Góc khuất lịch sử và chuyện hai pho tượng trong chùa Cầu Đông
Phố Hàng Đường không chỉ là “thiên đường” ô mai mà còn có hai pho tượng đặc biệt gây chú ý. Nơi lưu giữ hai pho tượng này là chùa Cầu Đông - nơi duy nhất thờ Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung.
>Những ngôi chùa Việt nên chiêm ngưỡng
Chùa Cầu Đồng - Nơi ẩn chứa những giá trị kiến trúc, nghệ thuật và lịch sử
Chùa nổi tiếng Cầu Đông thuộc thiền phái Tào Động, hiện ở số 38B phố Hàng Đường, phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Chùa có tên chữ là Đông Môn Tự – chùa Đông Môn. Chữ “Đông” nghĩa là phía Đông, còn “Môn” nghĩa là cửa. Sở dĩ có tên gọi này vì xưa kia chùa thuộc thôn Đông Hoa Môn, phía đông của Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, người dân nơi đây lại quen gọi là chùa Cầu Đông vì chùa nằm gần cầu Đông trên dòng sông Tô, bên cạnh chợ Cầu Đông ngày trước.
Cầu Đông vang tiếng chợ chùa
Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương
Mặt ngoài có phố Hàng Đường
Chùa có niên đại khá lâu đời, bản thân di tích có bề dày lịch sử đáng trân trọng. Trong cuốn “Hà Nội phố phường”, tác giả Giang Quân cho rằng chùa Cầu Đông là “di tích cổ từ thời định đô Thăng Long”. Theo truyền thuyết, vào thời Trần (1225 – 1400), chùa được Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung cho tu bổ, sửa sang cảnh quan. Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc có ý kiến rằng Cầu Đông “là nơi duy nhất ở Hà Nội thờ vợ chồng Trần Thủ Độ” nhưng “lý do vì sao thì còn phải tìm hiểu thêm”. Hồ sơ di tích chùa Cầu Đông (do tác giả Nguyễn Thị Hiên, Ban quản lý di tích – danh thắng Hà Nội lập) lại dựa vào câu chuyện trong sách “Thiền phả” của phái Tào Động để xác định niên đại của chùa – được “xây dựng lại” vào cuối thế kỷ XVII.
Chùa nổi tiếng Cầu Đông hiện nay là một quần thể kiến trúc nhìn về hướng Đông, quay mặt về phía bờ sông Hồng. Tam quan chùa nằm sát mặt phố Hàng Đường, là sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố hiện đại và phong cách truyền thống, do vậy không mất đi nét uyển chuyển, mềm mại, phần nào xóa được sự thô cứng của vôi vữa. Khu chùa chính có kết cấu dạng chữ “Công” gồm Tiền đường – Thiêu hương – Thượng điện. Vì gỗ chủ yếu làm theo hai kiểu: vì kèo và giá chiêng biến thể. Vì diện tích đất có hạn nên hầu hết các cột cái đều mang tính chất cột trốn để làm thoáng lòng nhà.
Kiến trúc chùa Cầu Đông và hệ thống di vật phần lớn mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn – giai đoạn cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam. Các cấu kiện gỗ phần lớn được soi gờ, kẻ chỉ; quá giang, kẻ, đầu dư chạm nổi văn thực vật với các mẫu đơn giản, đôi khi là hình cánh sen cách điệu hay chữ Thọ. Nét trang trí sâu, mềm mại tạo sự duyên dáng cho kết cấu gỗ.
Cầu Đông là chùa có số lượng tượng tròn tương đối phong phú (gần 60 pho), một số pho giá trị tạo tác khá cao, điển hình là bộ Tam Thế Phật (niên đại thế kỷ XVIII), tượng Quan Âm Nam Hải (niên đại cuối thế kỷ XVII – đầu thế kỷ XVIII). Ngoài ra, đồ thờ quý của di tích chùa Cầu Đông như nhang án, giá gỗ đỡ bát hương tạo hình tứ vị Kim Cương … là những tác phẩm nghệ thuật hoàn hảo, quý hiếm, thể hiện nghệ thuật điêu khắc tinh tế, tài hoa của người Việt.
Những góc khuất, bí ẩn của lịch sử
Chùa Cầu Đông, cái tên giản dị ấy không chỉ in sâu trong tín ngưỡng của người dân phố cổ, nó đã vào trong ca dao, ở những bài ca đặc trưng miêu tả phố xá Hà Nội xưa:
“Cầu Đông vẳng tiếng chuông chùa
Trăng soi giá nến, gió lùa khói hương
Mặt ngoài có phố Hàng Đường
Hàng Mây, Hàng Mã, Hàng Buồm, Hàng Chum…”,
Trong chùa, ngoài những pho tượng đa số giống các tượng ở các nơi khác thì có 2 pho tượng đặc biệt gây chú ý. Đó là tượng Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung. Đây là ngôi chùa duy nhất thờ 2 người này, dù Trần Thủ Độ là một nhân vật lịch sử rất lớn và Trần Thị Dung cũng là người có một vai trò quan trọng trong việc đưa nhà Trần lên đỉnh cao quyền lực.
Trần Thủ Độ (1194-1264) là một nhân vật đặc biệt quan trọng với triều đại nhà Trần. Trong lịch sử luôn tồn tại những nhân vật kiểu này, dù Trần Thủ Độ không nắm giữ vị trí quan trọng nhất trong triều Trần nhưng nếu không có ông, lịch sử một triều đại có thể đã khác đi. Trần Thủ Độ chính là người “đạo diễn” cho cuộc chuyển giao lịch sử giữa nhà Lý và nhà Trần. Cụ thể là ông đã dàn xếp để Trần Cảnh lấy Lý Chiêu Hoàng và sau đó dẫn đến việc Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng.
Trần Thủ Độ còn là một trong những người quan trọng bậc nhất chèo lái con thuyền nhà Trần trong giai đoạn đầu và củng cố cho nó vững mạnh, phát triển. Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ nhất, ông cũng có vai trò lớn.
Còn Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, người được phối thờ với ông trong chùa Cầu Đông lại có một thân phận đặc biệt. Trần Thị Dung (? -1259) là người đã lấy Thái tử Sảm, người sau này trở thành vua Lý Huệ Tông. Trần Thị Dung là cái gạch nối giao kết giữa dòng họ Lý và dòng họ Trần. Trần Thị Dung là mẹ của Lý Chiêu Hoàng và cuộc hôn phối của nữ vương Lý Chiêu Hoàng với Trần Cảnh cũng như sự nhường ngôi sau đó chắc chắn phải có sự đồng thuận và ủng hộ của bà.
Trần Thị Dung không phải là người nắm quyền trực tiếp trong triều chính nhưng cuộc hôn nhân của bà đã góp phần làm nên bước ngoặt cho dòng họ Trần. Sau khi vua Lý Huệ Tông qua đời, một sự sắp đặt có lẽ không phải là ngẫu nhiên, Trần Thị Dung đã trở thành vợ của Trần Thủ Độ và có lẽ đôi vợ chồng này đã có một quyền lực rất lớn lúc ấy. Lại đặt một giả thuyết, nếu không có cuộc hôn phối này, nhà Trần khó có được vị thế như lúc ấy để thay đổi bàn cờ?
Điều đáng bàn là vì sao Thái sư Trần Thủ Độ và Linh Từ Quốc mẫu Trần Thị Dung lại được phối thờ trong ngôi chùa ở nơi này? Để trả lời chính xác câu hỏi này có lẽ cần thêm thời gian và nghiên cứu.
Hai pho tượng đặt bên trái điện thờ và mặc những trang phục rất giản dị, thậm chí tượng Trần Thủ Độ còn có phần khắc khổ, suy tư. Một bậc tể phụ có quyền lực ngất trời lại trong một vẻ giản dị như thế ư? Và người vợ của ông, bà hoàng của một thời cũng trong một phục trang đơn giản tương xứng. Lịch sử luôn có những góc khuất, bí ẩn và mơ hồ, đôi khi nhìn những cảnh đơn sơ ấy lại gợi được nhiều suy nghĩ, liên tưởng hơn những pho tượng lộng lẫy, sáng ngời...
Và nếu bạn qua phố Hàng Đường, đừng có quên vào chùa Cầu Đông chiêm ngưỡng hai nhân vật từng khuynh loát triều chính một thời nhưng trong một dáng vẻ rất bình dị này.
CÙNG NHAU XIỂN DƯƠNG ĐẠO PHẬT
Tuân theo truyền thống Phật giáo, chúng tôi cung cấp tài liệu giáo dục Phật giáo phi lợi nhuận. Khả năng duy trì và mở rộng dự án của chúng tôi hoàn toàn phụ thuộc vào sự hỗ trợ của bạn. Nếu thấy tài liệu của chúng tôi hữu ích, hãy cân nhắc quyên góp một lần hoặc hàng tháng.
STK: 117 002 777 568
Ngân hàng Công thương Việt Nam
(Nội dung: Họ tên + tài thí Xiển dương Đạo Pháp)
TIN LIÊN QUAN
Dành cho bạn
Chùa Đại Lộc - ngôi chùa Nam tông đầu tiên trên đất Phật
Chùa Việt 15:18 19/11/2024Chùa Đại Lộc tọa lạc tại số 13/46 M-5 Khajuhi, Sarnath, Varanasi – 221007, U.P. (India) - nơi có tháp Chuyển Pháp Luân, là một trong Tứ Động Tâm của Phật giáo tại đất Phật Ấn Độ, Nepal.
Ngôi chùa được phong sắc tứ duy nhất tại Gia Lai
Chùa Việt 09:00 19/11/2024Gia Lai hiện có hàng trăm ngôi chùa, trong đó có nhiều chùa đã qua trăm năm lịch sử. Nhưng chỉ duy nhất chùa Tân An (đường Nguyễn Thiếp, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) được sự công nhận và ban tặng của hoàng gia nhà Nguyễn, gọi là sắc tứ.
Ngôi chùa 900 tuổi đẹp nhất của Hà Nội xưa
Chùa Việt 16:47 18/11/2024Chùa Chiêu Thiền, hay còn gọi là chùa Láng, dù đã 900 tuổi vẫn đứng uy nghiêm giữa lòng Hà Nội với một vẻ đẹp lưu giữ nhiều thăng trầm của thời gian.
Vãng cảnh chùa Hang ở An Giang
Chùa Việt 08:50 18/11/2024Chùa Phước Điền (còn gọi là chùa Hang) tọa lạc trên triền núi Sam (TP. Châu Đốc), với kiến trúc độc đáo, cùng khung cảnh xanh mát, đây là một điểm đến ấn tượng tại thành phố vùng biên.
Xem thêm