn rời chữ tâm?”
“Người trong cho đến người ngoài
Chữ tâm cốt phải ai ai cũng đồng.”
“Gió nhanh thì sóng cũng mau,
Chữ tâm một phút đâu đâu cũng đồng”.
Để đi tới đồng tâm phương sách duy nhất là giáo dục và tỉnh thức quần chúng. Đó là mục tiêu của phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục. Thi ca, sách báo và giảng diễn là những phương tiện lần đầu để thức tỉnh quần chúng. Kế tiếp là hành động. Cuộc vận động kháng thuế năm 1908 tại Trung Kỳ đã gây được ý thức sâu rộng trong quốc dân. Phong trào này phát khởi tại tỉnh Quảng Nam, quê của Phan Chu Trinh. Chiến dịch kháng thuế này đã mở đầu cho những cuộc biểu tình vĩ đại sau này.
Tham dự vào cuộc phát khởi tại Quảng Nam có tới hàng vạn người; tất cả đều hớt tóc ngắn (không búi tóc, theo lời kêu gọi của duy tân của Đông Kinh Nghĩa Thục) đến vây quanh tòa sứ Quảng Nam để yêu cầu chính phủ giảm thuế. Vị công sứ Pháp không nhận đơn và ra lệnh giải tán nhưng quần chúng không nghe. Lính được lệnh tấn công vào quần chúng làm cho nhiều người bị thiệt mạng. Vì vậy phong trào từ Quảng Nam đã nhanh chóng lan vào các tỉnh miền Nam Trung Kỳ(*).
Chính phủ Bảo Hộ đổ tội cho bốn người Phan Châu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng. Phan Bội Châu lúc ấy còn ở Nhật thành ra không bị bắt. Trần Quý Cáp bị chính phủ Nam Triều lên án xử tử “chém ngang hông” tại Nha Trang. Huỳnh Thúc Kháng bị bắt tại làng Thạnh Bình tỉnh Quảng Nam. Phan Chu Trinh lúc ấy ở Hà Nội cũng bị chính phủ bảo hộ bắt giam ở tòa Khâm Sứ. Tại đây, ông thực hiện một chiến thuật bất bạo động khác: tuyệt thực. Cuộc tuyệt thực kéo dài bảy ngày khiến viên khâm sứ Pháp phải trao ông về cho Cơ Mật Viện của Nam Triều. Triều đình Huế bèn đổi án “trảm quyết” thành án “Côn Lôn ngộ xá bất nguyên”(10).
Sở dĩ chính phủ Nam triều kết án ông nặng nề như thế là vì hai năm trước đó ông đã đánh một đòn bất bạo động cân não làm rung động cả dư luận quốc dân. Đó là một văn thư ông gửi cho toàn quyền Đông Dương đề ngày 15.8.1906. Bức thư khảng khái này tố cáo tính cách hủ bại của lớp quan lại Nam Triều, lên án chính phủ Bảo Hộ thực hiện chính sách ngu dân, chỉ muốn đưa lên chính quyền những phần tử thối nát và dối trá, đồng thời công kích chính phủ Bảo Hộ đã có thái độ khinh miệt giới sĩ phu Việt Nam khiến cho sự hiểu biết của hai phía càng lúc càng trở nên khó khăn.
Bức thư này lưu hành rộng rãi trong quốc dân đã khiến cho Bảo Hộ lẫn Nam Triều căm tức đến tột độ. Ở Côn Lôn được hai năm, ông được tha về nhờ sự vận động của ký giả Ernest Babut và hội Nhân Quyền Pháp. Ông tiếp tục đấu tranh như thế cho đến khi chết, trong thời gian lưu trú tại Pháp cũng như sau khi hồi hương, rất trung thành với đường lối bất bạo động. Các đồng chí của ông có người họat động bí mật theo đường lối bất bạo động (vụ liên lạc với chiến khu của Đề Thám, vụ đầu độc quan binh Pháp ở Hà Nội năm 1908…) nhưng Phan Châu Trinh không tham dự vào những họat động này. Cuối cùng Đông Kinh Nghĩa Thục bị đóng cửa và các đồng chí người thì bỏ trốn, người thì bị bắt, người thì bị xử tử.
NHU YẾU DUY TÂN
Phong trào ngắn ngủi nhưng đã tạo được những thay đổi cần thiết: mầm cách mạng dân tộc được gieo rắc, nền cựu học sụp đổ, quốc dân chấp nhận con đường duy tân. Sự kiện này có ảnh hưởng lớn đến phong trào phục hưng Phật học ở thượng bán thế kỷ thứ hai mươi. Những nổ lực cải cách văn hóa, xiển dương quốc học và phục hưng Phật giáo đều có thể được nhận định là những họat động công khai nhằm nối tiếp tinh thần Đông Kinh Nghĩa Thục với một đường lối đấu tranh ôn hòa trong khuôn khổ “thỏa hiệp” với phe thống trị. Mục tiêu của tất cả những họat động này là khai hóa dân trí, tìm kiếm và xác định một ý thức hệ dân tộc.
Sống dưới sự bảo hộ của một ngoại bang, cái lo âu sâu đậm nhất của người Việt là sự đánh mất cá tính và linh hồn Việt, cho nên sự phục hưng Phật học cũng như ý hướng xây dựng “quốc học” đã được sự hỗ trợ nồng nhiệt của quần chúng. Phục hưng Phật học và xây dựng quốc học là những công việc làm chính đáng, hợp pháp, không phải là những việc quốc cấm, cho nên không sợ bị đàn áp. Nơi đây hai giới tân học và cựu học có thể gặp nhau để cùng họat động: cả trong hai lĩnh vực tôn giáo và văn hóa, chữ Nho, chữ Quốc ngữ và chữ Tây đều được sử dụng. Chữ “quốc ngữ” trở thành một phương tiện mầu nhiệm nối liền hai thế hệ cựu và tân học.
Trước 1908, những tờ báo quốc ngữ chỉ là những tờ do chính phủ xuất bản, cdi là để thông tin và bố cáo các chỉ thị của Nhà nước, như các tờ Gia Định Báo (1865) Đại Nam Đồng Văn Nhật Báo (1892). Nông Cổ Mín Đàm (1900)(*) Nhật Báo Tỉnh (1908)(**). Đại Việt Tân Báo (1907)(***) và Đăng Cổ Tùng Báo (1907). Sau 1908, ngoài việc thông tin, các báo còn đăng những mục xã thuyết, thơ văn, tự do diễn đàn, v.v… phản chiếu nguyện vọng và ý hướng của người dân: đó là những báo như Lục Tỉnh Tân Văn, Thực Nghiệp Dân Báo, Khai Hóa, Tiếng Dân, Đông Pháp. v.v… Đứng về phương diện nâng cao dân trí, đại chúng hóa các học thuật tư tưởng Đông Tây, và xây dựng quốc học thì có các tạp chí sau đây: Đông Dương Tạp Chí (1913) Nam Phong (1917), Học báo (1919), Hữu Thanh (1921), An Nam Tạp Chí (1926), Phụ Nữ Tân Văn (1929), Khoa Học Tạp Chí (1931), Văn Học Tạp Chí (1932)v.v… Đông Dương Tạp Chí và Nam Phong hồi đó rất được mến chuộng.
Trong khi đó thì công cuộc phục hưng Phật giáo được hình thành với sự thành lập các hội Phật giáo và các tạp chí Phật. Trước hết là Hội năm kỳ Nghiên Cứu Phật Học thành lập năm 1931 và tạp chí Từ Bi Âm xuất bản đầu năm 1932. Tiếp đến là hội An Nam Phật Học (1932) và tạp chí Viên Âm (1933), rồi hội Phật Giáo Bắc Kỳ (1934) và tạp chí Đuốc Tuệ (1935). Sau đó nhiều hội Phật giáo hoặc tạp chí Phật học tiếp tục ra đời, như tạp chí Tiếng Chuông Sớm (1935) của hai sơn môn Hồng Phúc và Bà Đá xuất bản tại Hà Nội, tạp chí Duy Tâm (1935) do hội Lưỡng Xuyên Phật Học xuất bản ở Trà Vinh, tạp chí Tam Bảo (1937) của Đà Thành Phật Học xuất bản tại Đà Nẵng, tạp chí Tiến Hóa (1938) do Hội Phật Học Kiêm Tế xuất bản ở Rạch Giá, v.v… Quang cảnh phục hưng tưng bừng như chưa bao giờ có.
VÀI NÉT SƠ LƯỢC VỀ CUỘC VẬN ĐỘNG CHẤN HƯNG
Vào khoảng 1920, tuy tình trạng Phật giáo ở đất Việt không có gì sáng sủa, nhưng rải rác trong xứ vẫn còn những vị cao tăng duy trì mệnh mạch của Phật pháp. Ở trong Nam có thiền sư Từ Phong duy trì đạo tràng Giác Hải ở Chợ lớn, mở lớp giảng giải Phật pháp cho tăng sĩ ở trong vùng: tổ chức khắc bản in kinh và khuyến khích việc phiên dịch kinh Phật ra quốc ngữ. Từ năm 1922, thiền sư đã cho xuất bản bộ Quy Nguyên Trực Chỉ do ông tự tay phiên dịch ra quốc ngữ. Chùa Tiên Linh ở Bến Tre cũng là một đạo tràng có uy tín, nơi đó thiền sư Khánh Hòa chủ trì giảng dạy Phật pháp cho chư tăng quy tụ học đạo với ông. Tại chùa Phi Lai ở Châu Đốc, thiền sư Chí Thành quy tụ tăng sĩ về giảng dạy hàng năm. Dưới sự hướng dẫn của ông, một trường Phật học dành cho ni giới được tổ chức tại chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu, có trên một trăm học ni tham dự. Tại Trà Vinh có thiền sư Huệ Quang giảng dạy ở chùa Long Hòa và thiền sư Khánh Anh giảng dạy tại chùa Long An. Đạo tràng nào cũng có từ bốn mươi tới một trăm học tăng tham học. Ngoài ra còn có các vị cao tăng khác như thiền sư Tâm Thông chùa Trường Thọ ở Gò Vấp (Gia Định), thiền sư Hoằng Nghĩa chùa Giác Viên (Chợ Lớn) và thiền sư Huệ Tịnh chùa Linh Tuyền (Gò Công).
Tại miền Trung có thiền sư Tuệ Pháp nổi tiếng là thâm uyên giáo điển, thường quy tụ những phần tử tăng già ưu tú của kinh đô, về chùa Thiên Hưng để giảng dạy kinh luân, Ngoài ra còn có thiền sư Thanh Thái chủ trì đạo tràng Từ Hiếu, thiền sư Đắc Ân chủ trì đạo tràng Quốc Ân và thiền sư Tâm tịnh giảng dạy tại đạo tràng Tây Thiên. Chùa Thập tháp ở Bình Định là một trung tâm học Phật nổi tiếng nhờ sự có mặt của thiền sư Phước Huệ mà học lực thâm uyên về Phật pháp đã làm dư luận quốc dân khắp nơi quy ngưỡng. Tại chùa Tĩnh Lâm, cũng ở Bình Định, lại có thiền sư Phổ Tuệ thường xuyên giảng dạy giáo điển cho nhiều lớp học tăng kế tiếp, tiếng tăm cũng lừng lẫy cả miền Trung.
Ngoài miền Bắc có thiền sư Thanh Hanh, một vị tôn túc được quốc dân sùng kính, chủ trì đạo tràng Vĩnh Nghiêm, năm nào cũng có quy tụ tăng sĩ về để giảng dạy Phật pháp. Chùa Linh Quang (tức là chùa Bà Đá) cũng duy trì một đạo tràng quy mô lớn lao. Mỗi năm đạo tràng quy tụ hàng trăm tăng sĩ kết hạ và học tập giáo điển. Thiền sư Đỗ Văn Hỷ lại chủ trương khăc bản in thêm kinh sách, kể cả những kinh lớn như Đại Bảo Tích. Những đạo tràng và những cao tăng kể trên cùng một số các cao tăng khác nữa chưa nói đến, tuy không đủ để tạo nên cho Phật giáo một khuôn mặt sáng sủa, nhưng đã đủ sức để làm nền tảng cho một cuộc chấn hưng.
Phong trào chấn hưng Phật học hồi đó là một phong trào có tính cách quốc tế và được khởi xướng ở Ấn Độ bởi cư sĩ David Hewavitarane, người Tích Lan, sau này xuất gia thành đại đức Dharmapala. Công việc đầu tiên của ông là vận động trùng tu lại những Phật tích quan trọng ở Ấn Độ, và tiếp theo là lập hội Mahabodhi Society, xuất bản tạp chí Phật học, thành lập trung tâm Phật học và tu viện Phật giáo. Nhờ có sự khuyến khích của thi sĩ Edwin Arnold người Anh, tác giả The Light Of Asia, và đại tá Henry Steel Olcott, người Hoa Kỳ, Dharmapala đã đạt tới những thành công lớn, nhờ sự có mặt của bác sĩ Ambedkar, hàng triệu người Ấn thuộc giai cấp hạ tiện (intouchables) tại Ấn Độ đã quy y theo Phật giáo, Tại Nagpur ngày 14.10.1956, năm trăm ngàn người đã làm lễ quy y trong một lần.
Chính Dharmapala đã viết thư liên lạc với cư sĩ Dương Nhân Sơn ở Trung Hoa vào năm 1908 để mời cộng tác. Dương Nhân Sơn đã đứng lên thiết lập Kỳ Hoàn Tinh xá và triệu tập thanh niên tăng ni và cư sĩ Hữu Tâm về để nghiên cứu Phật học qua Hán văn, Anh văn và Pali. Cộng tác với Dương Nhân Sơn có Âu Dương Tiệm, Mai Quang Hy, Thích Nhân Sơn… những vị sau này rở nên rường cột nền phục hưng Phật giáo Trung Hoa. Từ Kỳ Hoàn Tinh Xá xuất hiện nhiều tài năng. Từ 1914 trở đi, các cơ sở hoằng pháp được thành lập tại nhiều nơi trong nước. Thiền sư Thái Hư lập Phật học viện Vũ Xương năm 1912 và tiếp theo đó, nhiều Phật học viện được tuần tự thiết lập trong nước, xuất bản tạp chí Phật học. Các hiệp hội Tăng Giáo Dục, Phật Giáo Hợp Tiến, Phật Giáo Tổng Hội, Phật Giáo Liên Hiệp, Phật Giáo Cư Sĩ Lâm vân vân… thi nhau ra đời. Tạp chí Giác Xã ra đời năm 1918 do Thái Hư chủ trương, ít lâu sau biến thành nguyệt san Hải Triều Âm, là một trong những cơ quan ngôn luận Phật giáo có ảnh hưởng tới nên Phật giáo phục hưng tại đất Việt.
Trong lúc ấy, tại các nước Miến Điện,Tích Lan và Nhật Bản, một ngọn gió mới cũng thổi vào nền Phật giáo cố hữu. Động cơ của sự phục hưng này không phải chỉ do phong trào Phật học ở Ấn Độ và Trung Hoa mà còn do sự hâm mộ của Tây phương về Phật giáo nữa. Những học giả Tây phương nghiên cứu Phật học một cách nghiêm chỉnh vào khoảng đầu thế kỷ đã khám phá ra được nội dung thâm sâu vĩ đại của tư tưởng Phật giáo và đã trung thực nói lên những cảm nghĩ của họ. Điều này khiến cho Tây phương bắt đầu chú ý tới đạo Phật và dần dần từ bỏ ý niệm khinh miệt có sẵn từ trước về đạo học Đông phương. Sự khâm phục của cá học giả phương Tây đã làm cho niềm tự tin của các dân tộc Phật giáo sống dậy: người Phật tử bắt đầu nghiên cứu trở lại giáo lý của tôn giáo họ với tất cả nhiệt tình. Đó là một trong những động cơ lớn thúc đẩy phong trào Phật giáo ở các nước Á Châu.
Ở Việt Nam, phong trào bắt đầu bằng sự vận động của thiền sư Khánh Hòa ở chùa Tiên Linh Bến Tre và các đồng chí của ông. Năm 1923, nhân ngày giỗ tổ tại chùa Long Hoa, quận Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh, vào ngày 19 tháng chín âm lịch (Quý hợi), ông vận động mời tất cả những vị tôn túc khắp miền Tiền Giang và Hậu giang về Tiểu Cần để dự lễ, đồng thời để họp bàn về vấn đề chấn hưng Phật giáo. Kết quả là hội Lục Hòa Liên Hiệp được thành lập, và tất cả những vị tôn túc có mặt trong buổi họp như Huệ Quang, Chí Thiền, Trí Thiền, Từ Phong, Chánh Quả, An Lạc, Huệ Định, Diệu Pháp… đều đồng ý tham dự.
Sự đóng góp của các vị lên đến 400 đồng, và một vị cư sĩ có tên Nguyễn Văn Nhiêu, làm cai tổng, được ủy nhiệm là thủ quỹ cho hội. Mục đích của hội là vận động thành lập một hội Phật giáo toàn quốc. Nhưng trong bốn năm bôn ba, Khánh Hòa vẫn không thành lập được hội này dù ông đã đi mòn gót từ tổ đình này tới tổ đình khác. Năm 1927 nhân tờ Thực Nghiệp ở Bắc đăng bài nói về ý nguyện chấn hưng Phật giáo do một số Phật tử ở Hà Nội đề xướng, trong đó có thiền sư Tâm Lai ở chùa Tiên Lữ, Khánh Hòa liền gửi Thiện Chiếu ra Bắc để liên lạc với các tổ đình ngoài ấy trong việc xúc tiến thành lập Phật Giáo Tổng Hội. Thiện Chiếu ra tới chùa Linh Quang, yết kiến thiền sư Đỗ Văn Hỷ rồi xin phép lên chùa Tiên Lữ để gặp Tâm Lai.
Các cuộc gặp gỡ này không đi tới đâu cả. Sau một thời gian lưu lại ngoài Bắc, Thiện Chiếu trở vào Nam. Trên đường về Sài Gòn, Thiện Chiếu ghé lại Quy Nhơn để gặp thiền sư Khánh Hòa lúc bấy giờ đang an cư và giảng kinh cho đại chúng tại chùa Long Khánh. Sau khi trình bày với thiền sư Khánh Hòa về nội tình Phật giáo ngoài Bắc, Thiện Chiếu đưa cho ông xen chương trình cải tổ Phật giáo của Tổng Hội Phật Giáo Trung Hoa đăng trong tạp chí Hải Triều Âm do thiền sư Thái Hư chủ biên. Thiền sư Huệ Quang lúc đó cũng có mặt tại chùa Long Khánh.
Thấy rõ chưa có thể thực hiện một hội Phật giáo cho cả ba miền, Khánh Hòa và Huệ Quang đồng ý với nhau là khi mãn Hạ, học sẽ về Nam xúc tiến ngay việc thành lập một hội Phật học tại Nam Kỳ trước đã. Đầu năm 1928 các thiền sư Khánh Hòa và Huệ Quang cùng vơi các Thiền sư Thiện Niệm, Từ Nhã, Chơn Huệ và một số cư sĩ có Tây học như Ngô Văn Chương, Phạm Ngọc Vinh, Nguyễn Văn Cần, Trần Nguyên Chấn… tổ chức tại chùa Linh Sơn ở đường Douaumont, Sài Gòn, một Thích Học Đường và một Phật Học Thư Xã. Đến năm 1930, hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được thành lập, lấy chùa Linh Sơn làm trụ sở. Thiền sư Từ Phong được mời làm cho xuất bản tạp chí Từ Bi Âm. Số đầu Từ Bi Âm được ra mắt hôm 1.3.1932. Tạp chí này do thiền sư Khánh Hòa làm chủ nhiệm.
Thấy trong Nam làm được việc, ở Huế, thiền sư Giác Tiên tập họp các đồng chí với sự cộng tác của một số cư sĩ như Lê Đình Thám, Nguyễn Khoa Tân… thành lập hội An Nam Phật Học (1932), đặt trụ sở tại chùa Trúc Lâm nơi Giác Tiên trú trì, bắt đầu tổ chức giảng diễn tại chùa Từ Quang. Giác Tiên làm chứng minh đạo sư và cư sĩ Lê Đình Thám được mời làm hội trưởng. Viên Âm số đầu ra ngày 1.12.1933.
Đến lượt ngoài Bắc. Các thiền sư Trí Hải, Tâm Ứng và Tâm Bảo ở Hà Đông thấy Nam và Trung đã lập hội liền lên Hà Nội tìm các ông Lê Dư (lúc đó đang làm quản lý chùa Quán Sứ, Nguyễn Hữu Kha, Trần Trọng Kim và Bùi Kỷ để bàn tính chuyện lập hội Phật giáo Bắc Kỳ. Hội thành lập năm 1934, lấy chùa Quán Sứ ở đường Richard làm trụ sở, suy tôn thiền sư Thanh Hanh chùa Vĩnh Nghiêm làm thiền gia pháp chủ, và bầu Nguyễn Năng Quốc làm hội trưởng. Hội xuất bản Tập kỷ Yếu số 1 vào ngày 1.5.1935 và sau đó ít lâu thì cho xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ.
Vậy trong ba hội Phật giáo đầu tiên được thành lập ở ba miền. Tiếp theo đó còn có nhiều hội nữa được thành lập; hội nào cũng xuất bản tạp chí. Các hội phát triển mau chóng và các chi hội lần lượt được thành lập tại các tỉnh.
NHỮNG ĐỘNG CƠ CỦA CUỘC CHẤN HƯNG
Nói về động cơ chấn hưng Phật giáo, hồi ấy có nhiều dư luận khác nhau. Vào khoảng tháng Năm năm 1935, có một loạt bài viết trên báo Tràng An ký tên là H. T. về đề tài “Phong Trào Phật Giáo Chấn Hưng”, cho rằng có ba nguyên nhân của sự phục hưng Phật giáo. Đó là:
1) Lòng tự ái của một dân tộc
2) Lòng khát vọng một lý tưởng để theo, và
3) Nạn kinh tế khủng hoảng
Lại còn có dư luận cho rằng phong trào phục hưng Phật giáo là một âm mưu của Nhà nước bảo hộ muốn dìm quốc dân vào trong biển ma túy của tôn giáo để học quên mất sự chống đối ngoại bang. Ký giả H.T. của báo Tràng An chủ trương đạo Phật nên để cho người già cả, vì nếu thanh niên mà theo đạo Phật thì… sợ trở nên lười biếng. Ông viết: “Chúng tôi không lấy làm lạ sao đạo Phật đã được Á Đông sùng thượng: nó là đạo của những dân tộc lười. Sống ở thời đại này, thanh niên nước ta không thể lười được nữa… Một dân tộc thờ chủ nghĩa vô vi ở thời đại này thực là đưa mình vào cõi chết, vì chủ nghĩa vô vi là chủ nghĩa tự sát vậy”. Từ nhận định đó, nẩy sinh ra sự nghi ngờ là phong trào chấn hưng Phật giáo nằm trong kế hoạch của chính phủ bảo hộ.
Có hai nguyên nhân làm căn bản cho sự nghi ngờ đó: thứ nhất là Nhà nước bảo hộ đã ký giấy cho phép thành lập các hội Phật giáo một cách tương đối dễ dàng và mau chóng, thứ hai là sự có mặt của một số người được nhận định như là “người của chính quyền” trong lòng một số hội Phật giáo như Trần Nguyên Chấn trong hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học , Nguyễn Năng Quốc và Lê Dư trong hội Phật giáo Bắc Kỳ(11). Nhận định của giới sĩ phu trong nước hồi đó thế nào?
Ta hãy nghe Phan Khôi giải bày ý kiến của ông trong báo Tràng An: “Chúng tôi không chuyên một tôn giáo nào hết. Có người lo nếu Phật giáo thịnh thì Việt Nam sẽ trở nên lười, cho nên Pierre Pasquier, toàn quyền là nhà chính trị nham hiểm ký tên cho phép mấy cái hội Phật ở Đông Dương, làm mê họ bằng Phật giáo. Chúng tôi không phải quan cố toàn quyền P. Pasquier, chúng tôi đâu biết được dụng ý của ngài. Chúng tôi tưởng khi Phật giáo thịnh hành, cũng chẳng có cái hiệu quả như thế. Vì chúng tôi lấy lịch sử để làm chứng… Phật giáo sang Tàu từ thời Đông Hán mà suốt trong đời ấy quốc gia của nhà Hán rất là cường thịnh. Đến nỗi Hung Nô ngày trước cứ xâm lăng mãi mà bây giờ phải vào chầu. Rồi đến đời Đường Thái Tôn, đời mà đạo Phật thịnh nhất ở Trung Quốc, thì thế nước lại lừng lẫy vững vàng, tứ di đều thần phục. Xưa nay bên Tàu, quốc thế có hai lần hèn yếu nhất, bị lũ mọi rợ ở phương bắc đè đầu: lần trước vào thời kỳ Tấn Lục Triều, thì là cái kết quả của sự sùng thượng Lão Trang; lần sau vào thời kỳ Tống Minh thì là cái kết quả của cuộc vận động Lý Học. Còn Phật giáo theo lịch sử chẳng có khi nào gây ra sự hèn yếu cả.
“Ở nước ta cũng vậy: vào thuở nhà Lý, nhà Trần, đạo Phật tràn ngập cả nước, chùa chiền khắp nơi, thầy tu làm dân tráng, nhưng nước nhà chưa hề có cái vẻ tích nhược như hồi Lê trung hưng hay Nguyễn thống nhất là cai thời đại Nho học thịnh hành. Trái lại, nhà Lý, nhà Trần mạnh lắm, dân khí còn hăng lắm: mấy phen giặc Tàu sang chúng ta đuổi đi như đuổi vịt. Lịch sử là cái chứng mạnh lắm. Không ai cãi được. Nó đã làm bằng chứng cho Phật giáo; không phải là một thứ như thuốc phiện làm mòn yếu con người”(12).
Phan Khôi không phải là người đạo Phật nhưng đã viết những dòng bênh vực hết lòng cho Phật giáo. Sau khi viết những dòng trên, ông kết luận rằng ông “biểu đồng tình” với nỗ lực chấn hưng Phật giáo. Tuy nhiên, ông nói rằng ông rất “bực mình” vì “các hội Phật giáo xứ ta cứ im ỉm mà chẳng làm việc gì hết”. Có lẽ ông Phan muốn nói rằng các hội Phật giáo ngoài việc lo xiển minh Phật học còn phải trực tiếp tác động trên hoàn cảnh xã hội và chính trị trong xứ.
Huỳnh Thúc Kháng cũng đã từng phát biểu ý kiến về vấn đề phục hưng Phật giáo. Trong Viên Âm số 3 ra ngày 1.2.1934, ông nói rằng chấn hưng Phật giáo là một việc làm có lợi ích cho quốc dân và ông khuyên Viên Âm nên cố gắng:
“Viên Âm hãy gắng lên. Người ta nói khoa học với tôn giáo không cùng đi với nhau, là nói ở xứ văn minh nào kia, chớ ở xứ khai thông chậm trễ dân trí mơ mù như xứ ta, tôn giáo còn là phương thuốc chữa bệnh chung cho người mình có hiệu nghiệm. Huống là cái thuyết từ bi cứu khổ, độ tha, giác tha và nhân quả luân hồi của Phật giáo thông cả các giai cấp trong xã hội, mà ai thực hành theo có bổ ích cho chúng sanh không phải là ít, chưa nói đến “Niết Bàn” là chỗ thượng thừa cao xa kia”. Ông nói nhìn Phật giáo phục hưng mà ông buồn cho Nho giáo: trải qua bao cuộc bể dâu Phật giáo vẫn còn nguyên vẹn mà bây giờ lại được chấn hưng: trong khi đó Nho giáo đã suy sụp mà khắp nước lạnh tanh, không có ai nghĩ đến chuyện chấn hưng Nho học.
Trên đây là đại khái dư luận của giới sĩ phu đứng ngoài. Đến đây ta hãy nghe chính những người trong Phật giáo trình bày những ý hướng của họ trong việc phục hưng Phật học. Trong một bài xã thuyết nhan đề là Xướng Minh Đạo Phật Ngày Nay Đã Phải Thời Chưa? Báo Viên Âm, những lý do đó như sau:
1- Sự sụp đổ của niềm tin quốc dân nơ những giá trị cổ truyền do ý thức hệ Nho giáo đại diện đã tạo nên một hoang mang lớn. Văn hóa cũ đã suy sụp mà văn hóa mới chưa được hình thành dù đã trải qua gần năm mươi năm tiếp xúc với Tây phương. Đạo Phật đã chứng tỏ rất thích hợp với tinh thần và ước vọng người Việt, lại có tính cách dung hợp cởi mở, có thể đóng vai trò dung hợp cũ mới, bảo tồn những giá trị cũ và thu nhập những giá trị mới. Vì vậy xiển minh đạo Phật tức là xây dựng nền tẳng cho một nền văn hóa dân tộc vừa tiến bộ vừa không mất gốc.
2- Nền tảng ấy sẽ xác nhận được dân tộc tính Việt Nam, đủ tiêu chuẩn và khả năng hấp thụ văn hóa Tây phương mà không bị đồng hóa, phân biệt được những gì thích hợp va có lợi cho dân tộc và những gì trái chống với sự tồn tại và phát triển của quốc gia, nói một cách khác, có thể “phân biệt chính tà” trong quá trình tiếp nhận và hình thành văn hóa mới.
3- Tinh thần Phật giáo rất thích hợp với tinh thần khoa học và tinh thần tự lực tự cường. Khoa học hấp thụ được của Tây phương, nếu được đi đôi với đạo học Phật giáo, thì mới tránh được sự tác hại trong khi sử dụng.
4- Hình thức tôn giáo lễ nghi của Phật giáo lâu nay lưu hành chỉ là một phần phương tiện nhỏ bé của Phật giáo, và phần này không thích hợp những con người chuộng lý trí và khoa học. Vậy nên sự phát huy giáo nghĩa cao sâu của Phật giáo để trình bày một nèn Phật giáo tân tiến, sống động, đáp ứng được nhu cầu của những thế hệ mới là điều cần thiết.
Đây là ngôn ngữ của Viên Âm thời ấy:
“Đạo Phật truyền qua xứ ta, chùa tháp càng ngày càng nhiều, tín đồ càng ngày càng đông, cũng là nhờ giáo pháp không trái vói phong tục nhân tâm …{lược}… Tuy nhiên, lối truyền bá Phật pháp ngày xưa đối với trình độ ngày nay, xét ra phần nhiều không còn thích hợp nữa, vậy nên phải thay đổi sửa sang.
“Vì sao không thích hợp?
“Xứ ta trên mấy ngàn năm khuyếch trương Nho học mà làm cơ quan giáo dục, sùng thượng Phật giáo mà làm nền móng đạo đức nước nhà. Lễ nghi, phong tục, chính trị, văn chương, toàn ỷ y vào đó mà làm chân đứng; nhân dân cũng nhờ đó mà tính tình thuần hậu, phiền não nhẹ nhàng; nhưng đời trước, các vị tổ sư phương tiện tùy cơ, chỉ đem một phần sự tướng ra mà hoằng tuyên Phật pháp thôi. đã biết đạo Phật sự lý vô ngại, tin theo sự tướng không phải là không đủ, tiếc vì trình độ đời nay một phần sự tướng không thể phát khởi tín tâm cho hạng người trọng về lý thuyết. Bởi vậy cần thay đổi.
“Ngày nay Hán học đình đốn, quốc dân ta tuy xoay về đường tân học, nhưng trong khoảng bốn năm mươi năm nay chưa hấp thụ ảnh hưởng triết học tân thời được mấy. Mới cũ lỡ làng, người theo bên này kẻ theo bên khác, nền giáo dục Nho học đã lu chữ mà nền giáo dục tân học xây đắp chưa thành, nên chi về đường xu hướng của phong tục nhân tâm chưa có chỗ nhất định. Đạo Phật viên dung vô ngại, bao hàm tất cả học thuyết trong thế gian, nếu tuyên truyền lý nghĩa sâu xa của đạo Phật ra thì chắc dung hóa được cả Nho học và tân học mà gây dựng một nền đạo đức và triết lý vững vàng cho phong tục nhân tâm. Phong tục nhân tâm tiêm nhiễm được cái lý vô thượng thậm thâm của đạo Phật rồi thì lo chi mà nền giáo dục nước nhà không được mỗi ngày mỗi bền vững.
“Xứ ta đang nhằm về thời canh cải. Giòng Kinh, Vị chưa chia trong đục, lòng nhân dân còn thiếu phương châm; văn hóa mới càng nhiều, tư tưởng người càng rộng, dầu cho đạo Nho còn lại nữa cũng không địch nổi những nghị luận cổ quái ly kỳ. Gia dĩ nay thuyết này mai thuyết nọ lay động lòng người, nhân tâm biết nương tựa vào đâu mà phân biệt được đường tà nẻo chánh. Lòng người như tờ giấy trắng ở giữa hai bình mực đen và đỏ để hai bên; không dính đỏ tất phải dính đen, mà đã dính đen thì khó giữ cho khỏi những điều thương luân hại lý, bại tục đồi phong được.
“Ảnh hưởng đạo Phật về trong tinh thần giáo dục xứ ta chẳng phải ít. Vậy ngày nay cần đem giáo lý vô thượng của đạo Phật mà tuyên truyền ra, đặng cho ai ai cũng nương vào đó làm phương châm mà phân biệt chỗ phải chỗ chăng, tránh khỏi cái hại sai đường lạc nẻo.
“… Hiện nay thanh niên xứ ta đương chăm về các món khoa học; khoa học chú trọng về thực nghiệm, bất cứ việc gì cũng phải xét cho tột nguồn gốc, nếu không có lý nghĩa rõ ràng thì không chịu tín phục. Trí não khoa học thích hợp với Phật học biết chừng nào! Đạo Phật đủ sự đủ lý: đời trước thiên về sự mà bỏ lý, nên đối với tân học in tuồng đứng về mặt trái; ngay nay tân học mở mang. Xứ ta đã tiêm nhiễm được cái trí não nghiên cứu thì nên đem giáo lý vô thượng thậm thâm của Đại thừa Phật giáo mà phô bày ra, đặng ai ai cũng có thể tùy theo trí lực mà suy nghiệm, mà nghiên cứu. Đến khi rõ được nghĩa lý, hết chỗ nghi ngờ thì lo chi mà không phát khởi tín tâm một cách rõ ràng chắc chắn.
“Vả lại khoa học là một lợi khí tinh nhuệ, đem lòng nhơn mà dùng khoa học thì ích cho nhân quần chi bằng; lấy lòng ác mà dùng khoa học thì hại cho nhân quần cũng không chi kịp. Tinh thông khoa học mà lại có Phật học un đúc lòng nhân từ, thì chắc chắn về sau sẽ được nhiều phần lợi ích”(13).
Đoạn văn trên có thể được xem như là một bản tuyên cáo về phong trào phục hưng Phật học. Nhiều bài xã luận trong báo Viên Âm sau này viết để trả lời những công kích hướng về phong trào Phục hưng Phật học (như những bài ký tên Nguyễn Xuân thanh chẳng hạn)(14) đều lập luận trên căn cứ những điều đã được diễn bày trong đoạn văn vừa trích dẫn.
Trong khi Viên Âm trả lời những lời công kích trên báo Tràng An thì ở Hà Nội, Đuốc Tuệ cũng nỗ lực chứng minh là sự phục hưng Phật học rất cần cho nhân tâm thế đạo. Phạm Văn Côn viết về Văn Minh Vật Chất Với Đạo Phật, chủ trương không có tinh thần Phật giáo thì văn minh vật chất thay vì tạo nên hạnh phúc sẽ trở thành động lực chiến tranh(15). Đỗ Trân Bảo dùng uy tín của Lương Khải Siêu, dịch bài Phật Giáo Đối Với Nhân Sự của nhà học giả này, nêu ra những đặc điểm của Phật giáo là trí trí (chống với mê tín), kiêm thiện (chống với độc thiện), yêu đời (chống với chán đời) và tự lực (chống với ỷ lại)(16). Phạm Đình Hòe viết Đức Phật Có Quan Thiết Đến Sự Sống Của Đời Người, cho rằng Phật giáo là linh hồn của cõi Đông Á, bỏ đạo Phật tức là Đông Á không còn; rằng tinh thần của đạo Phật là tinh thần của tự do, bình đẳng rất thích hợp với đời sống mới(17).
CÁC HỘI PHẬT GIÁO THỰC HIỆN ĐƯỢC NHỮNG GÌ TRONG THỜI GIAN 1930-1945
Tuy ra đời sớm nhất nhưng hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học không đóng được vai trò tiên phong bởi vì sự có mặt trong ban trị sự của hội một nhân vật quan liêu đó là ông Trần Nguyên Chấn. Khi mới thành lập, Hội nhận được sự ủng hộ nồng nhiệt của cả hai giới tăng già và cư sĩ ở Nam Kỳ. Hội đã cất được một thư viện Phật học gọi là Pháp Bảo Thường, thỉnh được Tục Tạng Kinh và Đại Tạng Kinh cho thư viện này. Hội cũng đã cất được một Phật học đường, gồm có sáu gian nhà ngói có trang bị đầy đủ để nhận học tăng nội trú. Nhưng ông “phó nhì hội trưởng” không chịu nghe lời các thiền sư Khánh Hòa và Huệ Quang, cho nên những cơ sở đó vốn được xây cất trên đất riêng của ông Chấn trở thành vô dụng. Phật học đường không bao giờ được khai giảng và công việc hoằng pháp bị đình trệ. Sự kiện này đã là nguyên nhân phát sinh ra hai hội Phật giáo khác, một hội tên là Lưỡng Xuyên Phật Học Hội tại Trà Vinh và một hội lấy tên là Phật Học Kiêm Tế Hội ở Rạch Giá. Lưỡng Xuyên Phật Học Hội được Khánh Hòa và Huệ Quang điều khiển, có đường lối tương tự với Hội An Nam Phật Học. Phật Học Kiêm Tế Hội do Thích Trí Thiền sáng lập với sự cộng tác của Thích Thiện Chiếu. Nếu hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học được xem như là một hội thuộc cánh cực hữu thì hội Phật Học Kiêm Tế được xem là một hôi thuộc phe cực tả. Hội này kêu gọi Phật giáo đi theo đường lối xã hội chủ nghĩa.
Hội An Nam Phật Học là hội đã tạo nên tiếng vang lớn nhất cho phong trào Chấn Hưng Phật Học. Lễ Phật Đản mà hội tổ chức tại đất thần kinh năm 1935 là một cơ hội phô diễn lực lượng quần chúng đầu tiên của Phật giáo trong thế kỷ này. Báo chí trong nước đã nói đến ngày lễ này trong nhiều số liên tiếp và những bài viết để chống đối Phật giáo đăng trên các báo cũng là những phản ứng gây nên do cuộc phô diễn lực lượng đầu tiên ấy của giới Phật tử.
Lễ Phật Đản do hội tổ chức, nhưng được sự tham dự của tất cả các bậc tôn túc ở thần kinh. Các vị hòa thượng và tăng cương các chùa Thiên Mụ, Từ Hiếu, Bảo Quốc, Trúc Lâm, Túy Ba, Tây Thiên, Linh Quang, Tường Vân, Vạn Phước, Từ Quang và Quốc Ân đều đến tham dự. Tổng thư ký của Sơn Môn là Thích Mật Khế đã triệu tập một ủy ban tăng ni yểm trợ cho cuộc lễ gồm có các vị trú trì chùa Diệu Đế, Quan Công, các vị Mật Nguyện, Đôn Hậu, Diệu Hương và Diệu Viên để huy động tăng đồ và tín đồ đến dự lễ.
Lễ Phật Đản được tổ chức ngày 10.5.1935. Trước đó hội trưởng Nguyễn Khoa Tân và các vị tôn túc đã vận động được vua Bảo Đại và Tam Tôn Cung nhận thức hội chủ vinh dự của hội, và Ngự Tiền văn phòng cho biết tin này bằng văn thư 97.BE ngày 20.4.1935. Vua cúng dường 150 đồng và Khôn Nghi Xương Đức thái thượng hoàng thái hậu cúng dường 100 đồng.
Chiều mồng bảy tháng Tư âm lịch, hội tổ chức rước Phật ở Bảo Quốc. Một ban đồng ấu Phật tử đầu đội mũ, áo mã tiền, trên vai có cắm lồng đèn hoa sen, vừa đi vừa bát bài “Vui mừng gặp ngày nay mồng tám tháng Tư”. Đây là một cảnh chưa từng thấy(18). Hai bên đường quần chúng đổ ra xem đông đảo và hàng ngàn người đi theo sau đám rước để về chùa Diệu Đế. Đám rước tới chùa Diệu Đế vào lúc chín giờ rưỡi, và quần chúng quy tụ đầy đặc từ trong sân chùa ra tới ngoài đường. Thích Giác Nhiên lên diễn đàn giảng Bát Nhã Tâm kinh trước máy vi âm. Đây là lần đầu tiên có máy vi âm trong một buổi giảng kinh, quần chúng trong chùa, ngoài đường nghe rõ mồn một, và tỏ ra rất thích thú. Máy vi âm này hội đã mượn được của nhà thuốc Võ Văn Vận tận Thủ Dầu Một.
Sáng mồng tám ni sư Diệu Hương giảng kinh Di Đà và tiếp theo ni cô Diệu Viên (còn là Sa Di Ni) lên giảng về đề tài “Phật học đối với phụ nữ”. Lúc ấy người của hoàng gia, theo lệnh của Tam Tôn Cung, mang đến cúng dường một ngàn chiếc đèn lồng thắp ở chung quanh khuôn viên chùa Diệu Đế. Ni cô Diệu Viên giảng xong thì bác sĩ Lê Đình Thám đăng đàn nói về lễ Phật Đản. Đúng chín giờ, xa giá của vua Bảo Đại tới và nghi lễ bắt đầu. Cùng đi với vua có Tôn Cung và các cơ mật đại thần, Viên khâm sứ Pháp cũng có đến dự.
Sau khi cử hành lễ Phật Đản, ban Đồng Ấu đã hát những điệu Phú Lục, Long Ngâm, Đăng Đàn Cung, Lưu thủy, Kim Tiền và Ngũ Đối Thượng. Sau đó Ban Đồng Ấu được Hoàng Thái Hậu tặng 50 đồng…
Ngày hôm sau, các báo trong nước đều có tường thuật về buổi lễ. Riêng báo Tràng An tại Huế đã ra một số đặc biệt để nói về lễ này.
Chính tiếng vang của ngày lễ đã thúc đẩy sự thành lập hội Phật Giáo Bắc Kỳ và khơi nguồn cho những bài đàm luận nên hay không nên chấn hưng Phật học.
Phương pháp phô diễn lực lượng quần chúng sau này sẽ được áp dụng nhiều lần bởi các hội Phật giáo ba miền.
Từ khi hội Phật giáo đầu tiên được thành lập tại Nam kỳ (1931) đến Cách Mạng Tháng Tám (1945), phong trào chấn hưng Phật học có tới mười bốn năm trời để họat động. Phong trào đã thực hiện được những gì trong thời gian ấy?
Đứng về phương diện Phật Học ta có thể nói rằng phong trào đã đạt được nhiều kết quả. Sự có mặt của các tạp chí bằng quốc ngữ (Viên Âm, Đuốc Tuệ, Từ Bi Âm, Pháp Âm, Quan Âm, Tam Bảo, Tiếng Chuông Sớm, Duy Tâm, Tiến Hóa) và một số kinh sách phổ thông vè Phật học (Phật giáo Sơ Học, Phật Giáo Vấn Đáp, Phật Giáo Giáo Khoa Thư … và những kinh bản bằng quốc ngữ như Kim Cương, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm…) đã làm cho sự học Phật trở nên dễ dàng dối với đại chúng.
Thêm vào đó những buổi giảng diễn Phật pháp (không những tại trụ sở trung ương của các hội mà còn tại trụ sở của những chi hội ở các tỉnh nữa) đã tạo cơ hội cho nhiều người làm quen với Phật pháp.
Ngày xưa, khi chữ Nho còn là học thừa của Phật học, chỉ có những người thông hiểu Hán học mới có thể đọc được kinh sách Phật giáo. Tuy vậy, không phải ai biết chữ Nho cũng đều đọc được sách Phật, bởi vì ngôn ngữ Phật học rất khác với ngôn ngữ Nho học. Thời xưa, kinh điển rất hiếm; muốn đọc kinh phải lên chùa mượn và số lượng kinh điển của các chùa cũng rất ít. Mỗi thứ chỉ có một bản. Bây giờ, các kinh sách bằng quốc ngữ có thể mua được tại các chùa thuộc hội Phật giáo, và các tạp chí Phật học được gửi bằng đường “giây thép” tới tận nhà. Các ông cụ bà cụ không biết đọc quốc ngữ cũng có thể nhờ con cháu mình đọc lên cho mà nghe; mà vì đây là sách báo quốc âm cho nên nghe tới đâu là các cụ hiểu ngay tới đó. Ngày xưa, các cụ đi chùa chỉ để lễ bái tụng kinh, học ăn chay và làm việc phúc thiện; bây giờ các cụ có thể hiểu thế nào là Phật Pháp Tăng, thế nào là Tam Bảo, thế nào là Tam Quy, Ngũ Giới, Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên. Sự thành công của các tạp chí Phật học cũng là sự thành công của quốc ngữ vậy.
Các hội Phật học lại đã quy tụ được những nhà học giả và nhà văn tha thiết đến nền quốc học và gây hứng thú học Phật cho họ. Tại hội Phật Giáo Bắc Kỳ, nhiều nhân sĩ đã tham dự vào ban Khảo Cứu Phật Học; trong số đó ta có thể kể các vị Nguyễn Văn Tố, Trần Trọng Thuật, Nguyễn Hữu Tiến, Bùi Kỷ, Lê Toại, Lê Dư, Vũ Như Trác, Nguyễn Văn Vĩnh v.v… Tại tòa soạn Tiếng Chuông Sớm ở chùa Linh Quang (Bà Đá), ta thấy cả Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Trịnh Đình Rư, Mai Đăng Đệ, Nguyễn Mạnh Bổng và Nguyễn Tiến Lãng. Cơ hội học Phật đã khiến cho những người như Trần Trọng Kim và Phan Văn Hùm đạt được những kiến thức Phật học khá vững chãi. Tác phẩm Phật Giáo của Trần Trọng Kim(19) và những bài khảo luận của Bùi Kỷ trên Đuốc Tuệ chẳng hạn đã chứng tỏ được điều ấy.
Đứng về phương diện đào tạo tăng tài, thành quả chỉ có thể được gọi là khiêm nhường. Ngoài Bắc, hội Phật giáo Bắc Kỳ tổ chức hai lớp tiểu học cho tăng ni sinh, một tại chùa Cao Phong ở Phúc Yên, một tại chùa Côn Sơn ở hải Dương. Một lớp trung học được khai giảng tại chùa Quán Sứ, và một lớp đại học được duy trì tại chùa Sở ở Hà Đông. Tổng số các học tăng nội trú của bốn lớp là 69 vị(20). Ngoài ra còn nhiều học tăng và học ni từ các chùa tới học, có vị chính thức, có vị dự thính. Các tổ đình như Hồng Phúc, Linh Quang … không mở Phật học đường mà chỉ triệu tập chư tăng các chùa về học Phật trong những tháng kết hạ. Những tổ đình ấy mỗi mùa an cư có thể quy tụ được khoảng trên đưới một trăm vị tăng sĩ.
Tại miền Trung, hội Phật học mở trường An Nam Phật học tại các chùa Trúc Lâm vào năm 1934 và thu nhận 50 học tăng nội trú. Trường này sau được dời về chùa Báo Quốc. Chín năm sau (sau khi học xong sáu năm tiểu học và ba năm trung học), lớp này thi lên đại học. Lớp này đã đào tạo được khoảng mười vị tăng sĩ xuất sắc trong số đó có thiền sư Trí Quang, Thiện Siêu, Trí Thuyên và Thiện Minh. Về phía sơn môn thì từ năm 1929, Thích Giác Tiên đã rước thiền sư Phước Huệ chùa Thập Tháp Bình Định về chùa Trúc Lâm Huế để mở trường Sơn Môn Phật Học. Lớp học tăng này đã có căn bản Phật học rồi nên mở được xem như một lớp đại học. Trong số các học tăng, ta thấy những vị như Mật Thể, Trí Thủ, Quảng Huệ, Mật Hiển, Chánh Thống, Thiện Trí, Mật Khế. Bốn năm sau, thiền sư Mật Khế, đệ tử của thiền sư Giác Tiên lại mở một lớp tiểu học ở chùa Vạn Phước. Một lớp tiểu học khác lại mở một lớp tiểu học ở chùa Vạn Phước. Một lớp tiểu học khác lại được mở tại chùa Vạn Phước. Một lớp tiểu học khác lại được mở tại chùa Tường Vân, quy tụ được bốn mươi học tăng và một lớp khác nữa tại chùa Từ Đàm quy tụ được hai mươi vị học ni.
Tại Bình Định, một trường Trung Đẳng Phật Học được khai giảng tại chùa Long Khánh năm 1937. Phan Rang cũng mở một trường tiểu học tại chùa Tây Thiên. Tại Đà Nẵng, Phật học đường của Đà Thành Phật Học Hội gồm có hai cấp tiểu học và trung học cũng được khai giảng đầu năm 1937.
Trong Nam, sau khi thúc đẩy mãi mà ông Trần Nguyên Chấn không chịu khai giảng Phật học đường, hai thiền sư KhánhHòa và Huệ Quang liền bỏ về Trà Vinh và lập Liên Đoàn Phật Học Xã (1933). Đây là một Phật học đường lưu động, cứ ba tháng lại thay đổi nơi cư trú. Lý do của sự lưu động này là kinh tế, bởi vì một chùa không thể có đủ khả năng nuôi dưỡng giáo sư và học tăng quá ba tháng. Khóa học đầu được tổ chức tại chùa Long Hòa ở Tiểu Cần, khóa thứ hai được tổ chức tại chùa Thiên Phước ở Trà Ôn. Nhưng sau khóa thứ ba tại chùa Viên Giác ở Bến Tre, Phật học đường lưu động này bị tan rã, vì không có chùa nào đủ sức cưu mang một số tăng sĩ lớn lao trong vòng 3 tháng nữa. Cuối cùng các vị Khánh Hòa, Huệ Quang, Khánh Anh và Pháp Hải, hợp tác với một số cư sĩ tại Trà Vinh, thành lập hội Lưỡng Xuyên Phật Học để làm phương tiện bảo trợ Phật học đường. Năm 1934 Phật Học Đường Lưỡng Xuyên được khai giảng. Phật học đường này đã đào tạo được một số tăng tài trong đó ta thấy có các thiền sư Thiện Hòa, Thiện Hoa, Hành Trụ, Chí Quang, Hiển Thụy và Chánh Quang. Tuy vậy, đến năm 1939 trường bị đóng cửa vì thiếu tài chính và một số học tăng được gởi ra học tại trường Sơn Môn Phật Học Huế. Một số khác đi các tỉnh để mở những lớp tiểu học cho tăng ni: Giác Tâm ở Sa Đéc, Chí Thiện tại Phú Nhuận và Bửu Ngọc tại Kế Sách.
So với số lượng tăng sĩ thất học lớn lao trong xứ, số tăng sĩ được đào tạo tại ba miền không thấm vòa đâu. Số lượng tăng ni được trực tiếp đào tạo không vượt quá số năm trăm vị, trong số dó chỉ có khoảng một phần mười gọi là xuất sắc. Tuy vậy trong khoảng 1945-1975, thiểu số này đã tạo nên được sóng gió trong sinh hoạt văn hóa và chính trị quốc gia.
Đứng về phương diện văn hóa ta có thể nói là phong trào Phật giáo dã góp phần đáng kể trong việc xác định rằng yếu tố Phật giáo là một trong những yếu tố căn bản làm nền tẳng cho văn hóa Việt Nam. Phạm Quỳnh, trong dịp viếng thăm hai Phật học đường Báo Quốc và Tường Vân ngày 29.5.1937, đã nói với học tăng những lời sau đây: “Cái tinh thần Việt Nam của chúng ta đây tất phải nhờ các học thuyết tạo thành, mà xét về đức dục thì một phần lớn là do công nghiệp của Phật học. Phật học đã có ảnh hưởng về luân lý đạo đức trong dân tộc ta như vậy, thì ai là người muốn bảo tồn tinh thần dân tộc Việt Nam tất phải tán thành cho Phật học(21).
Phạm Qùynh là một trong số những học giả tha thiết nhất về vấn đề quốc học. Hồi ấy ông làm thượng thư bộ Quốc gia giáo dục của chính phủ Nam Triều. Báo Nam Phong của ông trước đó cũng đã đăng nhiều bài khảo cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam như bài Phật Giáo Nam Lai Khảo. Tạp chí Đuốc Tuệ có thể nói là tờ tạp chí đóng góp nhiều bài vở nhất về lịch sử các cao tăng Việt Nam thời cổ, về những đóng góp của họ trong sự lập nước và giữ nước: báo cũng đăng tải bản dịch của các tác phẩm Phật giáo Việt Nam cổ điển như Khóa Hư Lục và những áng văn Nôm do các thiền sư xưa sáng tác.
Đuốc Tuệ và Viên Âm ưa đăng những bài nêu rõ tinh thần tự do, bình đẳng và vô úy của Phật giáo để chứng tỏ cho thế hệ ham chuộng tân học thấy rằng những hình thức cầu nguyện, cúng lạy lâu nay họ thấy chỉ là một hình thức của đạo Phật bình dân, rằng chân tinh thần của Phật giáo rất hợp với tinh thần Phật giáo rất hợp với tinh thần thực nghiệm và khám phá khách quan của khoa học và đạo Phật của tuổi trẻ là một đạo Phật không mê tín, không ỷ lại thần quyền, không chán đời, không nhu nhược yếu đuối. Mộng ước thầm kín của tác giả những bài này là sự phối hợp khoa học Tây phương với đạo học Phật giáo sẽ tạo được cho quốc gia Việt Nam một nền văn hóa mới còn giữ được nguyên vẹn cá tính Việt. Các tạp chí Phật học cũng rất ưa đăng những bhài nói về Phật giáo với khoa học, cho rằng trong các tôn giáo chỉ có đạo Phật là đạo “khoa học” hơn cả. Cố nhiên những bài này hướng về phía thanh niên tân học.
Vào khoảng 1940, các hội Phật giáo chú trọng đặc biệt đến giáo dục thanh thiếu niên, nhất là ở Trung Kỳ. Hộ An nam Phật Học mở mọt lớp đặc biệt dạy về Phật học, Lão học và Khổng học cho thanh nbiên tân học.sau đó đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục được thành lập. Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ Lê Đình Thám, vừa có tân học, vừa vững chãi về Phật học, đoàn thanh niên này tiến bộ rất mau chóng. Đến đầu năm 1942 báo Viên Âm được giao lại cho đoàn Thanh Niên Phật Học Đức Dục biên tập. Thể tài Viên Âm biến đổi hẳn và Viên Âm trở thành một tập san gần như của giới tuổi trẻ tân học.
Đoàn Phật Học Đức Dục lập tức tổ chức Phật Học tùng thư, xuất bản sách cho tuổi trẻ đọc. Những tác phẩm Phật Giáo sơ Học (đoàn Phật Học Đức Dục soạn), Phật Giáo và Đức Dục (Đinh Văn Vinh), Đời Vui (Ngọc Thừa), Nghĩa Chữ Cho (Nguyễn Hữu Quán), Thanh Niên Đức Dục (Đinh Văn Nam), Phật Giáo Và Thanh Niên Đức Dục (Phạm Hữu Bình), Đời Sống Vui (Trần Đỗ Cung)… được xuất bản liên tiếp. Đồng thời những lớp thiếu niên nữ Phật tử gọi là (Đồng Ấu) được thành lập dưới sự hướng dẫn của đoàn. Vào năm 1942, đã có 12 đoàn Đồng Ấu được thành lập, mỗi đoàn vào khoảng 40 em. Đại hội Thanh Thiếu Niên Phật Tử ngày Phật Đản năm 1943 quy tụ trên bốn trăm đoàn sinh tại đồi Quảng Tế gần chùa Từ Hiếu đánh dấu sự phát động phong trào thanh niên Phật tử tại đất Việt(22).
Đưa tuổi trẻ vào đạo Phật, đây có thể gọi là một trong những thành công của phong trào phục hưng Phật giáo vậy
Đứng về phương diện chính trị và xã hội, phong trào Phật giáo 1931-1945 đã làm được gì? Năm 1935, Phan Khôi nói ông bực mình vì “các hội Phật giáo xứ ta cứ im ỉm mà chẳng làm gì hết”. Ông đã nói được sự thật: phong trào Phật giáo không trực tiếp vận động chính trị. Không những Phan Khôi, một người ngoài Phật giáo đã nói như vậy mà nhiều người trong giới Phật giáo cũng nóng ruột nói như vậy. Họ cho rằng các hội Phật giáo đi chậm như rùa; nội một việc thống nhất các hội thành một tổng hội mà cũng không làm được, nói gì đến can thiệp vào tình hình chính trị và kinh tế.
Báo Pháp Âm, cơ quan của hội Tịnh Độ Cư Sĩ, xuất bản tại Nam Kỳ (23) đã nhiều lần nói lên sự nóng ruột đó: Ký giả Quốc Trí của báo này viết: “Các ngài định chấn hưng Phật học để cải tạo nền tảng ở nước ta, gây thành một thế lực mà ứng phó với thời cơ, hay là định liên lạc các phần tử Phật gia lại làm một cái đại đoàn để duy trì lấy cái thế lực cho một bọn người quen nghề buôn thần bán Phật? Các ngài định chấn hưng Phật học để rồi đào chú cho nước Nam một bọn người có đức hy sinh, xả kỷ, nhẫn nại, mạo hiểm như Đức Phật Thích Ca, hay sẽ tạo thành cho nước Nam về sau một bọn tín đồ Phật giáo như ở các nước Miên Lào?”(24).
Ký giả Đông Giao trong một bài nhan đề Chấn Hưng Phật Giáo Phải Thực Hành Thế Nào Mới Thấy Kết Quả nhắc đến tai nạn chiến tranh dây dưa trên thế giới, đến những cảnh nghèo đói, bệnh hoạn, dốt nát trong xứ, đến gần mười năm chấn hưng Phật giáo, rồi kết luận là cuộc chấn hưng không có kết quả vì lý do các hàng lãnh đạo Phật giáo chỉ lo tương lai mà không lo hiện tại, chỉ trọng tinh thần mà bỏ quên thực tế, không đề ra được những chương trình và phương pháp thực hành cụ thể. Ông viết: “Cuộc chấn hưng Phật giáo không có ảnh hưởng, không có kết quả, bởi vì không thiết thực với xã hội nhân sinh, chỉ nói suông trong báo chí sách vở mà thôi chứ không có thực hành”(25).
Trong lúc đó tạp chí Tiến Hóa của hội Phật Học Kiêm Tế ở Rạch Giá kêu gọi cải cách Phật giáo một cách triệt để, nghĩa là phải hủy bỏ hình thức đầu tròn áo vuông của tăng sĩ, thiết lập tân tăng như ở Nhật Bản, tham dự vào cách mạng xã hội. Ký giả Giác Tha không muốn đạo Phật mang hình thức một tôn giáo nữa, mà phải xuất hiện ra như một đường lối sống. Ông viết: “Phật giáo muốn khỏi {sa} vào vòng tội ác của tôn giáo, muốn vĩnh viễn tồn tại cứu khổ cho thế gian, thì Phật giáo phải hoàn toàn cải cách… Hiện nay nhân loại ham chuộng khoa học và triết lý mới: họ yêu cầu thực hiện thế giới hòa bình hạnh phúc, là phải thời cho Phật giáo cởi bỏ cái lốt tôn giáo cũ đặng lòi cái mặt thật của mình”(26).
Nhìn hoàn cảnh đất nước thời đó, ta có thể thông cảm được dễ dàng cho sự nóng ruột của những người như Phan Khôi, Quốc Tri, Đông Giao và Giác Tha, và ta cũng cảm thấy các hội Phật giáo đi chậm quá. Ở đây, ta hãy xét những lý do đã khiến cho phong trào Phật giáo không đi nhanh được như những người kia mong muốn.
Trước hết là sự có mặt của những phần tử hữu khuynh trong các hội. Đây là một sự thực, thời nào cũng có. Những phần tử này xem một chứ vị như hội trưởng hay phó hội trưởng của một cái hội là một thế đứng trong xã hội và họ không bao giờ chấp nhận sự đương đầu với những thế lực chính trị kinh tế thống trị. Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học với ông phó nhì hội trưởng Trần Nguyên Chấn là một ví dụ cụ thể.
Lý do thứ hai là một số người lãnh đạo các hội cho rằng thà đi chậm hơn là để cho hội phải bị giải tán hoặc tan rã. Quan niệm này cũng hàm chứa chút ít sự thực, nhưng cũng phản chiếu sự lo âu thái quá về sự tồn vong của một tổ chức. một cái hội lập nên là để có phương tiện thực hiện một ước vọng nào đó,nhưng khi đã có hội rồi thì người ta lại lo lắng cho sự tồn vong của hội, thành ra hội càng ngày càng trở nên một cứu cánh hơn là một phương tiện.
Lý do thứ ba là có những người “chấn hưng Phật giáo là vì Phật giáo chứ không phải vì nhân sinh” như Ngộ Không đã lên án trong bài viết về Phật Giáo Và Xã Hội trong tạp chí Pháp Âm(10).
Pháp Âm, cũng như Tiến Hóa, phản chiếu thao thức muốn xem đạo Phật làm cách mạng xã hội. Hai tạp chí này có thể gọi là tả khuynh trong phong trào Phật giáo. Tiếc thay, gốc rễ Phật giáo của họ không được vững chãi, và thế liên hợp của họ đối với các lực lượng quần chúng Phật tử thời đó còn quá mong manh. Pháp Âm chỉ xuất bản được từ đầu năm 1937 đến giữa năm 1938 là đóng cửa. Tiến Hóa cũng chỉ xuất hiện được từ đầu năm 1938 đến giữa năm 1939 rồi bị đóng cửa. Hội Phật Học Kiêm Tế chứng minh đường lối nhập thế của mình bằng cách tổ chức phát thuốc, chẩn tế, nuôi dưỡng cô nhi. Nhưng hội cũng ngấm ngầm tổ chức kháng chiến bạo động.
Chùa Tam Bảo ở Rạch Giá bị nhân viên mật thám Pháp vây bắt, lục soát. Họ tìm ra được nhiều tạc đạn nội hóa và truyền đơn cách mạng. Hòa thượng Trí Thiền, hội trưởng của hội cùng nhiều cộng sự bị bắt bớ, tra tấn, và cuối cùng bị đày ra Côn Đảo. Ảnh hưởng của hộ Phật Học Kiêm Tế, vì vậy, cũng không được sâu rộng và lâu dài. Nếu chấp nhận một đường lối tranh đấu bất bạo động để Tịnh Phạn cơ sở quần chúng và gây ý thức sâu rộng trong quốc dân, chắc chắn hội đã đạt được những thành công lớn lao hơn. Hội Phật Học Kiêm Tế có thể gọi là không “im ỉm” như Phan Khôi nói, nhưng có lẽ cũng không làm được việc gì mà ông Phan mong đợi.
(Trích Việt Nam Phật giáo sử luận chương 26 của Nguyễn Lang, bút danh của Thiền sư Thích Nhất Hạnh)
——————————————————————————–
(1) Đạo dụ cám Cơ Đốc lần thứ nhất có câu: “Đạo rỗi của người Tây làm mê h oặc lòng người ta. Giáo sĩ Gia Tô làm tà vạy nhân tâm, phá hoại mỹ tục, thật là một mối hại lớn cho nước nhà” (Đào Trinh Nhất trích dẫn trong Việt Nam Tây Thuộc Sứ, Sài Gòn, 1937
(2) Năm 1885, quân đội Pháp từ Vinh và Đồng Hới kéo ra bắn giết và tàn phá các chùa chiền Phật giáo rồi tập trung người Công giáo về gần thành để chiêu mộ vào binh ngũ. Cá lãnh tụ văn thân đã ra lệnh đốt phá nhà thờ để trả thù quân Pháp xúi giáo dân đốt phá chùa chiền là những căn cứ kháng chiến của phong trào Cần vương. Nhiều người Công giáo vì phẩn uất quay lại chống đối kháng chiến.
(3) Hành Sơn: Cụ Trần Cao Vân. Minh Tân Paris, 1952
(4) Võ Trứ là đệ tử của một vị tăng sĩ được gọi là “thầy Đá Bạc”. Vị này tu tại một hang động trên dãy Trường Sơn gọi là hang Đá Bạc, ở vào khoảng giữa hai huyện Phù Mỹ và Phù Cát tỉnh Bình Định. Không biết “thầy Đá Bạc” pháp danh là gì, thuộc hệ phái nào, chỉ biết ông là một sơn tăng chuyên tu tịnh cốc, lúc đến tu ở hang Đá Bạc thì đã vào khoảng bảy mươi tuổi. Năm 1894 ở Bình định có nạn ôn dịch, người chết như rạ, “thầy Đá Bạc” rời hang Đá Bạc xuống chùa Chánh Danh núi Bà Chằn, bắt đầu trị bệnh cho thuốc. Ông chữa đến đâu lành đến đó, khiến danh tiếng ông nổi như cồn trong hai tỉnh Phú Yên và Bình Định. Hàng chục ngàn người đổ xô tới chùa Chánh Danh để xin thuốc. Trong số những đệ tử của ông, Võ Trứ là người hoạt bát hơn cả. Võ Trứ đã từng làm lý trưởng làng Nhân Ân, phủ Tuy Phước, Bình Định. Ta cũng không biết pháp danh của ông là gì. Chắc hẳn “thầy Đá Bạc” đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc vận động khởi nghĩa, vì sau đó chính quyền ra lệnh cấm tụ tập ở chùa Chánh Danh và tróc nã ông. Năm 1895 người ta tìm được thi thể ông trên núi Bà Chằn. Chính quyền an tâm khi nghe tin ấy, nhưng chính từ đó về sau Võ Trứ mới bắt đầu tự thân điều khiển cuộc vận động. Cuộc khởi nghĩa năm 1898 là kết quả của một buổi họp bí mật tổ chức vào rằm tháng Bảy năm Đinh dậu (1897) tại chùa Từ quang ở núi Đá Trắng, Sông Cầu, với sự hiện diện của các tăng sĩ , các vị thân hòa và nho sĩ Trần cao Vân
(5) Hiệu Tây Hồ, người tỉnh Quảng Nam (1872-1926)
(6) Nguyễn Hiến Lê: Đông Kinh Nghĩa Thục. Lá Bối, Sài Gòn, 1974
(7) “Không bỏ chữ Hán thì không cứu được nước Nam”.
(8) Hiệu Sào Nam, người tỉnh Nghệ An (1867-1940)
(9) Hiệu là Tử Long, người tỉnh Hà Đông (1875-1952)
(*) Phong trào thực tế còn là ra Nghệ – Tỉnh và bùng lên dữ dội ở đây vào năm 1908. Người cầm đầu phong trào là Nguyễn Hàng Chi (Can Lộc, Hà Tỉnh) bị xử chém. Một người khác ít biết tên tuổi hơn là Trịnh Khắc Lập (Nghi Xuân, Hà Tỉnh) cũng bị xử chém. Còn các vị khác như Ngô Đức Kế, Đặng Nguyên Cẩn, Lê Văn Huân đều bị bắt đi đày cùng với Huỳnh Thúc Kháng ở Quảng Nam (N.H.C).
(10) “Đi đày Côn Lôn gặp kỳ đại xá cũng không được về”.
(*) Theo Huỳnh Văn Tòng: Lịch sử báo chí Việt Nam. Trí Đăng, Sài Gòn, 1973, thì tờ báo này ra số 1 ngày 1-8-1901 (N.H.C).
(**) Theo Nguyễn Ngu Í: 100 năm báo chí Việt Nam, Bách khoa, số 25, ra ngày 15-1-1966, Sài Gòn, thì tờ báo này ra đời từ 1905 (N.H.C)
(***) Theo Huỳnh Văn Tòng. Sđd, thì tờ báo này ra đời từ 1905.
(11) Lê Dư hiệu Sở Cuồng là một nhà văn. Ông và Phan Bá Ngọc (con của Phan Đình Phùng) đã từng bị Phan Bội Châu nghi ngờ là những người chịu thỏa hiệp với thực dân Pháp trong công cuộc vận động phong trào “Pháp Việt Đề Huề”.
(12) Đăng trong Tiếng Chuông Sớm số 9, ra ngày 12.10.1935
(13) Viên Âm số 2, ra ngày 1.1.1934
(14) Xem Viên Âm số 13 (tháng Hai 1935), số 14 (tháng Tư 1935) và số 15 (tháng Năm 1935)
(15) Đuốc Tuệ số 29 (30.6.1936)
(16) Đuốc Tuệ số 32 (17.12..1935)
(17) Đuốc Tuệ số 2 (17.12.1935)
(18) Ban Đồng Ấu Phật tử này gồm có 52 em vừa nam vừa nữ, huấn luyện tại chùa Phước Điền. Nhạc sĩ Bửu Bác phụ trách dạy nhạc cho các em. Bài Hải Triều Âm do Bửu Bác sáng tác là bản nhạc lễ Phật giáo đầu tiên viết bằng phép ký âm Tây phương. Bài này sau được Gia đình Phật hóa Phổ giản lược hóa và trở thành bài Trầm Hương Đốt. Tuy Trầm Hương Đốt dễ hát hơn Hải Triều Âm nhưng tính chất lễ nhạc dân tộc và Phật giáo trong bài Trầm Hương Đốt bị hy sinh đến quá nửa. Thật là một điều đáng tiếc. Lời của Hải Triều Âm như sau:
Trầm hương đốt, xông ngát mười phương
Vân vân khói kết mây lành cúng dường
Cầu cầu xin lên kim đài quang minh
Ngời đèn Tuệ so sáng cùng quần sinh
Vòi vọi đài sen uyển chuyển hào quang
Quy tâm quỳ dưới kim dung ngọc tướng huy hoàng
Kính dâng hồng diệp liên hoa muôn cành
Chúng con tâm thành xưng dương vô lượng hồng danh
Hoàng đạo diệu huyền đã lan truyền nơi cùng nơi
Đều nhờ chân lý phá vô minh thoát luân hồi
Nguyện cầu quần sinh ly con đường lầm mê
Mau mau thành đạo tam muội tam bồ đề
Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
(19) Tân Việt, Sài Gòn, 1950
(20) Đuốc Tuệ số 159 (1.7.1941)
(21) Viên Âm số 25 (1.6.1937)
(22) Viên âm số 59 (tháng Tư 1943)
(23) Hội Tịnh Độ Cư Sĩ thành lập năm 1936 đặt trụ sở tại chùa Tân Hưng Long, Chợ Lớn. Tạp chí Pháp Âm, số đầu ra vào tháng Hai 1937, do một số cư sĩ có tân học chủ trương, trong dó có Trần Huỳnh, Phan Hiền Đạo và Phạm Đình Vĩnh.
(24) Pháp Âm số 10 (tháng Mười 1937)
(25) Pháp Âm số 7 (tháng Bảy 1937)
(26) Tiến Hóa số 8 (tháng Tám 1938)
(10) Pháp Âm số 5 (tháng Năm 1937)
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Tu hành theo hạnh Dược Sư, chữa lành thân tâm bệnh của chính mình
Kiến thức 13:10 31/10/2024Phật Dược Sư hiểu rõ được những tâm tư nguyện vọng mong muốn của chúng sanh con người, nên phát ra lời nguyện đáp ứng được mọi ước mơ thực tế. Chỉ cần chúng sanh thật tâm tin tưởng biết tu tâm dưỡng tánh nương theo nguyện lực của ngài thì sẽ đạt như ý nguyện.
Yêu thương hơn, hạnh phúc hơn bằng phương pháp “Quán từ bi”
Kiến thức 12:00 31/10/2024Thực hành phép "Quán Từ Bi", một pháp môn rất vi diệu trong Phật Pháp, được Đức Phật hết sức tán thán, ca ngợi về cả công đức thù thắng, lớn lao, cũng như ý nghĩa quan trọng trong việc tu hành viên mãn đức hạnh.
Hạnh nguyện và năng lực gia trì của đức Phật Dược Sư
Kiến thức 11:10 31/10/2024Hôm nay, nhân ngày kỷ niệm vía đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chúng tôi xin nói về mười hai hạnh nguyện của Ngài. Đức Phật Dược Sư còn có tên là Đại Y Vương Phật, Ngài là vị giáo chủ cõi Tịnh Lưu Ly ở phương Đông.
Cảnh cùng khốn
Kiến thức 09:39 31/10/2024Người khéo học đạo thì trước trị trong để dẹp ngoài, đừng tham ngoài để hại trong. Cho nên giáo hóa chúng sanh, cốt yếu ở tâm thanh tịnh. Muốn chánh được người, cố nhiên phải chánh mình trước.
Xem thêm